Những mảnh vụn

Văn thơ Công giáo
(Mã số 18-048)

1.
- Bà Lâm đâu rồi, ra mà nhận xác con về kìa!
Tiếng la hét om sòm đầu ngõ cộng với âm thanh cuồng nộ của những còi xe đã khiến bà Lâm không còn đủ bình tĩnh. Lời thông báo làm cho tim bà thêm nhảy nhót, tâm trí thêm bấn loạn. Tất tả nhờ chú Hải nhà bên đèo bà ra trạm y tế xã để nhận xác con như thiên hạ chì chiết. Con ở đây không ai xa lạ mà chính là Hà, thằng con duy nhất, đứa con trời đánh của bà.
Thằng Hà nằm chơ vơ trên chiếc giường trống cuối góc phòng, mặt bê bết máu. Cô y tá sát trùng vết thương qua loa như cho có lệ rồi ngoe nguẩy bước đi, để mặc bà Lâm với đứa con của mình. Cũng phải, từ ngày bỏ học đến giờ, chưa đầy một năm mà thằng Hà đã nằm trên chiếc giường này hơn chục lần sau những vụ ẩu đả không nguyên nhân. Y tá không buồn xem nó có đau hay không khi xử lý vết thương. Dường như cả cái xã này ai cũng mong nó chết đi cho rảnh nợ. Đúng là cái thằng “trời đánh thánh đâm”.
Những kẻ độc mồm còn bảo, do bà Lâm mở hàng internet trước cổng nhà thờ, trẻ em đêm ngày game với chat, chẳng đứa nào chịu đến nhà thờ nên Chúa phạt nhãn tiền. Hội các mẹ chuyền tai nhau trong những buổi quét nhà thờ chiều thứ bảy rằng, quán cà phê be bé của bà Lâm bấy lâu nay, thật ra là tụ điểm ghi số đề và cá độ bóng đá. Ai nghe cũng tặc lưỡi thở dài, hèn gì, hèn gì bà ta xây nhà lầu, rồi con cái đi học thành phố. Chả trách, dùng tiền bất chính nên thằng Hà đổ đốn, phá phách. Âu cũng là ý Chúa!


2. 
- Hà, có đỡ đau chút nào không con?
- Ừm...
- Gắng ngồi dậy ăn chút cháo, mẹ mới nấu xong, ăn cho có sức, mau nào!
- Con không ăn!
- Nghe lời mẹ, ăn một chút thôi, để uống thuốc rồi ngủ lại cũng được.
- Ơ hay, con đã bảo là con không ăn, sao mà mẹ dai như đĩa đói thế!
Bưng bát cháo đong đầy nước mắt, bà Lâm quay về góc bếp. Gió ngoài vườn lặng thinh, cỏ cây im lìm bên ánh chiều vàng vọt. Bà Lâm đưa mắt nhìn về kí ức. Ngày đó…
- Mau dậy đi học giáo lý con!- Bà Lâm lay lay thằng bé vẫn còn say giấc.
- Ư...ư...ư...- Có tiếng vặn người khe khẽ- Trời lạnh thế này mà, cho con nghỉ học một buổi đi.- Tiếng Hà nũng nịu trong chăn.
- Không được, con phải dậy để đi học giáo lý chứ! Ngoan nào, mẹ thương.
- Thì để cho con nó ngủ, cả tuần đã phải dậy sớm đến trường rồi. Có ngày Chúa nhật, cũng phải để nó nghỉ ngơi nữa chứ.- Giọng ông Hùng cáu gắt.
- Nhưng làm sao có thể nghỉ học giáo lý hở ông? Không học giáo lý, làm sao nó nên người, rồi đức tin nó sẽ ra sao?
- Thế bà tưởng đứa nào đi học giáo lý cũng nên người cả hở? Bà xem thằng Tú, thằng Nam nhà bên kìa, cũng đi học giáo lý, đi lễ hẳn hoi đó mà cứ trộm vặt và đánh nhau như cơm bữa đó thôi. Con tôi không học giáo lý mà còn hiền lành, ngoan ngoãn hơn chúng nó gấp bội ấy chứ. 
- Nhưng...
- Không nhưng nhị gì cả, miễn sao con tôi nó học hành tử tế, được khen thưởng ở trường là ổn rồi. Bằng giáo lý có xin được việc cho nó không mà bà lắm chuyện!
Rồi quay sang thằng Hà, ông bảo:
- Con cứ ngủ cho đủ giấc, bao giờ muốn thì hẳn dậy… Trời lạnh thế này, ai lại bắt nó đi học giáo lý cơ chứ. Rõ phiền!
Bà Lâm bước qua gian giữa, đến trước bàn thờ, cầm tràng chuỗi trên tay, lầm rầm từng lời kinh Kính mừng. Nước mắt chan hòa trong những lời kinh, và ray rứt, và bất lực, và phó thác!

