"Đừng bao giờ từ bỏ ơn gọi của mình"

Quang X Nguyen

ĐAU ĐẦU


------

...đừng sợ khó khăn, thử thách, hãy cứ bám vào Chúa và quan trọng, “ĐỪNG BAO GIỜ CÓ Ý ĐỊNH TỪ BỎ ƠN GỌI CỦA MÌNH” cho dù chúng ta đang phải đối đầu với đêm đen và bế tắc...


P/s: Gửi các bạn đang ao ước sống đời dâng hiến mà không đủ tự tin vào bản thân.


Có một điều mà không bao giờ tôi dám mơ mình có được, đó là sức khỏe. Sau 15 năm phát bệnh, và sống chung với bệnh tật, trải qua biết bao cơn bĩ cực, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, khám rất nhiều bệnh viện lớn nhỏ, uống thuốc không biết bao nhiêu là thuốc, tôi mới biết mình mắc bệnh Thalassemia (còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh). Vì là bệnh đột biến gen máu nên cơ thể tôi luôn trong tình trạng thiếu máu, yếu nhược, xanh xao, không thể làm việc nặng được, não bộ thiếu o-xi trầm trọng. Cộng với thời gian dài tập tu, tập trung tối đa cho học tập, và vì não thiếu o-xi nên dẫn đến động mạch não bị phình, dị dạng mạch máu não. Chính vì thế tôi luôn bị những cơn đau đầu hành hạ.



Từ năm 10 tuổi, tôi đã phải liên tục chịu những cơn đau đầu kéo dài từ khoảng 10g sáng cho đến xế chiều mỗi ngày. Sức khỏe kém cộng với tính ham chơi nên suốt thời gian tiểu học và trung học tôi chỉ vừa đủ điểm lên lớp. Thời gian cấp ba tôi học khá hơn một chút, nhưng cơ thể luôn yếu ớt, xanh xao. Chẳng hiểu vì sao từ nhỏ tôi lại có ước mơ đi tu, dù là thoảng qua trong trí óc thôi. Nhưng rồi ước mơ ấy mau chóng bị dập tắt khi tôi nhận ra sức khỏe của mình ngày càng tệ hại. Nghe đâu đó nói rằng đi tu mà bệnh nhiều quá là dấu hiệu cho thấy không có ơn gọi. Vậy là tôi gác luôn ước mơ đi tu qua một bên.

Thế rồi giữa năm lớp 10, gia đình tôi trải qua một biến cố lớn.
Xuất phát từ việc li hôn của chị Ba, sau đó là làm ăn thua lỗ của ba, rồi đến những trận cãi nhau như cơm bữa giữa ba với má. Không những thế, người ta còn đến siết luôn cái nhà gia đình tôi đang ở. Suốt một thời gian dài, tôi phải chứng kiến những đau thương của tất cả các thành viên trong gia đình. Lúc này, mọi người bắt đầu đổ lỗi cho nhau, không ai chịu trách nhiệm với những biến cố đang xảy ra. Tại sao mình không đứng ra bên ngoài gia đình, để nhìn rõ hơn biến cố này, và để có thể giải thoát những bế tắc của gia đình? – Tôi tự nghĩ thế. Và rồi cái ước mơ đi tu bất chợt sống lại. Hay là mình đi tu?

Và thế là tôi bắt đầu nuôi lại ước mơ đi tu. Cha xứ là một người cực kỳ khó tính trong con mắt của giáo dân và của bản thân tôi lúc bấy giờ. Vì thế, dù tôi muốn đi tu nhưng cũng không dám nói với ngài. May thay, một anh giáo lý viên đã dẫn tôi vào gặp ngài. Thật bất ngờ, cha tận tình chỉ dẫn và giới thiệu tôi thi vào Dòng Thánh Thể. Trong trí não của mình, tôi không hề biết đi tu có nhiều chọn lựa khác nhau: triều và dòng. Sau này tôi mới biết ngoài tu triều còn có các dòng khác nhau.

