Chó hoang

Văn thơ Công giáo

(Mã số 18-108)
Xuân Mậu Tuất 2018 - Giáo xứ Vinh An, giáo phận Nha Trang
1. Tám giờ tối, trăng đã lên quá đỉnh tháp chuông. Trăng tỏa ánh sáng vàng đục xuống khắp sân nhà thờ, in hẳn hình một tháp chuông trên đất. Cây cối chung quanh sân đứng yên. Không khí man mát và thấm đẫm mùi hoa sứ.
Chú Điền cầm tràng chuỗi đi qua đi lại trước hiên nhà thờ. Chốc lát, chú đứng lại ngước nhìn trăng và hít lấy mùi thơm cho căng đầy lồng ngực. Cảm giác ấy thật dễ chịu. Nó làm chú nhớ đến vợ chú và những lần hẹn hò dưới trăng. Hồi đó, chú còn trẻ lắm, điển trai và ăn nói có duyên. Nhiều cô mê mẩn nhưng chú chỉ chọn mỗi một mình em Quỳnh. Quỳnh đẹp và “thơm” như hoa quỳnh. Thế là chú đem lòng yêu và tìm mọi cách để tỏ tình với em. Thiệt là may mắn! Vừa nghe chú tỏ tình, em đồng ý ngay. Từ đó, những cuộc hẹn lãng mạn dưới trăng đã gắn kết hai người với nhau và nên nghĩa vợ chồng. Nghĩ đến đấy chú mỉm cười hãnh diện, khóe mắt ươn ướt.
Tuy nhiên, cách đây hơn năm, vợ chú đã về với Chúa, để lại một nỗi trống trải khó bề khỏa lấp. Chú lại chẳng có lấy một mụn con. Cho nên, chú buồn. Hằng ngày, ngoài giờ chăm sóc cây cảnh, quét dọn khuôn viên nhà thờ, chú thường ngồi lần chuỗi trước đài Đức Mẹ Lavang. Lâu ngày, chú xin cha vào ở hẳn trong nhà xứ để tiện cho công việc, kinh lễ và vơi bớt nỗi buồn. Trước kia, lúc vợ còn sống, chú cứ đi đi về về. Nay còn ai nữa mà về!... Chú ngước nhìn trăng lần nữa sau khi đã lần hết tràng chuỗi. Chú quay người trở vào phòng. Mới đi được mấy bước, chú nghe có tiếng gì đó là lạ phát ra từ phía nghĩa đường.

Chú lắng tai nghe ngóng. Có tiếng con gì đó gầm gừ giống như tiếng chó bắt được mồi đang ngậm trong miệng. Thấy lạ, chú bật đèn pin đi về phía đó. Chưa đến nơi, chú đã thấy một con chó đen to lớn đang ngậm một gói đồ gì đó, miệng gầm gừ không ngớt. Thấy ánh đèn và có người đi đến, nó quay đầu nhìn. Ánh mắt nó như hai hòn than dưới ánh sáng đèn pin. Đuôi nó vẫy vẫy như muốn nói điều gì đó. Chú khựng lại đôi chút. Thấy nó vẫn ngồi yên, chú mới nhè nhẹ tiến về phía nó.
Khi chú đến gần, tự nhiên nó đứng dậy, ngậm gói đồ chạy đến đặt trước mặt chú rồi sủa lên mấy tiếng khe khẽ như sợ người ta biết. Nó lấy chân cào cào vào gói đồ như muốn chú mở ra. Chú hồi hộp, tim đập thình thịch. Chú nhìn con chó lần nữa, cẩn thận ngồi xuống, đặt đèn pin trên đất, từ từ mở gói đồ ra. Con chó thấy chú đang mở gói đồ liền nằm xuống sát đất, cúi đầu và vẫy vẫy cái đuôi. Nó đang chờ chực một điều gì đó quan trọng lắm. Điều này làm chú thêm tò mò. Chú mở hết lớp vải bọc bên ngoài, lại mở tiếp lớp giấy trắng bên trong. Bên trong nữa là một lớp giấy bạc và một lớp vải mịn màu đỏ. Khi mở lớp vải đỏ ra, chú ngã ngửa vì cái đầu lâu người nằm chình ình trước mặt. Chú thét lên sợ hãi nhưng con chó lại vui mừng. Tim đập nhanh, chú muốn ngợp, ngã người ra sau.
