Lời kinh Mân Côi

Văn thơ Công giáo

Giuse Dương Duy Tân, Trăng Làng, 1988, Gx Vĩnh Bình - Gp Nha Trang

(Giải triển vọng VVĐT 2015)

- Trích tập “Người gieo hạt”-

Cha ngồi bên ô cửa sổ nghe gió ngoài đồng thổi về xào xạc. Trong gió nghe rõ mùi thơm của rạ, mùi của cỏ khô. Cha đốt điếu thuốc, rít một hơi, đưa mắt trông về phía cánh đồng, nơi những căn nhà của đồng bào Dân tộc. Trong ngôi làng nhỏ ấy, có gia đình vợ chồng A Khả. Ngày đầu tiên về nhận xứ, cha đã nghĩ về gia đình A Khả, nghĩ nhiều lắm. Giờ là đêm cuối cùng ở giáo xứ, gia đình A Khả lại làm cha âu lo.

Ra trường, cha nhận bài sai về một giáo xứ miền quê nghèo, nằm heo hút dưới chân núi. Khoảng đôi ba chục gia đình người Kinh sống quanh nhà thờ, họ là gia đình Công giáo nghèo, mới ăn buổi hôm đã lo gạo buổi mai. Cách nhà xứ một cánh đồng lúa vàng là làng đồng bào Dân tộc, họ nghèo lắm. Khi trao bài sai, Giám mục dặn rõ từng lời một:

- Cha cố gắng làm cho người Dân tộc biết Chúa Kitô!

Với nhiệt huyết và năng động của tuổi trẻ, cha đáp như một phản xạ tự nhiên:

- Dạ, thưa Đức Cha, con sẽ cố gắng. - Đáp xong mà thấy nhiệm vụ khó quá, khó với sức mình, với một linh mục mới ra trường thiếu kinh nghiệm truyền giáo.

Buổi sáng nhận xứ, buổi chiều cha đạp một vòng quanh làng đồng bào Dân tộc, thấy một gia đình ngộ ngộ. Bà vợ có nước da không đen như người Dân tộc, cũng không trắng như người Kinh, lấm lem mồ hôi đang tất tả cuốc đất, còn chồng lượm cỏ, vun vồng trồng mướp (cái giàn đã lên sẵn trước khi vun vồng), hai thằng con ngồi bên bệ cửa học đánh vần. Đây cũng là gia đình duy nhất trong làng có hai đứa con ngồi học chữ mà cha thấy được. Thấy cha đi qua, cả nhà xúm lại nhìn cha. Cha mỉm cười chào, cả nhà lập bập chào lại. Trong âm thanh nghe cả tiếng Việt, tiếng Dân tộc lẫn lộn. Cha nghĩ thầm: “Bắt đầu từ gia đình này”. Lúc cha nghĩ vậy cũng là lúc cha cảm thấy khó, khó vì không biết làm cách nào để người ta theo đạo.

Những chiều khi mặt trời núp sau dãy núi, khi mọi người thôi việc nương đồng, cha dạo xuống làng. Cha gởi nụ cười, gởi cái cúi đầu, gởi lời chào tới những người gặp trên đường đi. Dần dần, người ta biết đó là ông cha ở trên nhà thờ. Chiều nào cha cũng ghé thăm trò chuyện với gia đình A Khả. Rồi gia đình A Khả được rửa tội, một vài gia đình đồng bào cũng được rửa tôi. A Khả trở thành trưởng giáo khu của làng. A Khả trở thành người thân của cha. Lúc nào buồn cha xuống làng trò chuyện với A Khả, với con A Khả, muốn biết thế sự trong làng cha cũng tìm gặp A Khả. A Khả cũng luôn gặp cha những khi có khó khăn, chuyện gia đình, chuyện của đồng bào A Khả đều tâm sự với cha. Mỗi lần đi phố về cha luôn mang về một thứ gì đó cho con A Khả, lúc thì bị bánh, lúc thì khẩu súng nước, lúc thì cái chong chóng gió. A Khả cũng mang lên cho cha lúc thì con trê đồng, lúc thì con gà rừng... nói cha ăn cho biết vị đồng quê. Cha dạy A Khả sống đạo, dạy A Khả dạy con, dạy con A Khả học, dạy cho A Khả biết lo cho tương lai, dạy A Khả biết dành dụm. A Khả chăm làm hơn, không như hồi trước làm một ngày nghĩ ba ngày, khi nào hết cái ăn là đi làm lại. A Khả biết tích lũy cho tương lai, không còn cái kiểu “làm đồng nào xào đồng nấy”. A Khả khoe với cha số tiền dành dụm được, cha bảo A Khả mua thêm đôi bò để sinh lời sau này có đồng tiền mà xây nhà, mà lo cho con học hành... A Khả có thêm hai đôi bò, đã khá hơn những người khác. Cha bảo A Khả giàu lên là nhờ theo đạo, nhờ Chúa thương ban cho A Khả. A Khả tin điều cha nói, tin Chúa đã ban của cho A Khả vì A Khả hay đi lễ, vì A Khả sống đạo như cha dạy.