3. 
- Này, ông Hùng bỏ đi rồi đấy.
- Đi là đi đâu? Bà đừng có nói bậy ấy nhá.
- Đi theo bồ nhí chứ đi đâu. Bà không thấy nhà ông ta vắng hoe mấy tháng nay à! Nghe đồn đã ra tòa ly dị rồi. Tòa xử thằng Hà cho bà Lâm nuôi. Ông Hùng cũng còn trách nhiệm, vẫn chu cấp tiền bạc cho nó theo đúng nghĩa vụ.
- Nhưng, sao lại có thể ly dị được? Người Công giáo mà lại ly dị sao?
- Bà ngây thơ quá vậy, bây giờ là thời nào mà bà còn nói là không được ly dị. Tôi còn biết có mấy nhà trong xứ đạo chúng ta, vì sợ bị phạt vạ và mất tiếng tốt  mà họ dẫn con đi phá vì lỡ có thai đó.
- Thật hay đùa vậy bà?
- Thật chứ! Tôi có ông bạn thân làm trong bệnh viện, khoa phụ sản, ông ta còn nói số người Công giáo phá thai hiện nay còn hơn mấy lần người ngoại nữa đó.
- Ui trời, nếu đúng vậy thì thật là...
- Thì bà cứ coi, đám trẻ dạo này mấy ai đến nhà thờ đọc kinh, tham dự thánh lễ. Học giáo lý thì loe ngoe đôi ba đứa. Con Thương nhà tôi cứ than thở, mỗi lần đi dạy giáo lý là phải đến các quán net để kêu từng đứa một về lớp học đấy.
- Thế Cha xứ không nói gì sao?
- Có chứ sao không. Nhưng bà coi, ngay cả cha mẹ cũng không buồn đôn đốc con cái đi học giáo lý, thì chúng nó ở nhà thôi. Có quá nhiều thứ lôi cuốn chúng nó quá các bà ạ.
Mọi người nén tiếng thở dài, mắt dõi nhìn xa xăm. Bất chợt cơn gió ùa tới, kéo đi những chiếc lá vàng về cuối sân nhà thờ. Có tiếng ai đó nói:
 - Chúng ta vào nhà thờ, đọc một kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho các em giáo lý và việc mục vụ huấn giáo của giáo xứ ta nào.
- Phải đó, ta đi thôi.

4. 
Bà Lâm liệt giường vậy là gần một tháng, người đến thăm chẳng thể nhận ra bởi gương mặt tiều tụy và thân hình gầy tong của bà. Quán cà phê và tiệm net đóng cửa mấy tháng trời, vậy mà các lớp giáo lý và các buổi lễ chẳng đông thêm là bao. Chòm xóm lại được dịp lên lớp nhau về các khoản làm gương mù gương xấu của gia đình bà Lâm. Rồi thì lời ra tiếng vào, chung quy cũng ở vấn đề bà Lâm có chết cũng không được đưa vào nhà thờ làm các phép sau hết, vì bà ở trong tình trạng tội công khai, là “rối”.

5. 
Trước Thánh thể sau một ngày dài đối diện với bao gương mặt, bao giọng nói, bao câu chuyện, Cha An chỉ có thể lặng thinh. Nhắm mắt, hình ảnh bà Lâm gầy guộc với tiếng thì thào cứ vang dội trong tâm hồn ngài: Thưa Cha, con không oán trách bất kỳ ai. Họ cũng chỉ là những con người. Nếu Chúa đã thương tha thứ cho họ thì hà cớ gì con mang nặng trong lòng. Có chết con cũng nhắm mắt bởi đã đi trọn con đường của mình. Xin Cha dùng tiệm net của con với tất cả máy tính để có thể giúp các em trong giáo xứ có thể học vi tính. Phần đất và ngôi nhà, con xin nhượng lại cho giáo xứ. Nếu thằng Hà có đến, xin Cha trao vào tay nó cái hộp gỗ này, tất cả giấy tờ sẽ giúp nó tìm ra mẹ ruột nó và chỗ ở hiện nay của ông Hùng – cha nó. Xin Cha cầu nguyện cho con, với những yếu đuối không tránh khỏi ở đời này. Và xin Chúa thương tha cho những điều đáng ra con phải làm nhưng con chưa chu toàn. 
Sau khi được xưng tội, rước của ăn đàng và lãnh nhận bí tích xức dầu bệnh nhân, bà Lâm thanh thản về cùng Chúa.

6. 
Đám tang bà Lâm, người ta thấy những giọt nước mắt hối hận, những cái cúi đầu cảm phục. Chỉ duy một nụ cười đôn hậu, bình dị trên di ảnh, phía trước quan tài.