Ba ơi! Con thèm ba

Văn thơ Công giáo
(Mã số: 18-008)
Chạy vội vào phòng, anh đóng sập cửa lại. Cô thư kí hốt hoảng chạy theo sau:
- Anh ơi, anh có gặp đối tác nữa không?
- Hẹn họ một tuần nữa giúp anh, anh hơi mệt một chút nghen.
Ngã người trên chiếc ghế làm việc, anh vẫn còn hồi hộp. Mới nãy, vâng vừa mới nãy thôi, anh gặp lại ông ta, bao nhiêu hồi ức trong anh lại ùa về… Những kí ức anh muốn chôn dấu thật chặt, giờ tràn về trong anh, chúng tràn về như cơn lũ đầu nguồn quê anh: mạnh mẽ, không gì ngăn được.
Sinh ra trong một gia đình giàu sụ, ba anh là giám đốc một công ty gỗ lớn nhất nhì vùng Tây Nguyên. Nơi vùng đất đại ngàn này thì không gì nhanh giàu bằng làm đồ gỗ. Anh sinh ra trong một gia đình như thế. Ba anh 35 tuổi mới có anh. Anh chính là đứa con thừa tự của ông.
Số mệnh ngay từ đầu đã mỉm cười với anh, nhưng không trọn vẹn. Giá như ba anh không phải là người mê tín dị đoan cách khó kiểm soát. Giá như lão thầy bói mù không tiên báo anh sẽ chết yểu, chết trước năm 20 tuổi. Nguy hiểm hơn, ai ở bên anh cũng sẽ rước họa vào thân. Lời tiên đoán ấy càng được củng cố khi lúc sinh anh, mẹ đã suýt chết vì sinh khó; còn ba anh vì quá vui mừng mà suýt lên cơn đau tim.

Từ đó, từ sau lời tiên đoán oan nghiệt ấy, ba ghẻ lạnh mẹ con anh. Tuổi thơ sung sướng nhưng đầy bất hạnh của anh cứ vậy trôi đi. Anh lớn lên trong sự sung túc của cải vật chất, lũ nhóc bảo anh sướng. Đúng! Anh sướng thật, anh muốn gì được nấy, muốn đồ chơi gì cũng có. Nhưng mỗi lần nhìn ba chúng cõng chúng trên vai, bồng chúng đi chơi rồi hôn chúng hồi lâu, trái tim nhỏ bé của anh bỗng thắt lại, nhói lên. Anh thèm ba.
Năm anh lên 8, một hôm ba kêu mẹ con anh tới, nói gì đó với mẹ. Mắt mẹ đỏ hoe, mẹ nhìn anh. Mẹ đang khóc. Sao mẹ lại khóc? Ba nói gì với mẹ mà mẹ khóc?
- Ba! Sao ba làm mẹ khóc?- Anh ngây ngô hỏi.
Dang tay ôm anh vào lòng, mẹ dắt anh đi.
Mẹ anh, một người Công giáo theo ba anh về làm dâu ở cái vùng đại ngàn này. Nghe mẹ kể ba mẹ có làm phép trong nhà thờ hẳn hoi. Ba anh vậy là một tân tòng, một tân tòng trên danh nghĩa, một tân tòng có thể vì một lời bói toán không căn cứ mà ghẻ lạnh mẹ con anh.
Cứ mỗi khi đêm về, chỉ còn mẹ con anh trong căn phòng sang trọng, đầy tiện nghi, nhưng thiếu tình người. Cứ mỗi khi như thế, anh lại thấy mẹ cầm trong tay tràng chuỗi Mân Côi, mẹ âm thầm lần hạt trong nước mắt. Anh không được đến nhà thờ, không được tham gia các lớp giáo lý, không được mang trên vai niềm kiêu hãnh của thiếu nhi Công giáo Việt Nam. Nhưng anh biết đọc kinh, biết lần chuỗi Mân Côi. Chính mẹ là người thầy đức tin đầu tiên của anh. Đêm đêm trước khi ngủ, mẹ kể cho anh nghe những câu chuyện về Chúa Giêsu, về Mẹ Maria, về các thánh, về các đẳng linh hồn. Ánh mắt thơ ngây của anh rực lên niềm khát vọng mãnh liệt khi nghe mẹ khẳng định rằng anh còn có một người Cha trên Trời, và người Cha đó sẽ quan tâm chăm sóc yêu thương anh, sẽ không bao giờ bỏ anh vì Cha trên Trời đã nói: “Cho dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì Cha trên Trời cũng chẳng bao giờ bỏ con” (x. Is 40, 15).
Hai tuần sau cái ngày ba nói chuyện với mẹ, mẹ dắt anh âm thầm lặng lẽ rời khỏi căn nhà đồ sộ đó. Chiếc xe đò lăn bánh đưa mẹ con anh về lại mảnh đất duyên hải Nha Trang, quê mẹ.
