Nón lá -- truyện ngắn của Mẫn Hạ, OP

Quang X Nguyen

Ông chánh Hoàng vừa gạt chân chống dựng chiếc Dream II xuống, vừa nói vọng xuống bếp:
- Má mày dọn cơm ra thôi! Đã quá trưa rồi còn gì.

Vừa thay đồ, ông lại vừa hỏi:
- Chúng nó ăn cơm hết chưa?
- Rồi. Con Hoa đã đi học rồi. Còn thằng Tí ăn rồi chạy đâu chơi ấy.

Bà chánh Hoàng vừa trả lời vừa đon đả bưng mâm cơm từ dưới bếp lên. Thói quen của hai vợ chồng ông chánh từ khi lấy nhau là vậy. Đi đâu thì đi, làm gì thì làm, chỉ trừ những đám tiệc phải dự, bằng không thì ông cứ muốn về nhà, ăn chén cơm vợ nấu. Bà cũng thế. Nấu cơm ra để đấy, con cái có đói thì cứ dùng trước. Bà nhất quyết không ăn, một mực chờ ông về.


Ngồi vào mâm cơm, làm dấu xong, đang khi chờ bà chánh bới cơm ra chén, ông Hoàng bực dọc nói:
- Má mày cứ nói tốt cho con mụ Hoa. Cái thời giao cho mụ ấy canh tác hai sào cà phê của nhà xứ là tôi đã đoán trước nhiều chuyện lôi thôi rồi. Tính là không cho mụ ấy làm, vậy mà bà cứ bênh chằm chặp. Nói rằng mụ ấy tốt, đạo đức, hay giúp người khác, với lại hoàn cảnh neo đơn. Đấy, bây giờ mùa màng xong xuôi cả. Người ta bán hết cà phê rồi, mua xe chạy ầm ầm ngoài đường, thế mà mụ ấy đã trả tiền cho giáo xứ đâu?

- Thì từ từ người ta trả. Mỗi lần đi đọc kinh Huynh đoàn, tôi gặp cũng có nhắc đấy chứ.

- Nhắc sao không thấy trả? Làm sáng nay họp Hội đồng giáo xứ, lão Huy thủ quỹ cứ nói xéo, ức không chịu được. Thì chính tôi trước đây cứ khăng khăng bảo lãnh cho mụ Hoa, người ta nhắc, khi không phải là nói thẳng do tôi mà ra chứ còn gì.

- Cái bà Hoa này kể cũng lạ. Bình thường uy tín lắm cơ mà. Mượn tôi cái gì cũng mau mắn trả ngay. Chị em chơi chung với nhau mấy chục năm, tôi thấy bà ấy cũng tốt. Đằng này lại là tiền của giáo xứ chứ của riêng ai. Thôi ông ăn cơm đi. Dọn dẹp xong để tôi vào nhà bà ấy hỏi xem sao.

Ăn cơm, dọn dẹp xong, trước khi đi, bà chánh Hoàng cầm vội chiếc nón, quày quả đi về giáo khu Mân Côi, về hướng nhà bà Hoa. Từ nhà bà đến đó cũng xa, đi xe máy mất chừng dăm bảy phút. Nhưng bà chẳng biết đi xe. Xe đạp cũng không, xe máy lại càng không. Muốn đi đâu thì chồng con chở, nếu không thì đi bộ. Vừa đi bà vừa nghĩ cách làm sao khơi câu chuyện cho khéo. Đụng đến chuyện tiền bạc là tế nhị lắm.


Đến nhà bà Hoa, bà chánh Hoàng cất tiếng gọi:

- Bà Hoa ơi, bà Hoa! Có nhà không?
- Ai đấy? Bà chánh đấy hả? Đợi em một tí.


