Bức chân dung xế chiều trong ánh bình minh

Văn thơ Công giáo
(Mã số: 17-116)
(Hình ảnh minh họa)

Cứ như mỗi buổi sáng, tôi thức giấc trong tình yêu quan phòng của Chúa. Tôi cảm tạ Chúa và mở toang cánh cửa sổ cho ánh bình minh rực rỡ ló rạng len lỏi vào căn phòng. Rồi lại mỉm cười, hít thở thật sâu để tận hưởng cho trọn giây phút tuyệt vời này. Trong ánh ban mai, những tia nắng ấm áp đem lại cho tôi niềm vui, bình an, cảm giác sảng khoái, thư thái và nguồn sức sống vô tận để khởi động cho một ngày mới.

Có lẽ hôm nay là một ngày bận rộn đối với tôi. Tôi lại phải tiếp tục chạy đua với cuộc sống bộn bề hằng ngày. Thế nhưng, mọi thứ đã được chuẩn bị kĩ càng từ tối hôm trước. Vác cái balô ôm trọn cả sống lưng bằng vải thổ cẩm trên vai, tôi phi thẳng xuống chỗ để xe. “Chiếc xe huyền thoại – Cub 50” kia rồi! Đi thôi!”. Dong xe ra, tôi đạp máy. “Phành phạch… phành phạch… Nổ rồi. Sao hôm nay ngoan thế? Bình thường “nhõng nhẽo” lắm cơ mà!” - Tôi thầm nghĩ, cười khoái chí rồi chạy vù đi. Buổi sáng hôm nay thật đẹp. Trời trong xanh, thoáng đãng mang lại bầu không khí mát mẻ, dễ chịu, pha thêm chút gió đông se lạnh, làm cho tâm hồn mỗi người tràn đầy hân hoan. Khi xe lăn bánh, ngôi nhà nơi tôi đang cư ngụ dần dần khuất đi sau lưng bằng những khu xóm, những con đường, những tòa nhà cao vút và bóng dáng của ngôi nhà thờ trang nghiêm… Tôi đi học. Tôi là một sinh viên.
Ra khỏi cái hẻm chật hẹp và quanh co nhưng cũng đã trở nên rất đỗi gần gũi là đến những con đường đã được đặt tên, tôi có thể dễ dàng lưu thông tới trường. Nhà tôi gần chợ nên khiến cho nơi này sầm uất, sôi nổi hơn hẳn so với nhiều khu vực khác ở Sài Gòn. Hai bên đường là sự nhộn nhịp, ồn ào của các quán ăn, các cửa hàng, các lái buôn… Mọi người trở nên náo nhiệt vào mỗi sáng. Các cụ già thì đang khỏe khoắn trong các bài tập dưỡng sinh nhẹ nhàng ở gần đó. Tôi vẫn chưa phải ngửi mùi khói bụi nhiều vì chưa đến giờ cao điểm. Điều này cũng trở thành một niềm vui đơn sơ và lý thú đối với tôi. Đường sá vẫn còn ít xe cộ qua lại. Nhờ vậy, tôi còn có thể ngửi thấy mùi sữa đậu nành thơm lừng nồng nàn xông lên tận mũi, mùi phở ngất ngây đến quyến rũ, sẵn sàng kích thích vị giác của bất cứ ai cùng mùi xôi nhẹ nhàng, thoang thoảng… dọc theo con đường. "Mình cũng phải tranh thủ kiếm thứ gì đó lót dạ khi đến trường chứ!". Nghĩ vậy nên tôi lái xe chậm lại, tạt vào một quán ăn nhỏ bên đường:
​ - Cô ơi, lấy cho cháu hộp bánh cuốn nóng như mọi hôm nhé! Lấy nước mắm không cay nha cô!
​ - Được rồi, chờ cô xíu nhé! – Cô bán hàng vui vẻ mỉm cười đáp lại.