Tuổi thơ của anh cứ tiếp tục trôi trong sự thiếu vắng tình cha. Anh được đến nhà thờ, đươc học giáo lý, được xưng tội, rước lễ. Dù tòa án dân sự đã tuyên bố ba mẹ li dị (dẫu vắng mặt mẹ), nhưng mẹ vẫn được xưng tội rước lễ vì mẹ là nạn nhân trong vụ li dị này. Mẹ không muốn hôn nhân bị phá vỡ, nhưng lực bất tòng tâm, do đó theo như mẹ nói thì mẹ không có vi phạm các mệnh lệnh luân lý (x. GLHTCG số 2386).
Tuổi thơ của anh nhẹ nhàng trôi đi trong sự yêu thương bảo bọc của mẹ, của họ hàng bên ngoại… Nhưng trong trái tim anh vẫn còn một khoảng trống, và khoảng trống đó ngày càng bị bôi đen… hình bóng của ba.
Thời gian cứ như thoi đưa, nỗi buồn của mẹ vơi dần. Nhìn anh mỗi ngày mỗi lớn, mỗi ngày mỗi thành công trên con đường học hành, thành công trong sự nghiệp, nỗi buồn năm nào giờ được khỏa lấp. Giờ anh đã 28, đã qua cái tuổi chết yểu, mỗi lần nghĩ về nó, anh chỉ cười mỉm. Giờ chắc trong tâm trí ba, anh chỉ là một linh hồn, anh chẳng còn tồn tại trên cõi đời này nữa rồi. Anh cố gắng quên đi vết đen trong tim, anh đè nó xuống… Nó chìm, nhưng nó mỗi ngày một lớn mà anh chẳng hề hay biết… Cho đến sáng nay…
Sáng. Anh có hẹn với đại diện của một công ty sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp trên Tây Nguyên, họ muốn ngân hàng nơi anh làm việc hỗ trợ vốn. Nghe bảo nhiều ngân hàng đã từ chối họ, có lẽ ngân hàng của anh là phao cứu sinh cuối cùng của họ, nên mới lặn lội xuống đây gặp anh. Anh biết đâu rằng công ty đó đã từng sẽ là của anh. Cho đến sáng nay, khi thoáng thấy bóng dáng của người đại diện công ty Gỗ Đại Ngàn, lúc này anh mới biết. Vết đen trong tim anh bị bung ra, xiềng xích lâu nay anh buộc vết đen ấy giờ bị gỉ sét, bao nhiêu hình ảnh đau khổ lúc nhỏ lại hiện về, hình ảnh mẹ đẫm nước mắt âm thầm dắt anh rời khỏi căn nhà ấy ùa về… Chúa cho anh cơ hội trả thù hay Người đang thử thách anh?
Cái hẹn sáng nay bị hủy bỏ trong sự tiếc nuối của ông ta. Anh tránh mặt, anh chưa sẵn sàng đối diện với ông ấy. Nhưng sao kì vậy? Anh có lỗi gì đâu? Chính ông ta mới là người phải sợ chứ, chính ông ta mới là người có lỗi với mẹ con anh. Ông ta ghẻ lạnh mẹ, ghẻ lạnh anh. Chính ông ta đơn phương li dị, là người phá vỡ mối dây hôn phối thiêng liêng (x. GLHTCG số 2384). Ông ta mới là người phải sợ khi đối diện với anh, ông ta mới là người phải né tránh anh, chứ sao anh lại là người né tránh?
Trầm ngâm bên chén trà nóng, với lấy cái điện thoại, anh gọi cho Ngân, cô bạn thời cấp 3 cùng lớn lên trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, giờ là một nhà báo khá thành công.
Hai ngày sau, những thông tin về ông ta, về cuộc sống, về công ty đã được đặt ngay ngắn trên bàn làm việc của anh. Thì ra sau khi đuổi mẹ con anh đi, ông ta đón một người phụ nữ khác về sống chung. Nhưng 20 năm qua, bà ấy chỉ biết ăn chơi phung phí tiền của ông, ngặt hơn là sau bao nhiêu lần mang thai, đều gặp vấn đề… mãi đến nay vẫn không có con. Công ty Gỗ Đại Ngàn thì làm ăn ngày một thua lỗ vì chất lượng sản phẩm không bằng các chỗ khác, giá thành không có tính cạnh tranh. Hiện giờ nếu không có một số vốn lớn để nhập những thiết bị hiện đại của Nhật về thì coi như sẽ phá sản trong nay mai, và có nguy cơ ở tù vì nợ là khá cao.
