Ngả ba tình

Văn thơ Công giáo

Antôn Trần Văn Dũng, Mục Đồng, 1986

Gx Trung Nghĩa - Gp Vinh
Giải II (VVĐT 2015)
- Trích tập “Người gieo hạt”
Chiều xuống chậm trên nghĩa trang làng Kim. Mấy tia nắng cuối ngày yếu ớt vắt qua những khóm cây im lìm chỉ khiến cho khung cảnh nơi đây thêm phần ảm đạm. Trên nền trời hoang hoải ấy nổi bật hẳn mấy ngôi mộ lát đá hoa cương màu mận chín. Mấy năm gần đây bỗng nở rộ làn sóng xây cất lại nghĩa trang các dòng họ, ngôi mộ nào cũng vươn cao bề thế. Kính phí xây cất đều do những đứa con của làng Kim đang làm ăn phát đạt ở xứ người gửi về, gọi là có chút hương hoả cho tổ tiên họ mạc. Ở cái buổi cuộc sống xô bồ, lẩn khuất trong những nghĩa cử thành kính tâm linh vẫn còn những thứ mùi không thể khử đi đâu được của tiền.
Hai mẹ con Liên ngồi trước ngôi mộ nhỏ chi chít hoa dại. Đã chín năm nay, trừ những hôm mưa gió, còn hầu như ngày nào Liên cũng ra đây ngồi cho đến khi trời tối mịt, vừa múa vừa hát đến lúc mệt quá thì gối đầu lên mộ mà ngủ. Cứ đến giờ là thằng Phán ra nghĩa trang dìu mẹ về ăn cơm. Trên tấm bia không ghi tên người chết, chỉ có hình Thánh giá, bên dưới là những vết khắc còn khá mới:“Nơi an nghỉ của người có trái tim ấm nhất trần gian”. Nhà báo Mân, một người con của làng Kim trong lần về thăm quê năm ngoái, thương cảm câu chuyện của Liên mà cho viết dòng chữ này.
Ngã ba cuối làng Kim đa phần là dân nhập cư. Những tay bất hảo hoặc có lý lịch phức tạp sau những ngày phiêu bạt đều chọn mỏm đất này làm nơi an trú. Thảng hoặc cũng có nhiều người dân làng Kim vì sa cơ hay bất mãn mà dọn nhà ra ở ngã ba. Dân làng Kim vừa sợ vừa khinh đám người ở ngã ba, ngoài mặt thì cười cười nói nói nhưng trong bụng đều nhất mực coi như quân ô hợp. Dân ngã ba cũng chẳng phải loại vừa, xù lông nhím thủ thế chờ đến lúc thuận tiện thì tung những nhát dao sắc lạnh. Tiếng bấc ném đi tiếng chì ném lại, bởi thế mà xứ đạo Đắc Lộ mấy chục năm vẫn như một mớ bòng bong, mặc dù cha xứ đã nhiều lần đứng ra hoà giải.
Liên đến ở ngã ba này từ hồi mới có thai thằng Phán. Liên vốn là con gái út của ông Cả Thống, một gia đình có thế giá ở làng Kim. Chẳng hiểu có phải vì ông làm ăn buôn bán bất chính mà đứa con gái tự nhiên phát điên, bỏ nhà ra đường khóc cười rũ rượi. Một tối tháng bảy, Liên nằm tênh hênh ở bờ đê, một gã say rượu đi qua không cầm lòng được đã vồ lấy. Liên có thai, ông Cả Thống sợ mất mặt với cấp trên liền cho làm một gian nhà nhỏ ở ngã ba rồi đẩy cô con gái trắc nết ra đấy. Thằng Phán lớn lên không có cha. Ngôi mộ mẹ con Liên ngồi là xác của một ngư dân bị sóng đánh dạt vào lạch biển làng Kim, người dân vớt lấy tẩm liệm sơ sài rồi đem chôn. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Liên gắn với ngôi mộ ấy cho đến tận bây giờ. Có người bảo chắc Liên hoang tưởng cho rằng cái xác ấy là chồng mình nên mới ngày ngày hương khói trông nom phần mộ.
