Giữ Đạo tại tâm

Quang X Nguyen

“Ta chỉ vĩ đại khi ta cầu nguyện mà thôi.”
“Ta chỉ vĩ đại khi ta cầu nguyện mà thôi.”

Vào một buổi sáng của ngày thứ Hai đầu tuần, tôi nhận được tin nhắn từ một bạn không quen biết: “Thầy ơi, con phải làm sao khi những người bạn, người đồng nghiệp Công giáo xung quanh con không chịu đi lễ.
Con đã khuyên, đã nói đủ cách mà họ vẫn hững hờ, vô cảm với những lời của con. Họ còn nói rằng “Giữ đạo tại tâm cần gì phải đi lễ ở đâu xa cho mệt, cần gì phải lải nhải kinh kệ cho lạc hậu”. Con buồn quá. Con không biết làm gì ngoài việc cầu nguyện để họ thay đổi suy nghĩ mà trở về với Chúa.” Tôi thấy một thoáng buồn nào đó từ người bạn trẻ ngoan đạo kia. Cũng như bạn, tôi không biết phải làm gì với những người có suy nghĩ “Giữ đạo tại tâm” ngoài lời cầu nguyện cho họ. Không lẽ giờ tôi lại bù lu bù loa “Các bạn ơi hãy đi lễ, hãy đọc kinh, hãy sống yêu thương nhau vì như thánh Giacôbê nói đức tin không có việc làm là đức tin chết…”. Vả lại tôi cũng đâu có là gì mà dám lên tiếng với họ.

Đức tin không có việc làm là đức tin chết
Đức tin không có việc làm là đức tin chết
Nhưng bạn ơi! Bạn có thể hỏi họ cho tôi biết thế nào là giữ đạo tại tâm được không? Vì tôi chẳng hiểu thế nào là giữ đạo tại tâm? Phải chăng tâm chỉ cần hướng về đạo? Phải chăng chỉ cần sống tốt với mọi người? Hay phải chăng tâm chỉ hướng về Chúa mà không cần phải lễ lạy, kinh kệ? Nếu thế thì tôi nghĩ những người đó là thiên tài, là thánh sống. Bởi lẽ không ai sinh ra mà không cần phải học hỏi, luyện tập. Bạn muốn biết luật thì ít nhất bạn cũng phải cầm quyển sách luật lên để đọc. Bạn muốn hiểu bài toán thì bạn cần phải hỏi người có khả năng. Bạn muốn mến ai thì cũng phải biết rõ người đó. Và bạn cũng cần phải có phương tiện hoặc cầu nối để làm những điều đó. Cũng vậy, muốn là một Kitô hữu tốt thì ai ai cũng cần phải tìm đến Chúa để Người hướng dẫn, chỉ đường. Và để đến với Chúa, để yêu mến Người nhiều hơn thì ai ai cũng cần đến phương tiện, cần đến một cầu nối. Phương tiện và cầu nối là gì nếu không phải là nhà thờ, linh mục, thánh lễ, giáo lý, kinh kệ…

Viết tới đây, tôi nhớ đến bài chia sẻ của cha Giuse Vũ Thế Toàn. Khi trả lời cho một người phụ nữ về việc chồng chị cứ viện cớ đạo tại tâm để khỏi đi lễ, ngài nói: “Nếu đã nói “đạo tại tâm” thì cũng có thể nói “yêu tại tâm”được. Vậy trước đây khi yêu, sao chồng của chị không yêu tại tâm, chỉ cần ở nhà rồi gọi điện cho chị nói là anh yêu em nhiều lắm, anh yêu tại tâm. Như vậy nó vừa đỡ mất thời gian vừa đỡ mất tiền của. Và nếu thế thì hai người có nên vợ nên chồng được không?”. Nói những điều như thế để thấy rằng “Giữ đạo tại tâm” chỉ là lời ngụy biện của một số Kitô hữu lười biếng mà thôi.

Tôi cũng không biết liệu tâm của những người luôn miệng nói “Giữ đạo tại tâm” có thực sự mở ra để Đạo được ngự trị trong đó không!? Hay đó chỉ là những lời nói chống chế khi có ai đặt vấn đề? Tôi không dám xét đoán một ai trong vấn đề này nhưng điều họ nói làm tôi liên tưởng đến cái ly tràn nước. Nước trong ly chỉ thực sự trào ra khi nước đầy tràn trong ly. Cũng vậy, nếu họ thực sự là một Kitô hữu sống đạo và giữ đạo tốt thì họ sẽ thể hiện một cách cụ thể ra bên ngoài như nước tràn ly. Họ sẽ siêng năng tham dự thánh lễ, hoặc đọc kinh sáng tối, chứ không phải chỉ là lời nói suông “giữ đạo tại tâm”.

Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu chuyện về nhà bác học Louis Pasteur và chàng sinh viên. Chuyện là thế này: Trên một chuyến tàu từ Paris xuống miền nam nước Pháp, có một chàng sinh viên đang cố gắng len lỏi tìm một chỗ ngồi trên tàu. Bất giác chàng sinh viên thấy một ông già ngồi hàng ghế cuối tay cầm chuỗi Mân Côi, miệng lẩm bẩm đọc kinh. Với thái độ khinh bỉ, chàng tới gần ông già và nói: “Ông cần sách báo gì không, cho cháu địa chỉ cháu sẵn sàng gửi cho ông. Thời buổi văn minh thế này rồi mà ông còn lảm nhảm vớ vẩn mấy cái đó”. Ông già gật đầu. Đọc xong chục Mân Côi, ông lấy trong túi ra tấm danh thiếp đưa cho cậu sinh viên. Cậu cầm tấm danh thiếp và đọc: “ Bác Học Louis Pasteur, Giám Đốc Viện nghiên cứu vi trùng học quốc tế, Giáo sư chuyên khoa Đại Học hoá học và sinh vật học.” Cậu như ngã người ra vì cậu không ngờ ông già này lại chính là vị đại giáo sư mà cả thế giới nể phục. Cậu xin lỗi nhà bác học Louis Pasteur, về chỗ ngồi và đăm chiêu suy nghĩ. Còn nhà bác học Louis Pasteur tiếp tục lẫn chuỗi Mân Côi.

Vậy đấy, một nhà bác học vĩ đại như Louis Pasteur còn giữ đạo một cách cụ thể như thế thì mình có là gì mà chỉ cần “giữ đạo tại tâm”. Tôi tự hỏi có khi nào nhờ những lời kinh, nhờ thực hành việc đạo đức mà nhà bác học Louis Pasteur thành công và được mọi người mến mộ như thế chăng?

Để kết thúc bài viết tôi xin phép được trích lại lời nói của nhà bác học Ampère: “Ta chỉ vĩ đại khi ta cầu nguyện mà thôi.”