Nghe tiếng người la thất thanh trong đêm, cha xứ và cha phó cầm đèn pin chạy ra. Đến nơi, hai cha con đều kinh hoàng khi thấy chú Điền đang nằm trên đất với con chó đen bên cạnh và cái đầu lâu. Hai cha con cố lấy lại bình tĩnh sau tiếng kêu cầu danh Chúa. Đợi tim bớt dồn dập, cha xứ nhẹ nhàng bước tới, đỡ chú Điền dậy và hỏi thăm sự tình. Chú Điền mới chỉ tay vào con chó và cái đầu lâu, vừa thở vừa kể, đứt đoạn liên hồi. Cha phó đã lấy lại bình tĩnh, đến xem xét gói đồ. Thì ra trong gói đồ không chỉ có cái đầu lâu mà còn có cả một bộ xương người. Bây giờ, một mùi gì đó nồng nặc xộc vào cánh mũi làm cha muốn sặc. Hình như là mùi xương cốt người quá cố. Cha cố nén cảm xúc, mang gói đồ đến cho cha xứ xem. Trong khi cha xứ xem, con chó đen cứ cào vào chân cha rồi nhìn lên nghĩa đường. Như hiểu ý, cha nói với nó: “Chó ngoan! Mày yên tâm! Ngày mai tao sẽ cho xương cốt của chủ mày vào nghĩa đường với những người ở đây! Mày đúng là một con chó tốt!”… Nghe cha nói, nó chạy ra trước mặt phủ phục như muốn nói “cảm ơn”. Nó nhảy nhót vung vẩy cái đuôi và sủa lên ăng ẳng.
Cha gói lại, đem đặt hài cốt lên bàn thờ phía trước nghĩa đường, thắp hai cây đèn để hai bên. Cha xoa đầu nó rồi cùng cha phó trở về phòng. Chú Điền cũng đi về ngủ. Còn nó vẫn nằm canh giữ phía dưới bàn thờ. Đêm ấy, cả ba cha con đều không chợp mắt được. Lạ quá! Chó mà có tình nghĩa còn hơn con người.
Sáng sớm hôm sau, mọi người đi lễ đều ngạc nhiên khi thấy con chó đen to lớn nằm canh giữ nghĩa đường. Họ đuổi nhưng nó chẳng chịu đi, cứ chạy quanh quẩn rồi quay về chỗ cũ. Mệt mỏi, họ bỏ vào dự lễ và chẳng quan tâm đến nó nữa. Trong thánh lễ, khi nghe cha sở thông báo, mọi người mới “té ngửa”, tâm thần bất an, vì chuyện lạ xảy ra ngay trong xứ. “Hay là con chó ma hiện về lo hậu sự cho thân chủ? Hay là việc Chúa làm để nhắc nhở giáo xứ mình về việc gì đó? Hay là…”. Tất cả đều có thể. Nhưng chắc chắn không phải là ma đâu. Ma gì mà ai cũng có thể thấy, lại bị người ta đuổi chạy khắp nơi. Ma gì mà đến sáng vẫn thấy nó nằm thừ lừ, chẳng chịu biến đi.
Sau thánh lễ, cha xứ nhờ mấy người trong ban trợ táng sắp xếp để đưa hài cốt người quá cố vào nghĩa đường. Con chó đen vẫn đứng canh chừng ở đó. Nó chẳng chịu đi, chẳng chịu ăn uống gì hết. Nó đợi cha xứ và mọi người cho hài cốt vào quách, đặt cẩn thận vào nghĩa đường xong mới chịu ra đi. Nhưng lạ quá! Đi chưa được mươi thước, nó đã quay lại quỳ rạp trước mặt cha xứ, vẫy vẫy cái đuôi như muốn xin ở lại. Cha chẳng biết làm sao, đành nhờ chú Điền chăm sóc nó. Từ đó, nó trở thành “người thân” của chú, chẳng rời nửa bước. Đối lại, chú cũng yêu thương nó như con, có gì cũng chia sẻ với nó. Vì thế, tình nghĩa giữa chú và nó ngày càng thắm thiết. Và cũng nhờ nó mà chú vui hơn, hoạt bát hơn. Hằng ngày, chú và nó cùng quét dọn nhà thờ, cùng lần chuỗi, cùng “đọc kinh dự lễ”, cùng ăn và cùng ngủ. Chú đặt tên cho nó là Mực. Con Mực to tướng đáng yêu.
Mực là con chó rất biết ơn. Nó tận tụy phục vụ cha xứ, cha phó và chú Điền. Hằng ngày, nó canh giữ nhà cửa. Nhờ có nó mà mấy con chó hàng xóm không còn phóng uế trong sân nhà thờ. Cũng nhờ nó mà nhà thờ không còn mất cắp. Nó giám sát tất cả mọi sự trong khuôn viên nhà thờ. Mỗi khi người ta dự lễ, nó nằm ngay ở cạnh cửa tiền đường vừa “dự lễ” vừa trông coi mọi thứ. Vì thế, ai cũng yêu mến nó, chơi đùa với nó và cho nó ăn. Mỗi lần như thế, nó vui mừng nhảy cẫng lên, đuôi vung vẩy, trông rất vui mắt. Nó không còn là một con chó hoang nữa.

