[Sách] Làm việc có phương pháp: Một bí quyết của sự thành công (Cẩm nang của sinh viên Công giáo)

Quang X Nguyen



Làm việc có phương pháp : Một bí quyết của sự thành công
(Cẩm nang của sinh viên Công giáo)


Dịch từ nguyên tác :

"Travailler avec méthode, c'est réussir", nxb. Le Sarment - FAYARD 1989


Nhập đề

1. Mục tiêu


Mục tiêu của cuốn sách này là trình bày những phương pháp làm việc trí thức cho người Kitô hữu.
Tuy nhiên, ngay từ đầu chúng ta cần phải nhất trí với nhau về ý nghĩa của 3 hạn từ sau đây.
Trước hết là phương pháp, chứ không phải là kỹ thuật. Phương pháp là một từ rút ra từ chữ hodos trong tiếng Hy lạp, có nghĩa là "con đường" : tập tành một phương pháp làm việc trí thức là việc riêng của mỗi người, tương tự như mỗi người phải chọn lấy một con đường riêng cho mình trong cuộc sống. Ngoài ra, tập luyện cho thành thạo một phương pháp sẽ mất nhiều thì giờ, và phải dựa trên nguyên tắc của Socrate - một nguyên tắc phải ghi bằng chữ vàng ở đầu các sách học của mình : "Hãy biết lấy mình". Kỹ thuật là một cái gì làm sẵn ; còn phương pháp thì vượt lên trên các chuẩn mực. Như thế, cuốn sách này sẽ cung cấp cho các bạn những phương thế cần sử dụng một cách chặt chẽ nhưng không cứng nhắc. Và đúng theo lý tưởng, một phương pháp cần được bổ túc, ứng dụng và thích nghi theo nhu cầu riêng của các bạn, dưới sự hướng dẫn của một bậc đàn anh nào đó.

Kế đó, những phương pháp này có liên hệ trước hết đến cuộc sống của các sinh viên (hiểu là những người đang theo học ở bậc đại học). Vì thế, một số lưu ý ghi ra trong sách này dành riêng cho các sinh viên. Nhưng nói thế không có nghĩa là tác phẩm này hoàn toàn không thích hợp để trao vào tay các học sinh bậc trung học (từ lớp 10 trở lên), các sinh viên bậc cao học hay hơn nữa và những người đã tốt nghiệp đại học vẫn tiếp tục làm việc trí óc (đây đúng ra phải là trường hợp của mỗi người chúng ta !), hoặc những phụ huynh quan tâm tới việc học hành của con cái. Mọi sử dụng tập sách này với một số thích nghi, dĩ nhiên, đều đáng được hoan nghênh.

Sau cùng, các phương pháp được mô tả trong sách này đều liên hệ đến mọi sinh viên, kể cả những sinh viên không theo Kitô giáo, vì trí nhớ hay trí hiểu đều là của bản tính con người mà ! Tuy vậy, tập sách mỏng này vẫn ưu tiên dành cho các Kitô hữu, mang một ý nhắm rõ rệt là trình bày cho thấy hàng ngàn sinh viên kitô giáo đã sống thế nào, đã kết hợp sâu xa và sống động việc học hành với đức tin của mình làm sao : họ sẽ không phải chọn bên này bỏ bên kia hay ngược lại, nhưng chỉ việc khám phá ra có một sự cộng sinh giữa hai bên, liên quan đến toàn bộ cuộc sống của họ (cf. Chương I).[1]

2. Tác giả


Để viết lên cuốn sách này, tác giả đã kín múc từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó đáng kể nhất là chính kinh nghiệm của tác giả.
Cả đời nghiên cứu học hành, tác giả đã có may mắn theo đuổi khoa học lẫn văn chương, và từ đó nhận ra ngành nào cũng có những đòi hỏi của nó. Suy nghĩ về những chiến thuật đã áp dụng trong khi làm việc, tác giả dần dần định hình được một số qui tắc và luật lệ. Rồi qua những trao đổi với các sinh viên khác, tác giả nhận ra những hiệu quả của những qui tắc và luật lệ đó. Những năm giảng dạy các phương pháp này ở Paris cũng như ở các tỉnh đã cho phép tác giả kiểm chứng hiệu năng của các phương pháp ấy, cũng như mài dũa, sắp xếp và bổ sung thêm các phương pháp ấy. Cuối cùng, thật là sung sướng khi càng ngày càng có nhiều tác phẩm dành để nói về các phương pháp làm việc trí thức : những tư liệu ấy đã không bị tác giả bỏ qua (trong số này phải nhìn nhận giá trị của những tác phẩm cổ điển như của J. Guitton và A.D. Sertillanges). Tuy vậy, vì những lý do chung, không có cuốn sách nào trong số đó tìm hiểu việc học hành dưới cả hai góc cạnh : thiêng liêng và có phương pháp. Thế mà, kết hợp được hai góc cạnh đó quả là quan trọng đối với thế giới hôm nay, vì người Kitô hữu và còn hơn thế nữa các sinh viên kitô giáo hiện thời đang có xu hướng muốn ngăn đôi hai cuộc sống, cuộc sống trí thức và cuộc sống thiêng liêng. Chính vì thao thức muốn đan kết, chứ không phải pha trộn hay xếp cạnh nhau hai thực tại vô phương hòa hợp với nhau (gần như một hỏa tiễn có 2 tầng : tầng tự nhiên và tầng siêu nhiên), mà tác giả đã biên soạn từng trang sách này theo một bố cục mà các bạn sẽ thấy sau đây.

