Tại sao chúng ta nên thinh lặng khi tham dự thánh lễ?

Quang X Nguyen

Khi đi dọc theo sảnh tiếp kiến Phaolô VI, Ðức Thánh Cha có thể chào hỏi vui vẻ và nhận một số món quà kỷ niệm từ các tín hữu. Nhưng trong thánh lễ, ngài nhấn mạnh về những khoảnh khắc lắng lòng để hướng về Chúa.


Ðức Phanxicô nói rằng, thời khắc thinh lặng trong thánh lễ là khoảng thời gian để mọi người tập trung cho cầu nguyện, tĩnh tâm và hiệp thông với Thiên Chúa: “Thinh lặng không phải chỉ là không bật ra tiếng nói, mà là để lắng nghe những tiếng nói khác: tiếng nói từ trái tim của chúng ta, và trên hết, là tiếng nói của Chúa Thánh Thần”. Thinh lặng là khi chúng ta khám phá ra “tầm quan trọng của việc lắng nghe những điều sâu thẳm trong tâm can, và sau đó dâng lên Thiên Chúa”. Ngài căn dặn: “Những khoảng lặng rất quan trọng trong thánh lễ. Ðừng vội. Chúng ta hãy cầu nguyện trong im lặng. Tôi khuyến khích các linh mục hãy làm điều này”.



Trong những giây phút tĩnh lặng, cộng đoàn cần tập trung, để nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa và thật sự trải lòng mình. Ðức Giáo Hoàng giảng giải: “Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã trải qua những ngày đau khổ, vui sướng hay buồn rầu. Chúng ta muốn kể điều đó với Thiên Chúa, cầu khẩn sự giúp đỡ của Ngài, mong Ngài luôn ở bên chúng ta, gia đình chúng ta, bạn bè chúng ta, những người có thể đang chịu đựng bệnh tật hay đang trải qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Và chúng ta muốn ủy thác số phận của Giáo hội và thế giới cho Ðấng Toàn Năng”.

Ðức Thánh Cha giải thích về tầm quan trọng của sự im lặng trong thánh lễ bởi vì những thời khắc này mang ý nghĩa khác nhau ở từng thời điểm: “Suốt nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện, sự tĩnh lặng sẽ giúp mọi người tập trung; sau một bài đọc hay bài giảng, đó là thời khắc để mọi người suy ngẫm về những điều đã nghe; sau khi hiệp thông, đó là lúc tâm hồn lắng lại để hướng về những điều được ca tụng hay khấn nguyện”.


Theo Ðức Phanxicô, thinh lặng tĩnh tâm sẽ dẫn đến một nhận thức sâu sắc hơn. Ðó mới đúng là cách cầu nguyện thật sự.


Thiện Tâm (theo CNA)