Chuyện một xứ đạo ở xứ Phù Tang

Quang X Nguyen

CHUYỆN XỨ ĐẠO

Giáo xứ tôi có một bà gần 70 tuổi là đạo mới, người chồng tuy chưa học đạo, nhưng thỉnh thoảng cũng đến nhà thờ dự lễ. Gia đình họ có 2 người con, một trai và một gái. Người con trai là kỹ sư điện lạnh, người con gái là giáo viên, cả 2 cùng làm việc, sống xa nhà.

Chuyện vợ chồng thì ở đâu cũng thế, lắm lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt là chuyện bình thường. Bà này có tính cách khác với nhiều phụ nữ Nhật Bản, đó là ít mềm dẻo, ngọt ngào, không nịnh hót và dám nói thẳng, nói thật bất luận người đó là ai.

Khi về hưu rồi, vợ chồng có nhiều thời gian ở bên nhau hơn, nhưng số lần cãi nhau cũng nhiều hơn. Có lúc bà ấy không chịu nỗi, đành ôm tài sản, cuốn gói “đi bụi” coi công viên là nhà. Đến lúc tiêu xài hết tiền, thì xin vào Chùa nấu cơm và mong tìm cuộc sống thanh tịnh. Nhưng vì tính cách thẳng thắn, sau vài lần cãi nhau với Thầy Chùa, bà lại xách gói về nhà ở với chồng.

Đời sống vợ chồng cũng chẳng mặn nồng cho lắm, nên ngoài việc đi mua sắm, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, bà không đến nhà thờ và cũng chẳng đi đâu, ít giao lưu với bạn bè, vì mặc cảm, sợ người ta chê cười, nên lúc nào cũng ủ rũ, buồn phiền, ốm đau triền miên.



Ngày tôi về nhận xứ này, cuối thánh lễ, tôi nói: “Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2 đã từng nói: “Ngài là tôi tớ của mọi tôi tớ, tôi cũng vậy, xin bà con cứ sử dụng tôi, khi cần đến”. Và tôi đã công khai số điện thoại di động của mình, cho bà con giáo xứ biết, để họ gọi cho tôi, bất cứ lúc nào họ cần tới, dù lúc nữa đêm gà gáy. Và tôi sẽ đi thăm những người già, ốm đau, bệnh tật trong giáo xứ, xin mọi người đừng khách sáo, cứ gọi điện và cho biết địa chỉ, tôi sẽ đi thăm và đến giải tội, xức dầu, mang Mình Thánh Chúa đến cho họ.

Nghe thế, nhiều người vui lắm và giới thiệu cho tôi biết những người già đau yếu và vì nhiều lý do, nên không đến nhà thờ dự lễ. Nhờ vậy, tôi lần lượt gọi điện thăm họ. Khi gọi cho bà này, thì bà nói: “cha không phải đến nhà tôi đâu, Chúa nhật tuần tới tôi sẽ đến nhà thờ dự lễ”. Đúng hẹn ngày CN bà đến nhà thờ và sau thánh lễ bà vào nhà xứ chào hỏi và cám ơn tôi đã liên lạc với bà. Từ đó, hằng tuần bà đến nhà thờ đều đặn.

Một chiều nọ, bà đến bấm chuông nhà xứ và khóc lóc, xin vào tá túc, vì chồng bà đã dùng vũ lực với bà, nhưng tôi không đồng ý và khuyên bà nên tìm đến nhà bạn thì tốt hơn, vì sợ chồng bà tới nhà xứ gây khó dễ.

Sau đó, bà luôn ghé nhà thờ, một mình cầu nguyện, lần chuỗi và khóc lóc trong nhà thờ. Cứ chiều chiều, sau khi đi làm về, vào nhà thờ đọc kinh cầu nguyện là tôi gặp bà. Sau đó bà cứ xin gặp tôi kể lễ và khóc lóc. Sau nhiều lần, tôi nói với bà: “Chúa và Mẹ không nhậm lời bà cầu nguyện đâu, nếu bà cứ khóc lóc, than trách, hết người này đến người khác như vậy”. Rồi tôi nói tiếp: “Mỗi lần đến cầu nguyện phải ăn mặc đẹp, xức dầu thơm, tươi cười và đừng trách ai nữa, thì Chúa và Mẹ sẽ nhậm lời bà”.

Nhân dịp tĩnh tâm cho giáo xứ, tôi nói với giáo dân rằng: “ Kể từ nay, trước và sau thánh lễ, tôi sẽ ngồi toà giải tội, nếu ai có điều gì bất an, thì xin đừng khách sáo, cứ trút hết cho tôi, cho thanh thản tâm hồn. Nhưng xin bà con một điều, là khi xưng tội, chỉ xưng tội của mình mà thôi, không xưng tội của người khác”.

Từ ngày đó trở đi bà khoẻ hẳn ra, không còn nghe bà khóc trong nhà thờ nữa và mỗi lần đến đều ăn mặc đẹp, chỉn chu hơn. Bà có thêm nhiều bạn mới, thỉnh thoảng còn dẫn họ đến thăm tôi và còn mang nhiều đồ ăn do tay bà nấu cho tôi nữa.

Một buổi chiều nọ, khi tôi đang nhổ cỏ trong vườn, thì bà đánh xe tới, tôi không mời bà vào nhà, vì nghe mãi chuyện buồn phiền cũng chán, nên tôi nói: “Nếu bà còn buồn, còn giận ai, thì nhổ cỏ với tôi cho vui, cuộc đời vắn vỏi, buồn giận làm chi cho mau già và sinh bệnh ra, uổng”. Nghe thế, bà im lặng nhổ cỏ mà không nói một lời nào nữa.

Từ đó trở đi chiều nào cũng thấy bà đánh xe đến nhà xứ, cuốc đất, nhổ cỏ, nên tôi mua hoa về trồng. Giáo dân trong giáo xứ ai cũng khen đẹp. Tôi nói với mọi người: “đây là tác phẩm của bà ấy” nên bà rất vui.

Kể từ đó trở đi, mỗi lần bà vui, thì mang đồ ăn đến cho tôi, còn mỗi lần bà buồn, thì bà lại âm thầm đến vườn nhà xứ, cuốc đất, nhổ cỏ, trồng rau cho hết tức, hết buồn.

Lễ Mẹ Thăm Viếng
31/05/2019

Peter Phạm Hoàng
Hình ảnh minh hoạ sưu tầm từ Internet.