Lối rẽ một con đường

Văn thơ Công giáo
Mã số: 17-155
Trên bến xe, có nhiều chiếc xe sẽ chạy về thành phố Ban Mê Thuột, nhưng các xe ấy không đi cùng một lúc và không đi chung tất cả các đoạn đường, vì có nhiều lối rẽ…
Chiếc xe tôi đi đã bắt đầu lăn bánh. Sau khi đọc kinh tối, tôi định ngủ một giấc cho đỡ mệt. Đi xe đường dài mà ngủ được là hạnh phúc, chứ không thì cái đầu lắc lư thế nào cũng phải nôn ra một trận. Vừa đeo cái tràng chuỗi vào cổ thì cái túi mang trước người tôi rung lên. Có lẽ là tin nhắn của anh Việt (Viettel) ấy mà, tôi nghĩ vậy. Từ khi đi tu đến giờ, tôi ít liên lạc với mọi người, có chăng chỉ những ngày lễ tết, tôi xin phép dùng điện thoại hỏi thăm bố mẹ, gia đình mà thôi. Đợt này, khi đi đường xa để đến một vùng đất mới, nhận một sứ vụ mới, tôi mới mở điện thoại trở lại, để tiện liên lạc xe cộ. Vì thế, tin nhắn đến thường chỉ là từ cái tên quen thuộc mà tôi thường gọi là anh Việt. Nghĩ thế, nhưng tôi vẫn mở ra để xem.

Không phải. Là tin nhắn của chị Xuân, một người chị tôi từng chơi thân hồi còn là sinh viên.
- Ngọc Lành à, không biết chị gửi tin nhắn này em có đọc được không, nhưng chị cứ gửi. Nếu em mở điện thoại và nhận được tin này, thì nhớ cầu nguyện thêm cho anh Ân với nhé.
Không biết xảy ra chuyện gì mà có vẻ nghiêm trọng nhỉ!? Tôi bấm máy gọi lại ngay lập tức. Phải gọi đến lần thứ ba thì đầu dây bên kia mới trả lời.
- Lành à. Em vẫn được dùng điện thoải hả? Chị cứ nghĩ là tin nhắn của chị sẽ bị trả về. Em khỏe không?
- Cảm ơn chị, em vẫn khỏe. Chị khỏe chứ? Mà có chuyện gì xảy ra với anh Ân vậy chị?
- À,… anh Ân bỏ đạo mình, theo Tin Lành rồi em.
- Nghĩa là sao chị?
- Thì là vậy. Mấy tháng nay, không biết xảy ra chuyện gì mà anh ấy chẳng còn đi lễ Cộng đoàn, lại còn cứ bắt bẻ giáo lý Công giáo và nói nhiều điều nhảm nhí nữa…
- Ủa, thế không phải là anh ấy đi du học à? Hồi xưa anh ấy làm hồ sơ đi ngoại quốc, thi thoảng cứ xin chị em mình cầu nguyện đó mà…
- Có lẽ thất bại cái việc ấy, cộng thêm nhiều khó khăn khác nữa, nên anh ấy sinh ra chán nản…
- Nhưng sao lại chuyển qua Tin Lành?
- Cái đó thì chị không biết. Chắc trong lúc bế tắc, có người Tin Lành dụ dỗ nên anh ấy theo…
Cuộc nói chuyện ngắn ngủi đủ làm tôi thêm thao thức. Anh Ân là người rất sốt sắng, đạo đức và giỏi giáo lý nữa. Hồi sinh viên, anh là người rủ tôi đi lễ và mời tôi cộng tác vào các chương trình thi Kinh Thánh mà anh là người tổ chức. Anh đã từng ngỏ lời yêu tôi, nhưng tôi không đáp trả, bởi từ lâu tôi đã ấp ủ ý định đi tu. Bỗng dưng tôi hơi có ác cảm với cái chữ “Tin Lành”, mặc dù cái tên của tôi cũng là Lành.
Rồi tôi ngủ thiếp đi. Sau một đêm dài trên xe, tôi cũng đặt chân tới miền Tây Nguyên trù phú. Tạm gác lại mọi vướng bận, tôi thở một hơi thật sâu, bắt đầu cho một hành trình mới.
