Những đặc tính của người tông đồ

Quang X Nguyen


Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã nói: “Nhân loại ngày nay không cần nhiều thầy dạy, nhưng cần các chứng nhân”. Tông đồ là người làm chứng cho Chúa Kitô. Qua người tông đồ, Chúa Kitô được nhận biết và yêu mến.


Người tông đồ theo định nghĩa của cha Matêô, là “chén đầy Chúa Giêsu và tràn phần dư cho các linh hồn”. Người tông đồ, do đó, là người hiểu biết thầy mình nhiều hơn những người khác. Vì hiểu biết thầy mình, nên họ cũng tha thiết, yêu mến, hãnh diện về thầy của mình. Một trong những hành động chứng minh sự hiểu biết và yêu mến ấy là say sưa, miệt mài làm cho những người khác cũng hiểu biết, yêu mến và trở thành những môn đệ như chính mình. Tóm lại, người tông đồ hay chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô là người hiểu, yêu, và mật thiết với Ngài, trong khi miệt mài, hăng say giới thiệu ngài cho những người khác.


ƠN GỌI TÔNG ÐỒ

“Hôm sau, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quay lại, thấy hai ông đi theo mình thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Rabbi (nghĩa là thầy), thầy ở đâu?” Ngài bảo họ: “Hãy đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Ngài ở, và ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều.

Andrê, anh Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe Gioan nói và đi theo Chúa Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là Simon, và nói: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messiah (nghĩa là Ðấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Cephas (tức là Phêrô)”.

Hôm sau, Chúa Giêsu quyết định đi tới miền Galilêa. Người gặp Philípphê và nói: “Hãy theo ta”. Philípphê là người Bethsaida, cùng quê với Andrê và Phêrô. Philípphê gặp Nathanaen và nói: “Chúng tôi đã gặp Ðấng mà sách Luật Maisen và các tiên tri nói: đó là Giêsu, con ông Giuse người Nazareth.” Nathanaen liền bảo: “Ở Nazareth có gì hay đâu”. Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem”. Chúa Giêsu thấy Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông: “Ðây thật là người Isaren không có gì quanh quéo”. Nathanaen hỏi Ngài: “Làm sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi người, ta đã thấy ngươi đang ở dưới cây vả”. Nathanaen nói: “Thưa thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israen” (Gioan 1:35-49).

ÐẶC TÍNH NGƯỜI TÔNG ÐỒ

Disciple = tông đồ, đệ tử, gồm 8 mẫu tự bắt đầu với những ý nghĩa có thể coi như những đặc tính tiêu biểu:

D - Discover:    Khám phá, tìm kiếm, tìm hiểu.
I -  Imitate:      Bắt chước, mô phỏng.
S - Sacrifice:    Hy sinh, quên mình.
C- Call:           Kêu gọi, được kêu gọi.
I - Irradiate:   Chiếu sáng, dọi sáng.
P - Pray:         Cầu nguyện.
L - Love:         Yêu mến.
E - Energize:  Năng động, nhiệt tâm.

Tám đặc tính trên là những đặc tính trung thực của người tông đồ đích thực. Nhưng quan trọng nhất vẫn là người ấy cần phải được kêu gọi, được mời gọi bởi chính Chúa. Nếu người tông đồ không năng động, tìm kiếm và hy sinh vì Chúa, thì lời mời gọi “Hãy theo ta” của Ngài sẽ trở thành vô giá trị. Hay ngược lại, nếu ai đó được Chúa mời gọi nhưng lại ươn lười, lơ là, hoặc không màng chi đến lời mời gọi ấy, thì đời sống của họ cũng không mang lại ích lợi gì trong ý nghĩa tâm linh, và họ cũng không phải là nhân chứng cho Ðấng đã kêu gọi họ. Vậy người tông đồ là gì, và đâu là những nét đặc thù của người tông đồ?

Discover - Khám phá, tìm kiếm.

“Thưa Thầy ở đâu” (Gioan 1:38). Câu hỏi của hai Tông Ðồ đầu tiên là câu hỏi phản ảnh tính chất tri thức của những môn đệ sau này. Ðây là một hành động khôn ngoan, thận trọng và chừng mực. Một chọn lựa có suy tính, gạt ra ngoài tính nông nổi, bốc đồng. Có thể lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã nổi nang và được nhiều người biết đến, nhưng dầu sao các Tông Ðồ vẫn cần có thời gian, hoàn cảnh thuận lợi để hiểu và biết rõ về Ngài hơn. Hiểu được tâm lý này, nên Chúa Giêsu đã nói với các ông: “Hãy đến mà xem” (Gioan 1:39).

