Tư duy tôn giáo của Hàn Mạc Tử

Quang X Nguyen
Đọc Hàn Mạc Tử, người ta vấp ngay phải vấn đề: Hàn Mạc Tử, anh là ai? Hoặc hẹp và ít trừu tượng hơn: Hàn Mạc Tử có phải là nhà - thơ - tôn - giáo không? 



Câu hỏi này có nhiều câu trả lời. Để khỏi vướng vào những tranh luận không lối thoát, tôi giải đáp vấn đề theo cách riêng của mình. Nếu Nguyễn Trọng Trí là một tín đồ Thiên Chúa giáo thì Hàn Mạc Tử lại là một nhà thơ. Với nhà thơ thì nghệ thuật là tối thượng, là đạo. Nhưng nhà thơ ấy lại không thể không liên quan đến vị tín đồ kia, nhất là trên phương diện hình thành một nhân cáchkiểu tư duy. Hơn nữa, Hàn Mạc Tử với tư cách là một nhà thơ coi tôn giáo với tất cả tinh thần của chữ ấy là một cái gì đó đời đời vĩnh hằng và tuyệt đỉnh của nghệ thuật (Tựa tập thơ Tinh huyết của Bích Khê). Với một quan điểm tôn giáo như vậy, những Chúa, những Phật, những Tây Vương Mẫu.. chỉ là những biểu tượng cụ thể của cái Duy nhất, cái Vĩnh hằng... Đến với Hàn Mạc Tử, từ khía cạnh tư duy, tư duy tôn giáo, là hợp lý hơn cả. Điều đó chẳng những khắc phục sự tranh chấp bất phân thắng phụ về vấn đề “Hàn Mạc Tử có phải là nhà thơ tôn giáo không?”, mà còn cho phép thâm nhập vào bản chất nghệ thuật của thi nhân. Dĩ nhiên, tôn giáo là một hiện tượng đa tạp, có khoảng sáng và vùng tối, có thoát tục và có trần tục, nhất là với tư cách là một thiết chế xã hội. Ở đây chúng tôi chỉ xét tôn giáo trên phương diện thuần túy là một kiểu tư duy.