Cuộc sống không chỉ đơn thuần dừng lại ở những “mùi”, những hoạt động, những cảnh vật quen thuộc ấy mà nó còn chứa đựng, hứa hẹn biết bao điều thú vị vào buổi sáng hôm đó. Chỉ đợi vài phút ít ỏi khi chờ mua đồ ăn sáng nhưng tôi diễm phúc được chứng kiến một câu chuyện cổ tích có thật. Một câu chuyện tình yêu tuyệt diệu mà tôi dám cá rằng nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đều không thể tin được. Thế nhưng, nó đang hiện ra trước mắt tôi một cách lãng mạn, chân thật, huy hoàng và rực rỡ. Tôi đã thấy một điều thật hay, thật đẹp, thật gần gũi, song, thật đặc biệt và thật hiếm trên phố Sài Gòn hoa lệ này. Thật không phí thời giờ Chúa ban chút nào!
Cách độ khoảng hai, ba mét, tôi gặp một “đôi bạn trẻ” ước chừng đã ngoài bảy mươi có vẻ đang rất hạnh phúc. Vì không còn cụm từ nào diễn tả nỗi niềm này hay hơn, đúng hơn nên tôi gọi đó là “HẠNH PHÚC”. Hạnh phúc theo đúng nghĩa mà lý trí có thể hiểu và con tim có thể cảm thấu được. Nhìn hình dáng bên ngoài thì ông bà cũng chẳng có gì nổi bật so với biết bao con người khác đang mưu sinh, vất vả trên đất Sài gòn. Hai ông bà ăn mặc rất đỗi bình dị, không cầu kì, không trau chuốt. Rất may mắn vì tôi còn nhìn được màu áo sơ-mi của ông vì nó đã sờn, đã bạc một cách thái quá. Phải chăng vì đã bầu bạn với ông quá lâu năm? Đó là chiếc áo sơ-mi màu nâu sậm với những đường may đơn giản kèm theo vài vết khâu vá. Nếu nó còn mới thì gần giống màu da của ông. Màu da bánh mật mà đã bị rám nắng. Thiết nghĩ, màu da đó đã phản ánh cách chân thực của sự khổ cực, hy sinh, chịu sương, chịu gió, dãi dầu sớm hôm suốt chừng ấy năm trong cuộc đời ông lão. Khuôn mặt phúc hậu cùng đôi mát sáng ấy cho tôi nhiều tín hiệu của ánh nhìn đầy thiện cảm, của sự tôn trọng, nể phục và quý mến đối với ông. Cái mũ màu xanh rêu bộ đội, có thêm cả sợi dây quai dài xuống tới cổ có vẻ cũng đã đồng hành cùng ông không biết đã bao nhiêu năm. Vì chưng, tôi cũng chẳng định hình được nó còn ánh lên được cái màu rêu của chiếc mũ kia không nữa. Mái tóc ngắn ngắn, xoăn xoăn của bà thì bạc phơ, không còn chút nào gọi là "muối tiêu" như dân gian thường hay so sánh. Thân hình gầy gò, tiều tuỵ nhưng không thể ẩn đi sự trìu mến và niềm nở, rạng rỡ trên khuôn mặt bà. Bà cũng thật giản dị trong bộ áo bà ba xưa cũ, cũng đã sờn, đã bạc, đã hao mòn như ông. Trên cổ tay bà có đeo một chuỗi mân côi màu đen bình dị, là dấu hiệu nhận biết đứa con có lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ. Chắc hẳn, ông bà là người Công Giáo. Vì thế, tôi lại càng thấy sự thân thiện và gần gũi hơn đối với hai cụ.