Giám mục báo tin cho cha phải chuẩn bị thu xếp đồ để đi du học. Bài sai lần này ra như hơi gấp gáp. Cha đi ba tháng sau mới có cha mới về, nhà thờ sẽ không có thánh lễ hằng ngày, nhưng mỗi Chúa Nhật có cha dưới thị xã làm quản nhiệm sẽ lên dâng thánh lễ. Thời gian ở chưa bao lâu thì phải rời xứ, cha không buồn lắm, cũng thấy vui vui vì cũng đã rửa tội cho gần chục gia đình đồng bào, vì con chiên của mình đã trưởng thành, biết sống đạo, biết tin vào Chúa.

Một buổi tối của những ngày cuối vụ mùa thu hoạch, cha đang loay hoay thu xếp những vật dụng để rời xứ thì A Khả hốt hoảng chạy vào nhà xứ, nước mắt đầm đìa. A Khả nói:

- Thưa cha, mất hết rồi!

- Mất cái gì? - Cha thư thả bỏ chồng sách cuối cùng vào thùng không buồn ngước mặt lên.

- Mất đôi bò, cha à!

- Sao mất?- Cha hốt hoảng lên theo lời A Khả.

- Sáng nay, khi ra chuồng lùa bò ra đồng thì không thấy hai con bò đực đâu hết, chỉ thấy hai con bò cái không à. - A Khả thút thít, đưa tay quẹt nước mắt.

- Vậy A Khả đi tìm chưa, chắc nó sẩy dây, rồi đi lạc đâu đó.

- Không đâu cha, A Khả và vợ đã đi tìm cả ngày nay rồi mà không có, người ta nói đã bị người Kinh dắt đi làm thịt rồi. A Khả bắt đền cha, bắt đền Chúa!

Thỉnh thoảng trong làng cũng hay mất trộm, mất con gà, con vịt, con chó... nhưng chưa ai mất lớn như vợ chồng A Khả. Tưởng như đã yên lòng ra đi, cha đã dạy cho A Khả tin vào Chúa, mọi sự là do Chúa ban và Chúa không để A Khả nghèo, không để A Khả thiệt thân. Nhưng giờ gia đình A Khả ra thế này, cha biết giải thích, biết khuyên bảo thế nào cho A Khả đây. Người Đồng bào đâu có kiểu vòng vo, thấy sao hiểu vậy... Ngập ngừng hồi lâu rồi cha bảo:

- A Khả cứ về tìm thêm đi, để thêm vài ngày nữa xem sao.

- Tìm không ra đâu cha à! Hay là A Khả đi xem thầy, người ta chỉ cho A Khả vậy đó.

- Không được, xem thầy là có tội mê tín! - Đôi mắt cha nhìn về A Khả như sự trách móc. - A Khả hãy về đi, để cha nghĩ cách đã.

Cha nhìn lên tờ lịch, chỉ còn một ngày nữa, mai là rời xứ rồi. Từ ngoài sân, bóng dáng A Khả tiến lại gần cha:

- Cha cho A Khả đi xem thầy nghe! Chúa không chỉ cho cha biết ai đã lấy đôi bò của A Khả thì A Khả nhờ thầy bói xem, thầy bói xem đúng lắm cha à.

- A Khả nghe cha nè, A Khả không đựơc đi xem thầy, xem thầy cũng đâu có bằng chứng để đòi lại, có ai xem thầy mà đòi được của bị mất chưa?

- Dạ, chưa! - A Khả lắp bắp đáp.

- A Khả đi xem thầy là có tội với Chúa, Chúa buồn lắm đó, cha cũng buồn. Mai cha đi rồi, cha đi cha thương A Khả lắm. Xa A Khả cha buồn lắm, A Khả đừng có đi xem thầy nghe!

Nghe cha nói A Khả khóc, nước mắt A Khả chảy dài, mắt cha cũng thấy cay cay. A Khả buồn vì mất đôi bò, thêm mất cha, mai  là A Khả xa cha rồi, không còn cha nữa.

