Bay đi chim ơi - truyện ngắn của lãongu

Quang X Nguyen


Sáng mùng ba tết, trời còn lảng vảng sương. Gã ngồi một mình trên chiếc ghế đá góc sân, dưới gốc mai còn đang nở hoa vàng trời, nhưng cũng đã rụng hoa vàng đất. Gã tủm tỉm cười một mình với mùa xuân đang về. Mùng ba tết, hôm nay, nếu tính theo lịch ta, là ngày giỗ người vợ thân yêu của gã, bà ngoại của con Kim Ngôn, đứa cháu ruột thịt duy nhất của gã. Nhưng hai ông cháu đã chọn giỗ những người thân trong gia đình theo lịch tây, nên ngày tết vẫn là ngày tết. Gã xuýt xoa, hít hà hương thơm của tách trà ô long mà một người bạn vong niên mới biếu gã. Gã lại cười một mình. Mùa xuân đất trời đã về. Con chim gáy treo ở hiên nhà gáy “cúc cu, cúc cu…” liên canh bất chỉ. Có phải đời vẫn đẹp, vẫn đáng yêu quá chừng không?

Bỗng một đoàn xe mô tô, có đến một chục chiếc, nẹt bô, rú ga, đánh võng, ào ào đua nhau chạy như bay ngay trước mặt gã. Nụ cười trên môi gã tắt lịm. Gã làu bàu:

– Tiên sư bố nhà chúng mày, quân mất dạy.


Gã nhớ lắm lời cha xứ giảng ở nhà thờ: “Ghét tội, chứ không ghét kẻ có tội”. Gã rắp tâm làm theo, nhưng chưa bao giờ gã thôi thù ghét bọn đua xe này. Không thù ghét sao được khi mùng ba tết năm ấy ấy, vợ gã đang quét sân, thì bị một nữ quái xế lạc tay lái, lao qua hàng rào dâm bụt, đâm thẳng vào, chết tươi. Thế là Kim Ngân, con gái gã mồ côi mẹ, còn gã trở thành một con “gà trống nuôi con”. Thời gian cứ trôi xuôi. Con gà trống già đi thì con gà con thành một con gà mái ghẹ. Chị Kim Ngân lấy chồng trên thành phố Cần Thơ, để gã lại một mình với căn nhà nhỏ dưới quê. Thời gian vẫn cứ trôi xuôi. Con bé Kim Ngôn con chị Kim Ngân được năm tuổi, học lớp lá trường Mầm non Họa Mi thì chị Kim Ngân cấn thai đứa thứ hai.

Gã không thù ghét bọn đua xe sao được? Khi chồng chị Kim Ngân chở chị đi khám thai, đang đi trên quốc lộ 91 B thì bị bọn đua xe cán phải, xe chồng lên xe, xe chồng lên thân xác con người. Máu và máu. Người ta chở hai vợ chồng đi cấp cứu, nhưng không cứu được ai… Trong Thánh lễ đưa chân đám tang ba người ấy – hai người lớn và một thai nhi – không ai cầm được nước mắt, đến ngay cả vị cha xứ già chủ tế còn đọc các lời nguyện nghẹn lại vì xúc động.

Nhưng người sống vẫn phải sống. Ngày xưa gã nuôi con khó một thì ngày nay nuôi cháu khó mười. Có khi là do bản năng, người ta chỉ nói đến bản năng làm cha mẹ chứ có ai nói tới bản năng làm ông bà đâu?! Đến như khái niệm tam cương, ngũ luân của Nho giáo cũng chẳng nói gì về tình nghĩa ông cháu. Kinh Thánh Tân Cựu Ước chắc cũng vậy thôi. Gã thấy mình lọng ngọng từ việc tắm rửa, chải đầu, cột tóc cho đến việc ăn uống, may sắm quần áo, đồ dùng cá nhân cho cháu. Một lần, đón con Kim Ngôn đi học về (năm ấy nó đã lên lớp hai), gã không sao quên được, con bé nhất định không cho gã dắt tay:

– Con đi một mình được mà, ông ngoại!

