Văn hóa Việt Nam và những thách đố của nó đối với giới trẻ Việt Nam sống trên đất Mỹ

Quang X Nguyen

Tôi không có nhiệm vụ và khả năng nói về văn hoá Mỹ. Là một người Việt Nam, học hoàn toàn ở Việt Nam, lớn lên trong khuôn khổ xã hội văn hoá Việt Nam, ra nước ngoài tôi lại sống ở Ca-na-đa, không sống trên đất Mỹ, tôi hoàn toàn không có một ý niệm gì rõ ràng về người Mỹ và văn hoá của họ.



Thời ở Việt Nam, khi còn nhỏ sống ở Phát Diệm, vùng đồng quê nước mặn tôi rất thích cây đèn hoa-kì. Hỏi thì không ai biết cây đèn ấy do ai làm ra, ở đâu đến, nhưng nói về tiện lợi thì thật vô cùng tiện lợi. Nó chỉ nhỏ bằng nắm tay, đổ vào đó một ít dầu hoả, rồi vặn bấc lên, muốn sáng thì khêu cao lên, muốn nhỏ thì hạ xuống, rồi muốn để đâu thì để, nó không phiền đến ai, ai cần nó thì nó giúp. Lỡ có làm vỡ nó, vì nó bằng thuỷ tinh thì cũng chẳng sao, ù ra chợ một cái là có cái mới ngay, giá rẻ đến nỗi gần như cho, không ai để ý tới. Lớn lên, tôi mới biết chiếc đèn đó là của người Mỹ, hoa-kì là cờ hoa, cờ Mỹ, chứ không phải là một thứ hoa kì-dị như người ta thường hiểu. Chiếc đèn hoa-kì ấy đã đi vào xã hội Việt Nam, từ làng mạc đến đô thị, từ chùa đến nhà thờ, từ những nhà giàu có sang trọng đến những nhà tranh vách đất, đâu cũng được soi sáng bằng đèn hoa kì. Bóng tối ở Việt Nam đã được xua tan nhờ ánh sáng của đèn hoa-kì. Đèn hoa-kì đã đi vào văn hoá Việt Nam, đã góp phần soi rọi cho nền văn hoá ấy được sáng láng.

