Nhà thơ Phạm Đình Tân

vanthoconggiao.net
Tên thật: Phêrô Phạm Đình Tân, bút hiệu Bảo Long. 
Sinh năm 1913 tại Bảo Long, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. 
Cộng tác với các báo: Phụ Nữ Thời Đàm, Thanh Nghị, Phụng Sự, Tinh Thần (Hà Nội). 

Ông cùng với ông Phạm Đình Khiêm chủ trương hai tờ báo Thanh Niên và Văn Đàn, rồi lập tủ sách Thanh Niên Chuyên San (1946) và Tinh Việt Văn Đoàn (1950). Năm 1984, ông sang Bỉ và Pháp đoàn tụ với gia đình rồi qua đời tại Paris, 1992.

Thi phẩm: Tiếng Thầm (Hà Nội, 1952); Lời Thiêng (Văn Đàn, Sài Gòn 1960); Nghiên cứu: Ozanam với Hội Thánh (1953), Tòa Thánh La Mã (1960), Trên đường về (1963), Tình Quê Hương qua thi ca (1964), Chúa Cứu Thế với gia đình; Chúa Cứu Thế với Thời Nay; Đức Mẹ giữa chúng ta; Chìa khóa mở cửa thành công; Kiến thiết Tinh thần; Thân phận lao động; Tiểu thuyết giáo dục: Duy Đức, học sinh trinh thám. Nhiều dịch phẩm.

TIẾNG THẦM

Thế Lữ

Tác giả tập thơ này, khi để tôi giới thiệu với bạn đọc, có lẽ đã tưởng lời nói của một người quen thuộc với các bạn yêu thơ sẽ được các bạn tin theo và do đó sẽ chú ý đến cái tác phẩm ông đem trình bày. Sự khiêm tốn của ông thực làm tôi bối rối vì không lời giới thiệu nào xứng đáng với thơ ông bằng những lời du dương đẹp đẽ của thi sĩ.

Vậy muốn chiều ý bạn, tôi tưởng chỉ mời bạn đọc ngâm nhỏ nhẹ trong những giờ thân mật như nhắc lại những Tiếng thầm lặng của tâm tình. Bởi vì thơ của bạn chúng ta cũng là những lời lặng lẽ.

Đó là những tiếng đìu hiu của buổi chiều thu, những vang nhẹ xa xăm của thời dĩ vãng, điệu lạnh lẽo của những giọt mưa thu sùi sụt khi tâm hồn tỉnh thức “đêm nằm lắng tiếng giờ qua lạnh lùng”.

Đó cũng là những nỗi u uẩn của hồn chí khí, ý thương nhớ sâu kín của tâm tư, buồn hối hận của tấm lòng quý trong những châu ngọc bị tan ố. Đó quả là những “Tiếng thầm” như thi sĩ đã mách cho ta biết trước ngay trên đầu tập thơ.

Bạn đọc sẽ lần giở từng trang để cho lòng lẩn chìm trong các hàng chữ để được thấy những cảm xúc mới mẻ, thấm thía và để yêu một tâm hồn kín đáo, “ẩn bóng nương hình” sau những tình, những cảnh, những ý mà ông gợi đến bằng những lời thân mật, tha thiết, êm dịu như giọng vỗ về.

Hải Phòng, Quý Thu Nhâm Ngọ (1942)

(Thế Lữ – Đề tựa thi phẩm Tiếng Thầm của Phạm Đình Tân, trích theo Lê Đình Bảng, Miền Thơ Kinh Cầu Nguyện, tt. 284)


TUYỂN THƠ

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, sương đêm xuống trĩu cành
Xin thương lận đận kẻ điêu linh
Con: người thi sĩ cô đơn quá
Đời đã qua Xuân vẫn khát tình!

Ân ái trần gian nóng lửa rơm
Lửa tàn, tro lạnh dậy u buồn!
Miệng chưa phai vị hương yêu dấu
Mắt đã rưng rưng mọng lệ hờn!

Đời gian giảo lắm, lại tham lam
Lòng mến say sưa giấc mộng phàm
Thắm, nhạt màu thay ngàn sắc mặt
Đòi nhiều, cho ít, vẫn chưa cam.

Dâng mãi lòng son, ý nhiệm thơ
Con theo người bước: vẫn bơ vơ
Bao lần than thở trong canh vắng:
Người vẫn đi qua, chẳng đợi chờ!

Lạy Chúa, xin thương kẻ một mình
Nửa đời đếm mãi bước điêu linh
Cho con, thi sĩ trong tay Chúa
Ca hát đêm nay mối Thánh Tình.
 
TRÔNG LÊN

Biển trời mây sóng, thuyền chim
Trông lên: Thân bé tưởng chìm đáy sâu
Nao nao hồn ngợp ý mầu
Cao thâm xa cảm mối sầu trần gian?
Bao la, vũ trụ bạt ngàn
Không gian tăm tắp: muôn ngàn tâm tư!
Nhìn thôi, mắt hỏi mịt mù:
Trí Thiêng muôn thuở! Cõi bờ là đâu?
Xanh xanh bằn bặt một màu!
Cao cao bàng bạc mây đâu lặng trời!
Bóng chim mỗi phút xa vời!
Ngàn trùng hun hút không lời vọng đưa!
Vô cùng, cao cả ngàn xưa!
Dưới cây hồn nhỏ trông chờ ý thơ
Nói lên, dầu tiếng mơ hồ
Cho trần gian trút khắc giờ hoài u.


ÔI MẸ ÔI!

Ôi, Mẹ ôi! Thánh Tâm lân tuất mãi
Con về đây, lòng rầu rĩ kêu van:
Mẹ cho con ngước nhìn lên tình ái
Của Mẹ hiền trào đổ xuống trần gian!
Đau đớn quá, Mẹ ôi đau đớn quá!
Xác, hồn con kiệt nhược bởi vì đâu?
Mẹ thương con, Mẹ thương con Mẹ nhé!
Mẹ thương con ấp ủ trái tim sầu!
Con nhìn Mẹ, Mẹ nhìn con: thỏa mãn!
Lòng trần gian hòa nhịp ý thiên cung!
Ôi phút giây, ôi phút giây xán lạn!
Ôi phút giây thanh thoát tưởng không cùng!

...còn tiếp...

(trích Có Một Vườn Thơ Đạo, tập II, Lm Trăng Thập Tự chủ biên, tr 24-27)