Chuyện phiếm Gã Siêu: Vì tôi là linh mục

Quang X Nguyen

CHUYỆN PHIẾM GÃ SIÊU: VÌ TÔI LÀ LINH MỤC

Tin, bài liên quan:

Nếu gã nhớ không lầm thì hồi trước năm 1975, Lệ Hằng, một nhà văn nữ, đã viết cuốn tiểu thuyết mang tựa đề là “Tóc mây”, nói về cuộc tình giữa Tố Kim, một cô sinh viên Đà lạt, với Hà Vĩnh Duy, một linh mục nhạc sĩ. Tác phẩm này đã tạo nên một cơn lốc, mà lúc bấy giờ thiên hạ gọi là “hiện tượng tóc mây”. Hình như trước hay sau đó ít lâu, nhạc phẩm “Vì tôi là linh mục” cũng được trình làng. Bài hát này đã gây được một âm vang khá lớn, thậm chí những lúc buồn tình, các cô gái ngây thơ cũng chu mỏ và ngay cả các “ma xơ” cũng mở miệng nghêu ngao: Vì tôi là linh mục, không mặc chiếc áo dòng, nên chi đời đau khổ, nên trót đời lang thang. Hẳn đây là tâm sự buồn của một linh mục lỡ dại trót yêu một tín đồ duy nhất, nên đã cởi bỏ chiếc áo chùng thâm mà đi bụi đời?

Xét về nguyên do của việc tu trì, thiên hạ xấu bụng thường bảo: Trốn việc quan đi ở nhà chùa. Chán đời, hay thất tình thì mới đi tu, bởi vì tu là cõi phúc, tình là dây thun.


Gã chơi thân với một anh chàng. Anh chàng này thương một cô nàng, nhưng đây chỉ là một tình yêu đơn phương, có nghĩa rằng thì là anh chàng thì thương da thương diếc, còn cô nàng thì lại lạnh lùng, ngoảnh mặt làm ngơ, khiến cho anh chàng cứ héo hắt và quay quắt. Thế rồi, cô nàng bỗng đi lấy chồng, kết tóc xe duyên với một thằng bạn cùng học “mí nhau” từ thuở còn mặc quần thủng đũng. Và thế là trái tim anh chàng cũng tan nát theo kiểu: Ngày nhà em pháo nổ, anh cuộn mình trong chăn, như con sâu làm tổ, trong trái vải cô đơn. Anh chàng thẫn thờ thờ thẫn như kẻ mất hồn, lang thang như người cõi trên và miệng thì lảm nhảm theo giai điệu của bài “Love story”: Ôi biết nói gì cuộc tình quá lớn, cuộc tình quá lớn ôi biết nói gì cuộc tình lớn quá, cuộc tình lớn quá ôi biết nói gì cuộc tình quá lớn. 

Sau cú sốc đau điếng vì cuộc tình quá lớn bị vỡ tung, anh chàng lặng lẽ khăn gói quả mướp, lê từng bước chân âm thầm vào một nhà dòng và tu ở đó. Ơn Chúa tuôn đổ. Một thời gian sau, anh chàng được thụ phong linh mục. Trong ngày mở tay, cô nàng dắt cháu bé tới và nói: Con ạ cha đi con. Cha mới chớp chớp đôi mắt “mơ huyền” và lãng đãng nhìn về chốn xa xôi. Bây giờ mỗi khi nhắc lại chuyện xưa, vị linh mục này thường hay mỉm cười nói với bè bạn: Nếu không bị cô nàng đá lên đá xuống, toạc đầu xẻ mũi, thì có lẽ mình đã làm bố cụ, chứ đâu có thèm làm cụ như anh em thấy đó. Chúa chọn con như sét chọn một cây tầm thường. Thánh ý Ngài nhiệm mầu hết xảy.