Có lẽ cuộc đời của hai con người này đã trải qua rất nhiều sóng gió của thời cuộc, của biết bao sự lao đao, vất vả tìm miếng cơm manh áo, của sự đong đo chật vật, của sự mưu sinh trong cuộc sống cơ hàn này. Tôi nghĩ là tôi đoán đúng. Phải! Tôi thấy ông chở bà trên chiếc xe đạp thô sơ, cũ kĩ và xuống cấp để… đi bán vé số. Họ là người nghèo sao? Không! Họ giàu lắm! Giàu đến nỗi không thể đếm cho cùng. Họ giàu tình yêu của sự chân thành chất phác, tình yêu của sự thủy chung tuyệt đối, tình yêu của sự gắn kết trọn hảo và họ giàu tình yêu trọn vẹn của một kiếp người. Trong nỗi cơ cực nhưng không vắng bóng sự cố gắng vươn lên. Họ thật sự giàu có, giàu tình yêu đang chan chứa tỏa lan nơi tâm hồn ông bà. Đối với tôi, họ là những vĩ nhân. Điều tôi đang nhìn thấy là hình ảnh đẹp nhất khi tôi bắt đầu chập chững bước chân ướt, chân ráo lên Sài Gòn cho đến thời điểm này. Cái đẹp mà con mắt tôi nhìn thấy là tình yêu vô bờ bến nơi ông bà dành cho nhau. Ở chừng tuổi này, cái tuổi dành cho sự nghỉ ngơi, tịnh dưỡng phải được ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng, cuộc sống éo le đưa đẩy họ trong cảnh thiếu thốn, trong lúc bóng đã xế chiều mà họ vẫn phải lao đao kiếm sống. Dù vậy họ vẫn bên nhau, cùng nhau lao động và cùng nhau song hành. Đặc biệt, họ làm một điều mà thậm chí những người trẻ như tôi đây, đang trong tuổi yêu rạo rực và cháy bỏng, đầy rung động và đam mê, mộng mơ và điên dại mà còn lấy làm e ngại: đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ khắp phố phường Sài Gòn. Hạnh phúc! Tôi lặp đi lặp lại từ này vì chưng, chính tôi đây cũng ngạc nhiên, cũng nghẹn ngào, cũng đang vỡ òa trong cõi lòng trước nỗi niềm ấy của “đôi bạn” này.
Họ đang dừng lại bán vé số cho một phụ nữ trạc bốn mươi đang đi bộ trên vỉa hè. Tôi đứng sau họ độ vài thước nên dễ dàng quan sát hết thảy.
- Hai bác ơi, cho cháu coi mấy tờ vé số nhé! – Người phụ nữ lên tiếng vẫy gọi niềm nở.
- Dạ được, cô coi rồi mua giúp chúng tôi heng! – Bà cụ đáp lại bằng nụ cười móm mém, tươi tắn và vui mừng.
Bà đưa cho người phụ nữ những tấm vé số được sắp nếp gọn gàng từng xấp một. Vừa coi, vừa bắt chuyện:
- Thế ngày nào hai bác cũng đi bán thế này hả?
- Vâng. Chúng tôi nghèo mà đã quá tuổi lao động rồi, còn ai thuê chúng tôi đâu.– Ông đáp.
- Thế hai bác không có con cháu gì hả?
- Có chứ! Chúng tôi có một đứa con trai nhưng nó đã ra đi cách đây khoảng hai chục năm trong một vụ tai nạn giao thông rồi. – Nói đến đấy, đôi mắt cụ bà đỏ hoe, rưng rưng trong khóe mắt. Như thể nỗi đau lại một lần nữa bóp nghẹt lấy con tim mà không gì có thể xoa dịu hay bù đắp được.
- Ôi! Cháu xin lỗi. – Người phụ nữ vội vàng tiếp lời. – Thế mỗi ngày hai bác bán được nhiều không?
- Cũng tàm tạm cô ạ! Đủ chén cơm cho chúng tôi sống qua ngày.- Ông cụ đáp.
- Bác đạp xe thế này thì đi được bao xa?
- Tùy ngày cô ạ! Ngày nào bán được nhiều thì đi ít, ngày nào bán được ít thì đi nhiều.