Không ai có thể nói mình yêu mến Chúa Giêsu mà lại không biết Ngài là ai? Một sự hiểu biết đem ta đến gần Ngài, yêu mến, và sẵn sàng trở nên chứng nhân của Ngài như các Tông Ðồ tiên khởi. Nhưng không thể biết Ngài, nếu chúng ta không để tâm tìm kiếm và khám phá ra Ngài chung quanh cuộc sống, và qua những người mà chúng ta vẫn thường ngày giao tiếp. Các Tông Ðồ tiên khởi, sau khi nghe Chúa mời gọi, “Hãy đến mà xem” thì họ “đã đến xem chỗ Ngài ở, và ở lại với Ngài ngày hôm ấy” (Gioan 1:39).

Chúa Giêsu tuy Ngài đã giáng trần, mặc xác phàm và mang lấy thân phận con người, nhưng sứ mạng trần thế của Ngài đã chấm dứt, và Ngài đã về trời. Ngay cả những gì chúng ta biết về Ngài qua Thánh Kinh cũng chỉ là những cái biết của tri thức, nó hết sức trìu tượng, và phải nhờ vào đức tin. Chính vì thế, chúng ta phải để tầm nhìn đức tin của mình trải rộng qua những con người bằng xương bằng thịt, và những sự việc rất thường tình mà qua đức tin chỉ cho chúng ta thấy dung mạo của Ngài. Nói một cách khác, sự hiểu biết ấy phải là sự hiểu biết nối kết giữa khối óc và con tim. Trong văn chương bình dân Việt Nam cũng có câu: “Vô tri bất mộ”. Không biết, không yêu mến.

Nhưng làm sao để người tông đồ có thể biết được về Chúa Giêsu, nhất là để cho sự hiểu biết ấy chinh phục được con tim của mình. Ðiều này đòi hỏi phải có sự học hỏi, tìm kiếm, và suy niệm thật nhiều. Chúa Giêsu không phải là vị lãnh tụ, nhân vật nổi tiếng nào đó mà chúng ta muốn biết là biết. Ngài là Thiên Chúa, và Ngài vượt trên mọi người, vượt trên cả tri thức của con người. Do đó, để biết Ngài, chúng ta hãy đọc, suy ngắm, và sống theo Tin Mừng của Ngài. Và trong cách thực hành ấy, điều cần thiết nhất là phải mở rộng con tim mình để vươn tới những ai nghèo khổ, bệnh tật tinh thần và thể xác, túng thiếu, và bị bỏ rơi mà Ngài đã gọi họ là “những anh chị em nhỏ bé nhất ” của Ngài: “Ta bảo thật các ngươi, khi các ngươi làm những việc ấy cho một anh chị em nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25:40).

Mẹ Têrêsa tại chiến tranh Lebanon năm 1982

Chân Phước Têrêsa Calcutta đã nhìn thấy Chúa qua những người anh chị em hèn mọn ấy. Suốt cuộc đời Mẹ, Mẹ đã tìm gặp và đã yêu mến Chúa qua những bệnh nhân phong cùi, những người nghèo khổ và bệnh thật, những trẻ em bị bỏ rơi bên lề đường, xó chợ, và quanh những chung cư nghèo hèn, ổ chuột. Con đường tìm gặp và yêu mến Chúa Giêsu của Mẹ giờ đây đang được hàng ngàn chị em Nữ Tử Bác Ái của Mẹ đi theo. Ngoài ra, người tông đồ còn phải thường xuyên hâm nóng sự mật thiết với Chúa Giêsu bằng đời sống cầu nguyện như sẽ được trình bày dưới đây.

I - Imitate: Bắt chước, mô phỏng.

Bắt chước, mô phỏng cũng là đặc tính của người tông đồ. Bắt chước Thầy của mình, và mô phỏng cuộc sống Thầy bằng những hành động cụ thể như Chân Phước Têrêsa Calcutta và các vị tông đồ khác đã làm. Sau khi tự ý hạ mình rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói với các ông: “Thầy đã làm gương để các con noi theo mà bắt chước” (Gioan 13:15). Câu nói này, Ngài cũng muốn nói với tất cả chúng ta, những môn đệ của Ngài. Người tông đồ không thể trổi vượt hơn thầy mình. Bắt chước Chúa Kitô, người tông đồ cũng phải khiêm nhường, hiền từ, khiết tịnh, khó nghèo, và vâng phục. Chính Chúa Giêsu đã khiêm nhường, hiền từ chấp nhận mọi lời xỉ nhục, mọi đòn vọt, phỉ nhổ, và cái chết nhục nhã, đớn đau trên thập tự giá bằng tất cả tinh thần tuân phục Thánh Ý Chúa Cha. Thật vậy, tự nhiên Ngài không muốn những chuyện đó xẩy đến cho mình, nhưng chỉ vì Thánh Ý Chúa Cha đã muốn như vậy: “Lạy Cha, nếu có thể xin cất chén này xa con. Nhưng đừng theo ý con, một xin vâng theo ý Cha” (Mt 26:39).


