Tìm một con đường

Văn thơ Công giáo
M. Vinh Sơn Nguyễn Thị Chung
-Trích tập “Người gieo hạt”-
Sơ Lan dẫn phái đoàn đến nhà chị thì trời đã nhá nhem tối. Mới chưa tới năm giờ chiều nhưng trời mùa đông ở miền Bắc bóng tối ập xuống rất nhanh. Thảo nào các cụ thường ví von  “đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối” là vậy.
- Chào chị Hạnh nhé, chị đang cho cháu ăn tối à?
Tiếng sơ Lan vang lên từ đầu ngõ khi nhìn thấy bóng chị đang ngồi ở trước sân. Nghe thấy tiếng sơ, chị quay lại:
- Ồ! Con chào sơ, chào các bác. Con đang dở tay một chút, mời mọi người vào nhà dùng nước ạ.
- Cảm ơn chị, cháu có chịu ăn không?
Sơ vừa nói vừa cúi xuống vỗ vào vai thằng bé. Thấy tiếng người lạ nó chồm dậy nhìn rồi ú ớ cười một mình.
- Dạ, cháu cũng lười ăn lắm sơ ạ, con phải ngồi đút từng miếng nó mới chịu ăn. Chào sơ đi con!
- O…n …c..à..o… k.. h..ơ!
- Ồ, bé Công ngoan quá.
- Sơ về được lâu không ạ?
- À, em đi theo phái đoàn về thăm các anh chị ở trại Phong Cẩm Bình, nhưng về đến đây thì tối rồi nên em bảo đoàn ghé về nhà nghỉ rồi sáng mai đi sớm. Nhân tiện em dẫn đoàn qua thăm anh chị. Xin giới thiệu với đoàn đây là chị Hạnh, một người bạn thân của các “bạn cùi” của chúng ta.
- Hân hạnh được gặp chị, nghe sơ kể nhiều về chị mà nay mới được diện kiến…
- Con cảm ơn sơ và phái đoàn. Mời sơ và các bác vào nhà ạ.
Chị thu dọn chỗ con vừa ăn rồi đi vào nhà, dáng người mảnh khảnh của chị cứ thoăn thoắt như con thoi. Nhìn bên ngoài trông chị rất vui vẻ, hoạt bát nhưng thẳm sâu trong tâm hồn chị lại chất chứa cả một nỗi niềm riêng...

*  * *
Chị được sinh ra và lớn lên trong một gia đình tương đối khá giả. Gia đình chị có sáu anh em: bốn trai, hai gái. Chị là đứa con áp út, sau chị còn một thằng em nữa. Dù chưa phải là út nhưng chị được bố mẹ cưng nhất, vì so với các anh chị trong nhà thì bao nhiêu cái đẹp, nét duyên dáng chị đều thủ đắc hết. Chị không những được trời ban cho cái vóc dáng xinh xắn mà tính tình của chị cũng không ai chê vào đâu được. Bố mẹ hay khen chị trước mặt anh chị em:
- Con Hạnh nó thông minh, nhanh nhẹn như vậy mới được, chứ thời buổi này mà cứ lù khù là chết, chúng mày học gương của nó ấy.
Thấy bố mẹ cưng chị nên các anh chị luôn tỏ ra khó chịu. Những thanh niên trong làng đã đến“trồng cây si” ở cổng nhà chị từ lúc chị mới mười bốn mười lăm tuổi. Còn các cụ trong làng  thì mmong chị trở thành con dâu nhà họ, có người đến đặt cọc với bố mẹ chị:
- Ông bà giữ cái Hạnh cho thằng cu nhà tôi nhé.
Bố mẹ chị rất hãnh diện về chị. Nhưng họ càng đặt kỳ vọng nơi chị bao nhiêu thì khi không được như ý họ lại thất vọng bấy nhiêu. Ông bà ước ao kén một chàng rể phải xứng tầm với cô con gái rượu của mình, nhưng chị lại có con đường riêng. Chị yêu anh chàng thương binh ở làng dưới hơn chị gần hai chục tuổi. Thấy anh tội nghiệp nên chị quyết định kết hôn để chia sẻ cuộc sống khổ đau với anh. Từ khi chị quyết định lấy anh, câu chuyện tình của hai người trở nên xôn xao, mọi người trong làng đều bàn tán:
- Tại sao con bé ấy dại dột thế?
- Chắc là bị thằng ấy bỏ bùa rồi!