Người phụ nữ mỉm cười:
- Cháu lấy 10 tờ. Cho cháu gửi tiền hai bác.
- Cám ơn cô nhiều nhé! Cứ gặp nhiều người như cô thế này thì hôm nay chúng tôi được nghỉ sớm rồi. Cám ơn cô!
- Dạ, không có gì đâu hai bác.
- Chào cô nhé!
Nói rồi, ông lão ngồi lên yên xe đèo bà đi tiếp trên con đường dài. Bỗng, nghe một tiếng thất thanh nhưng quen thuộc:
- À hai bác ơi! – Người phụ nữ vừa rồi lên tiếng gọi một lần nữa.
- Sao thế hả cô? – Bà ngạc nhiên đáp
- Cháu đã mua mấy tờ vé số này rồi. Nhưng bây giờ cháu muốn biếu lại hai bác. Coi như để giúp hai bác thêm phần nào. Hai bác nhận nhé!
- Ồ không cô ơi! Cô có lòng như thế thì chúng tôi cám ơn. Cô đã giúp chúng tôi nhiều lắm rồi cô ạ! Nhưng chúng tôi còn làm được, còn đi được thì chúng con còn làm, còn đi chứ. Đâu có ỷ nại vào lòng tốt của cô được. Cô là một người nhân ái. Chúa sẽ trả công cho cô. Thôi, tạm biệt cô. Chúng tôi đi đây. - Ông cụ mạnh mẽ trả lời.
Nói rồi, ông bà tiếp tục đi, đi trong sự ngỡ ngàng của người phụ nữ trung niên đó và cả tôi nữa. Bánh xe đạp ấy lăn được bao nhiêu vòng thì thể hiện được bấy nhiêu sự kính trọng, nể phục của tôi dành cho ông bà bằng cái lặng lẽ, cố gắng, thật thà, chất phác, tự trọng mà ông bà đã thực hành và cách riêng, nêu gương cho chính bản thân tôi.
Tôi bất thần trong tích tắc. Cảnh tượng này làm lòng tôi run lên, xúc cảm trong sự xao xuyến, bồi hồi và có chút gì đó rạo rực trong tâm trí về một “đôi bạn trẻ” khác: là ông bà nội của tôi. Ông bà tôi cũng có một cuộc đời, một cuộc hôn nhân rất đỗi hạnh phúc. Đến nỗi mà mẹ tôi từng nói: “Từ ngày mẹ về làm dâu, chưa thấy ông bà to tiếng với nhau khi nào". Có nhiều người cho rằng đây là điều không thể, nhưng xin thưa đó là sự thật. Và giả như ông bà có lớn tiếng hay giận hơn nhau điều gì mà con cháu biết thì tôi nghĩ đó cũng chỉ là những chuyện vặt vẽ, nhỏ nhặt, không đáng bận tâm, dễ dàng bỏ qua được. Đồng thời, đây cũng hẳn là sự khôn ngoan Trời ban cho các cụ – người mà tôi hết lòng mến mộ và kính yêu. Tôi tin điều đó. Vì chưng, tuổi thơ tôi đã có rất nhiều kỉ niệm cùng ông bà. Hồi đó, nhà tôi nghèo, còn đun bằng bếp lửa. Ông thì chẻ củi, bà thì ngồi căn bếp, đun nồi nước sôi dùng cho cả nhà. Tôi hay xuống xin “giành” việc của bà. Con nít hay tò mò, hay quậy phá ấy mà. Còn bà thì hướng dẫn tôi coi bếp và thích nhìn cháu chơi, để cháu nghịch mấy cái than củi. Đơn giản là vì cháu thích và cũng không nguy hiểm gì. Phần ông, chẻ củi gần đó mà cứ vừa đùa, vừa nói, vừa chọc ghẹo tôi và cả… bà. Rồi sáng sớm, hai ông bà ngồi cùng nhau nhặt mười mấy bó rau muống để giúp bác tôi trong việc kinh doanh. Đứa cháu nhỏ cũng còn là trẻ con, cũng thích nghịch ngợm, cũng ngồi đó phá phách và thích thú coi ông bà làm việc… Gia đình tôi tràn ngập tiếng cười khi có ông bà. Từ cuộc sống, hình ảnh và những bài học của ông bà để lại cho lũ cháu đàn con thì trở nên bất hủ và vô giá. Đối với bà, ông nội tôi mãi là người chồng, người yêu, là chàng tân lang, là người bạn đời thuỷ chung vẫn còn sống mãi trong trái tim này. Bởi lẽ, khi tôi về chơi, cùng trò chuyện thì bao giờ bà cũng kể về ông. Bà thuộc từng hành động, từng cử chỉ, từng thói quen, sở thích... của ông. Nghĩ tới đây, khóe mắt tôi cay cay xuống tận sống mũi: ông nội tôi đã mất cách đây hơn bốn năm rồi. Nhưng tôi hằng tin rằng: Ông sống mãi trong bà và đàn con cháu.