Chúa Giêsu đã khiêm nhường chấp nhận mọi lời xỉ nhục, phỉ nhổ, và cái chết nhục nhã, đớn đau trên thập tự giá bằng tất cả tinh thần tuân phục Thánh Ý Chúa Cha.

Ngài đã nêu gương khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh để bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài cũng phải sống và hành động như vậy.

Con người, nhất là con người ngày nay mấy ai muốn đề cập đến những từ ngữ khó nghèo, vâng lời, khiết tịnh. Những từ ngữ hiền từ, khiêm nhường, thứ tha và bác ái. Và nếu có ai đề cập đến những từ ngữ ấy, muốn sống lối sống ấy liền bị cho là lạc hậu, là bi quan, là chán đời. Ngược lại, con người và nhất là con người ngày nay có khuynh hướng đề cao tiền của, sắc đẹp, bằng cấp, địa vị, và quyền lực. Do đó, rất ít người muốn đi theo con đường Chúa Giêsu đã đi. Ít người muốn sống theo tinh thần Phúc Âm, đó là hiền lành, khiêm nhường, bác ái, vâng lời, khó nghèo, và khiết tịnh. Những hiện tượng đồng tính, hôn nhân đồng tính, phá thai, ly dị, tôn sùng sắc đẹp, đề cao quyền bính và giàu sang là những tinh thần đang choán ngợp đời sống con người hiện nay. Ai thiếu những thứ đó đều bị coi thường và bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Do đó, để trở thành những tông đồ đích thật, người tông đồ phải bắt chước, mô phỏng, và sống theo lối sống của Chúa Kitô. Người mà họ đã được mời gọi, và bị chinh phục để làm chứng nhân cho Ngài.

S - Sacrifice: Hy sinh, quên mình.

Ðặc tính thứ ba của người tông đồ là hy sinh và quên mình. Ðây là đòi hỏi không miễn trừ cho bất cứ ai muốn làm môn đệ, muốn trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta” (Mt 16:24). Ðây là một đòi hỏi, mà có lẽ nhiều người muốn làm tông đồ, muốn trở thành chứng nhân của Ngài đã phải khựng lại, đã phải bỏ cuộc. Bởi lẽ nhiều người muốn cùng vinh quang với Chúa trên núi Taborê, nhưng ít người muốn hấp hối với Ngài trong vườn Cây Dầu. Ít người muốn vác thập giá với Ngài lên Núi Sọ.

Hy sinh, quên mình. Ðây là điều kiện không thể thiếu cho bất cứ ai nếu muốn theo Chúa Giêsu. Dù là bất cứ ai? Dù ở trong địa vị, môi trường nào của cuộc sống. Ở bất cứ lứa tuổi nào. Tất cả những ai nếu muốn theo Chúa, muốn làm tông đồ đều không thể không chấp nhận thánh giá và thử thách.

"Ai muốn theo ta, hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta” (Mt 16:24)


Bỏ mình đi, vác thập giá. Ai có thể làm nổi những việc làm này, nếu không phải vì bị chinh phục và thu hút bởi Ðấng đã hy sinh đến thí mạng sống vì mình. Chúa Giêsu đã nói, đã sống, và đã làm như vậy: “Không ai có tình yêu cao cả hơn kẻ thí mạng sống mình vì người mình yêu” (Gioan 15:13).

Thật ra, Chúa chẳng cần phải làm như vậy. Ngài cũng chẳng cần phải giáng trần làm người. Sống đời nghèo nàn và ẩn dật. Và chết một cách nhục nhã trên thập giá. Không ai có quyền đòi hỏi Ngài phải làm như thế. Nhưng Ngài đã tự nguyện làm và chấp nhận như vậy vì yêu thương con người. Thánh Phaolô đã bị chinh phục bởi tình yêu này. Cũng chính tình yêu ấy đã thúc bách ngài viết lên: “Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô” (Phil 1:21). Trước đó, Thánh Phêrô cũng đã thưa với Chúa: “Bỏ thầy chúng tôi biết theo ai? Thầy có lời sự sống đời đời” (Gioan 6:68). Ðây là những Tông Ðồ đã bị tình yêu Chúa chinh phục một cách mạnh mẽ, và đáp lại, các ngài cũng sống và chết cho tình yêu ấy.