Bên đạo chúng ta, lý do “thất tình đi tu” chẳng phải là không có, nhưng xem ra rất họa hiếm, vì chú nhóc thường vào tiểu chủng viện hay nhà dòng từ hồi nhỏ, tóc còn để chỏm. Thế nhưng, ở cái thuở “thò lò mũi xanh” ấy, chú nhóc làm sao hiểu được ơn gọi là gì? Đơn giản, chú nhóc thích đi tu chỉ vì thấy mấy “cụ” được đi giày tây, ăn bánh tây và ở nhà tây. Ra ngoài đường được cả và thiên hạ khoanh tay cúi đầu chào: Con xin phép lạy cha ạ. Đôi khi cha mẹ muốn cho con cái đi tu chỉ để sau này chúng được nhàn hạ và hạnh phúc, như lời phát biểu hăng tiết vịt của bà hiền mẫu nọ với cha phó kia trong một cuộc họp hàng tháng: Đi tu như các cha các dì thế mà sướng, chứ đèo bồng ở ngoài đời như chúng con khổ lắm cha ơi! Có chú nhóc đi tu chỉ vì ông già, bà già thầm mong được mọi người gọi mình là “ông cố”, “bà cố”. Bởi cái giấc mộng vàng ấy, khi thấy chú nhóc của mình trở chứng, muốn giã từ đời tu, một ông “chuẩn cố” đã thẳng thừng nói với “chú nhà tràng” như sau: Thà rằng mày làm con chó nhà Đức Chúa Trời, còn hơn là làm vương làm tướng ngoài thế gian, con ạ.

Những lý do “lôm côm” ban đầu này cùng với năm tháng dần dần được đẽo gọt, được mài dũa, để rồi kết tinh và cô đọng lại thành cái lý tưởng phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Trong thánh lễ mở tay của cha mới, các vị giảng thuyết thường hùng hổ đến xùi cả bọt mép đề cao vẻ đẹp tuyệt vời của thiên chức linh mục, ít ai dám đề cập tới những thập giá của tước vị này, khiến cho cha mới chỉ nhìn thấy bông hồng mà quên đi những gai nhọn của nó. Thế nhưng, tiệc rượu thì chóng tàn, ngày vui thì qua mau, vinh quang Taborê chỉ kéo dài trong thoáng chốc, để rồi tới lúc phải xuống núi và đối đầu với thập giá đời thường. Và đời thường thì nhiêu khê, lắm nỗi truân chuyên và nhiều phen lao đao, xấc bấc xang bang.


Sau đây gã chỉ xin trình bày hai trường hợp, hai thái cực nho nhỏ, trong đó giáo dân đã xô linh mục vào chân tường, đã đẩy linh mục tới chỗ bất ổn hay đã làm hư linh mục.

Trường hợp thứ nhất đó là thái độ quá trọng kính đến độ khúm núm, coi linh mục như là một người thông biết mọi sự và chẳng hề sai lỗi bao giờ. Mới ngày nào bè bạn còn “mày tao chi tớ” mí nhau, nhưng một khi đã thụ phong linh mục, từ hòn đất được cất nên ông bụt, thì lập tức được gọi là cha, là cụ, là cố, khiến cho thiên hạ, kể cả những người thân yêu nhất, cũng phải “kính nhi viễn chi”. Trọng kính linh mục là điều rất tốt, nhưng quá trọng kính đến độ khúm núm thì lại là điều nguy hiểm, vì nó dễ làm cho linh mục quên đi mình xuất thân từ một cục đất, mình chỉ là một dụng cụ tầm thường trong bàn tay Thiên Chúa, để rồi luôn mang ảo tưởng mình là ông bụt, mình là cái rốn của vũ trụ và từ đó trở thành quan liêu, độc tài, độc đoán.

Trường hợp thứ hai là thái độ vô ơn, nghiêm khắc và thiếu cảm thông của giáo dân đôi khi đã làm cho linh mục buồn đau đến rơi cả nước mắt. Một trong những nguyên tắc cư xử thông thường, đó là hãy nghiêm khắc với bản thân mà khoan dung với người khác. Thế nhưng, thiên hạ hay hành động ngược lại với nguyên tắc thông thường ấy, bằng cách tỏ ra nghiêm khắc với người khác mà khoan dung với chính bản thân mình. Quan điểm này cũng được giáo dân áp dụng vào mối liên hệ với linh mục.

Thiên hạ thường nói: nhân vô thập toàn, đã là người thì ai cũng có những sai lỗi của mình, kể cả linh mục vì linh mục cũng mang thân phận mỏng giòn. Rồi bá nhân bá tánh, năm người mười ý, bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn. Linh mục được sánh ví như người làm dâu trăm họ, nên khó có thể làm vừa lòng mọi người và nếu cố gắng làm vừa lòng mọi người, thì rốt cuộc sẽ chẳng làm vừa lòng một ai. Giáo dân hay quên mất những công ơn linh mục đã làm, mà chỉ nhìn thấy những khuyết điểm của linh mục, để rồi lên tiếng phê bình chỉ trích một cách gắt gao, dắt díu nhau lên Tòa giám mục, nộp đơn cho Đức cha hay cho nhà nước mà kiện tụng linh tinh.