Những ngày mới đến, tôi được đi thăm mấy bản làng dân tộc ở vùng xa. Thi thoảng, cứ cách một quãng dài, tôi lại thấy một ngôi nhà thờ có tháp chuông cao, câu Thánh giá và dòng chữ: “Nhà thờ Tin Lành”. Có vẻ như ở vùng này, người theo Tin Lành rất đông, chứ không như ở quê tôi. Nghe người ta bảo: đạo Tin Lành truyền đạo mạnh bạo lắm. Họ cứ vào trong làng phát gạo cho người dân tộc, rồi dụ họ theo đạo. Chẳng hiểu thực hư thế nào, nhưng nếu đúng, thì động cơ ban đầu xem ra có vẻ không được cao thượng cho lắm, mà cũng có hiệu quả đấy chứ, bởi vì số người theo và giữ đạo ấy vẫn đông. Có lẽ mọi sự đều nằm trong chương trình của Chúa, tôi nghĩ vậy.
Một tuần, một tháng trôi qua, tôi đã bị cuốn theo những công việc, bổn phận mới, và chẳng còn thời gian để nghĩ đến câu chuyện mà chị Xuân kể cho tôi nghe khi còn ở trên xe nữa.
Công việc chính của tôi ở đây là dạy học và quản lí các em dân tộc nội trú. Các em đến xin ở nhà Xơ đông lắm, khoảng trăm em, đủ mọi lứa tuổi, từ mẫu giáo chưa biết a, b, c đến sinh viên Cao đẳng.
Ngày đầu tiên nhận việc, tôi bắt đầu hỏi tên và làm quen với các em. Nhìn tụi nhỏ quê mùa và đơn sơ lắm. Mấy đứa trẻ đôi mắt tròn xoe với nước da bánh mật, chạy lên dòm chị cái rồi bẽn lẽn chạy xuống. Mấy đứa học sinh đang tuổi biết làm dáng thì nhìn tôi vẻ lạnh lùng. Tôi đọc được trong suy nghĩ của chúng: “Chắc là bà chị này khó tính đấy!”.
Ngày thứ bảy cuối tuần, tôi đang loay hoay giúp các em dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa tối, thì một nhóm các em học sinh cấp ba chạy đến, lễ phép thưa:
- Chào chị chúng em về!
- Ủa, các em về đâu?
-  Dạ, tụi em về nhà.
- Nhà tụi em gần hay xa mà sao lại về. Chị tưởng phải một tháng hay vài tháng mới về một lần chứ.
- Dạ, làng chúng em cũng không xa lắm, đi xe máy khoảng 40 phút là đến. Chúng em về đi nhà thờ.
- Ồ, thế các em cũng theo đạo à? Sao không đi lễ ở đây cho gần?
- Dạ, chúng em theo đạo Tin Lành chị ạ. Ngày Chúa nhật, chúng em tập trung ở nhà thờ để nghe mục sư giảng đạo.
- À, ừ. Thế các em về đi. Đi đường cẩn thận nhé. Sáng thứ hai lại lên học chứ?
- Vâng! Chào chị chúng em về.
Bóng mấy đứa đi xe máy đã xa hút, để lại trong đầu tôi một mớ suy nghĩ hỗn độn. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc xúc với người Tin Lành. Không biết những người khác thế nào, chứ mấy đứa trẻ này ngoan phết. Trong nhà nội trú này, những em Tin Lành sống ngoan ngoãn, kỉ luật và chăm chỉ hơn những em Công giáo và bên lương. Tôi dần có thiện cảm hơn về đạo này. Dù sao, họ cũng là anh em tôi, là những người tin yêu cùng một Chúa Kitô, và tôi muốn cùng chia sẻ đức tin với họ.
Những tuần sau đó, tôi bắt đầu để ý hơn đến những em Tin Lành. Bữa nay, chúng mặc áo thun đồng phục, màu cam, phía sau lưng có dòng chữ: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương, Và cứu kẻ nào có tâm hồn thống hối” (Thi Thiên 34, 18)
- Này Mừng, Thi Thiên là sách nào? Ở Cựu ước hay Tân ước?- tôi hỏi thằng Puih Mừng (đứa lớn nhất và trưởng thành nhất trong các em nội trú).