Tư duy ma thuật, mà chừng nào đó là tư duy huyền thoại, do tính chất đa thần, đã xé vụn thế giới ra thành những mảnh riêng rẽ (tục ngữ: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”). Còn với tư duy tôn giáo, do tính chất độc thần, thế giới vỡ vụn đã được thống nhất trở lại. Nhờ đó, con người mới có điều kiện để nhận thức bản chất thế giới, trả lời những câu hỏi bản thể luận như nguồn gốc của vũ trụ và con người, ý nghĩa của cuộc sống và cái chết... Tôn giáo, do đó, đóng vai trò chế tư tưởng chuyển thành những giá trị riêng tư, cá nhân, dân tộc, khu vực thành những giá trị chung, thế giới, nhân loại. Phật giáo coi mọi người đều có chung một thân phận mà ai nấy đều phải gánh chịu là tứ khổ: sinh, lão, bệnh, tử. Do đó, ước mong được vớt khỏi bể khổ không là của riêng ai. Coi mọi người bất kể sang hèn, giàu nghèo đều có Phật tính, nghĩa là có khả năng trở thành Phật, là một tư tưởng bình đẳng, nhân đạo. Thiên Chúa giáo cũng thừa nhận mọi người đều bình đẳng trước Chúa, vì giá trị của mỗi người là ở bản thân hành động của anh ta, chứ không phải ở tài sản, địa vị...
Như vậy, xét trên khía cạnh tư duy tôn giáo, các nhà thơ - thiền sư Lý - Trần (Phật giáo) và Hàn Mạc Tử (Thiên Chúa giáo) đều có trong tay một công cụ như nhau (cơ chế tư tưởng) để nhân loại hóa thơ mình. Đó là sự giống nhau ở họ. Còn sự khác nhau, trước hết và chủ yếu, là ở sự khác nhau giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Một là, con người trong mắt các nhà thơ thiền là con người siêu cá thể, trừu tượng. Con người trong thơ Hàn Mạc Tử là một con người cá nhân, cụ thể. Thiên Chúa giáo coi trọng cá nhân, nhìn con người như một cá nhân là do việc xưng tội buộc nó phải đánh giá, phán xét tâm hồn, hành vi con người một cách riêng tư. Tín đồ Thiên Chúa giáo tự chịu trách nhiệm trước Chúa về bản thân mình, với tư cách cá thể. Hai là, các nhà thơ Lý - Trần coi Hữu, Vô như nhau, sự sống, cái chết như nhau (Vạn Hạnh: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô”). Bởi vậy, họ rất coi thường thân, thân là không, cái thân hiện ra, tức sắc thân, chỉ là ảo. Hàn Mạc Tử, ngược lại, rất coi trọng cuộc sống và cái chết, coi trọng thân xác. Tóm lại, nguyên cớ căn bản khiến Hàn Mạc Tử khác và cũng là mới hơn các nhà thơ Lý - Trần là ở tính chất cá nhân đến với ông bằng hai nẻo: Thiên Chúa giáo và nền văn minh phương Tây được xây dựng trên cơ sở Thiên Chúa giáo.
Chính tư duy Thiên Chúa giáo đã làm cho sáng tác
 của Tử tạo nên một vũ trụ thống nhất, hoàn chỉnh
Chính tư duy Thiên Chúa giáo đã làm cho sáng tác của Hàn Mạc Tử có cấu trúc nội tại, không những ở cấp vi mô (từng bài thơ) mà cả ở cấp vĩ mô (toàn bộ các tác phẩm), tạo nên một vũ trụ thống nhất, hoàn chỉnh. Theo nhà nghiên cứu Đặng Tiến thì Gái quê là thế giới đợi chờ Điềm lạ, đợi chờ Chúa ra đời, Đau thương là tâm hồn mong mỏi Chúa trở lại. Trong Đau thương, Hàn Mạc Tử chấp nhận bệnh tật như là nguyên tội, là “phương tiện thân xác” mà Chúa đã dùng để cứu thế. Bệnh tật là tham gia vào công đức cứu rỗi, làm nối liền người bệnh với bản thân Chúa-hiện-làm-người. Còn Xuân như ý là thế giới Khải huyền; con người rũ sạch được tội lỗi Đau thương (tạp chí Văn, số 179, năm 1971). Như vậy, trên bình diện cấu trúc tác phẩm, sáng tác của Hàn Mạc Tử, một cách vô thức, đã “minh họa” cho con đường cứu rỗi của Thiên Chúa giáo. Hành trình tác phẩm của Hàn Mạc Tử là hành trình đi tìm giải pháp cho Đau thương. Với ý nghĩa này, ta còn có một lý giải khác từ góc độ tôn giáo - nghệ thuật là chia toàn bộ sáng