Tôi cũng thích ăn ngô, mà vào Trung và vào Nam người ta gọi là bắp. Sở dĩ ở Bắc gọi là ngô là nhờ công của tiến sĩ Phùng Khắc Khoan. Khi đi sứ Trung quốc về, ông đã giấu giếm mang về Việt Nam một thứ ngũ cốc mà người Trung-hoa gọi là ngọc mễ, ngọc thục mạch, trân châu mễ, nghĩa là một thứ gạo quí lắm, quí như châu như ngọc, vì chính Trung-quốc cũng không có, phải mang nó từ nước Thục về trồng, bởi vậy mà ông tiến-sĩ khi mang nó về nước không dám gọi đích danh, chỉ gọi nó là ngô, nghĩa là từ bên Tàu đưa sang. Nhưng tại sao người Trung người Nam gọi là bắp? Tôi không hiểu, mà cũng chẳng có ai hiểu cả, cho đến khi tôi sang Ca-na-đa, thấy ở Québec người ta gọi ngô hay bắp là blé d’Inde, tôi mới bắt đầu để ý về nguồn gốc da đỏ của ngô. Sang Mỹ, tôi thấy đề to tướng những chữ pop corn. Tự nhiên tôi nghĩ đến từ BỘP mà khi còn nhỏ ở quê nhà tôi vẫn ăn. Nghiên cứu về tiếng Việt, tôi biết vần ÔP cổ thường biến sang ĂP, như ỐT > ẮT, NGỘT > NGẶT. A, tôi đã tìm ra, BỘP > BẮP, nghĩa là từ BẮP bí hiểm mà người miền Trung và miền Nam dùng thay cho từ ngô là một từ gốc Mỹ. Công ở ông nghè làng Bùng thành công cốc. Ngay ở Hà-nội từ trước năm 1945 người ta đã gọi ngô là bắp, như xôi bắp. Người ta đã dùng thành ngữ "nói như bắp rang", thay cho ngô rang. Một lần nữa, văn hoá Mỹ đã tràn ngập vào văn hoá Việt Nam mà không ai hay biết. Mà hình như người Mỹ cũng chẳng hãnh diện lắm về điều đó, cũng như ngày nay họ không ngạc nhiên đi đâu cũng nghe thấy người ta nói OK, riết rồi không biết đó là tiếng nước nào nữa, mà có lẽ là của Việt Nam vì bây giờ đã có người nói: OK, lê đến. Lại còn chữ KE (care) nữa, tôi đã nghe một bà nói: tôi đâu có ke, mà khoe mí khoang! Ấy là chưa kể đến những từ ngữ gốc Mỹ quá quen thuộc: good morning, building số mấy, good bye mai gặp. Tiếng Mỹ cũng quá dễ mà tiếng Việt Nam còn dễ hơn. Tôi sợ rằng người Việt Nam ở Mỹ một ngày nào đó sẽ hiểu tiếng Mỹ như kiểu chữ enjoy là ăn chơi, foist là phối hợp, curb là cái khớp xe ngựa ngựa ô, bother là bơ-thờ, bark là bóc, stench là hôi tanh, slur là lờ, slash là rạch, slat là lát, shimmer là mờ, scour là cọ, ấy là chưa kể những từ nghĩ thanh như: squawk là quang-quác, squeak là cót két, slam: đóng sầm lại, cùng những từ về thể thao, về thực phẩm, về kĩ thuật, nhiều chữ cho ta thấy ranh giới ngôn ngữ giữa hai dân tộc có nhiều cơ hội sít lại gần nhau. Những từ như sờ-nách-ba (snack bar), đai-ét (diet), bích-mác (big Mac) là tiếng Việt hay tiếng Mỹ? Có lẽ không cần ai trả lời nữa vì luật sử dụng đã thay thế vai trò của ngôn từ.
Như vậy có cần đặt vấn đề văn hoá Việt Nam với văn hoá Mỹ nữa không? Có cái gì làm cho các bà mẹ Việt Nam lo sợ quá như vậy khi các bà thấy con nó không chắp tay lại vái các bà theo kiểu: Con lạy bà ạ, con xin phép chào bà ạ, mà nó chỉ giơ tay nói hay, hay hay hen-lô, hen-lô (hello). Có bà bực mình lắm, bảo tôi: Tại sao nó không chào tôi mà nó cứ hỗn láo nói hay hay là cái gì vậy? Tôi có làm cái gì hay đâu mà nó bảo hay, rồi lại toét miệng ra cười nữa. Tôi bảo: Chỉ không làm cái gì hay mà nó khen hay thì đã sao? Nó có hỗn với chị đâu. Nó khen chị hay mà! Có ông mặc áo bì-ra-ma (pyjamas) ra xa lông ngồi uống trà, con nó xin bố vào thay áo thì giận dữ, bảo sao nó ngu vậy! Rồi bố con cãi nhau. Ông bố tuyên-bố sẽ rời khỏi đất Mỹ không thèm sống ở cái đất mọi rợ này nữa. Có ông nói sang Houston yêu cầu đứa con đưa tay lái cho ông. Đứa con can bố vì bố mới sang chưa có bằng lái, lại không thuộc luật đi đường, lại chưa biết phố xá ra làm sao! Ông bố quát: “Tao dạy mày lái xe ở Việt Nam tao lái xe không bằng mày sao?” Thế là ông yêu cầu ông con dừng xe lại, ông xuống xe rồi không gặp lại ông con nữa!
Những chuyện này xẩy ra rất nhiều ở hải ngoại, ở Ca-na-đa, Pháp, Đức, Hoà-lan, đâu cũng chỉ có chừng ấy chuyện. Rồi thời gian sẽ làm công việc của nó. Mỗi lần phải giải quyết những vấn đề xung đột này, tôi chỉ nhắc mấy cụ lớn tuổi là nên áp dụng những câu ca dao tục ngữ mà chúng ta đã biết:

- Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. - Nhập sông tuỳ khúc. Nhập gia tuỳ tục. - Nhập gia vấn huý. - Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. -

Nghĩa là phải bỏ ra chút thì giờ học sinh ngữ để đọc báo, xem tivi, nghe nhạc, đọc sách ở địa phương để biết đôi chút về phong tục, về cách sống, cách cư xử, cách xưng hô, chào mời, ăn uống, đi lại v.v… Không có gì khó, nhưng phải chịu khó đôi chút. Tôi tin những vụ xung đột trong gia đình ở hải ngoại sẽ được giải-quyết ổn thoả nếu con cái thương yêu bố mẹ và bố mẹ thông cảm với các con.

Chuyện khó khăn không phải là chuyện các ông già bà già mà là chuyện các cô các cậu còn quá trẻ. Quá trẻ mà học lại quá giỏi, đồng lương quá cao, ở nhà quá rộng, đó mới có vấn đề. Bây giờ tôi thử tạt qua vào văn hoá Mỹ đôi chút theo cái nhìn của tôi để xem tôi có thể góp những ý kiến gì cho các bạn trẻ hiện đang sống tại Mỹ.