- Dạ, là sách trong Kinh Thánh, hình như là… nằm trong Cựu ước ạ.
Thằng Mừng bắt đầu liệt kê mấy tên sách trong bộ Kinh Thánh Cựu ước. Có mấy cái tên thì tôi hình dung được trong Công giáo dịch là gì, nhưng Thi Thiên thì tôi chẳng biết.
- Em có sách Kinh Thánh ở đây không?
- Dạ, có. Tối nào em cũng đọc. Chị có muốn xem không, để chốc nữa em lấy cho.
- Có, tối nhé. Giờ chị coi các em học bài ý.
- Ok.
Cầm cuốn Kinh Thánh của Mừng, tôi bắt đầu đi tìm cho kì được câu in sau áo tụi nhỏ. Như được Thánh Thần mách bảo, khi chưa mở đến trang đó, tôi chợt cười reo lên vì nghĩ ra sách Thi Thiên chính là Thánh Vịnh, và quả đúng như thế. Cuốn Kinh Thánh của thằng Mừng còn kèm thêm một cuốn sổ nhỏ chi chít chữ ghi những điều mục sư giảng. Tôi đọc chăm chú.
- Này, em có cuốn sách nào học về Kinh Thánh hay nữa không, cho chị mượn đi.
- Dạ có.
Nói rồi thằng Mừng chạy về lấy cho tôi mấy cuốn sách học Kinh Thánh Căn Bản gì đó.
Người Tin Lành xác tín vào Thiên Chúa của họ thật, và họ sẵn sàng rao giảng về Đức Giêsu cho bất cứ ai họ gặp, như một mệnh lệnh bắt buộc. Điều này tôi đọc được từ trong cuốn sách mà thằng Mừng đưa cho, và ngay trong cách truyền đạo của Mừng. Bỗng dưng tôi suy nghĩ về đạo Công giáo. Có lẽ tinh thần rao giảng Phúc Âm của người Công giáo còn thua người Tin Lành, bởi không phải bạn trẻ nào cũng dám nói về Chúa, giới thiệu Chúa cho người khác như vậy. Tôi cũng thầm cười một mình với suy nghĩ trẻ con: Tôi- Lành- thao thức rao giảng Tin Mừng; còn thằng Mừng- lại hăng say truyền bá Tin Lành. Tất cả, dù cách dịch có khác nhau, thì Chúa Kitô và Lời của Ngài vẫn là một, và lệnh truyền rao giảng Phúc Âm vẫn luôn vang vọng mãi.
Ngày đầu năm Dương lịch, tôi đi cùng Ma Xơ vào làng thăm các em dân tộc nội trú. Sau Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng tôi chạy xe băng qua những dải rừng cà phê bạt ngàn. Làng chúng tôi tới thăm là làng Breng, làng của thằng Mừng, thằng Âu, thằng Chiêm, con H Poih, con A Măo… Nhà đứa nào cũng khá giả, nhà thằng Mừng còn có cả ô tô nữa. A ma, a mị (bố, mẹ) chúng nó đều làm nghề giáo và văn minh hơn rất nhiều những gì mà trong đầu tôi tưởng tượng.
