Cháu tôi là người Tin Lành- Tác giả: Vinh Kiu

Văn thơ Công giáo
(Ảnh: Sưu tầm)

- Cậu ơi, cháu sắp được Báp-têm rồi đây này!

Thiên Ân tươi cười khi tôi đến thăm cháu, nó hí hửng khoe với tôi giấy chứng nhận khóa học giáo lý cơ bản của Hội thánh Tin lành. Cháu khoe sẽ được gia nhập Hội thánh vào cuối tuần này, sau Lễ Thờ Phượng buổi sáng, thường gọi là “Lễ Bình Minh”, vào đúng tuổi 12 - tuổi Chúa Giê-su lạc ở Đền Thánh Giêrusalem. Tôi mỉm cười xoa đầu cháu:

- Chúc mừng cháu, vậy là cháu sắp được chính thức trở thành con cái Chúa Ki-tô, được sạch tội nữa…

- Ơ, sao lại thế ạ? Báp-têm chỉ đơn thuần là nghi thức gia nhập Hội thánh, còn việc sạch tội hay không là mình xưng với Chúa thì sẽ được Chúa tha chứ đâu liên quan gì đến Báp-têm ạ.

- Ồ vậy à, cháu được học như vậy sao? Mẹ cháu không bảo ban gì thêm ư?

Tôi thở dài, vậy là trật hết tín lý “Một Đức Tin, Một Phép Rửa” rồi, nếu sau này cháu có về lại Công giáo, thì cũng phải Rửa tội lại…

- Mẹ cháu ấy à - Thiên Ân cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi - Mẹ cháu chẳng bảo gì cả, mẹ cháu bảo cháu theo bố, theo Tin lành hay Công giáo thì cũng về đích như nhau, nhưng đi đường nào thì đi một đường thôi, không thì rối trí lắm, mà lại cãi nhau…

- Vậy sao? Thế lâu nay bố mẹ cháu không cãi nhau về Tín lý nữa à?

- Dạ không ạ, kể từ khi mẹ cháu thỏa thuận với bố là cháu sẽ theo Tin lành, còn em Hồng Ân sẽ theo Công giáo, thì hai người thôi không cãi nhau nữa ạ.

- Ủa kỳ vậy? Thế sau này hai anh em mỗi đứa một đằng hả?

- Vâng, mẹ bảo sau này mẹ sẽ cố gắng cho em Hồng Ân đi theo bác Quang làm Cha xứ, để xem con theo bố có làm nổi Mục sư không…

- Hả, lại còn thế nữa, tính cho thế hệ sau lại cãi nhau bằng chết tiếp hả?

- Úi dà, nhưng dù sao thì con vẫn thích làm Mục sư hơn, chứ không được lấy vợ như bác Quang thì cô đơn lắm, hihi…

Tôi cười ra nước mắt luôn. Vậy đó, có ông anh trai làm cha thì cũng có lúc vui lúc buồn, nhưng có bà chị lấy người Tin lành thì chỉ mang đến nỗi buồn thôi. Hồi đó gia đình tôi từ mặt chị, đặc biệt là cha Quang - anh trai tôi - lúc bấy giờ là chủng sinh còn kiên quyết phản đối hơn nữa, yêu cầu toàn bộ anh em họ hàng không được đi dự lễ cưới chị, duy chỉ có một người dám bí mật chống lại tất cả, đó là tôi, và tôi cũng là người đỡ đầu cho chồng chị - trong nghi lễ làm Phép chuẩn ở Nhà thờ Công giáo cũng như nghi lễ Giao ước hôn nhân ở Nhà thờ Tin lành coi như quyền huynh thế phụ, và dĩ nhiên là chị tôi phải chọn làm lễ trên Thành phố, nơi tôi đang là sinh viên, để tránh cho tôi dính “vạ tuyệt thông” với gia đình. Chị tôi nói chị yêu anh ấy và nhất quyết phải lấy anh ấy, và rằng Công giáo và Tin lành nhất định sẽ Hiệp Nhất, bởi vì chỉ có một Chúa Ki-tô mà thôi, sao mọi người cứ phải chia rẽ như thế chứ! Tôi thương chị, cũng cố tin như vậy nhưng thực ra tôi biết do chị không giữ được cái dây chun quần mà thôi.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới đó mà cũng đã hơn 12 năm rồi. Mọi người vẫn ở quê còn tôi ở Thành phố nên thi thoảng ghé thăm chị và các cháu, như một sợi dây mỏng manh kết nối giữa gia đình chị với ông bà ngoại, vì sau chừng ấy năm, ba mẹ tôi vẫn cấm cửa “những kẻ lạc giáo” ấy, đơn giản vì thanh danh “ông bà cố” không để cho người ta bàn ra bàn vào…

