Người thầy

Văn thơ Công giáo

Giuse Phạm Đình Duy

(Giải triển vọng VVĐT 2015)

- Trích tập “Người gieo hạt”-

Đó là một ngày tháng mười cuối thập niên chín mươi, tin tức từ quê nhà làm tôi suy sụp, ngã quỵ. Cơn lụt đầu mùa đã quét đi hầu hết tài sản vốn đã thiếu thốn của quê tôi. Tôi cũng không biết gia đình mình ra sao, tía má và các em có bị gì không? Tôi càng sợ hãi khi nghĩ về ngôi nhà mình: nhỏ nhoi, ọp ẹp, chông chênh với số lượng thành viên không ít mà đa số còn bé, nằm chênh vênh trên mé sông Mê Kông thuộc tỉnh Đồng Tháp. Chỉ cần một cơn mưa lớn cũng đủ hất văng cả nhà xuống sông chứ nói chi đến con lũ quét tràn về. Càng nghĩ càng lo, càng lo càng nghĩ! Tôi đi lẩn quẩn như người mất hồn, thẫn thờ lang thang khắp phố không biết điểm dừng. Tôi nhìn về tương lai chỉ thấy màu đen, còn đen hơn cả mây tháng mười, đen hơn vực sâu của dòng sông chảy xiết. Tiếng ai đó trước mặt làm tôi chợt tỉnh:

- Ngồi sát vô tí em ơi, cho lấy tiền xe luôn em!

Tôi không biết tại sao và ai đã đưa tôi lên chuyến xe về quê nhà. Khi tôi tỉnh ra thì đúng lúc người phụ xe lấy tiền phí. Tôi lục lọi trong người không có một xu vì đâu có ý định về quê lúc này. Anh phụ xe thấy tôi luống cuống, hỏi lại:

- Nhanh lên em, em không mang tiền à?

Tôi im lặng không dám trả lời, đầu cúi xuống sàn xe một cách bẽn lẽn. Mọi người trên xe ai cũng nhìn tôi, thông cảm hay cười chê, tôi không biết. Tôi chỉ cảm giác mọi cặp mắt đang dồn về mình. Tôi đứng dậy và nói như đứt tiếng:

- Xin lỗi anh, em không có tiền. Nếu được, cho em xuống xe chỗ này.

Tôi nói thế nhưng mong người ta đừng đuổi tôi xuống. Và nếu phải xuống chỗ này, tôi không biết đi đâu vì còn ít nhất 200km nữa mới tới nhà. Trong lúc tôi đang rối trí thì bà chủ xe từ trên đi xuống. Bà đứng nhìn tôi lắc đầu, lên tiếng cảm thông:

- Quê con ở đâu?

Tôi lí nhí trong miệng không thành tiếng:

- Dạ, ở Tháp Mười.

Bà đứng tựa hông vào thành ghế sắp lại xấp tiền cho ngay ngắn, rồi kéo chiếc khẩu trang xuống sát cằm và nói với anh phụ xe:

- Thôi được rồi, cho con bé đi đi.

Nghe vậy, tôi cảm thấy nhẹ cả người. Lúc này, tôi mới dám đưa tay vén mái tóc bù xù ra phía sau lưng và ngẫng đầu lên một chút. Nhìn lên đầu xe, thấy tượng Đức Mẹ dang tay và phía trên bên trái là ảnh cha Trương Bửu Diệp mà dân miền Tây rất tự hào, đã an ủi tôi thêm phần nào. Bà chủ cho tôi đi miễn phí vì bà cũng người Đồng Tháp. Có lẽ bà ở thị xã Cao Lãnh, tôi biết điều này vì thấy địa chỉ ghi ở thành xe. Cùng người miền Tây, chắc bà chứng kiến nhiều cảnh đau thương nơi quê hương khi mùa lụt về, nên dễ dàng nhận ra và thông cảm cho một nạn nhân như tôi. Tôi thầm biết ơn bà bằng những câu kinh Kính mừng thay cho lời cảm ơn. Trước khi xuống xe, bà còn dúi cho tôi ít tiền mà tôi chỉ thật sự nhận ra khi xe đã khuất xa sau những làn nước tung tóe hòa lẫn với bùn nâu.

Đúng như tôi dự đoán, mọi thứ đồ vật trong gia đình đã trôi theo dòng nước, rất may không mất ai. Cả nhà chuyển lên khu gò, phía bên hiên nhà thờ giáo xứ để tránh qua mùa lũ. Mọi người ngồi tum húm trong góc nhìn ra hướng mặt trời mọc, chỉ thấy một màu xam xám của mây mờ. Nhìn thấy tôi lù lù bước vào, tía đưa tay gạt vết bùn trên trán trong khi ông đang cột lại tấm bạt phía góc lều, và hỏi:

- Sao mày không ở trên đó học, về đây làm gì?

Tôi cúi đầu im lặng. Không thèm quay lại nhìn tôi, tía nói tiếp:

- Ngày mai mày phải đón xe lên đó học lại, mọi chuyện ở nhà tía má lo được rồi.

