Trò chơi Kinh Thánh

Quang X Nguyen

LTS: TRÒ CHƠI KINH THÁNH được mở đầu và đăng trên Maranatha-34 (báo điện tử).

Đây là một trò chơi, nhưng là một trò chơi rất nghiêm túc. Vì là trò chơi Kinh Thánh, nên trước tiên chúng ta hãy đọc lại một đoạn Kinh Thánh. Đoạn trích thư 1 Côrintô, chương 13, câu 4-7.

Đức mến thì nhẫn nhục, đức mến thì hiền hậu, đức mến không ghen tuông, đức mến không vênh vang, đức mến không tự đắc, đức mến không làm điều bất chính, đức mến không tìm tư lợi, đức mến không nóng giận, đức mến không nuôi hận thù, đức mến không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng đức mến vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, đức mến tin tưởng tất cả, đức mến hy vọng tất cả, đức mến chịu đựng tất cả.”


Hẳn bạn để ý rằng tôi lặp lại chữ ‘đức mến’ trước mỗi động từ, và in đậm lên. Đó là điểm chính yếu của trò chơi. Bây giờ ta vào cuộc nào. Trò chơi này gồm hai giai đoạn. Một dễ và một khá khó. Hy vọng bạn thành công.

Giai đoạn 1: Bạn thay tất cả những chữ “đức mến” trong câu trên bằng “Chúa Kitô” và đọc lại chầm chậm với hết lòng chân thành. Đọc đi! Dễ phải không? Bạn đã thành công giai đoạn 1.

Giai đoạn 2: Bây giờ bạn thay tất cả những chữ “đức mến” trong câu trên bằng chính tên của bạn (có chữ lót càng tốt). Bạn đọc lại với hết lòng chân thành như giai đoạn 1. Khó hơn nhiều, phải không nào?

Nếu bạn thành công giai đoạn 2, nghĩa là đọc câu trên với lòng chân thật, thì bạn đã hiểu được vì sao Chúa dạy chúng ta: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán (Mt 7, 1). Nhưng nếu không thành công thì cũng chẳng hề gì. Bạn có suốt đời để đọc đi đọc lại cho đến khi thành công mà!

**************************************

Bạn đã đọc bài “Trò Chơi Kinh Thánh” ở báo điện tử Maranatha 34 chưa nhỉ? Nếu chưa đọc thì nên đọc cho biết, nếu đã đọc mà chưa chơi thì thử “thời vận” trong những ngày đầu năm Ất Dậu xem sao. Nếu chưa muốn chơi thì cũng nên “liếc mắt” qua một tí để giữ trong đầu, lúc cần có cái mà chơi, và nếu bạn đã chơi thử rồi thì kết quả ra sao thế? Thắng hay bại? Hơn hay thua?

Tình cờ một người bạn gởi cho tôi bài này, liếc sơ qua tôi thấy quá khó để mà chơi, đúng ra là một sự thách đố nên thôi, không dại gì đọc kỹ, tôi bèn cất đó để dành. Rồi mấy ngày sau tôi đọc sơ lại một lần nữa trước khi xóa bỏ một số e-mail. Thấy trò chơi này cũng hay hay vui vui, tôi theo chân tác giả cho tên mình vô đọc thử thì đọc không nổi, nuốt không vô, như bị nghẹn họng mặc dù bài rất ngắn, tôi lưu trữ lại để lúc khác đọc tiếp. Đến tối trước khi đi ngủ, lấy bài này ra đọc lại lần nữa, tôi thế “Đức mến” bằng “Giêsu Kitô,” và đọc một cách dễ dàng trôi chảy. Đó đích thực là những đức tính đáng yêu của Giêsu, đến lúc thế tên của chính mình vô thì tôi không nhịn được cười, phá ra cười lớn. Tôi nhìn lên tượng Chúa nhân từ, và thành thật thú nhận với Chúa rằng con đọc không được Chúa ơi, ngượng miệng quá, mắc cỡ với Chúa và với chính mình. Đó không phải là con, con không có những đức tính đó, tuy thế tôi cũng ráng liếc sơ qua một loạt các đức tính đó rồi gấp cuốn Kinh Thánh lại.

Hôm sau mẹ tôi và tôi đi lễ sớm, thánh lễ Việt Nam 8 giờ sáng ngày thứ Bảy vắng vẻ như những thánh lễ ngày thường khác với đa số người lớn tuổi. Lòng nhà thờ rộng mênh mông, lác đác những cụ già ngồi rải rác trong nhà thờ. Thánh lễ chưa bắt đầu, tôi liếc trước liếc sau rồi chọn ngồi ở hàng ghế giữa, không gần ai hết, vì tôi có cái tật xấu là hay ngồi bắt chéo chân lên nhau nên không dám ngồi gần các cụ lớn tuổi. Đang ngồi thì một bác không già lắm khoảng 60 hơn một chút, ngồi ở hàng ghế phía sau chồm người lên khều khều lưng, chỉ chân tôi và nói: “Cô hy sinh vì Chúa trong nhà thờ ngồi bỏ chân xuống đi!” Tôi quay xuống và bắt gặp khuôn mặt khó chịu quen thuộc. Bác này tôi biết quá, đây không phải là lần đầu bác bắt bẻ tôi như vậy. Tôi hay đi lễ ngày thường ở đây, tuy không bao giờ nói chuyện với mấy bác lớn tuổi nhưng đa số họ biết mặt tôi, và tôi cũng biết mặt họ. Với bác này, tôi có cảm tưởng tôi chướng mắt bác ta hay sao ấy, nên bác hay rình để kêu tôi ngồi bỏ chân xuống, hoặc kêu tôi lên ngồi ở mấy hàng ghế trên. Có lần trong lúc đang sắp hàng lên rước lễ, bác đứng sau chồm người lên, đẩy tay tôi đi lên rước lễ lè lẹ. Tôi đâu phải là con nít! Đã biết tôi không có đức tính vâng lời mà cứ thử thách mãi!