Nhưng nói đến yêu thì không thể không nói đến hy sinh. Ðó là bậc cao nhất, và khó nhất trong bậc thang giá trị do Thánh Tôma Tiến Sỹ đã phân loại. Tâm lý cũng xác nhận nấc thang giá trị của tình yêu được định vị qua những hy sinh và chấp nhận. Không hy sinh không có tình yêu lớn lao. Tình yêu mà thiếu hy sinh chỉ là thứ tình hời hợt, giả dối. Những đổ vỡ trong đời sống hôn nhân cũng như những sa ngã trong đời sống tận hiến đều có cùng một nguồn gốc là thiếu hy sinh.

Ðối với Thánh Phêrô, Phaolô và tất cả mọi tông đồ nhiệt thành của Chúa, sau khi đã hiểu và đã biết phải hành sử như thế nào trong vai trò chứng nhân của mình, các ngài liền sẵn sàng để đi vào thực hành: Phục vụ Chúa qua anh chị em của mình.

Phục vụ, một hành vi của những kẻ tôi tớ, những kẻ làm công. Người tông đồ, theo gương Chúa Giêsu không phải là người được ca tụng, được coi trọng hay hưởng thụ. Chúa Giêsu đã nói về sứ mạng tông đồ và mục đích của Ngài trong vai trò người tôi tớ của Chúa Cha: “Non ministrari sed ministrarae” “Như Con Người không đến để được hầu hạ, nhưng hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20:28). Từ đó đã đem đến cho Ngài những thánh giá, thử thách và cái chết trên thập tự giá. Ðó là những dấu chứng của tình yêu chân thật mà người tông đồ muốn chứng minh với Chúa Giêsu về lòng trung thành, yêu mến của mình. Nếu người tông đồ chỉ muốn người khác phục vụ mình, chỉ muốn hành động cho vinh dự và quyền lợi mình, thì họ không rao giảng Chúa Kitô, không đại diện cho Chúa Kitô mà là rao giảng mình và tìm mình. Tóm lại, trong hy sinh quên mình để phục vụ Chúa qua tha nhân là hành vi tông đồ thực sự, và cũng là hình thức rao giảng Chúa Kitô một cách hữu hiệu nhất.

C - Call: Kêu gọi, và lời mời gọi.

Tuy nhiên, người tông đồ phải là người được Chúa kêu gọi và đáp lại tiếng mời gọi ấy. Chúa Giêsu khi nói về ơn gọi tông đồ đã nói: “Không phải các con đã chọn thầy, nhưng thầy đã chọn các con, và sai các con đi để các con sinh nhiều hoa trái” (Gioan 15:16), đó là một sự chọn lựa từ muôn thuở. Người tông đồ dù dưới bất cứ hình thức nào, ơn gọi nào cũng phải được Chúa mời gọi.

Andrê, Phêrô, Giacôbê, Gioan, hay bất cứ một Tông Ðồ nào khác, tất cả phải được Thiên Chúa mời gọi. Trong nhà Thiên Chúa có nhiều chỗ, và cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội lại rất mênh mông, nên có rất nhiều ơn gọi và vai trò khác nhau. Do đó, dù làm bất cứ việc gì trong Giáo Hội, người tông đồ cũng phải ý thức về việc mình được Chúa kêu gọi chứ không tự ý đặt mình vào vị trí này hay vị trí nọ. Chân Phước Têrêsa Calcutta đã nói: “Ðiều quan trọng không phải là làm gì, nhưng là làm điều Chúa muốn.” Thánh Têrêsa Hài Ðồng, Tiến Sỹ Hội Thánh, trước đó đã có những suy tư tương tự. Theo Thánh Nữ: “Mọi việc đều lớn lao, nếu có tình yêu lớn lao.” Vì vậy, trong Giáo Hội và trước mặt Thiên Chúa, không có gì là đáng quan trọng, trừ tình yêu lớn lao. Thánh Nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu đã xây dựng “Ðường Thơ Ấu Thiêng Liêng” của mình trên linh đạo này. Chính ở điểm này, một Têrêsa chỉ ở trong bốn bức tường của đan viện có 9 năm đã trở thành Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo.

Ðược Chúa kêu gọi, còn là một lời nhắc nhở cho người tông đồ ý thức về sự mỏng dòn và yếu đuối, cũng như bất xứng của mình để khiêm tốn, và sống trọn vẹn với ơn gọi. Phêrô, Phaolô, Maria Mađalêna, Augustine, và rất nhiều vị thánh thời danh của Giáo Hội đã có những quá khứ bất toàn. Nhưng nhờ vào ơn Chúa, và vì ý thức được sự bất toàn của mình, nên các ngài đã trở thành những tông đồ nhiệt thành và yêu mến Chúa thiết tha. Chính Chúa Giêsu đã có cái nhìn viễn tượng về mối tương quan giữa những yếu đuối và sự tha thứ: “Ai được tha nhiều thì yêu nhiều” (Lc 7:47). Qua đó, chúng ta cũng hiểu rằng, yêu nhiều sẽ được Chúa tha nhiều.