Tôi cúi đầu lằm bằm trong miệng:

- Con sẽ thôi học ở nhà phụ với tía má, các em còn phải đến trường nữa.

Nghe tôi nói như vậy, tía giật phắt sợi dây đang cột dỡ, quay lại nhìn tôi trừng trừng:

- Mày tưởng ở đây là giải quyết được à! Ngày mai phải lên đó đi học lại ngay! Lúc này gia đình chưa cần đồng tiền của mày.

Tôi biết tía thương tôi lắm, nhưng hôm nay ông nói mấy  lời làm tôi chịu không nổi. Hình như ông muốn đuổi tôi ra khỏi nhà, hầu tìm vùng đất mới mà sống để có tương lai hơn. Ông cố nghiêm khắc gây áp lực cho tôi. Nhưng làm sao bây giờ tôi có thể trở lại trường và đi học được trong khi mọi thứ như thế này? Nhớ lại đầu năm, khi nhận tờ giấy báo nhập học, tôi đã mừng ít lo nhiều rồi, có điều mọi sự xảy ra quá nhanh. Khi đó, tôi ngập ngừng không muốn lên thành phố học, nhưng tía đưa tay chỉ mấy sào ruộng đang mơn mởn, nói:

- Một nửa dành cho mày ăn học, năm nay được mùa, hy vọng đủ, sang năm tính tiếp. Dù sao phải cố gắng cho mày học hết bốn năm đại học, chứ ở nhà mần ruộng khổ lắm con à!

Vậy mà giờ đây mấy sào ruộng chuẩn bị thu hoạch đã bị nước cuốn về nguồn. Nước lũ cuốn trôi mấy sào lúa cùng với ước mơ của tía má và xóa mờ tương lai tôi. Biết tôi không muốn trở lại trường, má và các em òa khóc theo. Thằng Út mới tám tuổi mà khôn lắm, nó méo mó:

- Chị phải học để làm cô giáo dạy tụi em chứ! Chị học bốn năm nữa thôi chứ tụi em còn lâu lắm, với lại trường chúng em sập rồi. Bây giờ tụi em chưa đi học ở nhà phụ tía má cũng được.

Tôi nghe sao đắng quá! Hôm sau, tôi buộc phải lên lại Sài Gòn nhưng ý định thôi học đi kiếm tiền giúp gia đình cứ lẫn quẫn trong đầu. Tôi bán đi phần lớn đồ dùng. Quần áo mới và một số vật dụng đầu năm mọi người làm quà, tôi đem bán hết. Phòng trọ và góc học bài giờ đây trống trơn, chỉ còn tờ giấy báo nhập học. Chính tôi dán nó lên tường thật chặt để giúp có thêm động lực bước đi. Lúc này nó tróc hai bên góc bay phất phơ trước mặt như muốn cười chế giễu lêu lêu tôi. Tôi không dám xé nó. Tôi với tay tắt điện hầu không còn nhìn thấy nó nữa, nhưng nó cứ bay lạch phạch trong đêm tối, làm cho tôi ray rứt hơn.

Sáng hôm sau, tôi ăn mặc gọn gàng đến trường lần cuối. Tôi đi thẳng tới phòng thầy trưởng khoa. Nghe người ta nói ông nghiêm khắc, khó tính lắm. Với lại nhìn vẻ mặt nghiêm nghị và giọng nói chắc nịch, tôi cũng đã đoán được phần nào. Tôi đi qua đi lại mấy lần vẫn không dám gõ cửa. Tôi đang bị giằng co dữ dội, chỉ cần sau tiếng gõ cửa, cuộc đời tôi sẽ khác. Tôi bắt đầu lẩm nhẩm kinh Chúa Thánh Thần và kinh Sáng Soi mà tim cứ đập thình thịch trong lồng ngực. Việc đọc kinh lúc ấy hoàn toàn vô thức. Tôi đọc như thói quen vốn có mà tía má đã dạy lúc bé trong mỗi khi gặp khó khăn như thi cử, làm bài tập hay thậm chí trước khi uống thuốc. Tôi ráng đọc kinh thật chậm, cố trấn an và giữ bình tĩnh. Bất chợt, thầy trưởng khoa nhìn ra thấy tôi lấm la lấm lét thì gọi vào:

- Vô đây, có chuyện gì vậy con?

Bước vào phòng, tôi lí nhí trong miệng không thành tiếng:

- Dạ, con muốn rút hồ sơ. Ông nhíu mày, hỏi gằn lại:

- Con muốn nghỉ học?

Tôi gật đầu nhè nhẹ, không dám nhìn lên:

- Dạ…

Ông im lặng một lúc, chỉ mấy chục giây thôi mà tôi thấy lâu lắm. Bất ngờ ông lên tiếng:

- Vì sao con lại xin thôi học?