Lần này tự nhiên máu nóng trong tôi bốc lên khi nghe bác nhắc nhở tôi như vậy, tôi đâu có lấy con trai bác mà tôi phải làm dâu bác nhỉ? Tôi không ngồi bắt chân chữ ngũ, chỉ là bắt chéo chân lên nhau thì thất kính lắm hay sao? Sao đi lễ bác không nhìn lên Chúa, nhìn bàn thờ, mà cứ chân tôi mà ngắm, mà soi coi tôi ngồi kiểu gì? Nếu tôi thất kính với Chúa thì tôi đã không đi nhà thờ sáng sớm ngày thứ bảy, thà để nằm nướng trên giường thì sướng hơn vì Thánh lễ sáng thứ bảy không thay thế thánh lễ ngày Chúa nhật. Tôi đâu có già như bác mà kêu tôi ngủ không được, hay không có việc gì làm nên đến nhà thờ để giết thì giờ. Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Sao bác không hy sinh vì Chúa, trong nhà thờ chịu khó nhìn Chúa một chút đừng nhìn đi đâu hết!”

Tôi bực mình tính xách bóp đứng lên ra chỗ khác ngồi, thoát khỏi cặp mắt soi mói của bác này. Tự dưng trong đầu tôi lại hiện ra mấy câu mà tối qua tôi đang đọc dang dở, “Đức mến thì nhẫn nhục, đức mến thì hiền hậu…,” tôi chỉ nhớ có thế và một cách máy móc không tự chủ, tôi thế tên mình vô lẩm nhẩm: “LTCT thì nhẫn nhục, LTCT thì hiền hậu.” Lạy Chúa, là con đó sao, con không tưởng tượng ra được! Chậc… chậc…đã đọc được thì phải làm được, tôi thở dài bỏ bóp, bỏ chân xuống, nén lòng ngồi lại chỗ cũ. Nhẫn nhục, hiền hậu thì không lý sự, không hơn thua phải trái đúng sai, hiền hậu với mọi người chứ không chỉ hiền với người hiền, dễ thương với người dễ thương mà thôi. Tôi cười thầm trong lòng khi thấy tự dưng mình hiền như con chi chi, và nhẫn nhục chịu đựng quá! Bạn bè tôi mà nghe kể chuyện chắc chúng ngạc nhiên lắm, vì họ biết tôi dữ bẩm sinh, ngang bướng, cứng đầu, lì lợm, khó bảo. Cái gì đúng lý, hợp tình tôi mới nghe, ai đời ở bên Mỹ, thế kỷ 21 rồi mà còn có chuyện làm dâu mẹ chồng ngang hông như vậy nữa thì lạ thật! Tôi thở dài ngao ngán, theo Chúa chua quá! Mình không còn là mình nữa. Ừ thôi, chịu vậy, thôi ráng làm dâu bà bác kia một chút đi. Chắc bác nghĩ rằng bác có bổn phận phải răn dạy, sửa bảo những đứa ngồi không ngay ngắn trong nhà thờ để nhà Chúa tôn nghiêm hơn. Cũng đúng thôi!

Thấy tôi ngồi im ngoan ngoãn nghe lời, có lẽ bà bác thích lắm, nên một chút sau lại khều khều lưng tôi, rồi đưa cuốn sách hát như thưởng công cho sự vâng lời của tôi. Tôi cầm lấy mở sách ra hát. Trong suốt thánh lễ, tôi cứ bị lo ra nhất là lúc chuẩn bị ngồi, tôi nhắc mình ngồi bỏ chân xuống, đằng sau có mẹ chồng, rồi lâu lâu cứ phải dòm chừng cái chân nếu không nó lại tự động trở về vị trí cũ. Đến lúc cha dâng bánh rượu, tôi lại thấy khều khều sau lưng. Giật mình tôi bỏ vội hai bàn chân xuống, tôi ý thức nên đã duỗi hai chân thẳng tắp ngay ngắn như nhà binh rồi, nhưng hai bàn chân thì dựng đứng lên, mỏi quá, chả lẽ như vậy cũng không được hay sao? Tôi quay xuống thì bà bác chỉ chỉ vào cuốn sách hát, và hất đầu hàm ý bảo tôi giở sách ra hát đi, chứ ngồi đó mà mơ mộng gì nữa. Tôi quay lên, mấy giây sau mới hiểu ý của bà bác, và phì cười vì thái độ của bác. Sao bác ta dòm ngó tôi kỹ thế nhỉ? Đi lễ, Chúa không nhìn mà cứ nhìn coi tôi đang làm cái gì, ngồi kiểu nào, có hát hay không.

Lạy Chúa, “Đức mến thì nhẫn nhục, đức mến thì hiền hậu…,” “LTCT thì nhẫn nhục, LTCT thì hiền hậu,” hôm nay con đọc được câu này, và chỉ tới đây thôi. Còn ngày mai, ngày mốt, chắc chắn phải có ơn Chúa con mới đủ can đảm đọc tiếp được. Nếu con đọc không được thì xin giữ đâu đó trong đầu con để lúc cần thì Chúa nhắc con, đúng như tác giả nói, con có suốt cả đời để đọc, đọc đi đọc lại cho đến khi con về với Chúa! Đến lúc đó con không nhận ra con là ai nữa!

January 2005