“Thầy đã chọn các con và sai các con đi để sinh nhiều hoa trái” (Gioan 15:16). Chúa chọn người tông đồ, nhưng người tông đồ phải ra đi và sinh hoa trái, đó là ý nghĩa của lời mời gọi mà mỗi người chúng ta được trao ban.

I - Irradiate: Chiếu sáng, tỏa sáng.

“Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi không thể dấu kín được. Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng. Nhưng để trên đế để chiếu sáng mọi người trong nhà. Cũng vậy, các con hãy chiếu sáng trước mặt mọi người, để người ta nhìn thấy việc tốt của các con làm mà ngợi khen Cha các con trên trời” (Mt 5:14-16). Trước khi nói về ánh sáng, Chúa Giêsu cũng đã đề cập đến muối, và Ngài bảo nếu muối không còn mặn nữa thì không phải là muối: “Các con là muối đất. Nhưng nếu muối đã mất vị mặm thì còn biết lấy gì mà ướp cho mặn lại được? Nó không còn dùng vào việc gì được, ngoại trừ đổ ra đường cho người ta chà đạp” ( Mt 5:13).


Muối và ánh sáng. Cả hai đặc tính này đều gắn liền với sứ vụ tông đồ. Là những chứng nhân của Chúa Kitô, họ không thể nào loại bỏ hai đặc tính căn bản làm nên người tông đồ này. Cũng như muối và cây đèn sáng. Người tông đồ sẽ không thể nào hoàn tất ơn gọi của mình, nếu thực sự qua cuộc đời họ không có tính mặn và sáng của Tin Mừng Phúc Âm, của tình yêu Chúa Kitô.

Muốn hay không muốn, người tông đồ phải có trách nhiệm chiếu tỏa chân dung Chúa Kitô cho những người chung quanh. Qua hình ảnh của chiếc đèn sáng trên đế, một thành thị trên đỉnh núi, và tính chất mặn của muối, người tông đồ không thể viện dẫn khiêm nhường để cầu an, để trốn tránh việc rao giảng Tin Mừng. Nhưng ngược lại, phải năng động, nhiệt tâm trong việc làm chứng cho Tin Mừng, và giới thiệu dung nhan Chúa Kitô cho mọi người.

Mỗi thời đại người tông đồ đều phải đối diện với những thách đố mới, với những vấn đề mới. Nhìn vào bối cảnh xã hội hiện nay, thống kê cho biết mỗi năm có đến hằng chục triệu thai nhi bị phá hủy. Hằng trăm ngàn thanh thiếu niên nam nữ bị đổi chác như những mặt hàng buôn bán qua những hệ thống buôn bán trẻ em. Nạn xì ke, ma túy đang giết chết tương lai nhân loại qua hàng triệu thanh thiếu niên bị lôi cuốn vào con đường nghiện ngập mỗi năm. Hơn 50% những cuộc hôn nhân bị đổ vỡ vì ly dị. Hàng triệu những cặp đồng tính luyến ái đang chờ được hợp thức hóa hôn nhân đồng tính của họ. Hàng triệu người già bị bỏ rơi trong cô đơn, vô vọng không con cháu và thân nhân. Và biết bao nhiêu bệnh nhân, tù nhân không ai thăm hỏi, an ủi. Ðó là những thách đố thời đại!

Là những tông đồ, những nhân chứng của tình yêu Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay, có bao giờ chúng ta nghĩ rằng mình cần phải bỏ nhà xứ, bỏ tòa giám mục, bỏ khung cảnh êm ấm gia đình để đi thẳng vào môi trường với những thách đố đó không? Hay chúng ta ngồi chờ hoàn cảnh thuận lợi, chờ người khác đến với mình rồi mới bắt đầu sứ vụ. Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã giảng một bài giảng hùng hồn khi ngài chống gậy, xắn quần lộn nước đi thăm dân bị bão lụt hơn là khi ngài đứng trên bục giảng của nhà thờ chính tòa Hà nội.

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, người Kitô hữu được mang trong mình ba phẩm chức: Vua, Tư Tế và Ngôn Sứ. Phẩm chức Ngôn Sứ chính là phẩm chức của người tông đồ. Qua đó, họ trở thành chứng nhân của Tin Mừng, có nhiệm vụ nói về Chúa Kitô, về giáo lý của Ngài cho kẻ khác.

Muối mặn, đèn sáng là hai căn tính căn bản của người ngôn sứ. Sống cho chính mình và sống cho người khác. Như muối cần phải ướp mặn chính nó, và như cây nến sáng cần phải soi sáng cho chính nó. Nhưng thông thường nơi tối nhất của một ngọn đèn lại là cái đế của cây đèn. Vì vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện.

