Bác Hoàng -- truyện ngắn của Đức Huấn

Quang X Nguyen


Những năm sau cùng của thập niên 80, khi gia đình tôi mới chuyển nhà từ vùng kinh tế mới Sông Pha, Ninh Thuận mà trở về Cam Ranh sinh sống, ba má tôi tạo dựng một căn nhà tranh bằng đất trộn với bùn mà dựng nên căn nhà đầu tiên của chúng tôi. Lúc ấy, tôi còn chưa nằm trong bụng của má tôi, mãi đến hai năm sau tôi mới chào đời.

Nhà tôi có một mảnh đất khá rộng, kéo dài từ đầu cầu này qua tới ủy ban, qua luôn bên kia đường. Khoảng đất bên kia đường là mảnh đất hoang, má tôi tranh thủ lúc trở về sau giờ đồng áng mà chăm chút cho mấy luống rau lang, rau muống để cải thiện bữa cơm gia đình trong giai đoạn bao cấp.


Một năm sau, vì điều kiện khó khăn, gia đình tôi bán dần đất đai.

Gia đình Bác Hoàng chuyển về, mua lại cái mảnh đất con con mà má tôi đang chăm mấy luống rau ấy để dựng nhà. Bác là thầy hiệu trưởng trường cấp một gần nhà tôi, từ lúc các anh tôi học cho đến tôi bậm bẹ bước vào lớp một. Lúc nhỏ, tôi cùng với anh tôi bày ra cái trò là tập làm cha xứ, cử chỉ điệu bộ đi lại cứ như nghi lễ ở nhà thờ. Khổ cái, anh tôi lớn hơn nhưng vì chiều tôi nên toàn phải vào vai giúp lễ, bưng bê đồ cho tôi. Mỗi khi mấy anh em chúng tôi tới khúc làm dấu thánh giá của người công giáo, tôi cũng thấy bác làm dấu theo. Tôi hỏi má sao lại vậy? Má kể vợ bác Hoàng trước là người công giáo, sau này vì lấy bác mà phải bỏ đạo theo chồng rồi đứt đoạn niềm tin tới giờ. “Người ta ai mà chẳng tin vào Thượng Đế, chẳng có ai vô thần cả đâu. Tất cả cũng chỉ vì thời cuộc và chế độ làm người ta ra như thế”, má bảo vậy.

Gia đình bác có ba người con: anh Tý, chị Thỏ, chị Ty.

Anh Tý thì ít ở nhà, đi nghĩa vụ quân sự về thì đi chơi theo với bạn bè, ít khi ở nhà với hai bác. Anh kết hôn với một chị mà không tổ chức cưới hỏi. Hai người ở với nhau có một mụn con. Cuộc sống gia đình anh không mấy dễ dàng, anh đành làm tài xế xe vận tải để tiền có thể nhiều hơn mà chăm lo cho gia đình. Công việc mới, anh phải hòa nhập với nhịp sống của cánh tài xế đường trường, ngủ bờ ngủ bụi. Anh đơn côi trong những chuyến đi dành như thế, anh bắt đầu dựng “trạm nghỉ dừng chân” mở mỗi nơi, để vòng tay của anh không lạnh vắng. Mấy năm sau, anh dẫn thêm hai đứa con về cho bác Hoàng. Bác sững người. Vợ anh không chịu nổi cảnh mẹ ghẻ con chồng nên để lại tờ đơn ly dị mà bỏ đi. Dạo gần đây, trong mỗi dịp về nhà, tôi không còn nhìn thấy bóng anh, mẹ bảo “Anh Tý, con bác Hoàng bị công an bắt đi rồi. Khổ ! Dính vô ma túy làm chi để giờ phải đến nỗi trộm cắp thế đấy !”.


Chị Thỏ là con gái lớn nhất của bác Hoàng, là cô giáo trường cấp hai, cách nhà chừng 10km. Bác chạy chọt mãi, dựa vào các mối quan hệ khi đương chức đương quyền nên chị mới có chổ dạy ấm êm hơn các bạn chung lứa. Chị Thỏ lúc đầu sống chung với hai bác, từ ngày lấy chồng thì ở riêng. Tôi còn nhớ ngày chị lấy chồng lúc ấy tôi khoảng lớp 10 thì phải, chị lấy một thầy giáo chung trường rất đẹp trai và dễ thương. Hai người có một cậu nhóc kháu khỉnh. Cứ tưởng mọi thứ như thế là êm đẹp. Ai ngờ, thời gian làm cho con người ta ra thay lòng. Chị ly hôn mà theo một người đàn ông lớn tuổi giàu sang hơn, sống trong tình trạng chẳng ai ràng buộc ai. Chị bảo như thế lại thích hơn. Lâu lâu, chiếc xe hơi đỗ phịch trước nhà chị thì lại có một người đàn ông khác nhau xuất hiện như là bộ phim truyền hình nhiều tập mà đạo diễn cứ phải thay diễn viên liên tục. Bác Hoàng buồn lắm. Bác la thì chị bỏ không về nhà, mà thấy cảnh ấy diễn đi diễn lại bác lại đau lòng. Biết làm sao nói được tơ duyên ý trời.

Chị Ty thì xấp xỉ tuổi tôi. Chị là sinh viên ngành y loại giỏi, sau sáu năm học thì trở về làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, nơi trung tâm thành phố Nha Trang. Lập gia đình rồi sinh con, công việc chị bận rộn với áo blouse trắng nên tôi hiếm lắm tôi mới nhìn thấy chị. Chị Ty luôn là người bác tự hào nhất, khỏa lấp những nổi đơn côi khi có người nói này nói nọ.

Từ ngày các anh tôi lãnh tác vụ linh mục, bác hay qua nhà tôi chơi uống ngụm trà với ba tôi. Ờ thì đã đến lúc người ta lớn tuổi là lúc người ta cần nghe nhau hơn. Bác thấy các anh tôi lâu lâu về nhà, người này người nọ vào nhà gọi ba má tôi một tiếng “ông bà cố”, hai tiếng “ông bà cố”, bác cảm thấy gia đình tôi sung sướng. Tôi luôn phì cười khi nghe bác bảo thế. Bác bảo giờ sống tuổi già với mấy đứa cháu mà thấy chúng, bác thấy tội nghiệp quá chừng. Gia đình, bố mẹ phân tán mà phải sống với ông bà. Trái tim chúng có vết sẹo về những tháng năm trống trải này, thì tương lai chúng lại làm người khác đơn côi mất.

Gió xào xạc, mùa mưa lại về trên mảnh đất quê của chúng tôi. Mưa làm tan nát trái tim người thất tình, nhưng lại có thể tròn đầy trái tim đơn côi của bác.

Cam Ranh chuyển vào mùa mưa.