NHÌN MAU CHÓNG VỀ VĂN HOÁ MỸ


Mỹ là một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới ngày nay. Mỹ mạnh nhờ nền kinh tế thị trường đã phát triển cao độ. Đây là một xã hội kĩ thuật tân tiến, công nghiệp vĩ đại và thương nghiệp rộng khắp. Chế-độ kinh tế của Mỹ là chế độ kinh-tế tư bản với một kế hoạch toàn cầu hoá minh định. Đời sống dân chủ tự do đặt trên tính độc lập cá nhân, được định nghĩa như là một đơn vị xã hội tuyệt đối, có những bổn-phận và những trách nhiệm rõ ràng theo luật-pháp qui định một cách công bằng do hiến-pháp bảo đảm. Người Mỹ có những bổn phận nhất định đối với xã hội, và ngoài những bổn phận ấy, họ cảm thấy có trách nhiệm với cộng đồng hay không là do tự nguyện hay thiện nguyện, và điều này, họ rất sốt sắng và đắc lực. Về tư tưởng, họ ưa phân tích, căn cứ trên những yếu tố hợp lí, họ thích suy nghĩ một cách có hệ thống, không tuỳ tiện, không a-dua, và một khi đã quyết định là không thay đổi nữa, điều này rất hay, nhưng cũng có khi biến họ thành máy móc, và tệ hơn, thành ích-kỉ. Họ sống theo luật pháp, chỉ giữ tình nghĩa một cách không vi phạm kỉ luật, họ đánh giá con người theo tiêu chuẩn sản xuất, theo số-lượng tài sản, theo tiền lương bổng hàng năm, và vì muốn đảm bảo cho túi tiền của họ, họ phải cạnh tranh tuy gay gắt, nhiều khi dữ dội, nhưng vẫn theo luật pháp và các qui định kinh tế. Ở Mỹ, chỉ xem khu nhà ở là người ta đã biết khả năng tài chính và giá trị, ngôi vị trong xã hội của người ở trong khu nhà đó. Giá trị ấy rất xứng đáng đối với cá nhân ấy bởi nó đã được đắc thụ trong phẩm giá và danh dự, bằng khả năng và công tâm, không bởi vì gian lận, không do những nguyên nhân bất chính.

Thanh niên Việt Nam ở Mỹ cũng như vậy. Đa-số đã được học ở những trường đàng hoàng, có học vấn cao, có nghề nghiệp chắc chắn, được các giáo sư chuyên môn huấn luyện kĩ càng theo những phương pháp giáo dục hiện đại và những kiến thức mới mẻ nhất. Ở trường Mỹ ra, họ ăn nói như Mỹ, sinh sống như Mỹ, suy nghĩ và hoạt động như Mỹ. Đồng lương của họ xứng với việc làm. Việc làm của họ bền vững và được nghiệp đoàn bảo đảm. Tôi đã đi thăm nhiều gia đình có con em tốt nghiệp từ các đại học Mỹ. Các em đều có bằng cấp chuyên môn, đa số là bác sĩ y khoa, nha khoa, nhãn khoa, đa số là kĩ sư điện, kĩ sư điện tử v.v. và v.v. Lương bổng của các cháu rất cao, nhà cửa của các cháu sang-trọng, xe cộ của các cháu tối tân. Tôi rất hãnh diện về lớp thiếu niên trí thức này. Tôi thấy họ đã vượt xa bố mẹ, tiến bộ hơn các thầy cũ, và chắc chắn tương lai của họ càng ngày càng đẹp hơn.


Như vậy, vấn đề mà chúng ta đặt ra hôm nay cho thế hệ trẻ là vấn đề gì? Tôi xin đề nghị bàn luận 3 vấn đề và cũng là 3 thách đố đặt ra cho các anh chị em thanh niên.

1. Vấn đề thứ nhất về giáo dục

- Khi anh lựa chọn nghề nghiệp chuyên môn, anh có căn cứ vào khả năng chuyên môn của anh không hay anh chỉ tuỳ tiện nghe theo bố mẹ, chiều theo ý-kiến bạn bè?
- Anh có để ý xem thực-sự xã hội cần đến chuyên-môn của anh không, hay là họ có quá nhiều người chuyên môn như anh rồi? Anh bảo có nhiều cũng mặc chứ, vì đời là cạnh tranh mà, mạnh được yếu thua, đứa nào dám ganh đua với mình thì mình phải bóp cổ cho nó chết chứ? Anh có nghĩ vậy không?
- Anh có bao giờ ngó đến tổ quốc không, đến tương lai của nước Việt Nam chúng ta cần có một người chuyên môn như anh, và anh học xong sẽ phục vụ đồng bào hải ngoại hay khi nào thuận lợi, sẽ về Việt Nam xây dựng lại quê hương? Hay ngược lại anh chỉ nghĩ đến tiền, đến cái nghề nào dễ kiếm tiền nhất là anh học, mặc dầu anh cảm thấy có khả năng khác phù hợp với nhu cầu của đất nước hơn?