Thằng Phán mười một tuổi, cao lêu đêu. Nó không đi học mà ở nhà với mẹ. Ông Cả Thống vỡ nợ đã dọn nhà vào tận Sài Gòn nhiều năm trước, hàng tháng vẫn kín đáo nhờ người gửi chút tiền về cho mẹ con Liên. Sáng sớm thằng Phán xuống bến cảng, ai nhờ gì làm nấy, không thì ngồi chực mấy tay lái buôn đóng hàng xem có con cá con tôm nào rơi ra thì nhặt lấy đem bán. Gần trưa nó ghé nhà xứ, làm đủ thứ linh tinh, khi thì vệ sinh chuồng mấy con chim chào mào, lúc thì tắm rửa và lấy nước uống cho con chó Min. Nhà xứ neo người, cha Kiên bận tối mặt nên sai nó vài việc vặt trong nhà, cuối tháng trả công cho ít tiền. Con chó Min là giống bẹc-giê quý nên cha Kiên chăm sóc rất cẩn thận, dù có bận đến mức nào cũng phải tự tay cho ăn. Như một thói quen, cứ mỗi lần thấy cha Kiên lấy miếng thịt bò đưa lên miệng con Min thì thằng Phán nhanh chân đứng nấp vào sau cánh cửa, kéo áo lên miệng nhai ngấu nghiến, nước bọt rịn ra làm ướt cả một vạt lớn.
Phán còn là chân chạy bàn cho chiếu rượu Trúc Chỉ ở bờ đê. Chiếu rượu này hoạt động được hơn vài năm, gom vào cỡ chục tay bất cần, nói năng văng mạng. Hầu hết bọn họ đều là dân học hành có lớp lang, tay nào tay nấy sắc sảo, lõi đời nhưng gặp phải cái buổi nhiễu nhương nên chấp nhận thu mình ở cái xó này cho yên. Người bị đồng nghiệp bán đứng, kẻ nhận án kỷ luật vì sinh con thứ ba, kẻ khác tốt nghiệp đại học nhưng vật vã mãi mà chẳng kiếm được việc. Cầm trịch nhóm Trúc Chỉ là Trần tiên sinh, trạc ngoài năm mươi, vốn là phó giám đốc một trung tâm văn hoá tư nhân có tiếng ở Sài Gòn, trong một lần bị con gái ông chủ mắng té tát đã tức khí bỏ việc về quê mở cửa hàng tạp hoá. Dân làng biển vẫn thế, quen ăn sóng nói gió, thà chịu đói chịu khổ chứ nhất định không chịu nhục. Thằng Phán lọt vào mắt xanh của nhóm Trúc Chỉ vì có khuôn mặt mà theo như lời Trần tiên sinh mô tả là “lồ lộ chất gian hùng thời loạn”.
Chỉ cần vài tháng học việc là Phán đã nắm thóp được cái thú của đám này. Mồi nhắm có thể thay đổi nhưng thức uống thì nhất định phải là rượu trắng làng Kim. Trần tiên sinh có lần khề khà: “Đúng là nốc cho lắm rượu vào chả giải quyết được cái quái gì cả. Nhưng mà không có nó thì lấy chó gì để mà nhắm mắt chung chạ được với đời!”. Kể cũng lạ, cả cái xứ này thì chỉ có chiếu rượu Trúc Chỉ là không phân biệt người làng Kim hay dân ngã ba. Chiếu rượu họp từ khoảng năm giờ chiều đến tám giờ tối, có hôm muộn hơn. Bọn họ từ tốn uống, ánh mắt khinh bạc nhìn đời. Lúc đầu còn chậm rãi, đến lúc ngấm hơi men thì cao đàm khoát luận đủ thứ, từ việc bình chọn Liên là người đàn bà điên tử tế nhất Việt Nam đến chuyện xây mới nghĩa trang đang trở thành một thứ mốt, một kiểu mặc cả thần thánh của mấy thằng “đô dài não ngắn” chuyên trồng cây thuốc phiện ở xứ người. Hết chuyện giá điện tăng đột ngột đến việc dự đoán chiếc xe Camry mới cóng của cha xứ Kiên có giá bao nhiêu, hàng Việt Nam hay ngoại nhập nguyên chiếc...
