Ngài dẫn con đi-Cuộc trở về của anh Elliott Suttle

vanthoconggiao.net


Lời giới thiệu: Đây là câu chuyện kể về cuộc trở lại đạo Công giáo của anh Elliott Suttle người Mỹ,

– từng là tín đồ của Hội Giám lý và là một chàng trai từng thờ ơ với tôn giáo. Hiện anh đang sinh sống và dạy tiếng Anh tại một vùng hẻo lánh Nhật Bản. Thỉnh thoảng anh cũng viết về con đường tìm về đức tin của mình trên các blog. Xin cảm ơn cộng tác viên Nga Bom, sinh viên tiếng Anh đã chuyển ngữ, và mời bạn đọc cùng theo dõi !
BBT


*****

Từng nẻo đường Chúa dành cho mỗi người chúng ta thật đặc biệt. Thường thì tôi hay có ý định lưu giữ những chuyện như thế này cho riêng mình, nhưng tôi lại nghĩ rằng có thể nó sẽ hữu ích hơn khi tôi viết ra. Có lẽ đó cũng là ý định của Chúa –Ngài muốn qua tôi để người khác được nhận biết Ngài. Tôi thực sự không chắc liệu đó có phải là thánh ý của Chúa không nhưng tôi tin Ngài sẽ tỏ lộ cho tôi biết qua những dấu chỉ trong tương lai.



Những biến đổi lớn trong tôi bắt đầu từ mùa Phục Sinh năm 2005. Nhưng để câu chuyện được trọn vẹn, tôi muốn nhìn lại những năm về trước- lúc mà chương trình của Chúa bắt đầu thực hiện trên tôi.Thật đáng tiếc tôi không biết mình phải bắt đầu từ đâu, chắc mốc thời gian đó là lúc tôi rời khỏi Đại học. Đáng lẽ ra chương trình của Chúa bắt đầu từ khi tôi còn chưa được sinh ra, nhưng tôi không viết ra bởi đây không phải là một bài tự truyện.



Tôi lớn lên trong một thị trấn nhỏ miền bắc Carolina, bố mẹ tôi dạy tôi phải đi đến nhà thờ vào mỗi cuối tuần mặc dù tôi thấy chẳng có gì để thảo luận ngoại trừ buổi sáng ngày chủ nhật. Mẹ tôi là một tín đồ thuộc giáo hội Trưởng Lão, còn bố tôi lại là một thành viên của giáo hội Baptist, nên khi quyết định kết hôn, bố mẹ tôi đã cùng thống nhất tham dự một nhà thờ của Hội Giám lý, cũng chính vì vậy mà tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ giáo lý của tôn giáo này. Sống trong một vùng quê nhỏ bé, tôi thấy đạo Công giáo hoàn toàn chẳng ảnh hưởng gì đến chúng tôi và người ta cũng không chống lại Hội Thánh Công giáo như các đạo khác ở vùng phía nam. Tôi thậm chí còn chưa từng được nghe biết về Hội Thánh, mãi đến khi tôi tình cờ nghe biết về tôn giáo này, tôi vẫn chưa hình dung ra được có điều gì khác biệt, với tôi, đạo Công giáo cũng chỉ như bao tôn giáo khác mà tôi biết mà thôi. Thực ra cũng có một xứ đạo nhỏ trong thị trấn này nhưng nó dường như không được nhắc đến. Tôi nhớ mãi đến giữa học kỳ, lúc tôi gặp một gia đình Công giáo, tôi mới biết đến giáo xứ đó. Gia đình đó đến từ Maine và họ thường đi ngược đường với chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi gặp họ đi lễ và tôi chỉ ấn tượng cái cảnh họ quỳ gối trong thánh lễ. Tôi từng tưởng cả xứ đạo đó chỉ có một cái bàn quỳ, nhưng không phải vậy.