Còn bố mẹ chị nhất định không cho chị lấy người thương binh tàn phế ấy, ông bố bảo với chị:
- Tao cấm mày gặp gỡ thằng đó, tao mà thấy mày lai vãng tới nhà nó tao chặt chân mày.
Mẹ chị thì khóc lóc:
- Trời ơi! Sao lại đi lấy thằng cụt chân cơ chứ, bộ con trai làng này chết hết rồi sao? Nó bỏ bùa mê thuốc lú gì cho mày hả con?
Chị chẳng nói gì cứ khóc thút thít, một hồi mẹ lại nói tiếp:
- Mày đừng lấy nước mắt để làm tao đổi ý, tao đã nói hết lời mà còn không nghe thì từ nay không có mẹ con gì hết.
Bố chị cũng chêm vào:
- Mày chọn đi, một là thằng đó, hai là bố mẹ mày.
- Con van bố mẹ, cho con lấy anh ấy, thiếu anh ấy con không thể sống được.
- Đồ ngu!- Bố chị vừa nói vừa giơ tay tát bốp vào mặt chị.- Tao đã nhìn lầm người. Nếu mày vẫn giữ nguyên lập trường lấy thằng cụt chân ấy thì biến khỏi nhà tao, coi như tao không có đứa con gái như mày.
Cuối cùng chị đã chọn anh và phải cắt đứt mối quan hệ ruột thịt với gia đình. Từ ngày chị bỏ nhà đi theo tiếng gọi của tình  yêu, bố mẹ chị không một lời thăm hỏi, ông bà nhất định không thể tha thứ cho đứa con“mất dạy” ấy được. Ông bà cũng cấm tất cả anh chị em không được liên lạc với chị. Ra đi chỉ có hai bàn   tay trắng với vài bộ đồ, chị được bạn bè giúp đỡ. Họ tổ chức đám cưới cho anh chị dù đơn giản nhưng thật ấm cúng. Chị và anh sống với nhau rất hạnh phúc trong một túp lều tranh. Hơn một năm sau đứa con đầu lòng của anh chị đã chào đời, anh chị háo hức đón nhận kết quả tình yêu đầu đời của hai người. Nhưng thật oái ăm, đứa con đầu lòng của anh chị sinh ra không được bình thường. Nó bị dây rốn quấn cổ và được chẩn đoán là bị liệt não, nên cho dù bé có sống thì cũng ở trong tình trạng thực vật cả đời. Thấy hoàn cảnh của anh chị nên các bác sĩ khuyên anh chị đưa bé vào một trung tâm bảo trợ xã hội đặc biệt. Nhưng với tấm lòng của người mẹ chị nhất định không muốn đưa con đi, chị   bảo:
- Không, dù thế nào nó cũng là giọt máu của tôi, tôi không thể để con tôi trở thành một đứa trẻ mồ côi không có cha mẹ.
Bố mẹ chị chẳng an ủi lại còn chì chiết:
- Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe bố mẹ trăm đường con hư. Đấy, mày thấy hậu quả của một kẻ không biết vâng lời chưa?
Ngày ngày chị kiên trì tập luyện cho con, tập cho con đi, tập cho con nói. Dù nó không trở thành một đứa trẻ bình thường như những đứa trẻ khác nhưng ít là nó đã không ở trong tình trạng thực vật như các bác sĩ dự đoán. Anh chị lại lần lượt cho những đứa con khác ra đời. Những đứa trẻ sau này không bị tật như anh nó, đứa nào cũng kháu khỉnh. Ngày tháng qua đi các con chị cũng đã lớn và lần lượt bước vào các trường học. Cuộc sống của anh chị càng ngày càng vất vả hơn vì phải lo cho các con ăn học nên cả anh và chị đều phải đi làm xa. Trong nhà chị là lao động chính, vì anh vừa bị cụt chân vừa cao huyết áp nên chỉ phụ được những công việc nhẹ như dọn dẹp nhà và lo cơm nước. Nhưng   từ khi các con đi học thì cuộc sống khó khăn hơn nên anh đã tìm một công việc nhẹ để làm thêm, phụ vào phần chi tiêu cho gia đình. Dù vất vả nhưng gia đình anh chị rất hạnh phúc. Cuộc sống đang mỉm cười với anh chị thì bỗng dưng đứa con lớn của chị  trên đường đi học về bị một chiếc xe container tông vào, thằng  bé chết tại chỗ. Được tin ấy chị hết sức bàng hoàng, toàn thân   chị lạnh toát nhưng không hiểu sao lúc ấy chị lại can đảm như  thế. Chị vội đến chỗ hiện trường để đón xác con. Mãi khi nhìn thấy thân thể con bẹp nát dưới bánh xe chị mới khóc, những giọt nước mắt chảy vào tim và nó ứ đọng lại thành những giọt bầm tím. Mọi người đến an ủi và chia sẻ nỗi đau với anh chị nhưng bố mẹ chị vẫn không đến. Bố chị bảo:
- Trời phạt cho nhãn tiền như vậy mà nó còn chưa sáng mắt.