– Được, nhưng con phải đi hẳn lên trên lề đường, tới ngã tư, phải chờ ông ngoại dắt qua đường nghe không? Xe cộ nhiều, nguy hiểm lắm.

Rồi gã nói với cháu như nói với một người bạn:

– Nếu khi đi đường mà chỉ nhìn lên, con sẽ nhìn thấy trời xanh, mây trắng nhưng dễ bị vấp ngã vì không thấy đường. Còn nếu chỉ nhìn xuống con sẽ thấy ổ gà, hòn đá và…

Con bé ngắt lời gã:

– Và thỉnh thoảng mình lượm được tiền lẻ ai đó đánh rơi, phải không ông ngoại?

Gã cười đau đớn:

– Ông ngoại không nói vậy. Ý ông ngoại là mình phải nhìn xuống để biết tránh nguy hiểm khi đi đường, nhưng cũng phải biết nhìn lên để biết hướng lòng lên ấy mà.

Nó đưa mắt lên trời, ngỡ ngàng reo lên:

– Nhìn kìa, ông ngoại! Đám mây hình trái tim trên trời kìa!

Gã đưa mắt nhìn theo. Giữa bầu trời cao thăm thẳm, xanh ngăn ngắt, một đám mây trắng muốt, hình trái tim đang lững thững bay về phương đông. Con Kim Ngôn hỏi:

– Tại sao đám mây lại có hình trái tim, ông ngoại?

– Tình cờ thôi, đám mây có thể có nhiều hình thù khác nhau, con ạ!

– Tại sao lại tình cờ?

– Tại vì… tại vì… ông ngoại không biết.

– Tại sao ông ngoại không biết?

Gã biết mình không tài giỏi gì. Ngày ấy gã thi rớt tú tài một, nhưng nhờ là con trai độc nhất trong gia đình có cha mẹ trên sáu mươi tuổi, gã được hoãn dịch, sau đó là động viên tại chỗ vì lý do gia cảnh. Gã được cha xứ đồng thời là hiệu trưởng trường tiểu học tư thục Rạng Đông nhờ dạy một lớp, gã nghiễm nhiên thành thầy giáo. Sau 1975, gã được “lưu dung”. Thời gian đẩy đưa, gã tốt nghiệp phổ thông, rồi lấy được bằng cử nhân. Hôm nhận bằng, bạn bè gã đưa gã lên tận mây xanh. Riêng vợ gã thì nói nhỏ vào tai gã: “Em nghe người ta nói, dốt chuyên tu, ngu tại chức, có gì đáng tự hào đâu, anh?” Đang ở trên cao tận mây xanh, vợ gã lôi gã xuống tận mặt đất, làm gã giận vợ đến cả tháng trời. Nhưng bây giờ, muốn giận cũng chẳng có vợ đâu mà giận. Và đến bây giờ, gã mới nhận ra vợ gã có lý. Gã bụng bả dạ: “Mình dốt thật, ngu thật, đến câu hỏi tại sao của một đứa trẻ, mình cũng không trả lời được”. Gã tự an ủi: “Các nhà thông thái cỡ như Aristote, hay Socrate chắc gì đã trả lời được hết những câu hỏi của trẻ con”.

Thời gian cứ trôi. Cuộc vật lộn không cân sức giữa một ông già và một đứa trẻ với những nghèo túng, những nợ nần, những đồng tiền bát gạo đã đến hồi kết thúc. Hai ông cháu đã chiến thắng. Con Kim Ngôn thi đậu vào hai trường đại học trên Sài Gòn, đậu thủ khoa vào trường cao đẳng sư phạm Cần Thơ. Thâm tâm nó muốn học đại học, nhưng nó quyết định học cao đẳng, vì thời gian học ngắn hơn, vả lại nó đậu thủ khoa ngành sư phạm, sẽ có học bổng, ông ngoại nó bớt vất vả hơn. Với lại dù sao Cần Thơ cũng gần nhà hơn, nó có thể về thăm nhà dễ dàng hơn.