Hiện nay ta có thặng dư về y-học (y-khoa, nhãn-khoa, nha-khoa, huyết-học) về kĩ-sư, nhưng còn thiếu nhiều về khoa-học xã-hội (triết, văn, ngôn-ngữ, nhân-chủng, sinh-thái, sử, địa, v.v…) nghệ thuật (nhạc-học, nhạc hoà-tấu, nhạc-trưởng, kĩ-sư âm-học, màn ảnh, truyền thông, báo-chí, múa ba-lê, kĩ-sư cơ-khí, chuyên-viên quay phim, đóng phim, phim hoạt-hoạ v.v…) kĩ-thuật, chuyên viên kinh tế, chính trị, canh nông v.v… Nếu anh nào có năng khiếu về những môn ấy thì có nên hi sinh, nên mạo hiểm phiêu lưu đến những môn học ấy, hay nhất định chỉ đi học nghề nào dễ kiếm tiền, mặc dầu mình không có khả năng. Một nhà văn hoá Mỹ nói với tôi: Việt Nam có nhiều bác sĩ hơn bệnh nhân, và trong số bác sĩ ấy, nhà chuyên môn có thực tài rất ít, nếu phải nói thật là không có. Cho đến bây giờ mà Việt Nam chưa có được một nhạc trưởng, trừ nhạc trưởng Lê Văn Khoa. Đến bây giờ mà Việt Nam chưa có được một ca-đoàn-trưởng, trừ bác-sĩ Lại Thế Hưng. Đến bây giờ mà Việt Nam chưa có được kí giả có bằng cấp, trừ ông con của bác sĩ Từ Uyên. Đến bao giờ? Đến bao giờ là tuỳ ý chí của anh chị em thanh niên. Xin hãy khôn và ngoan, đừng chỉ có khôn mà thôi!

2. Về văn-hoá

- Anh có biết rằng ở Mỹ người ta chú trọng đến văn minh không? Nghĩa là họ chỉ biết có kĩ thuật, kinh tế, thương mại, tất cả thuộc về văn minh vật chất. Do đó, luật cạnh tranh được thả nổi. Người ta cố gắng chiếm lòng tin của khách hàng đến nỗi phải loại trừ nhau một cách dã man! Đức Giáo Hoàng đã có lần nói tới một nền văn minh của sự chết.
- Anh có thấy cần phải chú trọng đến văn hoá hơn không, đến đời sống tư tưởng, đến sự suy nghĩ, đến chỗ nào phải biết dừng lại. Trong truyện Kiều, khi cô Kiều thấy anh chàng Kim Trọng đã hơi say và sắp làm ẩu là cô ta lên tiếng ngăn chặn ngay. Ngăn chặn như vậy là văn hoá. Kim Trọng cũng biết lùi về giới hạn của mình, biết dừng lại không làm bậy nữa, đó là văn hoá. Con người văn-minh không như thế đâu. Họ không biết, không muốn dừng lại.
- Anh em bây giờ giầu có hơn bố mẹ, nhưng liệu có hạnh phúc hơn bố mẹ không? Gia đình khi gặp cảnh cơm không lành canh không ngọt thì liệu chỉ nghĩ đến li dị mà thôi sao? Hạnh phúc mới là cứu cánh của đời mình. Tiền tài không thể mua được. Hạnh phúc dễ đến đối với người có văn hoá hơn là với người văn minh. Sự thực, chỉ có con người văn hoá mới chú trọng tới giá trị của hạnh phúc.

