Tìm chiên lạc

Văn thơ Công giáo
Mã số: 16-065
Maria Nguyễn Thị Thu Thảo, 1993, gp Vinh.
(Giải Ba, VVĐT 2016)

Trời tháng Tư nắng như đổ lửa. Cha nhận được bài sai đến một xứ vùng đồng bằng cách thành phố chừng bảy cây số. Nói là đồng bằng, nhưng ngôi nhà thờ lại tọa lạc trên một ngọn đồi đìu hiu được bao bọc xung quanh bởi những cánh đồng lúa. Bên phải nhà thờ có phần mộ của một vị Linh mục được chôn cất mấy chục năm trước. Người dân ở đây kể lại rằng đó là phần mộ của cha xứ cũ. Ngày xưa người dân xứ Yên Lạc sợ bị bách đạo, nên không dám tiếp tế đồ ăn, để cha chết đói. Và kể từ đó, Đức Giám Mục phạt giáo xứ, không cho Linh mục về ở. Hàng tuần, chỉ có cha xứ làng bên đến làm lễ Chúa nhật mà thôi.
Cha hiểu trách nhiệm nặng nề nơi nhiệm sở mới của mình vừa được trao. Một giáo xứ vắng bóng Linh mục lâu năm thì hẳn có nhiều vấn đề cần giải quyết. Cha vào nhà thờ, nằm sấp nơi cung thánh, trước Thánh Thể, cả tiếng đồng hồ. Mồ hôi nhễ nhại. Tiếng ve kêu râm ran trên các cây nhãn và tiếng nhái ngoài đồng ộp ộp cũng không làm cha chia trí. Cha nghe Chúa Giê-su Thánh Thể đang nói với cha hãy đi tìm chiên lạc. Phải rồi. Tìm chiên lạc, đó là việc cần làm đầu tiên.
Cha cho mời Ban hành giáo đến nói chuyện, hỏi han tình hình giáo xứ. Mùa chay năm ấy, cha bắt được khá nhiều “con cá lớn”. Cha đến từng nhà thăm hỏi, động viên và đưa họ đến với tòa giải tội. Sự gần gũi, thân thiện và khiêm tốn của cha cũng chinh phục được nhiều linh hồn. Tuy nhiên, vẫn còn một “con cá rất to” đang vật vã, chống cự khiến cha phải đau đầu.
Một buổi chiều đẹp trời, cha đi dạo thăm dưới làng và dừng lại trước cổng nhà ông Sáu. Cánh cổng chốt hờ bên trong. Mấy con chó đói nằm trong lồng sắt rên rỉ ghen tị với một bầy chó giữ nhà được tự do ra cổng sủa ầm ĩ. Ông Sáu, mình vận cái quần sọoc đỏ đã sờn màu và chiếc áo ba lỗ mỏng manh, lốc thốc chạy ra. Tay ông vẫn còn cầm con dao nhọn đâm tiết chó. Thấy người lạ mặc áo cổ cồn, mắt đeo cặp kính trắng đứng ngoài cổng, ông đoán là cha xứ mới về. Dù không đi nhà thờ, nhưng ra chợ cũng nghe người ta kể về vị Linh mục mới nhiều. Mà kiểu ăn vận như thế này thì chỉ có thể là ông cụ xứ.
- Chào anh Sáu? Anh khỏe không? Công việc vẫn tốt chứ?
- Cụ đến đây có việc gì không?
- Tôi muốn đến thăm gia đình anh thôi. Cho tôi vào nhà chơi được không?
- Xin lỗi. Tưởng là cụ đến mua thịt chó, chứ thăm hỏi thì tôi không có giờ tiếp. Mời cụ về cho.
Nói xong, ông Sáu hất mạnh tay đóng cánh cổng kêu cái sầm, rồi quay vào nhà.
Cha đứng nhìn ông Sáu cho đến khi cái bóng ông khuất hẳn, rồi đành ngậm ngùi bước đi. Mấy con chó cứ sủa dai dẳng, như nỗi ám ảnh đeo bám cha vậy.