Ở xóm ngã ba, Phán chỉ chơi thân với thằng Lam. Bọn trẻ trong xóm đều giễu Phán là đứa con hoang. Chỉ có thằng Lam là không giễu thế vì nó cũng không có bố. Thằng Lam ít hơn Phán  vài tuổi, đang học lớp ba trường làng. Thuý , mẹ Lam vốn là dân nhập cư, bị chồng bỏ khi mới sinh con trai được mấy tháng, trong cơn bĩ cực cũng chọn ngã ba làm nhà. Thuý sống khép kín, một mình bươn chải nuôi con bằng nghề bán bánh ngọt ở chợ. Nhiều đêm còn thấy bóng đàn ông ra vào nhà Thuý.  Dân ngã ba xầm    xì, người thì chắc mẩm đấy là anh chồng cũ về thăm vợ con, kẻ khác lại cười khẩy: “Chỉ có ngữ mèo mả gà đồng mới rước giai về đêm về hôm như thế”. Thằng Phán thích con Nga người làng Kim nên nhờ Lam chép hộ bài thơ“Vì sao” của Xuân Diệu mà nó thuộc nằm lòng trong những buổi hầu rượu nhóm Trúc Chỉ. Sáng sớm, nó không xuống bến cảng như thường lệ mà đứng ở góc đường, chờ con Nga đi học thì lao đến dúi vội lá thư rồi cắm đầu chạy  một mạch. Buổi trưa hôm ấy, cái tin thằng Phán viết thơ tình cho con Nga đã lan nhanh như điện xẹt. Bọn con nít rồng rắn quanh làng vừa cười vừa giễu: “Ve vẻ vè ve/ Nghe vè anh Phán/ Nhà lán ngã ba/ Không cha điên mẹ/ Bập bẹ ê a/ Mà ra thơ phú/ U ủ ù u...”. Thắng Phán ngồi lầm lì, ba ngày không xuống bến cảng.
Xứ đạo Đắc Lộ vào mùa Chay. Cha Kiên phát động đợt quyên góp tiền gửi về giáo phận xây nhà thờ chính toà. Thánh lễ khai mạc mùa Chay diễn ra trang trọng. Vị linh mục với mái tóc hoa râm đứng lên dõng dạc:
- Năm nay không phân biệt dân làng Kim hay xóm ngã ba, nhà nào cũng phải có phần mình để gửi về Nhà Chung. Chả gì thì Đắc Lộ là một xứ đạo lớn vào loại nhất nhì giáo phận, phải cho người ta thấy được tinh thần cũng tương xứng với tầm vóc. Đừng để mình phải hổ thẹn với bà goá trong Tin Mừng!