Kết quả, tôi thi trượt vì điểm tiếng Anh và Việt văn còn kém quá. Nhưng rồi tôi cầu nguyện, và chắc chắn nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ, nhà Dòng đã chấp nhận tôi, và cho tôi cơ hội được tham gia lớp dự tu của Dòng, với điều kiện tôi phải có trình độ đại học. Vậy là tôi bắt đầu mài dùi học tập ngày đêm. Thế nhưng kết quả không như mong muốn, tôi thi trượt đại học. Năm sau tôi quyết định chuyển qua một ngành học khác, xem có vẻ hợp hơn với khả năng của mình, qua lời đề nghị của một người bạn. Kết quả, tôi không đủ điểm. Lại chạy đến cầu nguyện với Đức Mẹ như thói quen, và Mẹ đã nhận lời. Nhà trường bất ngờ hạ xuống 0.5 điểm và tôi đủ điểm đậu.

Thế là tôi được đi học. Nhưng gia đình lúc này không đủ khả năng giúp tôi trả tiền học phí, nên tôi đã quyết định dọn vào nhà xứ. Mãi sau này, tôi vẫn không thể nghĩ rằng, thời gian ở với cha xứ là thời gian u ám nhất trong cuộc đời tôi. Vì cha xứ đã lớn tuổi, hơn nữa lại là tuyên úy quân đội trước 75, nên ngài cực kì nghiêm khắc. Tôi không bao giờ dám nói chuyện với ngài. Đầu năm phải đóng tiền học, cha đã cho tiền, nhưng tôi đã đánh mất cái ví có cả giấy tờ và tiền đóng học. Tôi không dám nói với ngài. Lại chạy đến với Đức Mẹ, khóc lóc ỉ ôi. Trở về nhà, bất ngờ một người bạn nói mẹ của bạn ấy sẽ giúp đóng tiền học cho đến khi tôi ra trường, dù trước đó tôi không hề kể gì cho người bạn ấy nghe.

Những tưởng đời sinh viên trải qua suôn sẻ nhưng một lần nữa tôi phải chiến đấu với bệnh tật. Sức khỏe của tôi vẫn không tiến triển. Nhìn thấy bạn bè mạnh khỏe, trí óc thông minh, nhanh nhạy, tôi thất vọng vào bản thân rất nhiều. Tự thấy mình quá nhu nhược và yếu đuối, không làm nên trò trống gì được. Bên cạnh đó, tình yêu đầu đời cũng gây ra cho tôi nhiều đau khổ. Tôi phải luôn đấu tranh với sức khỏe của mình, đấu tranh để nuôi ơn gọi, đấu tranh để không bị tình cảm chi phối, đấu tranh để không bị khinh thường, phỉ báng…và thế là tôi căng thẳng. Về xứ thì cha xứ quá khó, những người sống chung với tôi trong nhà xứ lúc bấy giờ cũng không hiểu tôi. Bị áp lực cả bên trong lẫn bên ngoài, vì thế tôi bị trầm cảm mà không biết. Đến bây giờ, tôi cũng không thể tưởng tượng được vì sao tôi có thể trải qua thời gian tồi tệ này. Lúc nào tôi cũng muốn chết và tìm cách chết. Tôi đã cầu nguyện và khóc với Chúa rất nhiều, chỉ xin Chúa cho được chết.

Những lúc quá buồn, tôi thường có thói quen viết thư cho Chúa, kể ra tất cả nỗi niềm của mình. Hoặc tôi nói chuyện với Chúa như là người bạn thân nhất của mình. Càng khủng hoảng bao nhiêu, tôi càng nói chuyện với Chúa nhiều bấy nhiêu như một người tự kỉ. Chuỗi Mân Côi luôn cầm trên tay mỗi khi đi học. Trong những cuộc nói chuyện với Chúa, tôi quyết định phải vượt ra bóng đêm u ám đang bao phủ bằng những quyết tâm. Tôi tự nghĩ: Không thể có một linh mục mà yếu đuối, nhu nhược, nên tôi đi học võ để rèn luyện bản lĩnh và sức khỏe. Sau này làm cha, mình phải giảng dạy trước đám đông, mà mình lại nhút nhát và thiếu tự tin, thế là tôi tham gia nhiều hoạt động của sinh viên để tự tin trước đám đông. Là một linh mục thì phải cần có kiến thức vững vàng, thế là tôi tập trung học tập. Và kết quả, mỗi một học kỳ trôi qua, tôi đều được lãnh học bổng loại khá giỏi. Sức khỏe tuy không khá hơn, nhưng tôi cảm thấy tự tin hơn một chút.