Ông Sáu vốn là người sùng đạo. Gia đình ông mấy đời đều làm Ban hành giáo, có tiếng nói và uy tín trong giáo xứ. Thế mà, oái ăm thay, Út Liên, đứa con gái một của ông mới lớn đã yêu say đắm thằng Hân làng bên rồi có bầu. Cái kiểu “ăn cơm trước kẻng” lúc bấy giờ là một hiện tượng hiếm hoi chứ không nhan nhản như ngày nay. Làng xóm đã bắt đầu xì xào, bàn tán rồi chỉ vào cái tiếng Ban hành giáo mấy đời nhà ông mà chửi. Thằng Hân là người bên lương. Nó đồng ý chịu trách nhiệm đưa Liên về nhà sinh con và nuôi, nhưng nhất quyết không theo đạo. Ông Sáu đã đến trình cha xứ, xin cha làm phép chuẩn hôn nhân để lo chuyện cưới xin cho con. Cha xứ không những không đồng ý, lại còn la ông một trận. Cha tuyên bố giữa nhà thờ rằng không ai được đi dự đám cưới con nhà ông trùm. Rồi ngày nào cha cũng đưa chuyện nhà ông ra để nêu gương cho bàn dân thiên hạ. Ông Sáu chuyển từ xấu hổ đến căm phẫn, uất giận. Ông nghỉ làm Ban hành giáo, thôi đi lễ đọc kinh, bỏ xưng tội. Ông hận cha xứ, căm tức dân có đạo rồi sinh ra tính ăn cắp. Ông đi bắt gà, bắt vịt của những nhà đã chỉ trích, kì thị gia đình ông rồi gây rối trong làng. Dân báo công an xã. Ông Sáu bị bắt đi cải tạo năm tháng. Kể từ đó, nỗi uất hận trong lòng ông và gia đình ngày càng lớn.
Sau khi ông Sáu ra trại được hai tháng thì bà Tân, vợ ông đổ bệnh rồi chết. Mọi điều rủi ro cứ đến thăm nhà ông dồn dập. Ông Sáu cấm tất cả anh em, con cháu đến nhà thờ. Đứa em út của ông đi tu học bên Úc về, ông cũng bắt bỏ tu, bỏ đạo. Ông sống bằng nghề bán thịt chó. Ông đi mua chó, có khi là ăn cắp chó trong làng, rồi làm thịt và đưa lên phố bán.

Cha về, tiếp tục những công việc mục vụ ở giáo xứ. Rồi thời gian dần trôi, bộ mặt giáo xứ Yên Lạc trong ba năm trở lại đây đã đổi khác nhiều. Từ một ngọn đồi hiu quạnh đã trở nên một trung tâm hành hương. Đền thánh An-tôn và là nơi nhiều Nhà Dòng và các nhóm sinh viên về tĩnh tâm, linh thao. Cha cũng xây một ngôi nhà nguyện nhỏ và đặt Mình Thánh Chúa suốt ngày, chia phiên chầu cho từng gia đình trong các giáo họ, giáo xứ. Thứ ba, thứ năm và thứ sáu hàng tuần, từ chín giờ sáng đến bảy giờ tối, mỗi phiên chầu một giờ, gồm ba gia đình trong cùng một xóm giáo. Cha đưa ra ý kiến và hỏi tất cả giáo dân trong Thánh lễ Chúa nhật, mọi người đều ủng hộ và nhiệt tình hưởng ứng. Cha bảo các ông Ban hành giáo viết ra bảng danh sách và giờ giấc cụ thể của các giờ chầu, rồi dán trước nhà nguyện một tấm, dán trên bảng tin của xứ và phát về các gia đình. Nếu ai bận vào giờ của mình thì có thể đổi phiên cho gia đình khác.
