Hàn Mạc Tử hồi ấy - Yến Lan

Quang X Nguyen
Từ đó cứ mỗi bận có dịp đi Quy Nhơn thì tôi kết hợp đi thăm anh. Có khi kèm với Chế Lan Viên, có khi đi một mình, nhất là giai đoạn anh lâm bệnh... Bị bệnh tật hành hạ đau quá, anh tìm đến tình yêu. Tình yêu trắc trở, anh dựa vào tình bè bạn. Cô đơn, tù túng quá, anh dựa vào cái mà thiên nhiên đã cho anh nhiều nhất, dễ dàng tiếp cận nhất, là trăng. Có lẽ trăng đóng vai trò chủ thể trong hơi thơ và tứ thơ của Tử.
Có một nguồn thơ đặc biệt nữa dự phần đáng kể trong thi ca của Hàn Mạc Tử là thơ về Đạo. Anh là một con chiên ngoan đạo. Tuy nhiên, chất Đạo (thanh khiết, thiêng liêng) trong thơ anh đã bị chất Đời (đau yếu, bệnh tật) lấn áp. Suy cho cùng, thơ về Chúa, về Đức Mẹ Đồng Trinh của Hàn Mạc Tử nếu không có những yếu tố khác nữa, cũng khó mà thâm nhập vào tâm hồn người đọc có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng. Cho nên, theo tôi, khi nói đến Hàn Mạc Tử tôi không lướt qua việc giới thiệu anh là một người ngoan đạo làm thơ, nhưng đồng thời tôi mong bạn đọc thấy rõ chất đời trong thơ anh vừa riêng biệt tưởng không hình dung nổi, lại vừa rất chung, rất thực, có thể sờ mó lên được. Mà thôi, Đạo với Đời trong thơ anh vẫn là những mặt nhỏ trên một viên kim cương, mặt này ánh xanh, mặt kia ánh vàng, đều làm viên kim cương có sức ngời chói lóng lánh.
Phòng khách bày biện ít đồ đạc
Phòng khách bày biện ít đồ đạc
Anh thường tiếp chúng tôi ở số nhà 20 Khải Định. Tôi còn nhớ đây là một ngôi nhà xây để ở chứ không phải theo quy cách nhà có thể mở ra làm cửa hàng buôn bán. Nó dựng trên một khoảng đất chéo, nên hàng ba bước vào phòng chính không quay mặt ra đường. Có cổng và tường ngăn. Phòng khách bày biện ít đồ đạc. Cái tôi nhớ nhất là cái đồng hồ treo với tiếng gõ kỳ cạch suốt năm tháng của nó, giữa cơn đau ốm, như người lễ sinh đứng đó không xướng lên lễ thức mà chỉ đếm thời gian, từng giọt, từng giọt, nhắc với Tử, bằng cách gây nên những xáo trộn tâm tư, có khi thầm thì báo hiệu cái cô đơn đang vây phủ xung quanh anh. Cái thứ hai là bộ ghế bành lùn, rộng và khoẻ bằng ruột mây đan. Mỗi lần chúng tôi đến, ở phòng trong ra, anh đến bắt tay từng người. Đó là lúc bệnh anh mới sơ phát, còn ở dạng nghi ngờ. Về sau thì anh chỉ chắp tay chào và khẽ khàng ngồi xuống chiếc ghế kê sát nách cửa vào phòng. Lòng ghế lót bằng một tấm vải cũ gấp lại.
Anh đọc thơ cho chúng tôi nghe, không giải thích, rồi anh ngâm. Nếu ai đó có lần nghe anh ngâm thơ thì mới cảm thấy hết cái cảm giác kỳ lạ lần đầu tiên bắt gặp: nôn nao, nôn nao... và cộng với lời thơ gây nên một không khí mông lung. Chúng tôi như bị dồn vào thế giới nào có suối, có đồi, có bóng dáng những cuộc hành hương, và nhạc điệu cung văn, đồng bóng. Trông anh như cành liễu mùa đông đang bị cơn gió lạnh tuôn về day trở. Giọng nói của anh thì ngọt và mát như dòng sông Nhật Lệ quê anh từ thuở thơ ấu; nó đã được tiếng khen là nuôi dài tất cả những mái tóc để tăng thêm vẻ yêu kiều của lớp người sông Lũy Thầy, Trường Dục nhưng trong giọng ngâm, anh đã biến thành những chuỗi dài đau khổ, cao thấp chen nhau như từng tia lửa bùng lên, như mảnh lụa tươi vàng bị xé vụn. Anh đã lấy xác thịt minh hoạ cho lời thơ. Có khi chúng tôi chảy nước mắt. Còn anh, anh đã thành một người say. Các lần ngâm thơ của anh đều diễn ra như thế vì những bài thơ ấy đều là những bài xót xa nhất. Đặc biệt là hôm anh ngâm bài Thánh nữ Đồng trinh Maria. Xáo trộn trong đau thương, còn có nỗi trìu mến hân hoan kỳ lạ. Chúng tôi có cảm giác như anh bay lên với đôi cánh sải rộng ra, khi vút lẫn vào mây, khi là sông bể. Có lúc tưởng như đang ngồi trên lưng con tuấn mã phi nhanh trở về sau một chiến công, thỉnh thoảng dừng lại ngước nhìn suối thẳm, khe sâu vừa mới vượt qua.
Số là, theo anh kể lại, bận ấy người bạn thân thiết nhất là Quách Tấn ở Nha Trang ra giới thiệu với gia đình, ông cậu của Tấn là một võ sư lừng danh tên là Đoàn Phong. Ông này có môn thuốc gia truyền chữa lành nhiều người mắc bệnh phong hủi, và Tử đã được tiếp cận, được cho đơn. Thang đầu hiệu quả chưa rõ rệt, đến thang thứ hai thì có biến chuyển bất ngờ. Tử ăn, ngủ thấy ngon, tâm tư thư thái, hết ngứa ngáy, tê buốt. Anh vui mừng quá, gọi mẹ, gọi chị, em, nói cười rối rít và anh bảo rằng: đó là do có Đức Mẹ Đồng Trinh, đã xui khiến anh được như vậy. Bận ấy anh tưởng anh được thoát nạn:
Lạy Bà là đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơ lâm lụy vừa trải qua dưới thế...

 
Yến Lan
(Trích bài Tôi nhớ Hàn Mạc Tử - PCĐ 2, 78-80)




Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 173-175.