P- Pray: Cầu nguyện.

Ðể noi gương Chúa Giêsu sống hòa vào dòng chính của xã hội, người tông đồ cũng cần phải hòa nhập đời mình vào với dòng chính của thần linh Chúa qua việc cầu nguyện. Không ai có tấm gương sáng ngời và rõ ràng để cho người tông đồ soi hơn chính tấm gương của thầy mình là Chúa Kitô. Thánh Kinh kể lại rõ ràng, Chúa đã nhiều lần lên núi, vào hoang địa cầu nguyện. Không những cầu nguyện mà Ngài còn bảo các Tông Ðồ cũng phải cầu nguyện: “Các con hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6;31). Nghỉ ngơi tâm hồn là thư giãn trong kinh nguyện.

Cầu nguyện, chính là một hình thức tiếp sức sống cho những hoạt động tông đồ. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh những cành nho dính liền với thân nho để diễn tả sự gắn bó mật thiết mà người tông đồ cần phải làm để có đủ sức sống và truyền rao sự sống ấy cho những người được trao phó. Ngoài Chúa ra, chúng ta tất cả không ai làm được gì: “Không có Cha, chúng con không làm được gì” (Gioan 15:4).

Làm việc và cầu nguyện. Cầu nguyện và làm việc. Chúa Giêsu khi khen Maria ngồi dưới chân Ngài, nghe và thưa chuyện với Ngài là Ngài có ý muốn đề cao giá trị của đời cầu nguyện. Ngài cũng không chối bỏ sự vất vả của Máttha đang lo lắng, lăng xăng dọn bữa cho Ngài và các tông đồ. Tuy nhiên, Ngài chỉ lưu ý Máttha rằng không nên lo lắng nhiều chuyện quá, sự lo lắng đưa đến phân tán và sao nhãng kết hợp với Ngài. Trong sinh hoạt và đời sống tâm linh cầu nguyện và hành động phải luôn luôn đi đôi với nhau, bổ túc cho nhau như hai cái nạng để chống đỡ hồn tông đồ.


Thánh Lễ, Thánh Thể, Thánh Kinh là 3 nguồn suối mát trong bồi bổ và tăng cường sức mạnh của người tông đồ

Thánh Lễ, Thánh Thể, Thánh Kinh là 3 nguồn suối mát trong bồi bổ và tăng cường sức mạnh của người tông đồ. Thêm vào đó, người tông đồ phải là người yêu mến Mẹ Maria. Theo Thánh Anphongsô, “Mẹ là đường ngắn nhất đưa ta đến với Chúa”. Thánh Louis Monforth cũng khuyên nhủ người tông đồ hãy “Nhờ Mẹ để đến với Chúa” (Per Mariam ad Jesum”. Nhờ được nuôi dưỡng, bổ sức và ủi an qua Thánh Lễ, Thánh Thể, Thánh Kinh, và nhờ vào tình Mẹ yêu thương, khích lệ, người tông đồ sẽ biết chúc tụng, ngợi khen Chúa trong mọi sự, và nhất là khám phá ra sự hiện diện của Ngài qua những đau khổ và thử thách.

Tóm lại, người tông đồ cũng là người cầu nguyện và sống trong kinh nguyện. 38 năm chờ đợi trong kinh nguyện để đạt đến chức Linh Mục của Ðức Giám Mục Laurensô Chu Văn Minh, phụ tá Tổng Giáo Phận Hà nội nói nhiều hơn hàng ngàn bài giảng, hàng ngàn trang viết về ơn gọi.


L - Love: Yêu mến.

Tình yêu. Người tông đồ sẽ không thể trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu, nếu họ không yêu mến Ngài. Yêu mến, yêu cho đến chết.

Trước khi Chúa Giêsu trao quyền điều khiển Giáo Hội cho Phêrô, Ngài đã hỏi ông ba lần, trong đó có câu: "Phêrô con Gioan, con có mến ta hơn những người này không?" (Gioan 21:15). Tại sao phải hỏi đến ba lần? Và tại sao lại phải “yêu mến hơn những người này?” Phải chăng yếu tố yêu là quan trọng nhất đối với người tông đồ.

Trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu dậy mọi người: “Con phải yêu mến Thiên Chúa là Chúa con hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Mac 12:30). Có nghĩa là yêu đến tận cùng. Ngài đã làm gương về tình yêu mến khi đưa ra điều kiện: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13). Chúa đã nói và đã làm. Ngài đã từ trời xuống thế, “mang lấy thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (Heb 4:15). Hơn thế, Ngài đã đón nhận cái chết nhục nhã trên thập giá cho chúng ta được sống. Một tình yêu cao vời. Một mẫu gương tình yêu cho tất cả mọi tông đồ.