tạo của nhà thơ thành ba thời kỳ, Một là giai đoạn Cổ điển với Lệ Thanh thi tập. Đây là sự hài hòa của Hàn Mạc Tử với chính mình và với xung quanh, tương ứng với thời thơ ấu của con người hay “thuở thiên đường” của nhân loại. Hai là giai đoạn Lãng mạn, Tượng trưng và Siêu thực với Gái quê, Đau thương và một phần của Xuân như ý... Hài hòa bị phá vỡ. Con người bất ổn với chính mình và hoàn cảnh: đau khổ, mơ ước, điên dại... Nó tương ứng với thời kỳ trưởng thành, vấp váp, bệnh tật của con người và của nhân loại “mất thiên đường”. Ba là, giai đoạn tân cổ điển với một phần của Thượng thanh khí và toàn bộ Cẩm châu duyên. Sự hài hòa lại được tái lập, dĩ nhiên là trong mơ ước, trong giấc mơ tôn giáo, Đau thương rũ bỏ. Con người được trở lại “thiên đường” của mình. Các tôn giáo Đông phương cũng đi tìm giải pháp cho Đau thương. Phật giáo coi cuộc đời là bể khổ, mà nguồn gốc của đau thương là dục vọng. Cho nên diệt dục là con đường cứu khổ cứu nạn. Lão Tử thì đưa ra thuyết vô vi, sống theo tự nhiên thì sẽ chữa được những lầm lạc của người đời. Chỗ gặp nhau của những tôn giáo lớn – những tư tưởng lớn là ở đây. Hạt nhân triết học của những tôn giáo lớn cũng là ở đây.
Tư duy tôn giáo còn là một công cụ hữu hiệu để nâng cánh cho trực giác nghệ thuật tuyệt vời của thi nhân bay cao, bay xa vào cõi siêu hình. Nhà thơ có một cái nhìn vũ trụ trong tính toàn thể, tính siêu việt của nó với một cảm xúc tràn đầy:
Mới hay cõi siêu hình cao tột bực
Giữa hư vô xây dựng bởi trăng sao
Xa lắm rồi, xa lắm, hãi nhường bao!...
Ai tới đó chẳng mê man thần trí
Tòa châu báu kết bằng hương kỳ dị
Của tình yêu rung động bởi hào quang
Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang
Sẽ quy tụ thâu về trong một mối
Và tư tưởng chẳng bao giờ chắp nối...
Bức tranh vũ trụ được thi sĩ dùng trực giác để vẽ ra tưởng như đã gặp đâu đó trong một cuốn thiên văn học hiện đại nào. Con người bay vào vũ trụ (cõi siêu hình cao tột bực), thoạt tiên còn có cảm giác cô đơn, nhỏ bé trước sự bao la (hãi nhường bao!), nhưng rồi thần trí mê man trước vẻ châu báu của vũ trụ, vũ trụ là thống nhất (“Những cù lao trôi nổi xứ mênh mang - Sẽ quy tụ thâu về trong một mối”), nên tư duy của con người, cái phản ánh của vũ trụ cũng mang tính thống nhất (“Và tư tưởng chẳng bao giờ chắp nối”). Bài thơ cho thấy Hàn Mạc Tử đã đạt đến một tinh thần tôn giáo-vũ trụ (khái niệm của A. Einstein): đó là tính toàn thể của thế giới và tính nhất thể giữa con người và thế giới.
Hàn Mạc Tử thường hay quay trở về cội nguồn, với mùa xuân đầu tiên của trời đất và con người. Dường như ông tìm thấy ở đây sự nhất thể tính nguyên sơ của con người và vũ trụ - căn nguyên của mọi nghệ thuật, châu báu và con người đời sau đã đánh mất trong biển thời gian, và chỉ còn giống thi sĩ là cố công ngụp lặn, mò tìm:
Thuở ấy càn khôn mới dựng nên
Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên
Người thơ phong vận như thơ ấy
Nào đã ra đời ngọc biết tên.
(Xuân đầu tiên)
Nhờ tinh thần tôn giáo- vũ trụ đó, các bài thơ xuân của Hàn Mạc Tử (Mùa xuân chín, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện) chẳng những giữ được vẻ trinh nguyên của đất trời, mà còn đượm một cảm giác huyền bí thiêng liêng của cuộc đời. Đó là ánh thiều quang khác lạ của thơ xuân Hàn Mạc Tử so với thơ xuân của các thi sĩ cùng thời.

Đỗ Lai Thúy
(Trích từ bài Hàn Mạc Tử, một tư duy thơ độc đáo, PCĐ-2, trang 494-506)

Bài viết này được trích từ bộ sưu tập Có Một Vườn Thơ Đạo, linh mục Trăng Thập Tự chủ biên, tập I, trang 218-221.