Mặc dù còn trẻ nhưng tôi thấy thắc mắc khi tôi nghe hai vị mục sư giảng hai ý nghĩa khác nhau về cùng một đoạn Kinh Thánh ; nếu chúng đều nói lên những điều về cùng một đức tin thì đáng lẽ ra chúng phải được giảng dạy giống nhau chứ. Rồi tôi nhận ra rằng Đạo không chỉ là những hoạt động trong buổi sáng Chúa nhật hàng tuần mà còn là trong chính cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Với tôi những năm học trung học là quãng thời gian tồi tệ nhất. Tôi bị bạn bè tách biệt và chúng luôn gây sự với tôi. Tôi hoàn toàn là một đứa trẻ cô độc, khó chịu và thất bại. Mẹ gửi tôi đến cho một mục sư để xin lời khuyên nhưng tôi không nhớ rõ lắm, tôi chỉ muốn nhắc đến bởi tôi vẫn tiếp tục gặp những “người bạn” đó ở trường và nhà thờ. Chúng tôi cùng học chung một lớp Thêm Sức. Dù lớp học là cả thế giới đối với tôi, tôi lại không thể tập trung hết sức mình được vì bọn chúng. Tôi chỉ còn nhớ lúc học về lịch sử của Giáo hội, tôi được dạy rằng Hội Giám lý được tách ra từ đạo Công giáo trong cuộc cải cách Tin lành. Lúc đó tôi rất băn khoăn về việc chia tách tôn giáo này nhưng tôi lại sợ không dám hỏi.

Ngoài gặp gỡ những người mà tôi phải gặp hàng ngày, tôi chỉ thích đến nhà thờ. Đặc biệt tôi rất nóng lòng được chịu phép Thêm Sức. Ông ngoại đưa cho tôi cuốn Kinh Thánh ông đã học khi ông chịu phép Thêm Sức, với tôi nó là một báu vật. Nhưng vào buối sáng chủ nhật tôi được lãnh Bí tích Thêm Sức, tôi bị “Tào Tháo đuổi”. Bố mẹ không muốn tôi đến buổi lễ bởi sợ tôi không chịu được. Nhưng bản thân tôi không thể không tham dự buổi lễ hằng ao ước đó chỉ vì lí do về sức khỏe. Cuối cùng bố mẹ cũng chịu và đi đến buổi lễ Thêm Sức với tôi. Tôi đã phải vào nhà vệ sinh vì sợ cơn đau của mình ảnh hưởng đến người khác trong khi mục sư đang cử hành nghi thức Thêm Sức. Tôi nhắc đến câu chuyện này như một ví dụ về lòng tin của tôi trong giai đoạn này - nó khác xa khi tôi đã tốt nghiệp trung học.

Lúc tôi đang học trung học, gia đình tôi chuyển từ miền nam Carolina về California vì công việc của bố. Thật may là lúc đó Hội Giám lý vừa mới hình thành một nhóm nhỏ các bạn trẻ cùng sinh hoạt hàng tháng ở đây, chúng tôi còn tổ chức buổi cắm trại cho các em nhỏ ở Alaska. Tôi vẫn hào hứng đến nhà thờ mỗi ngày dù không biết chắc việc đến nhà thờ hay tham gia các hoạt động của giáo xứ có ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi hay không.

Khi tôi lên Đại học, mọi thứ dường như thay đổi hoàn toàn – theo một cách không bình thường - mà có lẽ là bởi tôi chưa đủ trưởng thành – tôi trở nên lười biếng và không quan tâm đến đời sống tâm linh của mình. Mặc dù tôi vẫn tin vào Chúa, vẫn ý thức được mình là một thành viên của Hội Giám lý nhưng tôi không còn đến nhà thờ thường xuyên nữa. Phần vì tôi cho rằng không cần phải đến nhà thờ mới gặp được Chúa, phần vì tôi không muốn hy sinh giấc ngủ của mình để tham gia sinh hoạt cùng mọi người. Satan thường dùng những điều được dạy trong Kinh Thánh để thuyết phục và cám dỗ chúng ta rằng những gì chúng ta làm là đúng – với tôi thì nó tách dần tôi ra khỏi Kinh Thánh và dần dần tìm ra lí do chính đáng để thuyết phục bản thân không đến nhà thờ nữa.

