Nhân Ngày Lễ Tình Yêu-Chia sẻ của một tân tòng-Tác giả: Phạm Hải Triều

VTCG

 Chia sẻ của một tân tòng

Hưởng ứng lời kêu mời của Đức Thánh Cha Phanxicô “Hãy kể lại cuộc đời của mình dưới góc độ Tin Mừng”; đồng thời hướng tới kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến Phát Diệm (1627-2027) và 125 năm thành lập Giáo phận Phát Diệm (1901 - 2026).

Tác giả: Phạm Hải Triều, quê gốc giáo xứ Đồng Chưa, giáo phận Phát Diệm

Ra trường Nàng (*) được phân công về dạy ở một trường cấp 2 nội thành, cách nhà khoảng ba cây số. Vậy là Nàng đã thực hiện được ước mơ của bản thân và gia đình.

Ông bà nội của Nàng làm nghề Đông y đã được mấy đời, nhiều bài thuốc đến nay vẫn được lưu truyền. Bố mẹ Nàng theo học Tây y và phục vụ trong quân đội, góp phần cứu chữa được nhiều thương bệnh binh, đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Còn Nàng theo nghề dạy học.



Thầy thuốc và thầy giáo, là hai nghề đặc thù của xã hội và xã hội nào cũng quan tâm, ưu đãi. Một nghề cứu chữa phần xác, một nghề mở mang trí tuệ, cứu chữa phần hồn.

Nàng không theo học Toán, Văn, Ngoại ngữ mà theo học chuyên ngành Sinh – Địa, với mong muốn tìm hiểu và truyền đạt cho học sinh đời sống động thực vật và khám phá các vùng miền, bốn biển năm châu.

Gia đình tác giả Phạm Hải Triều (đứng giữa), quê giáo xứ Đồng Chưa, giáo phận Phát Diệm; ảnh chụp tại giáo xứ Phùng Khoang-Hà Nội.

1. Có điều chưa hết thời gian tập sự Nàng đã vướng vào mối tình không gỡ ra được. Chàng là một thanh niên tỉnh lẻ cũng vừa ra trường và được ở lại làm công tác tổ chức kiêm Bí thư chi bộ của một khoa mới được thành lập mà hầu hết cán bộ giảng dạy đều từ nước ngoài mới được nhận về. Nàng gặp Chàng trong một đám cưới bạn trong vai phù dâu, còn Chàng làm trang trí và dẫn chương trình hôn lễ.

Chàng thích và yêu vì Nàng có mái tóc rất dài, trông rất dịu dàng, duyên dáng với đôi mắt nâu thoáng buồn.

Sau hơn hai năm yêu nhau, NàngChàng đã dẫn nhau ra quận đăng ký kết hôn và đám cưới đã được tổ chức theo đúng nghĩa của đời sống mới, chỉ có bánh kẹo và bạn bè đến dự rất đông vui tại một phòng cưới trung tâm của Thành phố.

Đầu năm cưới, cuối năm đứa con trai của Nàng chào đời giống Chàng như đổ khuôn. Bố mẹ chồng rất phấn khởi vì có cháu đích tôn và mong muốn mang cháu về quê để Cha xứ rửa tội.

Lúc này, Nàng mới biết đám cưới của hai người mới đúng về mặt xã hội chứ chưa đúng luật Giáo hội. Lẽ ra trước khi cưới, Chàng phải đưa Nàng theo học lớp giáo lý mấy tháng, sau khi được cấp chứng chỉ sẽ được làm lễ cưới trong nhà thờ. Nhưng Chàng là một đảng viên lâu năm, lại đang tham gia cấp ủy nên đã lảng tránh, giấu chuyện đó với Nàng. Lỗi đó tất nhiên thuộc về Chàng. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi với miếng cơm manh áo, nơi ăn chốn ở. Cho mãi tới khi cả ChàngNàng đã về hưu được 5 năm, nghĩa là Nàng đã sáu mươi và Chàng đã gần bảy mươi. Nàng mới theo học lớp giáo lý ngắn ngày giành cho người cao tuổi, rồi qua một kỳ sát hạch nhẹ nhàng, NàngChàng đã được làm lễ hôn phối tại một nhà thờ ngoại thành trước sự chứng kiến của nội, ngoại và bạn bè và cả hai cháu nội. Nàng đã được rửa tội, được mang tên Thánh là Maria và được rước lễ (rước Mình Thánh Chúa).