Thiên Ân kể với tôi rằng, lúc còn nhỏ cháu thường nghe cha mẹ cãi vã nhau suốt ngày, ví dụ giản đơn nhất là việc người này trông con để người đi lễ Chúa nhật. Rồi may thay bên Hội thánh Tin lành đã xây được thêm một gian phòng nhỏ có lắp TV gọi là phòng “mẹ và bé” để cho các bà mẹ có thể dự lễ mà vẫn có thể trông con, và căn phòng ấy có duy nhất mỗi mình bố là đàn ông, nhưng cũng kể từ đó Thiên Ân mặc nhiên trở thành một tín hữu Tin lành và tranh cãi này tự nhiên chấm dứt. Thiên Ân cũng kể rằng Tin lành vẫn giữ những Giáo luật từ thời Cựu Ước, chẳng hạn bố chỉ đưa cho mẹ 90% tiền lương, còn 10% đóng góp cho Hội thánh, hoặc là em Hồng Ân sinh được 40 ngày thì làm lễ dâng con ở Nhà thờ, nghe nói hồi nhỏ cháu cũng như vậy và tới 12 tuổi sẽ làm Báp-têm như một ngày lễ trưởng thành để gia nhập Hội thánh. Tuy nhiên, như lời cháu vừa kể, thì khả năng cao chị tôi sẽ giành Hồng Ân về Công giáo, theo thỏa thuận với chồng. Có lẽ tôi phải hỏi lại chị cụ thể hơn, nhưng tôi không tin là anh tôi - cha Quang - sẽ chịu nhận Hồng Ân làm cha bố, và cánh cửa Chúng viện sẽ khó lòng mở ra cho Hồng Ân…

Thiên Ân cũng kể cho tôi nghe về việc mẹ không ở chung phòng với bố, đơn giản vì bố luôn miệng phê phán mẹ thờ ngẫu tượng, còn mẹ thì suốt ngày đọc kinh lần chuỗi gì đó mà bố cấm tiệt mẹ không được dạy cho con, mặc dù Thiên Ân thấy bức tượng mẹ đặt ở phòng riêng là một người đàn bà đẹp và thường xuyên bái lạy bức tượng đó. Bố thì tỏ vẻ ghét “người đàn bà ấy” ra mặt, thậm chí có lần dọn nhà ăn Tết, bố cố tình xịt nước tứ tung làm bẩn bức tượng ấy, thế là mẹ nổi khùng lên, xém tí đánh nhau. Mẹ gầm lên đuổi bố ra khỏi phòng và tự dọn phòng mình, mẹ vội vã lấy luôn cái áo mới tinh lau bức tượng đó rồi lại mang áo đi giặt. Hình ảnh đó khiến nó càng sợ hãi không dám tới gần bức tượng, vì chắc là mẹ quý lắm, cũng may hôm đó mà bố xịt nước mạnh làm vỡ bức tượng, chắc mẹ sẽ đổ máu ra luôn chứ chẳng chơi. Sau này lớn cháu biết đó là mẹ Chúa Giê-su, nhưng cháu chỉ dám ghé mắt nhìn chứ không dám bái lạy bức tượng như mẹ, cháu chỉ ngạc nhiên vì sao bố lại căm ghét mẹ của Chúa Giê-su, cháu thấy hết sức vô lý vì hẳn bà Mary phải thật tốt mới được chọn làm mẹ Chúa và rằng bà ấy cũng đảm đang thông thái thì Đức Chúa Trời mời cho bà nuôi dạy Chúa Giê-su khôn lớn chứ? Đã có lần cháu dò hỏi điều này, nhưng thấy bố trừng mắt nên thôi, còn mẹ chỉ nói rằng bà Mary rất tốt, chỉ là bố hiểu nhầm bà ấy chia rẽ gia đình bố mà thôi, lớn lên con sẽ hiểu. Thiên Ân cũng thắc mắc vì sao sống chung nhà nhưng bố mẹ như ở hai thế giới khác nhau, lại nữa, giờ đây sắp được Báp-têm gia nhập Hội thánh, cháu lại càng băn khoăn, vì sao mẹ và bố lại thỏa thuận với nhau điều ấy, để sau này em Hồng Ân sẽ không được Báp-têm, nhưng em ấy lại theo học một thứ Giáo lý khác, và em khoác lên vai một chiếc khăn hồng, em ấy nói em ấy là Chiên Con của Chúa. Thiên Ân cũng rất muốn được quàng lên vai chiếc khăn ấy, nhưng bố cấm tiệt, bảo như vậy là thờ hình tượng…

Tôi nghe Thiên Ân kể thì nghẹn ngào, không biết tương lai của hai đứa cháu tôi thế nào. Nói là “Hiệp Nhất” thì lúc nào cũng dễ, nhưng làm được thì dường như bất khả. Chỉ nói đơn sơ thôi, tôi đang làm sợi chỉ để kéo ba mẹ tôi và anh Quang lại gần với chị và các cháu, nhưng sợi chỉ ấy cũng đang căng như dây đàn, liệu có kéo nổi không, hay sẽ bị đứt tung…