3. Lợi ích

Có cần trình bày ích lợi của một cuốn sách như vừa nói không ?
Ngày nào tác giả cuốn sách này cũng có dịp gặp các sinh viên đang "bơi" trong các bài vở hay chỉ đạt được thành tích bằng 1/10 khả năng của họ. Câu nói của Edison thật là sâu sắc : "Thiên tài là sự kết hợp của 10% khả năng thiên phú và 90% khả năng luyện tập".[2]

Muốn ứng dụng vào đề tài chúng ta đang bàn trong cuốn sách này, có thể thay chữ "thiên tài" bằng "thành công trong học tập" và "bằng phương pháp làm việc" (và có thể thêm : Thành công trong học tập là do 100% qui kết của Chúa Thánh Thần, vì mọi sự sống động được là do Người !)[3]

Các phương pháp sắp bàn sau đây có rất nhiều lợi điểm. Lợi điểm thứ nhất - trước cả hiệu năng của phương pháp - chính là tạo được sự bình an : không có gì gây áp lực tinh thần hơn là tình trạng phân tâm hay cảm giác bực bội vì đã không khai thác được tất cả mọi khả năng của mình. Thế mà khoa phương pháp luận này sẽ đóng vai trò của một người thợ làm vườn : nhổ hết mọi dây leo đang làm bạn ngột ngạt và tỉa hết những gì đang cản trở sự phát triển của bạn.
Đừng vội cho rằng đây là những phương pháp có tính cách mạng ! Đúng hơn, đó chỉ là sự triển khai các trực giác mà trước đây có thể bạn đã linh cảm mơ màng. Các phương pháp này sẽ củng cố và xây dựng một cách khoa học những gì trước đây chỉ mới là một ý kiến, một cảm nghĩ nơi bạn.

4. Bố cục

Chỉ cần đọc qua các tựa đề của các chương là bạn có thể đoán được bố cục của cuốn sách : sau một chương khá tổng qua trình bày đặc điểm của việc lao động theo tinh thần kitô giáo (chương 1), ta sẽ lần lượt tìm hiểu các chủ đề sau :
+ Điều kiện và hoàn cảnh học tập
Nếu là nhà quân sự, người ta sẽ nói "binh pháp". Đối với một sinh viên kitô giáo cơ sở hạ tầng ấy sẽ gồm 3 mặt : thân xác (Chương 2), tình cảm (Chương 3) và đời sống tâm linh (Chương 4) ; đời sống tâm linh sẽ xoay quanh việc cầu nguyện dù không phải chỉ có thế, như các chương kia sẽ cho thấy (từ Chương 2 đến Chương 4).
+ Việc học đúng nghĩa
Bỏ ra ngoài những đặc điểm của mỗi môn học, việc học nói chung sẽ xoay quanh 3 công việc kế tiếp nhau sau đây :
1. Lấy "nốt" (notes) : kỹ thuật lấy nốt (hay ghi chú) (Chương 5).
2. Hiểu bài : các chiến thuật giúp hiểu bài (Chương 6).
3. Học bài : các phương pháp nhớ bài (Chương 7).
Cũng đừng quên một trường hợp làm việc trí thức đặc biệt là thi cử (Chương 8), dù đó không phải là một công việc trí óc riêng rẽ.