2. Bên cạnh nhà thờ có một gia đình “neo đơn”. Người ta gọi là neo đơn bởi chỉ có một mình thằng Hùng Thiêng sống ở đó. Nó là con ông Thanh và bà Thái. Trước kia, nhà nó giàu có và hạnh phúc lắm. Tuy nhiên, từ khi ba mẹ nó ly dị, nhà nó trở thành “neo đơn”. Nó buồn bã đi đi về về như bóng ma. Bao nhiêu tiền ba mẹ gửi về, nó đều nướng vào đề đóm bài bạc. Gần đây, nó lại hay nhậu nhẹt và chơi ma túy. Nó trở thành đổ đốn hư hỏng dù nó là một Kitô hữu. Cũng phải thôi! Ba mẹ nó đã biến nó thành con người đáng ghét, bị loại ra khỏi xã hội, chứ nó nào có muốn. Lúc gia đình còn đoàn tụ, nó là người con ngoan, là giáo dân tốt. Ba mẹ nó cũng thế. Có điều, từ khi đi buôn tận bên Mã Lai, ba mẹ nó trở nên kẻ thù, hễ gặp mặt nhau là bốp chát đủ thứ. Mẹ nó không chịu nổi đành đâm đơn ra tòa ly dị. Ba mẹ ly dị rồi lại đi xây tổ ấm riêng, bỏ nó với căn nhà to tướng, trống vắng tình thương. Nó buồn và nghĩ ra đủ cách để chơi cho đỡ buồn. Nó cặp kè với những kẻ ăn chơi và trở thành tay ăn chơi có tiếng. Thành thử, từ một Kitô hữu ngoan đạo, nó biến thành một “con quỷ”, bị cả giáo xứ loại trừ. Bởi đó, nó lại càng đổ đốn hơn. Đụng ai, nó cũng có thể gây sự. Có lần nó trở về nhà trong cơn say và gây chuyện với chú Điền đang quét dọn con đường trước nhà thờ. Nó nhào tới định đánh chú liền bị con Mực nhào ra cắn túi bụi. Nó hoảng hồn bỏ chạy. Từ đó, nó nuôi mối thù phải trả cho bằng được với chú và con Mực.
Thằng Linh, bạn của thằng Thiêng, có biệt danh là Cắt. Nó cao hơn thằng Thiêng một cái đầu, to con, lanh lẹ. Ba mẹ nó cũng ly dị từ khi nó lên mười. Nó về sống với ông bà nội nhưng lêu lỏng không ai dạy được. Nó cặp kè với thằng Thiêng và trở thành đôi bạn rất “ăn rơ” với nhau trong những phi vụ trộm cắp và ăn nhậu. Không biết nó học ở đâu mà có tài phá khóa rất nhanh. Cho nên khi đi trộm, thằng Thiêng luôn dẫn nó theo. Có nó, tất cả mọi loại khóa đều vô hiệu. Vì thế, gần như nhà nào trong xóm đều bị hai đứa nó trộm. Khi gà, khi chó, khi vịt, đồ đạc, quần áo, tiền vàng… đều bị hai đứa nó cuỗm mất. Cũng vì thế mà người ta đặt cho thằng Thiêng biệt danh là “Cuỗm”. Nó sẽ cuỗm tất cả những gì nó thấy cần. Đôi khi nó còn cuỗm cả những đồ thánh, thùng tiền trong nhà thờ. Ai cũng nghi ngờ cho nó nhưng chẳng thể làm gì được. Họ không bắt được tận tay day tận mặt nó. Tuy nhiên, từ khi có con Mực, hai đứa nó không vào nhà thờ làm ăn được nữa. Cho nên, chúng nó tức tối và muốn diệt cho được con Mực.