Dù ông bà nói gì chị vẫn không cãi lại một lời. Chị cam chịu trước số phận. Nhưng dường như chị càng nhượng bộ thì số phận càng không buông tha. Từ hôm đứa con lớn đột ngột ra đi, cuộc sống ở gia đình chị trầm hẳn xuống. Chị ít nói hơn, nhưng vết thương cũ chưa lành thì những vết thương khác lại tiếp tục rướm máu. Chỉ cách chưa đầy một năm chị đã phải nhận ba cái tang của các con. Sáng hôm ấy trước khi đi làm chị căn dặn các con:
- Hai chị em ở nhà chơi nhưng đừng ra ngoài ao con nhé, nước to nguy hiểm lắm.
Rồi chị quay lại nói với Hoa, con gái lớn của chị:
- Lát nữa anh ngủ dậy con cho anh ăn sáng giúp mẹ với nhé!- Chị cúi xuống hôn vào mái tóc của thằng út và bảo:“Ở nhà với chị ngoan nhé, tối mẹ về”.
Nhưng chị đi chưa đầy một giờ thì cả hai đứa con của chị đều chết đuối dưới cái ao trước nhà. Trong lúc bé Hoa đang cho anh ăn sáng thì Tuấn Anh chạy ra bờ ao chơi, chẳng biết làm sao nó bị trượt chân nên té xuống hồ. Nghe tiếng em kêu Hoa vội chạy ra cứu em nhưng nước to quá nên cả hai chị em đều chết. Mãi đến chiều khi anh chị đi làm về thì xác hai đứa bé đã nổi lên. Nhìn thấy xác hai đứa con nổi lềnh bềnh trên ao chị đã té xuống và không còn biết gì cho đến khi tỉnh lại và thấy mình đang nằm trên giường. Có đông đảo bà con xóm đạo đang đứng vây quanh chị, người thì xoa bóp, kẻ thì bấm huyệt cho chị tỉnh lại. Cha xứ già cũng đến, ngài dúi cho anh chị một bì thư để anh chị có tiền trang trải cho đám tang này. Nhìn thấy quan tài hai đứa con nhỏ nằm giữa nhà chị lại òa lên khóc:
- Tại sao ông Trời lại bất công với tôi quá như vậy? Tại sao lại để cho“lá già đưa tiễn lá non” hả trời? Huhuhu…
Thấy chị khóc mọi người cũng sụt sùi theo. Những ngày kế tiếp chị sống trong sự hoảng sợ, chị nghĩ lại những lời bố chị nói: “Trời phạt cho nhãn tiền mà còn chưa sáng mắt”. Chị nhìn xuống chỗ bé Công đang vật vã trong cũi, chị nghĩ đến đứa con bẹp nát dưới bánh xe không kịp kêu cứu và nhất là hình ảnh hai đứa nhỏ đang nổi lềnh bềnh trên ao…Tự nhiên chị thấy sợ, không biết còn chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo cho gia đình chị? Chị tự nhủ: “Phải chăng đây là hình phạt của ông trời như lời bố mẹ chị đã nói? Nếu vậy thì ông trời thật là độc ác, nhẫn tâm”.
Nghĩ đến đó chị chỉ muốn chết đi cho rồi, mấy lần chị định uống chai thuốc rầy để kết thúc cuộc đời. Nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần chị cầm chai thuốc lên chưa kịp mở nút thì sơ Lan, có khi là bà con xóm đạo lại xuất hiện. Họ đến động viên, an ủi chị và gia đình. Người thì góp tiền bạc, người thì đem gạo, đem muối đến để giúp chị trong lúc khó khăn. Sơ Lan tặng cho chị cuốn Kinh Thánh, sơ bảo với chị:
- Lúc nào chị Hạnh buồn thì lấy cuốn sách này ra đọc nó sẽ giúp chị khuây khỏa hơn.