Trong chính khoảng thời gian đó, lần đầu tiên tôi gặp tình huống về nạo phá thai, một anh chàng cùng phòng tập thể với tôi hồi năm nhất hỏi tôi nếu có thai thì nên phá ở đâu. Tôi thành thật trả lời rằng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện này và tôi thực sự không biết mình phải làm gì nếu gặp tình huống như vậy. Theo anh ta phải giải quyết trước khi cái bụng dần to ra và khiến mọi chuyện trở nên rắc rối hơn. Tôi không chắc, tôi tự hỏi bản thân: điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời ? Là tương lai của một cô gái lỡ lầm hay quyền được sống của một sinh linh? Tôi biết điều đó thật nhẫn tâm nhưng lúc đó tôi đã nghĩ như vậy. Tôi không cầu nguyện mà cũng chẳng có ý định cầu nguyện nhưng tôi tin Chúa biết rõ nỗi băn khoăn trong lòng tôi. Hai tuần sau, tôi đã có câu trả lời chắc chắn cho bản thân mình, rằng tội giết người là không thể tha thứ dù cho mình có quyền làm điều đó đi nữa. Tôi không còn phải do dự hay dằn vặt vì vấn đề này nữa.

Dần dần tôi không còn tham gia các hoạt động của Hội Giám lý nữa, thậm chí tôi cũng thờ ơ với tôn giáo. Tôi tham gia các khóa học ở trường, đọc các tài liệu, sách vở rồi tự kết luận rằng đạo đức của con người nằm ngoài tôn chỉ của một tôn giáo. Thậm chí tôi còn bác bỏ về tôn giáo và thấy khó chịu khi nói về Chúa và về đức tin. Tôi còn có ý định trở thành một người theo chủ nghĩa vô thần.
Tôi còn nhớ có lần tôi đi ăn tối với bạn, tôi thấy một tờ giấy viết về đạo của anh ta trong xe, tôi đã tỏ ra coi thường, khinh rẻ nó. Phải nói khoảng cách xa vời mà tôi đã tạo ra với Chúa xa cách cỡ nào – nếu không muốn nói là tôi đã xúc phạm đến Chúa quá đáng đến cỡ nào.

Những biến chuyển trong đời sống của tôi xảy đến một cách từ từ, và có một trật tự như vậy…
Tôi đã gọi điện cho người bạn của mình để trò chuyện, và chủ đề chúng tôi nói đến là tôn giáo. Bạn tôi vừa gia nhập đạo Công giáo và anh ta đang rất mãn nguyện vì điều đó. Lúc đó tôi đã thốt lên rằng đó quả là một điều tuyệt vời, tôi chợt nhận ra bản thân cũng đã xa Chúa thật lâu rồi. Điều này tưởng như chẳng liên quan nhưng nó đã thay đổi suy nghĩ của tôi, có phải Chúa đang gọi tôi về với Ngài? Tôi vẫn từ chối Ngài và tiếp tục theo lựa chọn của mình…

Đầu năm 2005, các trang báo đều đề cập đến trường hợp của Terri Shiavo - cô bị hôn mê và phải sử dụng ống thở để duy trì sự sống. Chồng cô có ý định rút ống thở ra để chấm dứt sự đau đớn nhưng gia đình cô hoàn toàn phản đối. Lúc đó, tôi là một khán giả trung thành của chương trình Sean Hannity, mà ông thì hoàn toàn ủng hộ gia đình người phụ nữ đó. Ông dành một thời lượng dài chương trình để giải thích cho khán giả tại sao ông lại phản đối người chồng, ông còn nói lên niềm tin vào Chúa của mình. Hannity và gia đình Terri đều là những tín hữu Công giáo, ông khẳng định rằng không ai có quyền lấy đi mạng sống của người khác, rằng phá thai là một tội ác, ông cũng phản đối tư tưởng văn minh sự chết, ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân mình. Mặc dù tôi không cùng niềm tin tôn giáo với Sean nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với ông về vấn đề này.