Không yêu mến Chúa làm sao cảm thấy sung sướng hãnh diện vì Chúa. Không yêu mến Chúa làm sao có thể khăng khít với Chúa, và nên một với người. Không yêu Chúa làm sao có thể từ bỏ tất cả vì Chúa. Và không yêu mến Chúa thì không thể hy sinh đến chết vì Ngài. Ðó là cốt lõi của hồn tông đồ.

“Lạy thầy, thầy biết tất cả. Thầy biết con yêu mến thầy” (Gioan 21:17). Người tông đồ là người phải nói như Phêrô và phải sống như Phêrô để chứng tỏ lòng yêu mến đối với Chúa. Thật ra, chẳng cần phải nói nhiều, giảng nhiều, viết nhiều, nhưng nếu người tông đồ yêu mến Thiên Chúa nhiều, thì tự đời sống ấy đã trở thành một bài giảng thuyết hùng hồn về Chúa, và dẫn đưa người khác đến với Chúa.

“Ðối với tôi, sống là Chúa Kitô” (Phi 1:21), lời Thánh Phaolô Tông Ðồ đã trở thành một toát lược hoạt động của tất cả những ai sau này muốn trở thành những chứng nhân cho Chúa. Nếu Phêrô đã thưa với Chúa: “Thầy biết tất cả. Thầy biết con yêu mến thầy” (Gioan 21:17), thì Phaolô cũng khẳng khái không kém: “Ðối với tôi, sống là Chúa Kitô”. Chính vì sống như thế, yêu mến như thế, nên Phaolô còn nói thêm: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1 Cor 9:16). Ðây cũng là những động lực sẽ thôi thúc tất cả những ai muốn trở thành chứng nhân của Chúa. Trở thành những tông đồ của Ngài.

Yêu mến nhiều. Yêu mến thiết tha, nên nảy sinh nhu cầu phải sống và phải nói, phải rao giảng. Khi yêu mến ai, ta muốn trở nên giống người ấy. Ta muốn nói về người ấy. Ðó là định luật tâm lý. Không những thế, ta muốn cho mọi người biết người ấy, và vì thế sẽ nói cho những người khác về người ấy.

Sống là Chúa Kitô còn có nghĩa là người tông đồ sống như Chúa Kitô đã sống. Sống vì Chúa Kitô và sống cho Chúa Kitô. Toàn bộ đời sống của mình, người tông đồ sẽ không làm gì hơn là yêu mến và làm cho Chúa được yêu mến.

E - Energize: Năng động. Nhiệt tâm.

Ðặc tính cuối cùng của người tông đồ là nhiệt thành, năng động. Nhiệt tình như Phêrô, như Phaolô, như các Tông Ðồ tiên khởi, và như những vị tông đồ đã ngày đêm không mỏi mệt hoạt động trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội.

Ma quỉ không nghỉ ngơi. Chúng không ngừng chạy đôn đáo khắp nơi để dành giật các linh hồn. Người tông đồ, chứng nhân của Chúa Kitô cũng phải nhiệt thành như vậy trong khi phục vụ Ngài. Không mỏi mệt. Không ngừng nghỉ. Nhưng làm việc với tinh thần hăng say như Phaolô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1 Cor 9:16).

Không chỉ có những người tông đồ làm việc, mà cả Thiên Chúa nữa. Chúa Giêsu đã cho biết điều này khi Ngài nói: “Cha ta làm việc không ngừng” (Gioan 5:17). Nói theo ngôn ngữ con người, thì Chúa Cha hằng quan tâm lo lắng săn sóc, yêu thương con người. Người tông đồ cũng thế, phải quan tâm, lo lắng và nhiệt thành để Thiên Chúa được nhận biết và yêu mến. Những đức tính nhân bản này cộng với tâm tình yêu mến, và với ơn Chúa sẽ biến người tông đồ trở nên hình ảnh sống động và chứng nhân thật cho Chúa. Ðó chính là hồn tông đồ.

Nét tích cực này là điều mà các tông đồ cần phải quan tâm trong khi nghĩ đến Chúa và nghĩ đến sứ mạng của mình. Tại sao người ta lo tích lũy và làm giàu về phương diện vật chất, tiền bạc. Nhiều người bỏ cả đời mình, nhiều khi liều mất mạng để tích lũy của cải trần thế, mà những người làm tông đồ lại không mạnh dạn và tìm mọi cách làm giầu cho kho tàng thiêng liêng của mình. Những phương pháp làm giàu tâm linh bao gồm nhiều phương thức. Tính chất tích cực của vấn đề là phải xoay sở, chạy vạy, và lo làm giàu cho kho tàng. Khám phá những phương pháp mới. Tìm kiếm những cách thế cho hợp với thời đại để giới thiệu Chúa cho mọi người.