Tôi đưa tay hất mái tóc lên vì nó cứ phủ xuống trước mặt do chiếc quạt máy trong phòng, đáp:

- Dạ… vì hoàn cảnh gia đình. Ông trầm ngâm đi qua đi lại:

- Quê con ở đâu?

Tôi thú thật, nghèn nghẹn:

- Dạ, ở huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp.

Ông lại im lặng, lần này lâu hơn lần trước. Tờ báo viết cảnh lũ lụt quê tôi còn đang nằm ngửa trên bàn làm việc của ông. Ông nhẹ nhàng lấy điếu thuốc ra châm lửa cách chậm rãi, hình như tay ông run run lẹm vào ngọn lửa trên đầu chiếc quẹt gas. Khói thuốc lá bay khắp phòng che đi nửa khuôn mặt ông. Tôi chỉ dám liếc nhìn ông xuyên qua làn khói thuốc và thấy ông dễ mến hơn nhiều. Ông bất ngờ lên tiếng:

- Sau khi nghỉ học, con tính làm gì?

Không biết tại sao tôi lại trình bày hoàn cảnh mình cho ông nghe cách tỉ mỉ. Sau khi kể lể xong, tôi chờ nhận lại hồ sơ thì ông bảo đứng đó đợi. Ông đi ra ngoài độ chừng mười phút rồi bước vào với phong thư trên tay, đưa cho tôi và nói:

- Đây là tiền nhà trọ và chi phí trong ba tháng tới, còn tiền học phí năm này con được miễn.

Kèm theo, ông đưa cho tôi mảnh giấy ghi địa chỉ một nhà sách. Ông bảo tới đó sẽ được nhận vào làm. Khi đó, tôi chỉ làm theo lời ông như cái máy, đưa tay nhận món quà, rồi bước ra khỏi phòng với cảm giác tưng tưng không ngôn từ nào diễn tả được. Hình như tôi cũng quên cảm ơn ông. Cảm giác tôi lúc đó đúng với câu người đời thường nói, “đại ơn bất ngôn tạ”! Tôi đi thẳng về nhà trọ và tự nhủ khi nào dành dụm đủ tiền sẽ gửi lại ông. Nhưng dự tính đó mãi mãi là dự tính.

Tôi đi học lại, chăm chỉ hơn và làm việc đều đặn. Cái nhà sách ông giới thiệu là nhà sách Công giáo của một nhà dòng nằm gần nhà thờ Đức Bà. Không biết giữa ông và nhà dòng đó liên hệ gì mà khi tôi tới chỉ cần nói ông giới thiệu là họ nhận vô làm và đối xử rất tốt, dù tôi chỉ là nhân viên làm thêm. Hằng ngày, tôi quét bụi, lau chùi dụng cụ thánh, chén thánh, khăn thánh, áo lễ, sách lễ… và quý giá nhất là có cơ hội đọc hạnh các thánh mỗi giấc trưa khi nhà sách vắng khách.

Cũng trong năm học ấy, ông dạy chúng tôi môn kỹ năng sư phạm. Vẫn với thái độ nghiêm nghị, ít nói và rất nguyên tắc làm cho sinh viên không mấy thiện cảm. Tôi cảm thấy khó chịu khi ông đòi hỏi khắt khe với mình. Tôi cứ tưởng ông biết hoàn cảnh đặc biệt của tôi thì sẽ bỏ qua và thông cảm cho những thiếu sót. Không ngờ, ông làm như chẳng biết gì, lại còn yêu cầu khắt khe với tôi hơn người khác, làm tôi mấy lần suýt thiếu điểm. Ông không so đo, không nóng nảy nhưng công bằng và đòi hỏi rất nhiều nơi học sinh. Đối với nhiều giáo viên khác, học sinh dễ nhớ khi còn trong trường nhưng mau quên khi ra trường. Ngược lại với ông, học sinh lúc còn trong trường không muốn nhớ tới, nhưng ra trường không thể quên ơn ông được.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, rồi tôi cũng ra trường. Đi dạy nhiều năm, tôi chứng kiến nhiều cảnh gian dối trong thi cử và sự lạm dụng của nhiều giáo viên. Mới đây, công an điều tra và phanh phui trong ngành giáo dục, không ít người không có bằng cấp hoặc chỉ có bằng giả. Và còn số lượng rất lớn giáo viên có bằng thật nhưng dạy giả, dạy dối mà pháp luật chẳng thể điều tra được. Ngán ngẫm trước nhân tình thế thái, tôi tìm đến trường học cũ thăm vị thầy đáng kính của mình. Tôi thật bất ngờ khi nghe người ta nói thầy cũng không đủ tiêu chuẩn dạy đại học, thầy phải xuống dạy cấp ba, cấp hai rồi cấp một. Bây giờ không biết chính xác thầy ở đâu, nghe nói giờ thầy đang dạy mầm non, lớp chồi, lớp lá, trường làng hay lớp giáo lý gì đó cho anh em dân tộc ở vùng cao nguyên.

Tôi thẫn thờ lê từng bước ngước nhìn trời. Nhà thờ Đức Bà đổ chuông chiều..