Sau khi đến thăm hỏi các gia đình, tôi muốn đi xem cho biết Nhà thờ Tin Lành trông như thế nào, vì từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ thấy. Và nguyện vọng của tôi được đáp ứng ngay, vì người Tin Lành rất hăng say giới thiệu Chúa, giới thiệu nhà thờ của họ. Đi qua một cái sân bóng lớn là đến ngôi nhà thờ có dòng chữ: SANG ƠI ADAI Plei Breng. Tôi không hiểu cái chữ in hoa, chỉ biết Plei Breng là tên cái làng ở đây. A ma thằng Mừng đi tìm người giữ cửa nhà thờ để mở cửa cho tôi vào xem. Khuôn viên nhà thờ này mới được đổ đất, nâng cấp rất rộng rãi, có cả một cái sân bóng lớn cho tụi thanh thiếu niên vui chơi vào các ngày Chúa nhật. Tụi thằng Mừng, thằng Chiêm, thằng Âu… cũng thế. Tụi nó mời Xơ đến nhà chơi, nhưng chỉ ở nhà chờ Xơ đến và chào Xơ một tiếng, rồi để a ma, a mị chúng tiếp chuyện, còn tụi nó chạy đến nhà thờ để đi lễ, nghe giảng và vui chơi cả ngày trên đó. Thăm xong nhà thờ Tin Lành thì trời cũng đã xế chiều. Bóng cây Thánh giá trên chóp nhà thờ chiếu xuống đất đã tắt. Tôi nhìn lên Trời để thầm thì với Chúa một tiếng cám ơn và bắt đầu ra về, thì bỗng dưng thấy phía cuối khuôn viên nhà thờ, cạnh vườn nhà mục sư có một bóng người nào đó rất quen. Tôi quay lại. A mị thằng Mừng hỏi:
- Chị tìm gì à?
- A mị Mừng ơi, con thấy người thanh niên bên kia quen lắm! Có phải ảnh là người trong làng không?
- À, không. Anh ấy là chứng nhân Giê-hô-va, mới đến Plei Breng này được mấy tháng, để giúp mục sư giảng Tin Lành. Anh ấy là người Kinh, hình như quê ở vùng ngoài Bắc đó chị.
Chưa để a mị Mừng nói hết câu, tôi đã chạy ngay lại chỗ người thanh niên đó. Hết sức bất ngờ, tôi thét lên:
- Anh Ân? Có phải anh Ân không?
- Ôi, em Lành! Làm sao em lại ở đây?
- Chúa ơi! Con không hiểu chuyện gì đang xảy ra trước mắt con. Tại sao? Tại sao hả anh Ân? Tại sao anh lại theo Tin Lành? Tại sao?
- Anh đang rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Anh đã giúp rất nhiều người đồng bào ở đây biết đến Chúa Kitô. Chẳng lẽ việc đó khiến lương tâm anh cắn rứt sao?
- Nhưng… Em phải nói làm sao nhỉ? Em không ác cảm với đạo Tin Lành, vì tất cả đều là anh em. Nhưng tại sao là anh? Tại sao anh lại bỏ Công giáo để theo Tin Lành. Anh đã từng rất xác tín về những giáo lý của Hội Thánh Công giáo. Anh còn nhớ những ngày ở Hà Nội, tụi mình tổ chức thi Kinh Thánh Mùa Chay và Phục Sinh, những buổi dâng hoa kính Đức Mẹ tháng năm, rồi những đêm đội mưa lên Nhà Thờ Lớn để tham dự giờ chầu nửa đêm để hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và toàn Giáo Hội?...
- Có những chuyện xảy đến khó có thể nói được em à! Nhưng anh tin là mọi sự không nằm ngoài ý Chúa. Em đi tu có bình an không?
- Em vẫn bình an. Thế anh vẫn lần hạt Mân Côi chứ?
- À. Cái đó… Anh không còn thường xuyên lần chuỗi. Nhưng anh không mất niềm tin vào Đức Mẹ. Dù sao, cuộc đời anh đã mang ơn Bà rất nhiều.
- Anh coi- Tôi rút trong túi ra tràng chuỗi màu xanh ngọc bích mà anh Ân tặng tôi năm năm trước, trong ngày lễ bổn mạng của mình- Khi tặng em tràng chuỗi này, anh đã nói gì? Anh dặn em dù có chuyện gì xảy ra thì cũng không bao giờ quên cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi…
Anh Ân không nói gì, chỉ lặng lặng cúi mặt xuống đất. Bỗng dưng, tôi thấy mông lung. Không biết có phải vì quá nhiệt tâm mà tôi đã phản ứng hơi thái quá chăng?
- Lành ơi, về nhanh thôi, tối trời rồi- tiếng Ma Xơ gọi tôi từ đàng xa.