5. Sau cùng, vài lời căn dặn thực tiễn


để giúp bạn đọc cuốn sách này thoải mái và hiệu quả hơn, vì một số người có thể cho là sách quá dài. Ấy thế nhưng chúng tôi chủ ý chỉ đề cập tới những gì chung cho hết mọi việc học hành, trừ một đôi lưu ý đặc biệt hơn ở một vài chỗ trong sách. Chẳng hạn, sách không nói tới vai trò bổ trợ của tin học trong việc học tập. Chẳng ai phủ nhận là càng ngày tin học càng phổ biến. Chúng ta sẽ có dịp nhận thức điều đó, đặc biệt khi nói về việc quản lý tủ phiếu tư liệu (Chương 5), hay khi nói tới việc lên kế hoạch học tập (Chương 3), v.v...
+ Mỗi chương trong sách này có phần nào
độc lập. Bạn có thể hiểu và áp dụng chương ấy, mà không cần liên hệ đến các chương khác. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy thật là sai lầm khi tách nó ra khỏi toàn bộ cuốn sách. Thứ tự tốt nhất nên theo khi đọc sách này vẫn là thứ tự có sẵn của các chương. Một phần vì thứ tự ấy rất hợp lý ; đàng khác, khi nêu ra một vấn đề ở chương này cho bạn giải quyết, người ta giả thiết là bạn đã nắm được những ý kiến cung cấp ở các chương trước. Chẳng hạn, muốn tập trung (chương 3), trước tiên phải có sự quân bình trong đời sống (chương 2) ; hay muốn nhớ bài học (chương 7) phải hiểu rõ bài (chương 6) hoặc phải lấy "nốt" thật đúng (chương 5).
+ Ý đồ trước tiên của sách này là một ý đồ thực tiễn
Vì thế, sách loại bỏ mọi kiểu cách văn chương và chọn cách trình bày có hệ thống, chia thành phần lớn rồi thành phần nhỏ vì muốn cho rõ ràng sáng sủa. Bù lại, đừng nghĩ sách này đọc mau chán và dễ dội ngược lại, vì trong sách có đủ các hình vẽ và các trích dẫn. [4]

Xin hoan nghênh mọi đề nghị của độc giả nhằm sửa chữa hay cải thiện cuốn sách này. Đừng hiểu lầm ý đồ của tác giả khi đọc thấy bút pháp trực tiếp và nhiều động từ ở thế ra lệnh ("hãy làm như thế này, đừng làm như thế kia"). Tác giả chỉ muốn đưa ra những lời khuyên, chứ không hề muốn lên lớp một cách độc đoán chuyên chế. Tuy nhiên, sẽ không vô ích đâu, nếu thỉnh thoảng bạn tỏ ra tín nhiệm một số đề nghị của tác giả và đem ra thực hành, dù bạn chưa thấy ích lợi hay kết quả trực tiếp của những đề nghị ấy. Nói chung, thời gian là ông thầy tốt nhất của bạn, thời gian sẽ thưởng cho bạn vì đã ngoan ngoãn và nhẫn nại thực hành các đề nghị ấy. Dĩ nhiên, không nên dùng sách này kèm với các sách chuyên môn hơn trình bày các kỹ thuật đọc nhanh, tập viết đúng chính tả chẳng hạn. Không thể nói về hết mọi chuyện một cách chi tiết được chỉ trong một cuốn sách.

+ Đứng trước con số các lời khuyên đưa ra trong sách này và khoảng cách có thể chuẩn đoán dễ dàng giữa những gì lời khuyên ấy đề ra với những gì bạn đang sống, bạn chớ vội nản lòng. Sách này nhắm tới một lý tưởng, mà không ai có thể một sớm một chiều đạt tới được. Cũng tựa như muốn chạy 100 mét trong vòng 10 giây, hẳn là ta phải tập luyện nhiều.

Tốt hơn hết là hãy "ra khơi bằng những ngả sông nhỏ" (như lời thánh Tôma Aquinô dạy) và vì thế hãy định cho mình một vài mục tiêu cùng lúc. Cụ thể, ở giai đoạn đầu, bạn nên chọn cho mình một số thay đổi đơn giản và dễ chịu nhất (như ăn điểm tâm đầy đủ, nghỉ một chút sau mỗi giờ...). Rồi, khi đã quen nếp, (sau một tuần chẳng hạn), hãy bước sang mục tiêu thứ hai (dĩ nhiên, vẫn không bỏ mục tiêu trước). Dần dà bạn sẽ ngạc nhiên trước những thay đổi sâu xa trong đời sinh viên của mình và xa hơn, trong đời sống của mình nói chung, vì "cứ cho tôi biết bạn học tập thế nào, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai !"

"Nào hỡi toàn dân trong xứ, hãy can đảm vào việc ! Vì có Ta ở với các ngươi. Đó là lời Thiên Chúa phán" (Kng 2,4)



[1] Bạn có biết rằng ở Hoa Kỳ, đa số các sinh viên và cả các học sinh đều phải dành chừng 40 giờ để học phương pháp làm việc trí thức không ?
[2] Tác giả chơi chữ ở đây khi nói :"Thiên tài là sự kết hợp của 10% gợi hứng ("inspiration" : thổi vào) và 90% đổ mồ hôi ("transpi-ration" : phát ra").
[3]"Qui kết" : "conspiration".
[4] Vì lý do kỹ thuật, chúng tôi rất tiếc phải bỏ qua các hình vẽ trong bản dịch này.