Khi thông báo được gửi đi, có bà Biên và anh Hưng nhà ở góc sau nhà thờ đến xin gặp cha thắc mắc:
- Thưa cha, giờ chầu lúc ba giờ chiều thứ sáu tuần này… có bị sai sót gì không cha, sao con thấy có ghi tên nhà Sáu thịt chó?- Bà Biên nhanh nhẩu hỏi trước.
- Nhà ông ấy bỏ đạo từ khi nảo khi nào rồi, cha và cả xứ đều biết mà, sao mấy ông Hành giáo còn ghi tên nhỉ?- Anh Hưng nói thêm.
- Nhầm sao được mà nhầm con. Cha bảo ghi tên nhà ông Sáu đó.- Cha đáp hiền từ, vừa nhìn xem phản ứng của hai người thế nào.
- Nhưng nhà họ lâu nay có đi nhà thờ gì đâu cha, lại bị cả làng tẩy chay nữa. Có ghi họ cũng chẳng đi đâu, rồi giờ chầu lại thiếu người…
- Đúng đó cha ạ. Mà nếu không thì xin cha đổi cái tên đó vào giờ khác được không? Gia đình con không chầu chung với cái nhà bỏ đạo, trộm cắp đó đâu.- Bà Biên năn nỉ.
Cha không nói gì. Vẻ mặt chạnh buồn. Cúi xuống một chốc, rồi cha ngẩng đầu lên, nhìn hai người nghiêm giọng:
- Các con đang sống trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Thiên Chúa mời gọi các con sống hoán cải, tha thứ và yêu thương như Chúa Cha. Điều này trong mỗi Thánh lễ cha đều nhấn mạnh rồi…
- Nhưng thưa cha…
- Lòng thương xót của Thiên Chúa đổ tràn trên tất cả mọi người, không trừ một ai. Và những con chiên lạc như ông Sáu và gia đình ông lại cần đến sự tha thứ và hòa giải hơn bao giờ hết. Các con đã chẳng nghe Kinh Thánh nói: Người đau ốm mới cần thầy thuốc ư?
- Thưa cha, chúng… chúng con xin lỗi.
- Các con phải nhận ra tội lỗi và trách nhiệm của mình trong việc này. Trước Thánh Thể, hãy cầu nguyện cho các tội nhân, nhất là gia đình ông Sáu, được ơn trở về.
Chiều thứ sáu hôm đó, giờ chầu chỉ có gia đình anh Hưng và bà Biên, cùng mấy chú nhà xứ. Ba tuần liên tiếp đều như vậy. Đến tuần thứ tư, cha xứ lại tiếp tục bắc loa kêu gọi như những tuần trước. Cha cho quay loa về phía bên trái nhà thờ, nơi có cái ao làng và có nhà ông Sáu.
Đến trưa, một bóng người lảng vảng nơi nhà xứ. Cha vừa ngồi soạn bài giảng xong bước ra, thì thấy ông Sáu, bữa nay ăn mặc chỉnh tề và lịch sự hơn lần đầu cha gặp và mấy lần khác cha ngó qua.
- Này anh Sáu, anh lên thăm tôi à? Mời anh vào nhà uống tách trà cho ấm bụng.
- Chào cụ, tôi lên đây để nói với cụ đừng phát mấy tờ giấy thông báo đến nhà tôi làm chi cho vô ích. Vả lại, cụ cũng đừng có mời gọi trên cái loa phóng thanh nữa. Mấy con chó nhà tôi nghe cụ nói nó cứ sủa ăng ẳng lên, không cho tôi chọc tiết.
- Ồ, tôi không biết là việc đó làm phiền anh như vậy. Thôi, bữa nay anh đã lên đến đây rồi, có điều gì còn uẩn khúc trong lòng thì anh cứ nói ra.