Qua những buổi học Giáo lý hôn nhân, Nàng thấy không xa lạ với văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam nhưng có nhiều điểm hiện đại và tiến bộ, từ việc sinh sản, nuôi dạy con cháu đến việc ứng xử vợ chồng và ông bà cha mẹ. Đặc biệt, đạo vợ chồng phải thủy chung và tôn trọng nhau trong mọi hoàn cảnh, theo tinh thần của Kinh thánh: “Sự gì của Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”. Không thể quan niệm vợ chồng như một sự gá nghĩa nhất thời, dễ buông bỏ nhau như thay chiếc áo. Cũng không thể chấp nhận chuyện “Trai khôn năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Vợ chồng phải bình đẳng và tôn trọng nhau chứ không có kiểu “nhất nhất tòng phu”, “phu xướng phụ tùy”.

Trở thành Kitô hữu, Nàng đã chủ động cùng Chàng đến nhà thờ vào các ngày Chúa nhật. Lễ thường kéo dài một giờ đồng hồ, mọi người được nghe 2 bài đọc, cha giảng 15 đến 20 phút, có 4 lần đứng lên và 2 lần quỳ. Đan xen là những bài Thánh ca du dương minh họa cho buổi lễ, lời hát cũng là lời cầu nguyện. Việc thay đổi tư thế dưới góc độ khoa học tâm lý cho ta thấy buổi lễ không đơn điệu, mọi người không bị căng thẳng, tập trung lắng nghe tin mừng, đón nhận Thánh lễ sốt sắng. Nàng thường giục Chàng đi sớm để Nàng được ngồi cùng ghế với các sơ trong nhà thờ, ngắm nhìn các sơ với các khuôn mặt rất thánh thiện, trong sáng. Nghe và học theo các sơ đọc kinh rất rõ ràng. Đôi lúc Nàng băn khoăn, không hiểu lý do vì sao các sơ xinh đẹp thế mà lại đi tu, vì sao không theo học một trường nào đó rồi lập gia đình? Nhưng thực tế đã cho Nàng thấy, hạnh phúc còn do quan niệm của mỗi người. Bởi lẽ: “Hạnh phúc đâu dễ kiếm tìm/ Nó là khối óc con tim mỗi người”. Với các sơ, hạnh phúc là được phục vụ Chúa, tình yêu của họ là Đức Ki tô. Họ sẵn sàng đến chăm sóc phục vụ các vùng sâu, vùng xa chia sẻ khó khăn. Đặc biệt với các bệnh nhân, kể các các bệnh nhân nan y, các sơ không chỉ mang tin mừng đến rao giảng mà còn động viên, an ủi người bệnh những lúc gần đất xa trời hoặc thiếu vắng người thân.

Những Chúa nhật đầu vào nhà thờ thì Nàng xem lễ một cách thụ động, nghe ca đoàn hát đặc biệt các cháu thiếu nhi, ngắm nhìn những gương mặt rất thánh thiện của các giáo dân trẻ, già và các sơ.

Phải đến hơn 1 tháng sau Nàng mới hội nhập và chủ động tham dự Thánh lễ, thông công một cách sốt sắng, toàn tâm, toàn ý lắng nghe lời Chúa. Có lúc lòng Nàng trào dâng một cảm xúc:

Tự hào là một tân tòng

Nàng đã cùng chồng chung một đức tin

Tình yêu Chúa luôn trong tim

Buồn vui phó thác, nguyện xin dâng Ngài.

(còn tiếp)

(*) NÀNG: phu nhân Nguyễn Thanh Mai nhà ở quận Hoàn kiếm Hà Nội, hiện đang dạy môn Sinh tại trường dân lập Lương Thế Vinh. Gia nhập Đạo Công giáo ngày 28.05.2019 tại nhà thờ Phùng Khoang, Hà Nội.