“Sự nhiệt thành nhà Chúa đã thiêu đốt tôi” (Gioan 2:17). Sự nhiệt thành đã khiến Chúa Giêsu nổi nóng với những kẻ làm ô uế đền thờ Thiên Chúa, và biến nơi thánh thiện làm hang trộm cướp. Cũng chính sự nhiệt thành ấy đã thôi thúc Thánh Phaolô để chấp nhận tất cả mọi rủi ro, khổ cực vì muốn mang danh Chúa Kitô đến với dân ngoại. Thánh Phaolô đã viết cho Giáo Ðoàn Côrinthô những dòng này, và nó cũng là những dòng mà ngài muốn nhắn nhủ các tông đồ sau ngài:

“Nhưng điều gì bất cứ người ta dám làm, thì ố thật tôi nói như nổi khùng ố tôi cũng dám! Họ là người Hipri ư? Tôi cũng thế! Họ là người Israel ư? Tôi cũng thế! Họ là dòng giống Ahraham ư? Tôi cũng thế! Họ là tôi tớ của Ðức Kitô ư? Tôi nói rất mực điên khùng, tôi còn hơn gấp mấy! Hơn nhiều bởi công lao; hơn nhiều bởi tù rạc; hơn ngàn trùng bởi đòn vọt; lắm lần bởi đã hầu vong mạng: Năm lần, tôi đã bị người Do Thái đánh đòn ba mươi chín trượng; ba lần, tôi đã bị tra tấn; một lần, tôi đã bị ném đá; ba lần, tôi bị đắm tàu, và đã phải qua một ngày một đêm chơi vơi trong lòng biển.

(Tôi còn hơn họ) bởi hành trình thường xuyên, bởi các nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì người đồng chủng, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm nơi thành thị, nguy hiểm chốn hoang vu, nguy hiểm trên biển cả, nguy hiểm bởi những anh em giả! Bởi lao đao vất vả, bởi thao thức thường bữa, bởi đói bởi khát; bởi nhịn ăn lắm bận, bởi lạnh rét, bởi mình trần! Không kể các điều khác nữa, lại còn cái nỗi bứt rứt thường nhật, mối lo canh cánh về các hội thánh. Ai yếu đuối, mà tôi lại không yếu liệt? Ai vấp ngã, mà tôi lại không sốt người lên?

Nếu phải vinh vang, thì tôi sẽ vinh vang về các nỗi yếu đuối của tôi. Thiên Chúa là Cha của Chúa Yêsu - Ðấng đáng chúc tụng muôn đời - Người biêt tôi không nói láo! Tại Ðama, tù trưởng của vua Arêta đã ra lệnh canh thành Ðama, để bắt tôi. Và ngang qua cửa sổ, người ta đã thòng tôi xuống dọc theo tường, trong một cái sọt, và tôi đã thoát khỏi tay y!” (2 Cor 11:21- 33). (Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, CSsR, 1976)

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt thăm đồng bào bị lụt


***

Tóm lại, người tông đồ theo Cha Matêô, phải là người “đầy Chúa Giêsu”. Người tông đồ, chứng nhân của Chúa, do đó, phải là người luôn:
- Khám phá, tiềm kiếm, tìm hiểu Chúa qua Thánh Lễ, Thánh Thể, Thánh Kinh, và những biến cố quanh cuộc sống.
- Bắt chước, mô phỏng cuộc đời và gương sống của Chúa.
- Hy sinh, quên mình để làm chứng nhân cho Chúa, và để Ngài được nhận biết.
- Là người được Chúa kêu gọi và đáp lại lời mời gọi của Ngài.
- Chiếu sáng, dọi sáng niềm tin và hình ảnh Chúa Cứu Thế.
- Cầu nguyện liên lỷ, và chỉ cậy trông vào sức mạnh của Thiên Chúa.
- Yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh chị em như chính mình.
- Năng động, nhiệt tâm với sứ vụ và hăng say với ơn gọi của mình.

Hai hình ảnh người tông đồ đã khiến tôi hâm mộ:

Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã chống gậy, xắn quần lộn nước đi thăm dân bị bão lụt.

Và Ðức Giám Mục Laurensô Chu Văn Minh, phụ tá Tổng Giáo Phận Hànội đã kiên nhẫn trong kinh nguyện suốt 38 năm để được trở thành một linh mục.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô đã nói: “Nhân loại ngày nay không cần nhiều thầy dạy, nhưng cần các chứng nhân”. Và tông đồ là người làm chứng cho Chúa Kitô. Qua người tông đồ, Chúa Kitô được nhận biết và yêu mến.