Cha vẫn ngồi bên ô cửa, đôi mắt trông về phía cánh đồng. Gió vẫn thổi về từng cơn qua ô cửa. Có thể cha đi rồi A Khả sẽ đi xem thầy, rồi cũng có thể A Khả bỏ đạo luôn nếu như không tìm lại được đôi bò. Cha nghĩ mãi mà không có cách nào giúp A Khảvượt qua khó khăn này, không cách nào để A Khả vẫn tin vào Chúa. Điếu thuốc đã tắt lịm hồi nào, cha bật lửa châm thêm điếu thuốc nhưng cái hộp đã trống rỗng. Thở một hơi dài, nghe rõ sự mệt mõi, rồi cha đứng phắt dậy, bước xuống sân. Cha lấy trong túi tràng hạt, đi một vòng quanh sân dưới ánh sáng mờ nhạt của ngọn đèn neon trên đỉnh tháp chuông, rồi ngồi xuống trên hàng ghế đá đài Đức Mẹ, cha thiếp đi hồi nào. Ngồi dưới đài Đức Mẹ đọc kinh nhiều lắm, nhưng chưa đêm nào cha thiếp đi như vậy. Có lẽ lần này cha mệt mỏi lắm.

Sáng nay rời giáo xứ, ghé ngang qua nhà A Khả cha bùi ngùi nói:

- Cha đi đây, A Khả đừng buồn nữa, bữa nào cha sẽ về gặp lại gia đình A Khả.

Khi xe lăn bánh ra khỏi nhà, cha đưa cho vợ chồng A Khả tràng hạt và vói đầu lại dặn:

- Cha đi rồi, nhớ lần hạt nghe, phải tin vào Chúa đó.- Cha nói xong mà thấy lòng mông lung. Tự nhiên thấy mình như sinh con bỏ chợ, đưa người ta vào đạo, rồi khi người ta chưa thật vững chắc thực hành đạo thì mình lại ra đi, để người ta bơ vơ. Cha đi rồi chẳng hy vọng gì A Khả giữ đạo.

Cha không còn nhớ đến A Khả, cha quên những gì ở đất Việt. Quên để nhớ cái mới, nhớ một ngôn ngữ mới, nhớ bài học mới. Người ta muốn học một ngôn ngữ mới thì phải tẩy hết những cái cũ trong đầu, nhét chúng vào một xó xỉnh trong bộ nhớ, khi cần chỉ chạm nhẹ vào kí ức là tất cả hiện ra.

Kì vọng của Giám Mục, niềm tự hào của Giáo phận đặt nơi cha luôn thôi thúc cha phải nghiên cứu, dù mệt lả người nhưng không để một giây phút nào trôi đi vô ích. Với Cha là sách vở, là nghiên cứu. Hai tiếng đồng hồ trôi qua mà không đọc hết một trang sách, cha cứ thẩn thờ, những ý niệm về Thiên Chúa cứ quẩn đi quẩn lại. Càng nghiên cứu thần học cha càng thấy đức tin của mình rối bời lên bởi những phẩm tính của Thiên Chúa quá huyền nhiệm. Những khái niệm về Ba Ngôi sao quá rắc rối, nào là đồng bản thể, đồng bản tính, nào là giống nhau về bản thể, giống nhau về bản tính... Có thể việc vùi đầu vào sách vở, cũng có thể do những ý niệm phiêu bạt về Thiên Chúa của các tác giả mà cha đọc được làm cha vô định, rối bời. Có hôm, đang giữa đêm cha bật dậy, nghĩ đức tin của mình có đúng không ta? Sao càng lúc càng thấy giống các nhà thần học lạc giáo, ly giáo, càng nghiên cứu về Thiên Chúa lại có cảm giác xa Thiên Chúa. Rồi cha thấy mình giống A Khả quá, thấy thông cảm cho A Khả.

Có một trang sách cha đọc nói rằng, đức tin phải biến thành những lời cầu nguyện chân thật, hãy bắt đầu làm thần học bằng lời kinh Mân Côi. Bỗng cha giật mình nhận ra bấy lâu nay cha đâu có đọc kinh Mân Côi. Cha đã không còn giữ thói quen lần hạt mỗi tối, hễ rãnh là bắt tay vào sách vở, mọi lúc, mọi nơi đều có quyển sách bên mình. Cha tập lại thói quen đọc kinh Mân Côi mỗi ngày như hồi ở Việt Nam. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, cha dâng mình cho Đức Mẹ bằng một chuỗi Mân Côi.

Mười năm trôi qua, cha về lại Giáo phận với tấm bằng tiến sĩ thần học. Chiều nay, cha trở về giáo xứ cũng vào giữa tháng sáu. Mười năm đã có những đổi thay, những trục đường chính trong làng đã bê-tông-hóa. Nhà cửa cũng khang trang hẳn lên. Cái gió từ cánh đồng cũng đổi khác, ít mùi thơm của rạ khô và cỏ cháy. Hệ thống tưới tiêu làm cho cánh đồng màu mở, xanh tươi hơn, trong gió phảng phất mùi thơm của mạ non. Gặt lúa xong là dẫn nước, rồi gieo hạt liền nên màu xanh của mạ non và sắc vàng của lúa chín luôn nối tiếp nhau trên cánh đồng. Không ghé nhà thờ, cha xuống làng đồng bào Dân tộc như muốn tìm về một kí ức, muốn xem gia đình A Khả có khá hơn không, có còn giữ đạo không. Mười năm rồi, có thể A Khả bỏ đạo từ dạo mất đôi bò, cha cũng không chắc nữa, đức tin của cha cũng đã từng bị lung lay mà.