Một cha sở trẻ vừa mới khánh thành ngôi nhà thờ cho giáo xứ thì lâm bệnh nặng. Bệnh nặng chữa không khỏi mà tiền bạc thì lại hao tốn. Cha sở trẻ nằm dưỡng bệnh ở nhà xứ, rồi cứ vài tuần lại phải đi tái khám và mua thuốc uống tận Saigon. Cứ thế, cứ thế. Lúc đầu chưa có chuyện gì, nhưng sau một thời gian, những tiếng eo xèo bắt đầu nảy sinh, mỗi ngày một lớn, cộng thêm với chuyện này chuyện nọ, cuối cùng cha sở trẻ đã phải khóc mà xin đi hưu non, như “con chim ẩn mình chờ chết”.

Có lẽ thấm thía nhất là nỗi cô đơn của linh mục. Nỗi cô đơn sẽ đậm đặc hơn khi linh mục đau yếu. Một cha phó đã bật mí cho gã biết như sau: Ngày nọ mình bị đau nhờ chú nhỏ giúp lễ đi tìm người cạo gió. Nhờ bà này hay cô kia thì không ổn, bởi vì thiên hạ sẽ bảo rằng đó là chước mốc ma quỉ. Các bà các cô, hiền thì có hiền, nhưng đôi khi cũng dữ như sư tử Hà đông. Khi đoàn “nữ binh mùa thu” này mà đã loan tin bằng chiến thuật rỉ tai thì còn nhanh hơn cả những máy móc điện tử hiện đại nhất. Được dặn dò kỹ càng, chú nhỏ giúp lễ kêu về một ông hàng xóm đang trong tình trạng say không ra say, xỉn không ra xỉn, mới xơi đâu được ba xị rượu đế. Mà như dân ghiền thường bảo: Một xị thì mở mang trí hóa, hai xị thì giải bớt cơn sầu, ba xị thì mũi chảy đầy râu, bốn xị thì ngồi đâu khóc đó. Vì được thoa dầu, nên khi cạo gió thân thể mình đang nóng bừng bừng, thì bỗng dưng cảm thấy lạnh toát ở xương sống, hóa ra nước mũi của ông hàng xóm cứ vô tư rơi thánh thót trên tấm lưng của mình. Lần khác khi giác hơi, ông ấy đã đổ ụp cả một ống dầu hôi lên người. Nhiều khi đau ốm, đành âm thầm nằm ngó lên trần mà xem những con thằn lằn đuổi nhau.

Sau cùng, nỗi cô đơn sẽ đặc quánh khi linh mục về già. Nhà hưu thì nơi có nơi không. Mà có thì cũng khá thiếu thốn. Còn về ở với gia đình, không phải là không bất tiện. Nếu mình có tí tiền còm, thì con cháu xem ra hăm hở nhiệt thành. Nhưng khi tiền đã hết, thì tình cũng chắp cánh bay cao và sự chăm sóc bèn trở thành một gánh nặng. Có khi chưa chết, chúng đã vội chia chác, hay chôm chỉa được cái nào hay cái ấy. Chuyện còn dài, nhưng gã xin “xì tốp” nơi đây bằng mẩu chuyện sau đây:
Đức giáo hoàng Piô X, ngay sau khi vừa được tấn phong làm Giám mục Montova, đã về thăm gia đình và khoe với mẹ chiếc nhẫn giám mục của mình: Này bu, bu xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp hay không? Người mẹ bèn giơ ra chiếc nhẫn cưới đang đeo trên tay và bảo: Nếu không có cái này thì làm sao có cái kia.

Từ khi vào tiểu chủng viện cho đến lúc tiến tới chức linh mục, tỷ lệ 10%. Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít. Còn bao nhiêu thì rơi rụng dọc đường. Điều đó chứng tỏ tu không phải là chuyện dễ và đời tu cũng không phải là vắng bóng thập giá. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận và đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Đã cố gắng tu mà chẳng được làm cha cố, thì làm ông cố cũng tốt thôi, vì không có ông cố, làm sao có cha cố!

Gã Siêu (Lm FX Hoàng Đình Mai)