Hàng ngàn chiếc hộp bọc giấy màu có ghi dòng chữ “Ngân hàng Nước Trời, 1 vốn 4 lời” được chuyển đi. Cứ đều đặn mỗi buổi chiều là chiếc loa phóng thanh từ nhà thờ lại phát đi giọng nói truyền cảm của một nữ tu còn khá trẻ kêu gọi tinh thần quảng đại. Ông trùm Khương vốn ngày thường thâm trầm đạo mạo, mấy hôm nay bỗng lộ vẻ mệt mỏi căng thẳng. Ông đi hết chỗ này sang chỗ kia, đốc thúc từng nhà một về tầm quan trọng của đợt quyên góp. Có nhiều nhà ở ngã ba ông chưa từng đặt chân đến. Ông trùm Khương có chân trong một đường dây tuồn gỗ từ Lào về Việt Nam, bận ngập đầu nên nếu không phải vì lý do công việc thì rất ít khi đi lại với đám người ở đây. Lần này thì ông hạ cố, một phần vì lệnh của cha xứ Kiên, phần vì một tiếng vang lớn của xứ đạo Đắc Lộ mà ông đang thầm mường tượng. Hội hiền mẫu giáo xứ đã quyết định sẽ dành mười phần trăm số lãi trong những lần mua bán hải sản ở bến cảng. Cánh gia trưởng thậm chí còn quy đổi ra tiền mức đóng góp là mười chai rượu trắng trên đầu người. Giới trẻ thì chia thành nhiều nhóm thay phiên nhau đến những quán cà phê, nhà hàng thu lượm ve chai đem bán...
Mới tháng ba mà nắng đã như đổ lửa. Thằng Phán ngủ dậy trễ, ra cổng gọi Lam.
- Bữa nay mày không đi học à?
- Mẹ em ốm. Em ở nhà canh chừng.
- Nhà mày góp quỹ mùa Chay chưa?
- Đã góp được đồng nào đâu. Em đi nhặt ve chai thấy họ nói mấy anh chị giới trẻ đi gom hết rồi.
Phán cầm lấy tay Lam kéo đi.
- Đi theo tao! Lam vùng vằng:
- Nhưng đi đâu anh Phán?
- Ăn trộm cá ở bến cảng. Tao biết chỗ có thể moi được.
- Không được đâu anh Phán. Mẹ biết em đi ăn trộm của người ta mẹ đánh em chết.
- Mày ngu lắm. Không đi lấy tiền đâu mà nộp cho cha Kiên. Lam đứng tần ngần hồi lâu, rồi lại lắc đầu.
- Mà mẹ mày ốm thế nào?
- Mẹ em bảo bị cảm xoàng, nghỉ vài hôm là khỏi.
- Thôi mày vào nhà đi!
Nói rồi Phán đi thẳng về hướng nhà xứ. Cha Kiên mới tắm cho con Min xong, đang hí hoáy xắt miếng thịt bò ra đĩa. Khi thằng Phán đã lọt thỏm vào chỗ nấp quen thuộc sau cánh cửa thì cũng vừa lúc ông trùm Khương tới. Có một đoàn khách trên huyện cần gặp cha xứ. Cha Kiên đẩy đĩa thịt bò cho con Min rồi đi với ông trùm Khương về phía phòng khách. Thằng Phán sau một thoáng do dự liền nhặt ngay cái chổi khều đĩa thịt về phía mình. Con Min thấy mất miếng ăn thì lồng lộn dây xích, sủa ầm lên. Thằng Phán lấy tay xoa xoa rồi cho mấy miếng thịt vào túi quần, co giò chạy như ma đuổi.
- Cầm lấy, nấu cho mẹ mày bát canh ăn cho lại sức!- Phán thở hổn hển.
Thằng Lam nhìn Phán nghi ngại, định hỏi vài câu nhưng thấy mắt Phán long lên sòng sọc, vội cầm miếng thịt rồi đi thẳng vào bếp.
Ngày cuối cùng của đợt phát động, cha Kiên thông báo đã nhận được thêm năm nghìn đô của những người xa quê gửi về khi biết tin qua mạng xã hội. Nhà xứ chộn rộn hẳn lên. Người xếp thành hàng dài, tay mang những chiếc hộp có bọc giấy màu, dáng vẻ vừa thành kính vừa run rẩy như sợ một thứ gì đó vô hình.
Phán chạy từ bến cảng về, gọi thằng Lam inh ỏi. Nó lận trong túi áo ra một xấp tiền còn tanh mùi cá. Thằng Lam đếm được tất cả một trăm bảy mươi bảy nghìn. Phán cười hỏn hẻn:
- Mày chia đôi ra, nhà tao một nửa nhà mày một nửa, cho vào hộp giấy nộp cho nhà thờ. À quên, bớt lại một ít mua cho mẹ mày bát phở nha!