Cũng trong khoảng thời gian ấy - thời gian trước lễ Phục Sinh, Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II đang trong cơn nguy kịch. Không bao lâu sau đó ngài qua đời. Dù không có đức tin nhưng tôi biết chắc đó là một mốc quan trọng đối với Hội Thánh này. Tôi quan tâm biến cố đó khi các vị Hồng Y đã bầu chọn Đức Hồng Y Ratzinger làm vị Giáo hoàng kế tiếp.

Hình như Teri Schiavo chết vì đói trong ngày thứ 5 trước lễ Phục Sinh. Chồng cô đã rút ống thở sau khi anh ta thắng phiên tòa, luật sư của anh cho rằng đó là một cái chết thanh thản, bình an. Tuy tôi chưa từng thấy ảnh của người phụ nữ đó nhưng tôi có thể cảm nhận được rằng bị chết vì đói thì chẳng hề thanh thản hay an lành chút nào.

Nếu xâu lại những gì đã xảy ra với tôi thì đúng là những dấu chỉ của Chúa đang chỉ lối cho tôi, nhưng tôi – cũng như bao người khác – đã quá tự mãn vào bản thân mà vô tình bỏ quên chúng. Vào tối thứ 7 vọng Phục Sinh, cuộc sống của tôi hoàn toàn thay đổi. Thay vì chỉ nghĩ đến đánh điện tử, tôi quyết định sẽ đến nhà thờ vào sáng Chúa nhật hôm sau. Giây phút đó, tôi không định hình được bản thân mình từ đâu đến, mọi thứ trong cuộc sống nhạt nhẽo vô cùng. Đến tận bây giờ, tôi vẫn tin chắc chính Chúa Thánh Thần đã tác động tôi, dẫn tôi đến nhà thờ vào buổi sáng hôm ấy. Không hiểu sao lúc đó tôi lại có suy nghĩ là mình phải đến nhà thờ đạo Công Giáo chứ không phải đạo nào khác. Tôi bắt đầu tìm cuốn sổ liên lạc và tìm địa chỉ nhà thờ gần với mình. Tôi sống ở vùng giao nhau giữa Tuscaloosa và Alabama nên tôi khoanh vùng ở gần đó, chỉ có duy nhất một giáo xứ đạo ở vùng này. Tôi xem bản đồ hướng dẫn đường đi để chọn đường phù hợp và tính toán trước thời gian,theo tính toán, tôi phải thức dậy lúc 9h30 để kịp giờ lễ lúc 11h. Tôi hoàn toàn nghiêm túc về việc này, những người xung quanh cũng cho rằng đây là một bước ngoặt trong đời tôi. Với tôi, sẽ là một điều gì đó vĩ đại nếu tôi có thể thức dậy lúc 11h trong ngày cuối tuần. Tối hôm đó tôi chơi game đến nửa đêm mới đi ngủ và cũng chẳng thèm cài báo thức. Sáng hôm sau tôi thức dậy lúc 9h30, vừa ngái ngủ tôi vừa nhớ đến lời hứa với chính bản thân mình và quyết định thức dậy, vệ sinh cá nhân xong tôi lái xe đến nhà thờ theo đường mà tôi đã xem trước đó.