Cha đứng bần thần trước mảnh vườn năm xưa của A Khả. Trên  nền đất nhà A Khả mọc lên một căn nhà màu vàng nhạt  rộng lớn, hàng rào gỗ thấp, bên hông dàn mướp trĩu quả như năm xưa. Cha ngờ ngợ không biết chủ nhân mới là ai, chẳng lẽ năm xưa mất đôi bò làm cho A Khả túng thiếu đến nổi bán nhà thế này à? Bước vào, cha gọi mãi không có người đáp, bên trong nhà im phăng phắc. Dù A Khả đi đâu thì cha cũng phải biết, nên cha cố chờ để hỏi xem A Khả đã bán nhà đi đâu. Hoàng hôn đã bắt đầu rớt xuống chân núi, ngoài đường đã văng vẵng tiếng   “tắc, rì” của những đứa trẻ chăn bò, tiếng cười nói của những người đi làm về. Nghe phía sau nhà có tiếng nói quen thuộc, cha đứng dậy bước xuống tam cấp, nhìn về phía sau dàn mướp nơi   có âm thanh quen vang lên. Cha nhận ra người quen, vợ chồng A Khả nhận ra cha.

A Khả nói hai đứa con A Khả đi học đại học rồi, chỉ còn vợ chồng ở nhà thôi, nhà này A Khả xây hai năm trước, lớn nhất làng, A Khả xây được nhà vui lắm. Cha hỏi A  Khả:

- Thế A Khả còn giữ đạo không?

- Còn chớ cha!- Vợ A Khả tiếp lời- Nhờ giữ đạo mà xây được nhà đó cha.

Cha cười, hỏi:

- Vậy à, xây bằng cách nào? Giọng A Khả hơi ngậm ngùi:

- Hồi đó mất đôi bò, thêm cha đi A Khả buồn lắm, A Khả định bỏ nhà thờ. Nhưng thương cha, nghe lời cha A Khả gắng đi lễ Chúa Nhật, còn ngày thường A Khả và vợ đọc kinh lần hạt theo như cha dạy đó. - A Khả nói xong chạy vụt vào nhà lấy tràng chuổi đưa lên thủng thẳng.- Đó, tràng chuổi của cha đó.

- Thế tiền đâu A Khả xây nhà?

- Nhờ Mẹ ban cho A Khả đó cha.

- Ban cách nào?

- Lúc đó A Khả mất bò đực, chỉ còn hai con bò cái. A Khả cố nuôi để nó đẻ con. Buồn lắm cha, hai con bò mẹ không chịu đẻ bò đực. A Khả buồn lắm, lần nào nó cũng đẻ bò cái. Bò cái không ai mua hết, rẻ lắm cha à. A Khả buồn, bán thì rẻ quá nên A Khả giữ lại nuôi luôn. Thấy bò người ta đẻ bò đực nên A Khả mua bò cái của người ta để lấy giống. A Khả đọc kinh lần hạt, cầu Đức Mẹ cho bò A Khả đẻ bò đực nhưng nó cũng không chịu đẻ bò đực. Cả chuồng bò đều là bò cái hết. Rồi bỗng nhiên A Khả nghe người ta nói dịch cúm gia cầm, rồi dịch heo tai xanh, người ta không cho ăn thịt heo và thịt gia cầm nữa, người ta ăn thịt bò. Rồi người ta vào làng mua bò. Người ta mua bò cái đắt lắm, mua cao gắp ba lần lúc trước, mua bò cái làm giống để đẻ bò con đó cha. Rồi A Khả bán để lấy tiền xây nhà, lấy tiền cho con đi học, chỉ chừa lại hai con bò mẹ thôi. A Khả tin Mẹ đã phù hộ cho A Khả.

- A Khả tin vậy à? - Cha mĩm cười.

- Dạ, A Khả tin nhờ tràng hạt mà cha đưa cho A Khả.

- Cha cũng nhờ tràng hạt mà vượt qua khó khăn trở về với A Khả nè.

- Cha về đây, vậy là nhà thờ có hai ông cha à?- Vẻ mặt của vợ A Khả toát lên sự ngạc nhiên.

- Không, chỉ ghé thăm vợ chồng A Khả thôi, cha về Chủng Viện dạy các tu sinh.

Cha nghĩ bài thần học đầu tiên cha sẽ dạy cho các tu sinh Chủng Viện là lòng đạo đức bình dân với lời kinh Mân Côi. Đó là sức mạnh giúp con người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và là ánh sáng dẫn lối cho con người đi tìm Thiên Chúa.