- Anh Ân, em xin lỗi. Đáng ra gặp lại nhau phải vui, mà em đã làm cho nó căng thẳng. Đến giờ em phải về lại Tu viện. Mong anh được bình an!
- Xin lỗi em, Lành. Hẹn gặp em một ngày không xa…
Tôi chạy vụt đi như để trốn tránh một điều gì đó không thể gọi tên, và không thèm ngoái đầu lại để anh không thấy hai giọt nước mắt còn nóng hổi đang chực trào ra trên khóe mắt tôi. Từ cái gương chiếu hậu của xe Honda, tôi cũng thấy anh Ân rút từ trong cổ áo một tràng chuỗi bằng gỗ sồi ra và nhìn đăm chiêu. Đó là tràng chuỗi tôi tặng anh sau chuyến hành hương La Vang năm 2012…
Về lại Tu viện, tôi quỳ trước Thánh Thể Chúa cả tiếng đồng hồ. Trước mắt tôi là Nhà Tạm có đặt Mình Thánh Chúa, và phía trên là tượng chịu nạn bằng gỗ rất lớn, nhưng trong đầu tôi lại cứ hiện lên hình ảnh của ngôi Nhà thờ Tin Lành mà tôi vừa đến thăm, ngôi Nhà thờ không có Nhà Tạm và không có một cái ảnh tượng nào. Tôi hỏi Chúa rất nhiều điều, mà Ngài vẫn cứ lặng thinh. Tôi không biết phải diễn tả tâm trạng mình ra sao sau một chuyến đi vào làng như vậy, vì trước khi gặp lại anh Ân, thì những gì đọng lại nơi đạo Tin Lành, ngôi thánh đường và con người ở đây trong tôi rất đẹp. Nhưng tại sao khi gặp lại anh, tôi lại thấy buồn? Có phải vì tôi không thể chấp nhận được việc một người thân của tôi là Công Giáo chuyển qua Tin Lành chăng, vì trong lòng tôi, Hội Thánh Công giáo vẫn là Giáo Hội chân thật nhất với bốn đặc tính Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Bỗng dưng tôi xác tín mạnh mẽ về niềm tin và Giáo Hội của mình hơn bao giờ hết, một Giáo Hội hiệp nhất dưới sự dẫn dắt của một vị chủ chăn là Đức Giáo Hoàng ở Rôma. Nhưng tôi cũng suy nghĩ về câu nói của anh Ân: “Không có điều gì xảy ra ngoài ý Chúa”. Thực ra, sự dữ xảy ra không phải là ý định của Thiên Chúa, mà do tội lỗi của con người, nhưng Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành. Điều này tôi vẫn luôn xác tín. Sự chia rẽ trong giáo Hội là do tội lỗi con người, nhưng Chúa đã dùng chính biến cố này để có nhiều cách thu phục con người. Có một con đường để đi, nhưng có thể có nhiều ngả rẽ. Có ngả rẽ giúp người lữ hành nhanh đi đến đích, nhưng cũng có những ngả rẽ làm họ phải cuốc bộ lâu hơn. Người ta đang đi chung một con đường, đến một điểm nào đó, họ bất mãn với nhau nên muốn rẽ sang một con đường khác, con đường mà họ nghĩ sẽ nhanh hơn, dễ dàng hơn. Chỉ mong trên những ngả rẽ ấy, họ thấy cần sự đồng hành của anh em- những người họ đã bỏ lại đầu ngả rẽ; và những ngả rẽ ấy cuối cùng đều về đến đích, để phía cuối con đường tất cả đều gặp nhau trong niềm vui và gặp được Người mà họ hằng mong đợi. Có lẽ là vậy. Anh Ân cũng bảo là anh đang hạnh phúc, lương tâm anh không cắn rứt, và anh giúp nhiều người biết Chúa Kitô còn gì. Chúa đã trả lời và an ủi tôi như thế. Từ hôm nay trở đi, tôi tự hứa với Chúa mỗi ngày sẽ đọc thật sốt sắng Kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Tôi tin sẽ có một ngày, tất cả những con chiên của Chúa đều quy tụ về một ràn chiên duy nhất có vị mục tử tốt lành là Chúa Kitô.