Bà Hoa từ trong nhà chạy ra vội vàng mở cổng. Nhìn thấy bà Hoa, bà chánh Hoàng lại cảm thấy xon xót làm sao. Tội nghiệp. Biết nhau từ thời tóc con gái còn buông ngang vai, mải mê lo lắng cho các em trong nhà, cô Hoa tuy không mấy mặn mà, nhưng được cái dễ nhìn, nết na, đã quá cái tuổi ba mươi lúc nào chẳng hay. Đến khi lo mộ phần cho bố mẹ xong thì đã ngoài bốn mươi. Các em đã lập gia đình, mỗi người một ngả, dành lại căn nhà hương hỏa cho chị gái lỡ thì coi sóc. Thảng một năm đôi ba bận, các em mới tụ tập về căn nhà tổ. Thấy được chị vẫn khoẻ, ai cũng mừng. Nhưng sau vài ngày, mỗi người ai có nhà nấy, lại túa đi. Căn nhà chỉ còn bà chị cả đi ra đi vào vò võ.


- Chị vào nhà đi. Có chuyện gì mà đang nắng phải xách nón ra đi thế này? Sao không đợi chiều mát rồi ghé?
- Đi bây giờ mới rảnh. Chiều còn lu bu nhiều chuyện lắm. Còn phải lo nấu cơm nữa chứ!
- Cứ như em thì khoẻ. Một mình chẳng phải lo gì cả. Cắm nồi cơm điện ăn cả ngày.

Bà Hoa khúc khích cười. Nụ cười mắt có đuôi.
- Sao rồi, lâu nay các cháu nó có về thăm không?

Vừa bước vào nhà, bà chánh Hoàng liền hỏi.
- Từ dạo giỗ ông cụ nhà em được mười lăm năm, các cháu cũng chưa về. Chắc phải đợi đến hè thôi. Cũng ít tháng nữa là tới rồi.

- Chị Hoa này, chỗ chị em tôi bảo thật, chị cũng lớn tuổi rồi, chắc phải tính sao chứ, chị sống một mình thế này, đêm hôm khuya khoắt nếu ốm đau thì sao?

- Em cũng tính rồi chị ạ. Bằng tuổi này chăm con nuôi cũng chẳng xong. Các em, các cháu thì lại xa, chẳng nhờ vả được gì. Có chuyện gì thì đành nhờ hàng xóm thôi. Chị đừng lo, em có nói với hai vợ chồng thằng Tuấn nhà bên cạnh đây. Chúng bảo rằng cô cứ yên tâm, cần gì cứ gọi chúng cháu. Hai vợ chồng nó tốt bụng lắm!

- Nếu vậy thì tôi yên tâm rồi. Hai vợ chồng nó thì tôi biết. Sáng nào đi lễ mà tôi chẳng thấy chúng. Vợ chồng trẻ bây giờ hiếm có đôi nào mà lại nhiệt thành chuyện đạo nghĩa cũng như công việc của giáo xứ như vợ chồng thằng Tuấn. Ông nhà tôi cứ khen nó mãi đấy.


- Nhắc đến bác ở nhà, em cũng xin chị về thưa với bác cho em thư thư ít ngày rồi em gửi tiền canh tác hai sào đất của giáo xứ. Ít bữa nữa em bán hai con lợn. Lái cũng đã đến xem rồi, nhưng em còn cố đợi ít ngày nữa cho đẫy tạ rồi bán. Lợn mới được khoảng 80 ký, bán sớm quá thì không có ăn lắm.

- Ơ hay, tôi tưởng năm nay hai sào cà phê thu hoạch được lắm mà?

- Đúng vậy. Nhờ giáo xứ thương hoàn cảnh của em, cho em canh tác. Làm hai sào ấy, em cũng có đồng ra đồng vào. Nhưng em có chuyện khó nói lắm. Nhờ chị cứ nói với bác nhà như thế nhé. Càng nghĩ càng tội nghiệp bác ấy. Hai bác thương thân em côi cút, không nề hà cố bảo đảm trước hàng xứ cho em được làm hai sào ruộng. Ấy thế mà em chẳng uy tín gì. Nghĩ lại thật có lỗi quá.