- Cháu ơi, bánh cuốn của cháu xong rồi nè! – Cô bán hàng lay động tay tôi.
Tôi giật mình như đang thăng hoa, không biết mình đang ở tầng mây thứ mấy, đang làm gì hay đang ở đâu vậy. Vội vàng móc tờ mười ngàn trong túi ra đưa cho cô ấy.
- Cháu gửi cô nhé! Cám ơn cô rất nhiều!
Tôi muốn đi theo ông bà bán vé số kia để cảm nhận thêm những giá trị tinh hoa nơi họ. Thế nhưng, ông bà cứ đi thẳng, còn tôi phải rẽ trái rồi. Cầu mong ông bà sẽ luôn hạnh phúc bên nhau và cuộc sống của ông bà sẽ được cải thiện. Đặc biệt, xin Chúa chúc phúc và ban muôn hồng ân cho hai con người cao thượng này.
Nguyện Chúa xuống tình hải hà
Yêu thương, gắn kết, chở che gia đình
Tình yêu có Chúa giữ gìn
Mãi luôn êm ái trong cánh tay Người.
Thế rồi, tôi lại quay về với cuộc hành trình của mình. Tôi lái chiếc xe huyền thoại đó đi thêm khoảng vài trăm mét thì dừng lại:
- Mày ra đây lâu chưa? Đợi tao có lâu không?
- Tao mới ra. Tao tưởng mày đợi tao.
Hai đứa phá lên cười. Thì ra là đứa nào cũng trễ vài phút như nhau. Đó là Tuyết – bạn chung lớp với tôi. Tôi thường qua chở nó đi cùng. Chúng tôi đi học, đi trong niềm vui, trong tiếng cười giòn giã bởi những câu chuyện vui, bất ngờ của nó và của tôi. Tôi cũng kể cho Tuyết nghe về bức tranh tuyệt mỹ mà tôi vừa chiêm ngắm. Nó cũng rạo rực, bần thần y như tôi. Chúng tôi đến trường trong ánh nắng rực rỡ của Sài Gòn, trong tâm tình tạ ơn Đấng Quan Phòng, trong sức sống tràn trề và tinh thần tươi trẻ, năng nổ, đầy nhiệt huyết của tuổi sinh viên.
Cuộc đời đẹp lắm ai ơi!
Muôn màu, muôn sắc của bao tâm hồn
Lao đao, vất vả khốn cùng
Hay rằng no ấm, tiện nghi mọi bề
Cho dù nhỏ, lớn, cao niên
Thì bình minh vẫn chiếu soi không từ
Nên xin cứ mãi sống yêu
Yêu thương tình nghĩa chứa chan nhiệm màu
Sẻ chia ngọt bùi cùng nhau
Sống chung một kiếp trọn đời ở bên.