Cơ hội đây sao? Chỉ cần anh không đồng ý, chỉ cần anh lờ đi, anh từ chối, ông ta sẽ ngồi tù. Nỗi căm hờn trong lòng anh bị dồn nén bao năm qua sẽ được giải tỏa. Những đau khổ của mẹ con anh trong suốt 28 năm qua sẽ được bù đắp. Nhưng liệu rằng mẹ anh có thực sự vui? Bao nhiêu năm nay mẹ có nhắc gì tới hai chữ thù oán đâu. Mẹ đâu dạy anh phải trả thù. Liệu rằng lòng anh, lương tâm anh có được bình yên? Chẳng phải Chúa luôn dạy anh phải yêu tha nhân như chính mình sao? Chẳng phải Chúa luôn dạy phải yêu thương và cầu nguyện cho cả kẻ thù sao? Mà đây lại là ba. Anh sẽ tha thứ, sẽ giúp đỡ ba?
Không. Anh nhất định phải trả thù, anh không phải Chúa, anh không phải thánh nhân, anh là một con người, rất người. Ân đền oán trả, ông ta không phải là đối tượng yêu thương của anh… Vết đen trong tim anh như vết dầu loang trên biển, rộng dần… chiếm lấy trái tim nhỏ bé của anh. Anh nhất định cho ông ta nhận hậu quả xứng đáng, anh nhất định cho ông ta thấy ông ta đã lầm khi đuổi mẹ con anh đi. Quyết đinh vậy, anh đứng dậy, mạnh mẽ rời phòng làm việc.
Về nhà, anh thấy mẹ và Ngân đang nấu ăn. Thấy anh có vẻ mệt mỏi, mẹ hỏi:
- Hôm nay con gặp chuyện gì không vui sao?
- Dạ không có gì đâu mẹ.
Anh giấu mẹ, anh sợ nếu mẹ biết, mẹ sẽ ngăn cản anh, mẹ sẽ khuyên anh giúp ông ta.
- Sáng mai con chở mẹ với cái Ngân đi tới chỗ này nghen.
- Dạ. Mai con nghỉ làm rồi chở mẹ với Ngân đi.
Sáng sớm, chiếc ô tô lăn bánh nhẹ nhàng đưa mẹ con anh đi. Đỗ xịch trước một căn nhà khá rộng. Là căn nhà tình thương của mấy soeur Vinh Sơn. Mẹ vẫn hay nhắc anh gửi tiền hàng tháng giúp các soeur. Anh vô tâm quá, bao lâu nay chưa một lần anh đến đây.
Mới gặp lần đầu mà bọn trẻ vây quanh anh, bắt anh chơi với chúng, bắt anh làm bò cho chúng cưỡi… Những ánh mắt ngây thơ của mấy nhỏ như đưa anh về với tuổi thơ của mình. Anh cũng đã từng mong mình được cưỡi trên lưng ba, cũng từng mong ba bày trò cho anh chơi… Tội nghiệp!
Hôm đó anh thả mình hùa với lũ nhỏ, anh như người anh cả giữa bầy em. Vui nhộn. Hiền lành.
Trưa đó ăn cơm xong, anh thấy lũ trẻ tụm lại bàn bạc với nhau chuyện gì đó, rồi chúng chạy tới nói gì đó với soeur phụ trách. Sơ mỉm cười gật đầu.
Lúc chào từ biệt ra về, lũ trẻ chạy theo anh. Một bé nhỏ nhất đám, mắt tròn to như hai viên bi, ngọng ngịu cầm tay anh nói:
- Chú ơi! Chú làm bố chúng cháu đi.
- Đi chú…
- Đi chú…
- Làm bố chúng cháu đi chú…
- …
Tiếng bọn trẻ cứ ngây ngô vang lên. Anh sững người. Anh hiểu cảm giác đó, anh cũng như chúng, cũng thèm một người ba. Đưa mắt nhìn soeur phụ trách, anh thấy một ánh mắt chờ mong. Ngoái nhìn mẹ, anh bắt gặp ánh mắt rưng rưng của người, phải chăng chuyến đi này là sự sắp xếp của mẹ?  Phải chăng mong ước lớn nhất của mẹ là gia đình được đoàn tụ? Bấy lâu nay, vì cái tôi ích kỉ, anh cố thuyết phục mình rằng anh ghét ba, anh không cần ba… Nhưng anh đã lầm. Văng vẳng bên tai anh tờ lộc Lời Chúa: “Con ơi hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già, bao lâu người còn sống […] Ai bỏ rơi cha mình khác nào kẻ lộng ngôn…” (x. Hc 3, 12. 16). Có lẽ chính nhờ đời sống thiêng liêng tốt lành của mẹ mà giờ đây trái tim anh được đập trở lại, được trong trắng trở lại…
Dang rộng đôi tay, anh ôm lấy lũ trẻ, miệng khẽ lẩm bẩm: BA ƠI! CON THÈM BA.