Bà Hoa sụt sịt khóc. Thấy vậy, tâm trạng buồn bực lúc đầu của bà chánh Hoàng cũng bay biến đâu mất. Bà ôn tồn nói:

- Chỗ chị em tôi nói thật, ông nhà tôi mới đi họp buổi sáng về, cũng bực về cách cư xử của chị lắm. Vì thế tôi mới định sang đây hỏi xem có chuyện gì xảy ra. Tôi biết chị là người tốt. Không phải vô cớ mà chị làm như thế, chắc là có uẩn khúc gì khó nói.

Tiếng bà Hoa lại sụt sịt:
- Chuyện dài lắm. Lúc nào em nói chị nghe. Xin chị cứ tin là em không ăn gian, lừa lọc ai là được.

Câu chuyện của hai người phụ nữ nhà quê bỗng chốc lại chuyển sang chuyện vườn cây, con lợn; chuyện anh Tòng nhà xóm trên mới qua đời bỏ lại cô vợ trẻ và đàn con côi cút. Có tiếng gọi cổng cắt ngang. Bà Hoa tất tả ra mở cổng, một lát thì dẫn một cô bé chừng mười tám tuổi đi vào. Bà chánh Hoàng hỏi với ra:

- Cháu hả chị?
- Không. Con bé Nga con nhà Xuân bên giáo họ Mông Triệu đây nè. Nó đi học trên thành phố lâu lâu mới về, chắc chị quên mặt.

Bà Hoa quay sang bé Nga nói với nó:
- Chào bà chánh Hoàng đi cháu.
- Cháu chào bác ạ.
- Ờ, cháu đến chơi. Mà chị Hoa này, nhà Xuân có họ với nhà chị à?
- Không. Em biết nhà ấy, hay đi lại với nhau tự nhiên thân thôi. Không biết hôm nay cháu Nga sang có việc gì?


Vừa nói, bà Hoa vừa quay sang Nga như muốn hỏi. Thấy thế Nga nhanh miệng trả lời:
- Nhà cháu có cây xoài đầu nhà, hôm nay có ít quả chín, gặp dịp cháu mới từ thành phố về hồi sáng, bố mẹ cháu sai cháu mang sang biếu bác.


Nga nói xong liền đưa hai tay bưng bọc xoài đưa cho Bà Hoa.

- Ừ, quý hoá quá. Bác gởi lời cám ơn bố mẹ nhé. Nào cháu gọt ít trái mời bác chánh Hoàng đây luôn. Cháu mang xuống bếp, có dao dưới đấy.


Nga khép nép cầm túi xoài xuống bếp. Tiếng bà Hoa dặn theo:
- Mà này, chiều nay ở lại đây ăn cơm với bác. Chớ có về đấy. Để bác còn hỏi chuyện học hành nữa. Thôi. Bây giờ thì xuống bếp đi.


Nga cầm túi xoài mang xuống bếp gọt. Bà Hoa lại quay sang bà chánh Hoàng hàn huyên.
- Em có chuyện này, tính không kể cho chị nghe đâu. Nhưng cháu Nga sang đây em vui quá.
- Mà chuyện gì?
- Thì cái chuyện về hai sào cà phê đó. Chuyện là thế này. Hôm bữa thu bán cà phê, em cũng tính gom tiền để gửi cho giáo xứ. Trừ tiền phân bón này kia cũng được chút chút. Mua hai con lợn về nuôi mà tiền vẫn còn dư. Một năm giáo xứ chỉ thu của em có hai triệu thì vẫn còn thương em lắm. Ngặt nỗi hôm đó đi lễ về, gặp cô Xuân mẹ cái Nga. Nó than không có tiền cho con đóng tiền học. Chị cũng biết, nhà nó nghèo, đông con, muốn con cái học hành đàng hoàng cũng không xong. Lúc ấy em suy nghĩ nhiều lắm. Em thì một thân một mình, ăn uống thế nào cũng được. Tiền của giáo xứ, mình cứ khất lần đi, mai mốt bán cặp lợn rồi trả sau. Nói khó với các ông trong Hội đồng giáo xứ là xong. Còn cái Nga, chẳng lẽ vì nghèo mà không được đi học sao? Nghe Xuân nói, nó là đứa chăm học, chịu khó, thương bố mẹ, thương các em. Lần đó về, thấy gia cảnh khó khăn, nó cũng dùng dằng muốn xin nghỉ ở nhà làm cái gì đó giúp bố mẹ. Nhưng Xuân đâu có cho. Nó nói đời nó khổ rồi, con cái phải được học đàng hoàng. Khổ nỗi lại không có tiền. Chị bảo hoàn cảnh như thế, em phải làm gì?