Tôi chọn ngồi ở phía cuối nhà thờ và chờ đến giờ lễ - chờ đợi một điều khác biệt sắp xảy ra. Chẳng có ai ngoài cha xứ, thầy phó tế và các giáo dân ở đây nhưng tôi thực sự cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, Ngài hiện diện nơi đây để lắng nghe con cái Ngài. Tôi cứ nghĩ ở đạo Công giáo, việc rước lễ cũng không quan trọng lắm như đạo Tin lành, thế nhưng hình như không phải vậy, tôi định bụng hỏi người phụ nữ ngồi cạnh mình nhưng rồi lại ngại không dám hỏi. Và tôi quyết định sẽ bắt chước người khác như đầu giờ lễ tới giờ tôi vẫn làm, tôi lên rước lễ như đã là một Ki tô hữu Công giáo thực sự. Ở đây người ta được rước lễ bằng cả hình Bánh và Rượu. Lúc tôi vừa nhận Mình Thánh xong, như có một luồng ánh sáng đánh vào người tôi. Tôi có ý nhấn mạnh cái cảm giác kỳ lạ này-cảm giác bản thân như vừa có một luồng điện chạy qua này tôi chưa từng gặp bao giờ trong đời. Tuy vậy, tôi vẫn bắt chước hành động của mọi người cho đến cuối lễ.

Khỏi phải nói tôi đã băn khoăn đến chuyện này như thế nào. Kết thúc lễ, tôi xin được gặp riêng thầy phó tế. Tôi kể cho thầy nghe toàn bộ câu chyện của mình, từ việc tôi lớn lên trong một gia đình theo Hội Giám lý, những cảm giác khác thường trong buổi tối thứ 7 trước đó, tôi cũng thú nhận lòng tin yếu kém của mình, và cả chuyện tôi đã không hẹn giờ nữa. Nghe xong những điều đó, thầy Fran tin chắc Chúa đã dẫn tôi đến nhà thờ sáng hôm nay, rồi thầy cho tôi thông tin về cô phụ trách lớp Khai tâm Ki tô giáo cho người lớn – bất cứ ai muốn trở thành người Công giáo đều phải tham gia lớp học này.

Trong tuần lễ Phục Sinh, lớp học được nghỉ, tôi đến phòng xứ gặp cô phụ trách. Bình thường thì lớp học sẽ kết thúc và người học đã được gia nhập Hội Thánh trong đêm vọng Phục Sinh nên cô không chắc từ giờ cho tới mùa xuân năm sau có mở thêm lớp Khai tâm Kitô giáo nào không. Tuy vậy cô vẫn lấy thông tin liên lạc của tôi và đưa cho tôi cuốn sách dành cho dự tòng để tôi có thể tìm hiểu trong thời gian chờ đợi. Tôi định sẽ trả lại cho cô sau một tuần nhưng cô bảo tôi hãy giữ nó và có thể một vài tuần sau sẽ gọi cho tôi biết thời gian lớp học bắt đầu, hình như có 18 người dự tòng muốn gia nhập Đạo. Mặc dù vẫn còn hơi lo lắng nhưng tôi cảm thấy rất hào hứng tham gia lớp học. Trong lúc chờ đợi, tôi vẫn đến nhà thờ đều đặn, có điều tôi thấy áy náy khi mình đến nhà thờ Công giáo mà không phải ở đến nhà thờ Hội Giám lý. Thế rồi tôi quyết định gọi cho bố mẹ tôi, thú thật lúc đó tôi rất lo lắng, sợ bố mẹ phản đối việc tôi gia nhập đạo Công giáo mà trong lúc này tôi lại cần sự ủng hộ của họ hơn bao giờ hết. Tôi gọi cho mẹ. Đầu tiên, tôi giải thích với mẹ đầu đuôi những biến đổi trong cuộc sống của mình, những băn khoăn trong lòng và cả những khó khăn tôi gặp lúc này, tôi cũng nói lên mong muốn được mẹ ủng hộ bởi đây là nguồn động lực giúp tôi vượt qua những vấn đề này. Mẹ đã rất sốc khi nghe chuyện của tôi, tuy nhiên bà cũng rất vui vì tôi đã đến nhà thờ trở lại – dù đó là nhà thờ nào đi nữa. Tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng hẳn, tôi đã sẵn sàng đối mặt với những gì sẽ xảy ra với tôi.