Vậy là tôi kết thúc thời gian sinh viên, chia tay với mối tình đầu, tôi bắt đầu chính thức bước chân vào Dòng. Những ngày đầu sống trong môi trường tu trì, tôi gặp muôn vàn khó khăn trong đời sống chung. Ngay lập tức, các cha nhận ra sự yếu đuối của tôi. Nhưng chẳng hiểu vì sao, cứ mỗi một giai đoạn đào tạo, Chúa lại ban cho tôi một vị bề trên rất hiểu và cảm thông. Những lúc Ban Cố Vấn Tỉnh Dòng bỏ phiếu để quyết định cho thôi khấn, hoặc đặt vấn đề về ơn gọi của tôi thì chính những bề trên lại là người đứng ra can thiệp, bảo vệ ơn gọi cho tôi.

Sống trong nhà Dòng, tưởng tôi được thoải mái, nhưng những dư âm do bệnh trầm cảm trước kia vẫn còn đó âm ỉ, đêm đêm trong vô thức nó trỗi dậy. Dường như đêm nào tôi cũng gặp ác mộng rồi la hét, sợ hãi. Gánh nặng là con trai duy nhất trong gia đình trỗi dậy, tôi cảm thấy mình quá bất hiếu với cha mẹ. Đang khi gia đình gặp khó khăn, tôi bỏ đi, các chị trách là vô trách nhiệm. Điều đó trở thành gánh nặng cho tôi suốt một thời gian dài. Hình ảnh ba má và gia đình trở thành một nỗi sợ hãi trong tâm trí tôi. Ngoài ra, lực học của tôi cũng không khá mấy, tiếng Anh luôn là một nỗi ám ảnh. Đời sống cộng đoàn với những khác biệt tuổi tác, vùng miền luôn làm tôi phải nặng nề. Căn bệnh đau đầu dựa vào những sự việc ấy cũng đè nặng tôi. Tôi bắt đầu làm quen với việc uống thuốc giảm đau mỗi ngày (hiện tại tôi vẫn phải uống khi cơn đau đến). Và cứ như vậy, tôi luôn phải tranh đấu với sức khỏe, ơn gọi, nội tâm, áp lực học tập, áp lực đời sống cộng đoàn, áp lực chữ hiếu vì là con trai duy nhất, áp lực từ những đổ vỡ, khó khăn trong gia đình của các chị, áp lực nên thánh, sửa đổi bản thân mỗi ngày…luôn đè nặng trên tôi. Tôi thật sự kiệt sức.

Năm thần 3, tôi phải trải qua một cơn bạo bệnh nghiêm trọng, và đau đớn nhất. Những cơn đau khủng khiếp kéo dài hơn 12 g đồng hồ, kèm theo sốt nóng lạnh và nôn mửa. Vài ba bữa cơn đau lặp lại một lần. Bác sĩ Chợ Rẫy buộc phải nhập viện gấp, nhưng tôi quyết định không nhập viện. Những lúc đau đớn như thế tôi nghĩ đến cuộc khổ nạn của Chúa và nói chuyện rất nhiều với Chúa. Nếu bây giờ Chúa cho con chết thì con cũng bằng lòng, những ngày tháng qua được sống trong nhà Dòng đã là hạnh phúc nhất trong cuộc đời con rồi. Con không dám mơ tưởng điều gì nữa. Và phép lạ đã xảy ra, cơn bạo bệnh qua đi, tôi lại tiếp tục học tập.

Thế là tôi hoàn tất chương trình thần học với tấm bằng loại giỏi (bằng cuối cùng, và cũng là bằng xếp loại cao nhất trong tất cả các văn bằng của tôi). Tôi không thể ngờ mình có số điểm cao nhất trong kì thi tốt nghiệp thần học năm đó.