- Vậy là cô mang tiền cho cô Xuân mượn?


- Vâng. Em nói Xuân cứ cầm tiền cho cái Nga đi học. Khi nào có thì trả, không phải áy náy gì. Phần em thì em coi như không có số tiền đó. Chị nghe vậy có phải không?


Bà chánh Hoàng thở dài.
- Chị nói vậy cũng phải, nhưng tội cho chị quá. Để tôi về tôi nói lại với ông nhà tôi. Giáo xứ phải có trách nhiệm với những hoàn cảnh như của bé Nga này chứ!
- Thôi, thôi. Em lạy chị. Em lo xong rồi. Chuyện đã qua, em nói chị nghe vậy để chị thông cảm cho em. Chị mà nói như thế thì công phúc của em mất hết.


Vừa lúc ấy, Nga từ dưới bếp bưng dĩa xoài đã cắt gọt cẩn thận đi lên. Câu chuyện như dừng tại đó. Cả ba người ngồi uống trà, thưởng thức cây nhà lá vườn. Giống xoài cát, tuy trái nhỏ nhưng nhiều thịt, rất ngọt. Vừa ăn, hai người phụ nữ lớn tuổi chăm chú nghe Nga kể chuyện trường lớp, chuyện nhà trọ, chuyện dạy kèm mà Nga đi làm thêm hòng phụ bố mẹ cho những chi phí hàng ngày của mình. Hai người phụ nữ ấy cũng ngồi nghe những câu chuyện kể về thành phố, mà lâu lắm rồi họ không có dịp để đến đó. Họ lắng nghe những thay đổi trong nếp sống, lắng nghe những lối ứng xử lạ lẫm của dân thành phố. Họ cũng lắng nghe và tưởng tượng vẻ hào nhoáng, sang trọng ở những nơi Nga - một cô bé quê mùa đến đó dạy kèm. Chen lẫn những lời kể là những lời khuyên bảo của hai người mẹ. Một người đang làm mẹ; một người luôn khát khao được làm mẹ. Nga đọc thấy trong những lời khuyên ấy một tình cảm chứa chan giống như của mẹ ruột mình.

Mải mê nói chuyện, trời đã ngả bóng lúc nào không hay. Bà chánh Hoàng vội vàng cáo từ ra về. Khi ra tới cổng, bà kéo bà Hoa lại và nói:
- Tôi nói cho chị nghe. Nói gì thì nói, chuyện tiền nong của giáo xứ mình phải sớm trả thôi. Của chung mà.
- Nhưng…
- Chị cứ yên tâm. Chuyện này để tôi lo. Chỉ có tôi và chị biết thôi nhé. Tôi không nói cho ai chuyện cái Nga mà chị kể cho tôi, chị cũng không được nói cho ai biết chuyện này.
- Là chuyện gì?

- Chẳng giấu gì chị. Tôi cũng dành dụm ít tiền, phòng khi hữu sự trong gia đình. Vậy tôi sẽ về tìm cách nói với nhà tôi, dùng số tiền ấy trả giúp cho chị. Khi nào chị bán lợn thì gửi lại cho tôi cũng được. Vậy nhé. Xem như là tôi phụ với chị giúp cái Nga. Được chưa! Mình cứ nói sống bác ái. Bác ái đâu xa, ngay đây chứ còn gì!
- Vậy thì em khó nghĩ quá.
- Thôi, cứ vậy đi. Chị vào nhà với cái Nga đi. Hai bác cháu nói chuyện vui nhé. Tôi về đây.


Bà chánh Hoàng quày quả bước đi. Dáng bà đổ dài trên con đường quê. Nón lá nghiêng nghiêng không che nổi nụ cười hạnh phúc nở trên khuôn mặt.

(trích tập san Chân lý, số 02.2011)