Thật may mắn biết bao, lớp Khai tâm sẽ kéo dài suốt cả mùa hè, đồng nghĩa với với việc tôi sẽ có thêm nhiều thời gian để cầu nguyện và để thích ứng với những thay đổi hơn. Tôi thường xin Chúa chỉ cho biết con đường tôi đi liệu có trái với thánh ý của Ngài hay không nhưng tôi vẫn không nhận được dấu chỉ nào cho thấy nó sai cả. Những người tôi gặp ở nhà thờ luôn giúp đỡ và đối xử rất tốt với tôi mặc dù họ chẳng biết tôi là ai, điều đó càng giúp tôi thêm tự tin vào quyết định của mình. Khi lớp học Khai tâm vừa bắt đầu không lâu thì tôi nhận được thông báo mình có cơ hội được đi du học ở Nhật trong 1 tháng. Cô phụ trách lớp đồng ý nên tôi tính sẽ nắm bắt cơ hội này dù tôi cứ đinh ninh rằng chuyến đi này sẽ ngăn cản tôi trở thành một Kitô hữu.

Ngày 9 tháng 10 năm 2005 - ngày đáng chờ đợi nhất trong mùa hè năm ấy - tôi chính thức gia nhập đạo Công Giáo tại Tuscaloosa, Alabama. Nhưng trớ trêu thay, lễ tốt nghiệp của tôi sẽ được tổ chức ngay sau đó nên tôi buộc phải rời xa ngôi thánh đường yêu quý của mình. Tuy nhiên, trước khi rời Alabama, tôi có ghé trang web giáo phận Raleigh và tìm ghi lại các nhà thờ tôi có thể tham dự khi chuyển đến bang Bắc Carolina. Ngay khi tôi đến nơi, tôi ghé các nhà thờ ở đây, sau khi cầu nguyện và cân nhắc kỹ lưỡng, tôi quyết định đăng ký tại nhà thờ Tổng lãnh thiên thần Raphaen ở giáo phận Raleigh. Tháng 4 năm 2006, tôi gia nhậpHiệp Sĩ Đoàn Kha-luân-bố và còn vinh dự được công nhận ở cấp Đệ tứ đẳng.

Cuối cùng, sau bao nhiêu biến cố, tôi đã chọn đức tin Công giáo là niềm tin của mình. Tôi biết cuộc hành trình này chỉ vừa mới bắt đầu. Tôi cũng sẽ như bao Kitô hữu khác, cũng sẽ trải qua những thử thách để bảo vệ lòng tin của mình. Nhưng ít ra tôi đã nghe tiếng Cha và đã trở về với Cha. Vấn đề còn rắc rối vì tôi là người Công giáo theo kiểu vào nhà hàng tự chọn (Cafeteria Catholic). Tôi đã từng bỏ lỡ rất nhiều khóa học và đào tạo trong khi tôi sang Nhật và vì thế tôi vẫn còn chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi Tin lành. Tôi đã chối bỏ rất nhiều chân lý và tín điều đức tin vốn gây ra chỉ trích để trở thành một người Công giáo đúng đắn. Tuy vậy Chúa kiên nhẫn vô cùng và Ngài luôn có kế hoạch của Ngài. Khi tôi chuyển đến Raleigh, tôi phải chờ gần 6 tháng mới có việc, thời gian đó cũng là một cơ hội cho tôi để nhìn lại. Tôi bắt đầu theo dõi đài Công Giáo EWTN, càng ngày tôi càng hiểu rõ về Đạo hơn. Tôi theo dõi như vậy được hơn một năm, cuối cùng một ngày kia tôi chợt có một ý nghĩ: “Tại sao mình tuyên xưng đức tin lại không tin mọi điều đức tin dạy ? Dù sao thì điều đó cũng vô nghĩa”. Tôi nhận ra rằng tôi đã được quyền lựa chọn – và tôi đã chọn Ngài. Tôi quyết tâm tin vào những tín điều trong Đạo và những điều đó sẽ là tôn chỉ trong cuộc sống cuả tôi. Tôi sẽ không nói xạo hay nói rằng mọi thứ đã dễ dàng hơn, nhưng dường như khi đó (và cả bây giờ) tôi phải lựa chọn hoặc là tin tất cả hoặc là quay trở lại những gốc rễ Hội Giám lý.