3. Về đời sống tâm linh

- Anh có bao giờ đi chùa hay đi nhà thờ vào những ngày chủ nhật không? Hay là anh dành ngày ấy để đi picnic, đi du lịch, đi đánh bài, đi ăn cơm và khiêu-vũ? Nếu anh chưa thấy nhu cầu ấy thì anh nên suy nghĩ lại. Vì như thế là anh cô đơn, anh khổ.
- Phải có đời sống tâm linh người ta mới hiểu tại sao Chúa Ki-tô chỉ đòi hỏi con người phải yêu nhau, đức Phật chủ trương từ bi, đức Khổng đề cao lòng nhân như là mẹ của các đức tính khác. Vì thiếu tình thương nên người ta cạnh tranh nhau sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hoá một cách quá đáng. Bạo lực từ đó mà ra. Phim ảnh đồi truỵ từ đó mà xuất hiện. Rồi những cảnh các học sinh nhỏ tuổi tàn sát nhau như ở Littleton, ở Québec đua nhau diễn ra hàng năm, hàng tuần, hàng ngày. Hiệu ứng nhà kính xuất hiện cùng với nạn nino nina kinh khủng. Loài người sẽ bị tiêu diệt nếu thiếu tình thương.
- Hãy trở về với văn hoá Việt Nam. Người Việt Nam bảo nhau: Yêu nhau chữ vị là vì, chữ dục là muốn, chữ tuỳ là theo. Đừng thấy người lớn chống nhau mà lầm tưởng rằng người Việt Nam không đoàn kết. Muốn biết người Việt hải ngoại có đoàn kết không, hãy xem vụ Trần Văn Tường. Vụ này đánh dấu một chiến thắng lớn của đồng bào quốc gia. Ta có chính nghĩa, và chính nghĩa bao giờ cũng thắng ở chỗ nào có tự do thực sự.
- Có khi anh không tin vào gì nữa cả. Bố mẹ ư? Họ cổ hủ, lúc nào cũng nói đạo đức, hết Khổng tử thế này thì đức Phật thế kia, Chúa thế nọ. Người lớn ở đây gần như không có. Họ chỉ nghĩ mọi cách để chống đối nhau, để chứng minh là mình có lí, còn người khác là cộng sản hết, là ma quỉ hết. Liệu có tin vào họ được không? Mấy ông cha, mấy ông sư, mấy bà xơ, mấy bà vãi, chẳng có ai đáng làm mẫu mực cả. Cuối cùng rồi anh cảm thấy cô đơn, bất lực, buồn. Lúc ấy mà xì-ke ma-tuý tới cám dỗ anh thì dễ lắm. Anh có lí để hút xách, để chơi bời, để bài bạc, rồi để tự tử nữa. Anh tự do mà, nhà trường dạy thế. Anh có nhân quyền mà, xã hội bảo thế. Tôi xin nói với anh, văn hoá Việt Nam không nói thế. Nước dậy cho anh biết rằng anh không là gì cả, và chính vì thế mà anh có sức mạnh. Anh không có hình thể nhất định, nhưng hình thể nào anh cũng có. Vậy anh phải tin tưởng. Vào anh, vào bố mẹ anh. Vào bạn bè anh. Vào xã hội. Vào tương lai con cái anh. Của đất nước. Thuyết bất vô dạy anh: khi có tất cả là khi không có gì cả, nhưng lúc không có gì cả là lúc có hết. Đừng sinh tâm ở những nơi làm mất tâm. Thuyết bất vô, như giàu có mà không khổ vì tiền mới là giàu có thật, có bằng cấp mà không khoe khoang, không kiêu ngạo, không cho đó là hơn người mới đúng là người có học. Trong bài giảng trên núi, Chúa đã nhấn mạnh về tinh thần nghèo khó, nhớ rằng đó là nghèo khó về tinh thần nhé, Chúa không đòi hỏi ta phải nghèo rớt mống tơi mới là có hạnh phúc, Chúa chỉ yêu cầu ta có tinh thần nghèo khó, nghĩa là giàu mà biết khiêm tốn, biết giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, những người bệnh hoạn tàn tật. Tôi đã chính mắt thấy những người có tinh thần nghèo khó này mà điển hình theo tôi nghĩ là tiến-sĩ toán-học Nguyễn Văn Thạch, giáo sư Đại học Pháp, đã đi theo tinh thần phúc âm thực hiện triệt để các chương trình phục vụ xã hội. Tôi đã thấy nhiều bác sĩ, kĩ sư, giáo sư, doanh gia, mỗi chủ nhật họp nhau để sống thiền. Có người đã bỏ tiền túi để mua đất xây chùa, tập họp anh em bạn bè đến nghe thuyết pháp, thay phiên nhau dạy tiếng Việt cho thiếu nhi. Ngày xưa tổ tiên dạy: Ai ơi, đừng bỏ ruộng hoang. Bây giờ ta bảo nhau: Ai ơi đừng bỏ đời hoang. Đó là văn hoá. Ai sống như vậy sẽ không có thì giờ mà phê bình nhau, mà chơi bời, mà đòi tự tử nữa.

Nói tóm lại, thanh niên Việt Nam sống trên đất Mỹ phải hội nhập văn hoá Mỹ với tinh thần văn hoá nước và thuyết bất vô.