- Nói thật là tôi không ghét cụ. Nhưng tôi hận các Linh mục, hận Giáo Hội và cả dân có đạo nữa. Vì họ mà gia đình tôi nên nông nỗi này…
Cha chăm chú lắng nghe từng lời, từng chữ thốt ra từ miệng ông Sáu. Những lời đó, có những chua cay, tủi nhục; có những oán ghét, hận thù; có những chán nản, tuyệt vọng, có những day dứt, bứt rứt không làm sao gỡ được. Những lời đó, có những điều cha đã được nghe người ta kể, nhưng cũng nhiều điều u uất mà chỉ người trong cuộc mới hiểu và giờ mới được kể ra. Ông Sáu nói, ánh mắt tỏ rõ sự bức xúc nhưng không giấu nổi dòng lệ mặn chát đang chực trào. Nghe xong, như có một động lực nào thôi thúc tự sâu thẳm bên trong, cha quỳ xuống, trước cặp chân khúm núm đứng không vững của người đàn ông làm nghề bán thịt chó.
- Anh Sáu, hôm nay, tôi thay mặt Giáo Hội, thay mặt các Linh mục, thay mặt mọi người dân xứ đạo nơi đây, xin lỗi anh và gia đình. Mong anh tha thứ và trở lại...
Chưa để cha nói hết lời, ông Sáu đã ôm chầm lấy cha, đỡ cha lên, rồi ông sụp xuống sát đất, khóc lóc, xin lỗi. Giọt nước mắt lần này không giống với những dòng lệ chảy ra từ khóe mắt ông Sáu của những năm qua. Chính nhờ sự khiêm tốn, nhẫn nại và quảng đại của cụ Linh mục xứ đã làm ông Sáu cảm động. Ông nhận ra cái sai và sự cứng đầu, cố chấp của mình.
Cha đưa ông vào nhà nguyện. Trước Thánh Thể, chỉ có hai người, cha xứ và ông Sáu.
- Lạy Cha, sau nhiều năm rong ruổi bụi đời, giờ đây, con chiên lạc của Cha, thuộc đoàn chiên Cha giao cho con, đã trở về. Con xin dâng lại cho Cha người con đó. Xin Cha đón nhận, vỗ về và chở che trong vòng tay đầy tình thương xót…
Sau một giờ quỳ thinh lặng, cha giúp ông xét mình và xưng tội. Khi hai người bước ra cũng là lúc hồi chuông và tiếng nhạc báo hiệu giờ lễ chiều thứ bảy. Họ đã quên ăn bữa trưa nhưng lại được no say niềm vui và sự thanh thản.
- Cha ơi, cha có đói bụng không? Còn con, con không ăn trưa mà vẫn no. No mà nhẹ. Như trút được một gánh nặng khổng lồ, bỏ được cái gông ra khỏi cổ.
Cha không nói gì, chỉ cười hiền từ, nhìn ông Sáu trìu mến.
- Cha ơi, tối nay mời cha xuống nhà con ăn thịt chó. Con muốn thết đãi cha con chó mà con đã vừa mổ thịt trước khi lên đây. Số còn lại đang nằm trong cũi, con sẽ bán hết, cộng với số tiền con bán chó lâu nay, con xin mua một bức tượng Lòng Thương Xót Chúa cúng cho nhà thờ.
Ông Sáu chào cha, để cha kịp vào chuẩn bị dâng lễ. Rồi ông lên cầu nguyện tạ ơn trước tượng Đức Mẹ và thánh An-tôn trên đền, sau đó qua phần mộ một bên, đọc kinh và thắp một nén hương cho vị Linh mục quá cố.
Ông Sáu trở lại. Cả gia đình ông trở lại. Mấy tay trùm đánh bạc, đánh đề ở làng trên xóm dưới cũng đến xin trở lại.
Hai tháng sau, một bức tượng Lòng Chúa Thương Xót đã được dựng trên cung thánh nhà thờ. Đó là món quà dâng cúng của những người lâu năm trở lại. Bức tượng được thiết kế đặc biệt theo ý tưởng của cha xứ, có phần rỗng bên trong đủ để đặt những tấm bảng ghi tên những người trở lại trong năm thánh. Cha bảo làm vậy để họ ý thức rằng họ luôn được ở trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.