Lam lại tần ngần. Phán sốt ruột:
- Không phải tiền ăn trộm đâu mà sợ. Tiền người ta trả tao công bốc vác mấy bữa nay dưới bến cảng đó mày.
Buổi sáng thánh lễ tổng kết đợt quyên góp mùa Chay ở nhà thờ xứ thì buổi tối Thuý mất. Lam ngồi bệt xuống sàn nhà khóc như mưa như gió. Thằng Phán lăng xăng phụ việc với mấy người lớn. Liên tóc tai rũ rượi, bù lu bù loa khắp ngã ba, tiếng cười vang lên trong đêm rùng rợn.
- Bà con ơi, cha Kiên giết người! Trùm Khương giết người!
Làng Kim giết người! Ha ha ha ha…
Thuý mắc bệnh ung thư phổi hơn một năm nay nhưng giấu nhẹm không cho thằng Lam biết. Nhà nghèo không có điều kiện chữa chạy nên Thuý quyết định dành những đồng tiền tích góp được cho thằng Lam ăn học. Mấy ngày trước còn cẩn thận nhờ chị hàng xóm giữ hộ ít tiền cho Lam phòng khi nằm xuống.
Trong thánh lễ an táng tại ngã ba, cả ngàn người tham dự chăm chú như nuốt từng lời của cha xứ Kiên.
- Chị Liên nói đúng, tất cả chúng ta đều là những kẻ giết người. Người ta giết người bằng hành động, chúng ta giết chị Thuý bằng cách không làm gì cả. Người ta giết người bằng súng bằng dao, còn chúng ta giết người bằng sự vô cảm. Vô cảm là cách giết người tinh vi nhất, ghê tởm nhất, hèn hạ nhất. Nhưng khốn nạn ở chỗ vô cảm cũng là tội ác dễ bào chữa nhất, dễ lấp liếm nhất...
Một tháng sau ngày Thuý mất, quỹ “Chạnh lòng thương” ra đời, huy động sự chung tay góp sức của những tấm lòng với người nghèo ngay tại ngã ba và làng Kim, không phân biệt lương giáo. Cha Kiên đã quyết định bán chiếc xe Camry lấy tiền làm kinh phí hoạt động ban đầu. Người ta cũng không còn thấy con chó Min trong nhà xứ nữa. Thằng Phán là người đầu tiên được đi học từ chương trình của quỹ, còn Lam thì được tất cả gia đình ở làng Kim nhận làm con nuôi. Chiếu rượu Trúc Chỉ giờ chỉ còn gặp nhau vào cuối tuần, dành thời gian phụ đạo kiến thức văn hoá cho  Phán và Lam. Phủ đầy khuôn viên nhà thờ là những tấm panô, áp phích với những dòng chữ“Chúa Giêsu đang đói lả bên nhà bạn”, “Ta khát”, “Vô cảm là giết người”, “Dửng dưng là tội ác”, “Đừng bao giờ đi ăn một mình”...
Thằng Phán biết tin được đi học thì tối nằm trằn trọc không ngủ được, sáng sớm chạy sang nhà Lam gãi đầu, nhe răng cười hỏn hẻn:
- Tao sắp được đi học rồi, không cần mày chép thơ hộ nữa đâu.
Nghĩa trang làng Kim, những chiều muộn vẫn còn bóng dáng hai mẹ con Liên. Giờ có thêm thằng Lam thường ra thăm mộ mẹ. Những tia nắng cuối ngày vẫn chiếu qua đây, gió vẫn bằn bặt thổi. Nhưng bạt ngàn hoa là hoa, hoa ken dày trên những ngôi mộ, hoa dọc các lối đi. Những cánh hoa mỏng manh cứ an nhiên sống, an nhiên toả thứ hương sắc đồng nội trên cát bụi thê lương.