Ra trường, cô giáo Kim Ngôn may mắn xin được một chỗ dạy ở một trường phổ thông cơ sở gần nhà vừa lúc tóc ông ngoại cô đã bạc trắng, không làm ăn gì được nữa. Nhà chỉ có hai ông cháu. Người ta thì “trẻ cậy cha, già cậy con”. Nhưng ở nhà này thì phải sửa lại là “trẻ cậy ông, già cậy cháu”. Gã chỉ còn là một người nội trợ không hơn không kém: nấu cơm, rửa bát, quét nhà… và chăm sóc con chim gáy. Gã chưa một ngày vắng nhà, vì nếu chỉ vắng nhà nửa ngày thôi, cô cháu gái đi dạy về sẽ mệt mỏi vất vả quá. Và cũng vì con chim gáy nữa, ai sẽ cho nó ăn, ai sẽ tắm cho nó?…

Con chim gáy treo ở hiên nhà vẫn gáy “cúc cu, cúc cu…” liên canh bất chỉ. Gã khe khẽ gọi:

– Kim Ngôn, Kim Ngôn!

– Dạ!

– Con rót vào tách trà cho ông ngoại một ít nước sôi, chừng một cốc thôi nhé!

Gã nhìn nghiêng khuôn mặt cô cháu gái, buột miệng:

– Con đẹp quá, như mẹ con và bà ngoại ngày xưa, đẹp hơn hẳn ông ngoại đấy.

Cô gái cười khúc khích:

– Chắc chắn con “đẹp gái” hơn ông ngoại rồi…

Một ý nghĩ thoáng qua đầu óc gã. “Trước sau gì mình cũng mất nó. Con bé thế nào cũng đi lấy chồng. Phải chi có cậu con trai nào hiền lành phúc đức, nghèo cũng được, chịu ở rể nhà này, nhỉ?” Gã cười mỉm chi. Cô Kim Ngôn ngẩn ngơ:

– Ông ngoại cười gì vậy? Ông ngoại giúp con chuyện này được không?

Cô trải tờ giấy A4 trước mặt gã. Gã đọc thật nhanh:

ĐƠN ĐĂNG KÝ TÌM HIỂU

HỘI DÒNG MTG LONG XUYÊN

Kính gởi: Quý cha phụ trách hội dòng MTG-LX

Con là Immaculata Nguyễn Thụy Kim Ngôn

…………………………………………………………

– Con nhờ ông ngoại ký tên rồi vào xin cha xứ chứng nhận cho con.

Gã tức khắc nhận ra rằng con Kim Ngôn sẽ bỏ gã mà đi, nhưng theo cách này thì gã chưa bao giờ nghĩ tới. Gã biết ngay rằng bầu trời của nó là bầu trời cao xanh thánh thiện của tu viện cơ, chứ không phải ở đây, trong căn nhà tù túng này. Còn bầu trời của con chim gáy thì ở ngoài kia, không phải ở trong cái lồng sơn son thếp vàng chật hẹp này. Gã nghĩ tới những tháng ngày cô quạnh cuối đời, lòng thoáng buồn. Nhưng rồi gã phó thác: “Lạy Cha! Đó là việc của Cha, xin cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Gã bắt con chim ra, vuốt ve đôi cánh của nó lần cuối rồi tung nó lên cao. Gã cười, nhưng trong khóe mắt gã có một giọt nước mắt. Gã nói rõ to với con chim nhưng cũng là nói với cô cháu gái:

– Bay đi, bay đi, chim ơi!

——–


Giáo xứ đền thánh giuse an bình