Sau khi tôi lựa chọn tin theo đạo Công giáo thì cũng là lúc tôi buộc phải chuyển đến thành phố Greensboro. Một lần nữa, tôi lại tìm một giáo xứ mới để có thể sinh hoạt ở đó khi tôi chuyển đến thành phố này. Tôi nói với vị mục tử mới của tôi và cả hai chúng tôi đều đồng ý rằng thiên chức linh mục có thể không phải là đích tôi được kêu gọi tới. Tuy nhiên, ngài đã gợi ý cho tôi thử vào tìm hiểu dòng Biển Đức ở địa phương đó. Một năm sau, tôi gọi cho viện phụ đan viện Belmont và đến đó tĩnh tâm trong ngày cuối tuần. Tôi chưa từng gặp một tu sĩ nào ở đó nên tôi cũng không thể hình dung ra mọi chuyện sẽ thế nào. Tôi đã có một cuối tuần tuyệt vời, và tôi đến đây tĩnh tâm hàng tháng trong vòng 2 năm. Càng yêu cấu trúc giản đơn của tu viện, càng mến sự mộc mạc của con người nơi đây, tôi càng thấy gắn bó nơi này hơn nhưng lại không thể sống ở đây mãi được. Dẫu vậy, tôi vô cùng biết ơn thời gian được ở đây, được các thầy hướng dẫn cho cách thực hành giờ kinh phụng vụ - đó là cách để tôi có thể gặp Chúa và cầu nguyện với Ngài hàng ngày.

Sau đó 2 năm, kinh tế của tôi đã ổn định hơn khi tôi có được công việc mình mong muốn, tôi dạy tiếng Anh ở Nhật. Tôi đánh cược chỉ nộp hồ sơ một lần, nếu tôi có việc tôi sẽ sang đó và không bao giờ quay về nữa, nếu thất bại tôi sẽ tham gia vào ban điều hành Hiệp Sĩ Đoàn Kha-luân-bố và dành thời gian cho những niềm vui của riêng mình. Tôi phải chờ đợi lâu mới biết được kết quả, trong thời gian đó tôi không ngừng cầu nguyện với Chúa, xin Ngài chúc lành cho mọi dự định của tôi dù đôi lúc tôi cũng tưởng tượng ra những lý do mình bị loại. Mùa xuân năm 2013, tôi có được công việc mình chờ đợi.

Chỉ có 0.4 % dân số ở Nhật theo đạo Công giáo, vì thế tôi nghĩ chắc chắn sẽ rất khó khăn trong việc sống đạo khi tôi sang đây. Tôi dạy học tại một vùng hẻo lánh ở giữa 2 xứ đạo, nếu lái xe chắc cũng mất khoảng 1 tiếng để đến nhà thờ gần nhất. Một thánh lễ Chúa nhật bình thường có khoảng 20 giáo dân, nếu đông thì khoảng 30 người, thậm chí có khi chỉ có 10 người, không có ca đoàn phục vụ mà cũng không có ban giúp lễ như các nhà thờ ở phương Tây. Tuy nhiên điều đó càng giúp tôi kết hợp mật thiết với Chúa hơn và kiên quyết giữ vững đức tin của mình hơn.
Tôi không biết con đường Chúa định cho tôi thế nào, cũng có thể tôi sẽ lại quay lại Mỹ và sống cuộc sống như trước đây, cũng có thể tôi sẽ sống mãi ở đây và kiếm một công việc ổn định ở 1 thành phố lớn –nhưng biết chắc tôi đã có Đức tin Công giáo làm kim chỉ nam soi lối trên con đường phía trước.
Xin Chúa chúc lành cho bạn !

Để biết thêm thông tin về Elliott và con đường trở lại của anh, mời bạn truy cập địa chỉ https://latinrite.wordpress.com

Nga Bom chuyển ngữ
Cộng tác viên VTCG