Ra trường, tôi chịu chức phó tế, rồi đi giúp xứ. Chứng đau đầu vẫn đồng hành với tôi. Tôi nghĩ cứ làm việc hết mình, khi nào đau đầu thì nghỉ. Các cha rất ưu ái và thương yêu tôi. Ai trong Dòng cũng biết tôi bị đau đầu, bề trên giám tỉnh nói: "Đừng chia cho thầy giảng lễ nhiều quá, không thôi thầy lại đau đầu!" Rồi tôi được chịu chức linh mục. Đơn giản và dễ dàng hơn những anh em cùng lớp. Về làm lễ tạ ơn cho ba má hãnh diện, bà con họ hàng anh chị vui cười tít mắt. Gia đình tôi cũng đã thay đổi và ổn định hơn trước rất nhiều. Trải qua thời gian dài cầu nguyện với Chúa, tôi nhận ra bệnh đau đầu chính là một hồng ân mà Chúa đã ban cho tôi. Tôi nghĩ mình quá quậy phá và không biết nghe lời giống như Tôn Ngộ Không, nên Chúa phải dùng bệnh đau đầu tựa như vòng kim-cô để chế ngự sự nghịch phá và cứng đầu cứng cổ của tôi.

Chịu chức xong, tự nhiên những cơn đau bắt đầu thưa dần (thỉnh thoảng vẫn có những cơn đau, nhưng rất nhẹ nhàng so với những cơn đau trong quá khứ). Sức khỏe của thôi thay đổi tích cực, cơ thể mạnh khỏe hơn, da dẻ hồng hào hơn. Hơn bất cứ lúc nào, tôi tạ ơn về việc Chúa ban cho mình sức khỏe và không ngừng để rèn luyện sức khỏe của mình mỗi ngày. Nhiều người nói, đó là ơn Chúa…Đúng, ơn Chúa! Có mơ tôi cũng không dám mơ với những gì tôi đang có trong hiện tại.

Giờ đây, tuy vẫn phải uống thuốc, nhưng sức khỏe của tôi đã được cải thiện rất nhiều. Thật sớm để có thể nói trước điều gì với một linh mục chỉ mới chịu chức được chưa tròn hai năm và tuổi đời vừa bước qua con số 35. Nhưng những gì đã trải qua trong suốt 20 năm trường theo đuổi ơn gọi, và chiến đấu với bệnh tật, tôi nhận ra rằng Chúa yêu thương và ưu ái cho tôi quá nhiều. Trong mỗi biến cố lớn nhỏ Chúa luôn can thiệp cách trực tiếp. Trong mỗi giai đoạn Chúa luôn gửi cho tôi những người này người kia để đồng hành và khích lệ. Tôi xác tín rằng, Chúa sẽ tiếp tục can thiệp để tôi có thể thực thi sứ vụ mà Chúa đã trao phó cho tôi trong vai trò là một Tu sĩ – Linh mục Dòng Thánh Thể.

Nhiều bạn trẻ tâm sự thấy mình không xứng đáng với ơn gọi. Nào là học yếu, nào là sức khỏe kém, nào là con tội lỗi quá…để rồi không đủ tự tin theo đuổi ơn gọi. HÃY TỰ TIN LÊN! Với tôi, tự tin không có nghĩa là dựa vào bản thân mình nhưng là dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Nếu Chúa đã gọi, thì Người sẽ chọn. Trong quá trình đó, Chúa có cách để đào tạo và giúp chúng ta ngày một trưởng thành hơn qua mỗi sự kiện và biến cố, ngõ hầu chúng ta có thể vững vàng trong nhân bản, tri thức, cũng như trong nội tâm để thực thi những sứ vụ Chúa trao phó.

Đừng sợ khó khăn, thử thách, hãy cứ bám vào Chúa và quan trọng, “ĐỪNG BAO GIỜ CÓ Ý ĐỊNH TỪ BỎ ƠN GỌI CỦA MÌNH” cho dù chúng ta đang phải đối đầu với đêm đen và bế tắc.

Giờ đây, tôi đã có thể ra sân đá bóng với anh em mà không sợ bị đau đầu (ước mơ từ ngày đầu vào đời tu là có thể đá bóng với anh em, mà không sợ bị đau đầu). Tôi có đến ba đôi giày. Một để chơi bóng đá, một chơi bóng chuyền và một đôi để chơi cầu lông. Môn nào tôi cũng thích, nhưng trong “sự nghiệp thể thao” của mình, tôi chưa bao giờ được nếm mùi chiến thắng trước anh em. Nhưng hơn ai hết, tôi biết tôi đã chiến thắng chính bệnh tật và sự tự ti của mình trong suốt 20 năm qua. Tạ ơn Chúa!

Chúa nhật IV – Phục Sinh, Lễ Chúa Chiên Lành - Cầu cho Ơn Thiên Triệu - 2019

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS