Rồng bay phương nào? - Tác giả: Lm. Phêrô Hồng Phúc

Lan Mary
Năm Thìn rồng lượn sáng khung trời, Nhắc nhau một chữ hỡi ai ơi, "Rồng rồng theo mẹ" luôn nhớ nhé, Theo Chúa là ĐƯỜNG, Xuân sáng tươi. NGUỒN:

RỒNG BAY PHƯƠNG NÀO?

Rồng là sức mạnh trên không
Đi vào truyền thuyết Tây, Đông lưu truyền.
Phương Đông quan niệm linh thiêng,
Phương Tây quan niệm là điềm không may!

Cùng trên một trái đất này
Đêm phương Tây lại là ngày phương Đông.
Nên cùng truyền thuyết về rồng
Bên lành bên dữ bất đồng nhãn quan.
Cùng thân xác đời trần gian
Sự lành sự dữ cũng đang tranh giành.
Mới hay đạt đỉnh trọn lành
Chỉ trong Thiên Chúa tín thành mà thôi.
Dữ lành khơi tự lòng người,
Lương tâm kiểm định, ý trời noi theo.
Giầu sang hay cảnh khó nghèo,
Uy quyền hay cảnh cheo leo thấp hèn,
Sức rồng, thực tế vươn lên
Tự do, ý thức làm nên dữ lành.
Nhắc nhau ta hãy thực hành
Giáp Thìn chủ động tâm thành tự ta.
Hướng về Thiên Chúa là Cha
Là Đường soi sáng chính - tà biệt phân.
Là chân lý của muôn dân,
Và là sự sống, Chúa Xuân muôn đời.

Nhắn người tín hữu ai ơi
Năm rồng bay lượn dưới trời tự do.
Linh hồn, phần rỗi ai lo?
Vẫn là lựa chọn sao cho chính đường!

"RỒNG BAY PHƯỢNG MÚA"

"Rồng bay Phượng múa" đúng hay sai?
Thành ngữ vào đời đúng cả hai.
Tại sao ba phải, đâu cũng đúng?
Là tùy truyền thuyết ứng vào ai!

"Nói như rồng lượn" vốn lọt tai
Nhưng đến việc làm chẳng động tay.
"Tin đạo chớ tin người có đạo"
Tin Mừng chẳng thấy, xót lòng ai?

"Rồng bay Phượng múa" quá hợp gam.
Đau lòng thành ngữ nhắn nhân gian:
"Phụng rồng vốn dĩ đồng nhan sắc
Trách ai làm phụng bắc, rồng nam"

"Một ngày ngồi tựa mạn thuyền rồng
Hơn kiếp thuyền chài mãi trôi sông"
Sống sao xứng đáng làm con Chúa
Quan niệm thế này hỏi đúng không?

Năm Thìn rồng lượn sáng khung trời,
Nhắc nhau một chữ hỡi ai ơi,
"Rồng rồng theo mẹ" luôn nhớ nhé,
Theo Chúa là ĐƯỜNG, Xuân sáng tươi.

Lm. Phêrô Hồng Phúc