Đặc biệt là cha xứ, tuy đã già nhưng mắt còn rất tinh. Từ hôm gia đình chị gặp nạn ngày nào cha cũng đến thăm anh chị, dù gia đình chị chưa phải là người Công giáo. Thấy tình thương của cha và bà con dành cho mình nên chị dần bỏ ý định tự tử. Nhiều lúc chị cứ suy nghĩ về tình thương của những người bà con xóm đạo này: “Tại sao mình không phải là ruột thịt của những người này, không cùng niềm tin với họ mà sao họ lại đối xử tốt với mình, trong khi bố mẹ và những người thân của chị lại xa lánh, lại coi  chị như đồ bị chúc dữ?!”.
Chị sực nhớ đến cuốn Kinh Thánh mà sơ tặng hôm bữa, chị  lấy ra đọc. Nhưng nhìn cuốn sách dày cộp chị lại thấy ngán nên   cứ lật tới lật lui, không hiểu sao chị gặp ngay đoạn Kinh Thánh nói về cuộc đời ông Giop, càng đọc chị càng thấy hay, thấy cuộc đời của chị dường như đang được họa lại cuộc đời của ông. Chị nhủ thầm: “Vậy ra trong thế giới này còn biết bao người đau khổ hơn mình. Nhưng cái khác biệt ở đây là mình có biết đón nhận những đau khổ ấy không? Giop chỉ trong một ngày đã mất tất cả: tài sản, con cái… Vậy mà ông không hề kêu trách, ông còn nhận ra tất cả những thứ ông có đều do Trời ban, giờ Trời muốn lấy thì ông vui vẻ trao lại cho Trời”. Chị cảm thấy thích đọc Kinh Thánh hơn, và chị đã lần lượt đọc hết cuốn Kinh Thánh ấy dù chị chẳng hiểu bao nhiêu.
*  * *
Thời gian sau đó sơ Lan về thăm chị, thấy chị đã bình phục sơ rất vui. Sơ hỏi chị có muốn đi thăm trại phong với nhóm“Hội Bạn những Người Cùi Việt Nam”, thuộc cộng đoàn Công Giáo ở Tustin, California không? Sơ bảo:
- Lâu lâu phái đoàn vẫn về Việt Nam đi thăm và giúp đỡ những người bạn phong, từ Cà Mau ở miền Nam ra Bình Thuận, Cam Ranh đến tận Bắc Ninh, Thái Bình ở miền Bắc.
Nghe sơ giới thiệu chị nhận lời ngay, và trong chuyến đi ấy chị đã tìm thấy con đường mới cho tương lai của mình từ những bài học thiết thực nơi “Hội Bạn những Ngừơi Cùi” và những người bạn phong. Chị cảm động trước tấm lòng quảng đại của những người thiện nguyện này, dù họ là những người sang trọng nhưng họ lại thật khiêm tốn, họ không sợ dơ bẩn, không sợ lây nhiễm, họ yêu thương tôn trọng những người cùi như chính người thân của họ. Vì muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người bất hạnh ấy mà họ hy sinh thời giờ, tiền bạc để đến tận những vùng sâu, vùng xa này thăm hỏi, động viên... Chị cũng học được bài học về sự lạc quan, lòng tín thác của những người cùi. Có người chẳng còn tay chân, có người chỉ còn lại một mắt… nhưng họ vẫn vui, vẫn hát thánh ca tạ ơn Chúa, vẫn cố vươn lên trong cuộc sống, không thoái lui, bỏ cuộc. Đó là những bài giảng sống động nhất  về tình yêu mà chị nhận được trong chuyến đi này. Chị cảm thấy cuộc sống này thật đáng yêu, thật ý nghĩa vì có Tình Chúa và tình người đầy ắp nơi đây. Tự nhiên chị cũng muốn trở thành cánh tay nối dài của Chúa để đến với những ai khổ đau hơn mình, chị đã không còn cảm thấy mình là người bất hạnh nữa.
Chị nhận ra “Chúa vẫn đang hiện diện và đồng hành với người khổ đau qua những tấm lòng và trái tim của những ai luôn biết nghĩ đến đồng loại của mình”. Chuyến đi đầy ý nghĩa ấy đã để lại trong chị nhiều cảm xúc, chị đã khám phá ra con đường mà chị sẽ đi trong tương lai, – con đường của tình yêu tự hủy. Đó cũng là con đường dẫn chị đến với ánh sáng của Tin Mừng. Mùa chay năm ấy chị và gia đình đã chính thức xin gia nhập Giáo Hội. Từ đó chị trở thành những cánh tay nối dài của Chúa để tiếp tục trao ban tình thương cho những người bất hạnh.
Vâng! Chị đã tìm thấy cho mình một con đường, và con đường ấy chính Thầy Giêsu đã đi.