Giới thiệu nhà thơ Phêrô Giang Long Tử

Văn thơ Công giáo

PHÊRÔ LONG GIANG TỬ
Tên thật: Phêrô Nguyễn Văn Hai, bút hiệu Long Giang Tử – sinh năm: 1920 – Dạy học và dạy đàn violon.
Tác phẩm:
Phúc âm diễn ca: Đời sống ẩn dật và công khai của Chúa Cứu Thế (8.088 câu) – Tâm niệm (490 câu) – Trần tình (110 câu) – Những trang sử đẫm mồ hôi của họ đạo Chợ Lớn Việt Nam (1972)
CẦU NGUYỆN
Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa đã cần, đọc Phúc Âm là nghe Chúa nói lại cần hơn chừng nào! Vì lý do đó, ta phải đọc Phúc Âm. Nhưng đọc thì hay quên và không thấm thía bằng ngâm nga. Muốn ngâm nga phải thơ là một nghệ thuật vô bờ bến làm cho đến độ tuyệt vời!
Lời Chúa là những hoàn ngọc thiên thu trọn hảo mà muốn xếp lại cho thành thơ là vạn nan vậy.
Thôi thì cố gắng mà làm để cho mình và những ai cùng chung lý tưởng.
Lời Chúa nguồn thương tực suối mơ,
Quanh co uốn lượn tự bao giờ…
Hồn con, nai khát bên khe thác,
Tươi mát mong chờ giọt ý thơ.

LONG GIANG TỬ
CHUYỆN HAI NGƯỜI CHÚNG TÔI
LÊ ĐÌNH BẢNG
Còn nhớ tháng 12 năm 1965, anh rủ tôi đi xe đò về Mặc Bắc (Vĩnh Long) quê anh. Nơi có ngôi nhà thờ cổ kính soi mình xuống dòng Bassac mông mênh. Họ đạo ở Nam bộ không mấy sầm uất đông vui như ở Bắc bộ. Chầu lễ xong, nhà thờ vắng hoe, ai về nhà nấy. Nhưng được cái tình làng nghĩa xóm rất đỗi mặn mà, đi dễ khó về. Trên đời, dưới dừa, bát ngát bao la, uống đã một tuần rượu, vẫn không một bóng nắng trên đầu. Chiều chạng vạng, dơi rủ nhau bay ra như ong vỡ tổ, như mối gặp mưa. Dơi ở đây – Nam bộ, Bắc bộ - to khác thường, lông màu hoàng yến óng ả như tơ tằm. Khác xa lũ dơi đen xì, xấu xí, hôi hám như quỷ bay đầy tháp chuông nhà thờ họ quê tôi. Mấy đứa cháu hè nhau trèo lên đọt dừa, bắt dơi dễ như lấy đồ trong túi. Chả là, dơi ta hút đẫy mật sữa đọt dừa, say ngất ngư con tàu đi, rồi xỉn luôn, ngủ mơ màng tòong teng. Trên cái sập gỗ gụ lê dưới gốc mãng cầu, dọn ra từ bao giờ, một mâm đồ nhậy đầu ắp, thơm lừng. Nào chả chiên, nào xào lăn nước cốt dừa, nào cháo hà nàm dơi nấu chung với đậu xanh, hạt sen. Ăn uống no say, ngủ vùi tới sáng, chẳng biết trời trăng gì ráo trọi. Cuộc sống, tình người gạo chợ nước sông của người Nam bộ hào hiệp, phóng khoáng lắm, không nề nếp kín kẽ như người Bắc mình. Sáng hôm sau, ông bạn quý dẫn tôi đi thăm chùa Dơi của tăng phái sư sãi Phật giáo Khmer. Ở đây, tôi còn được nghe 1001 giai thoại hấp dẫn về dơi đồng bằng sông Cửu Long nữa kìa […]
Cho đến một ngày tháng 4-1975, khi tiếng súng tiến công nổ vào Sài Gòn ì ầm, tán loạn thì mỗi người một ngả. Anh và tôi đều nghỉ dạy học. Hôm 07-7-1977 trở thành ngày lịch sử ngã rẽ cuộc đời của cả hai anh em. Căn nhà trong hẻm 47/24 Tân Hòa Đông, Phú Lâm, quận 6 trở thành điểm giao lưu gặp gỡ của đồng nghiệp cũ, của bạn thơ bốn phương. Chiều nào, tôi cũng mệt mỏi dẫn xác chiếc xích lô ghé lại đây để tâm sự vặt, để “vịn câu thơ mà đứng dậy!” hoặc để an ủi nhau sống cầm cự, nhẫn nhịn qua ngày. Căn gác chật chội, lôi thôi đủ thứ: nồi niêu xoong chảo, bát đũa, quần áo và đặc biệt có cây đờn Violon, cái máy đánh chữ, một xấp giấy tập cắt sẵn và những bài thơ ngổn ngang, vương vãi. Vợ anh già yếu hơn, chỉ ngồi một chỗ mà vẫn góp được nhiều chuyện văn thơ lý thú. Thì ra lúc ấy, anh đang viết Thơ Phúc âm và Diễm Tình Ca. Xong tờ nào, anh đưa tôi xem tờ nấy. Góp ý, sửa chữa. Chuyện vui như pháo rang, quên cả cái xích lô để ngoài kia có khách gọi. Thơ Phúc âm ra đời trong cái hoàn cảnh rất hoàn cảnh ấy.
Cho đến năm 1978 -1979, anh yếu hẳn, luôn rũ rượi ho. Chị về quê Mặc Bắc, xin cha sở và bà con đồng hương đồng khói ít gạo, ít mắm, ít tiền lên, nuôi nhau sống qua ngày. Thời buổi lúc này cực kỳ khó khăn, túng đói, ngăn sông cấm chợ đủ điều. Chị chia cho tôi chút đỉnh về với vợ con, vì quá biết cái nghề ngỗng phu xe của tôi chẳng nên cơm cháo gì. Rồi bẵng đi một thời gian dài, tôi nghe cha Nho bảo anh đau nặng, khó qua khỏi. Hai ngày ở bên anh, tôi còn được nghe lời trăn trối về đứa con tinh thần của anh: Thơ Phúc Âm… Hôm tiễn đưa anh lần cuối đến nhà thơ Hiển Linh, ra lò thiêu và trở về căn gác nghèo xác xơ này, tôi khóc hết nước mắt. Trở về nhà, lục lọi tủ sách Giảng Văn, tôi tìm ra được bài thơ cuối cùng anh tặng hôm nào (1987):
Trang thơ cát bụi không nhòa
Cội nguồn đạo đức, tinh hoa nước trời
Tin Mừng rao giảng khắp nơi
Thánh đường ghi dấu một thời gian nan
Dầu cho sóng gió phủ phàng
Lòng tin bền vững đá vàng không phai
Người xưa về cõi trời mây
Dặm người ở lại tháng ngày còn xa
Chuyện đời, chuyện đạo bao la….
(Trích Có một vườn thơ đạo, tập 2, từ trang 122-125)