3. Để diệt con Mực, chúng mua thuốc về chích vào miếng thịt bò nướng làm bả. Đêm đến, chúng đến nhà thờ, cố tình gây tiếng động để con Mực nghe thấy. Con Mực biết là chúng nên sủa rất to, chạy đến chỗ chúng đang đứng. Chúng chẳng nôn nóng gì hết, chờ cho con Mực tới thật gần mới ném miếng thịt cho nó. Con Mực né tránh, sủa lên inh ỏi. Xong, nó ngửi thấy mùi thịt bò thơm ngon thì ngừng sủa và chạy đến ngửi miếng thịt. Đứng bên ngoài, chúng mừng rơn trong lòng. Nhưng chúng đã lầm. Con Mực đã nhận ra mùi thuốc nên bỏ đi. Nó lại tiếp tục sủa mạnh hơn. Nghe động, Chú Điền cầm đèn pin chạy ra thì chúng đã tẩu thoát. Chú đến xoa đầu con Mực, định dẫn nó vào nhưng nó không chịu đi. Nó chạy đến cào cào miếng thịt đang nằm trên sân. Nhìn miếng thịt, chú biết đó là bả nên lấy bì nhựa gói lại rồi ném vào sọt rác. Xong việc, chú và con Mực đi vào. Trời đã quá khuya, gió nồm từ biển thổi vào làm dịu hẳn không khí oi bức.
Trở về phòng, chú không ngủ được. Chú sợ một ngày nào đó con Mực sẽ bị bọn trộm bắt mất. Thời gian gần đây, trong xóm thường xảy ra những vụ trộm chó, không kể thời gian chi hết. Chó lớn, chó nhỏ đều bị chúng bắt bán cho các quán thịt cầy. Chúng dùng đủ mọi thủ đoạn để câu cho được thật nhiều chó. Đánh bả, chích điện, tròng dây thép… chúng chẳng kể hậu quả chi hết, miễn sao bắt được chó. Chúng còn cả gan đánh lại chủ nhà nếu như bị truy đuổi. Vì thế đã xảy ra chuyện, có kẻ trộm chó bị người ta túm được đánh cho đến chết. Không phải người ta không biết thương người, coi con chó hơn mạng người nhưng bọn trộm táo tợn quá. Chúng bắt chó ngay trước mặt họ, chẳng nể nang gì cả. Cho nên, ai cũng hận, muốn nện cho chúng chết. Thực ra, chỉ cần mỗi người đánh một cái cũng đủ cho chúng toi đời. Thế mà nạn bắt trộm chó vẫn không thuyên giảm. Chính quyền cũng đành bó tay. Họ đâu thể cắt người canh giữ cả ngày lẫn đêm được. Cho nên khó quá! Làm sao có thể vừa giữ gìn an ninh vừa đảm bảo không có án mạng. Một bài toán nan giải!... Nghĩ bấy nhiêu chuyện làm chú Điền càng khó ngủ hơn. Chú trở mình liên tục, thở dài, trông cho trời mau sáng. Con Mực nằm dưới võng của chú cũng mở mắt thao láo. Nó thở rất mạnh. Ngoài trời, gió bỗng đổi chiều, mây đen kéo đến rất nhanh, sấm sét ầm ầm. Trời mưa như trút nước.

4. Sáng hôm sau, chú Điền thấy thằng Thiêng lảng vảng trước cổng nhà thờ. Nó nửa muốn vào, nửa muốn không. Nắng rọi thẳng vào mái tóc vàng nghệ của nó, làm nó nheo nheo hai mắt. Nó đưa tay che bớt nắng trước mặt để nhìn cho rõ khung cảnh nhà thờ. Đúng ra, nó muốn vào xem xét tất cả đường ra ngõ vào của nhà thờ để tiện cho phi vụ sắp tới. Tuy nhiên, có cái gì đó vướng mắc trong lòng. Nó thấy sợ nên mới ngập ngừng không dám bước vào. Cái cảm giác này khác với những lần nó vào nhà thờ cuỗm thùng tiền hay lấy mấy cái chén thánh. Nó sợ thật sự! Trời đang nắng mà tay nó cứ rung lên, mồ hôi bắt đầu tứa ra, chảy từ trên đầu xuống mặt rồi rơi xuống đất từng giọt từng giọt. Bực quá, nó quay người bỏ đi thì nghe tiếng cha xứ gọi.
- Thiêng! Con làm gì mà lấp ló ngoài đó thế? Vào đây cha bảo!
- Dạ… Chẳng có chuyện gì đâu cha! Con chỉ muốn xem nhà thờ thôi... 
- Xem gì... Đấy chẳng phải là nhà thờ của con sao? Trước kia, con vẫn sang chơi hằng ngày mà... 
- Dạ… Con biết!... Con chào cha, con đi!... - Nói rồi, Thiêng lên xe, rồ máy chạy khuất vào đám bụi đường mù mịt.
Cha xứ lắc đầu bỏ đi vào. Thật ra, cha biết Thiêng đang khủng hoảng vì chuyện ba mẹ rối ren. Nhiều lần, cha muốn nói chuyện với Thiêng để xem có thể giúp được gì không. Thế nhưng lần nào, nó cũng tránh. Mới thấy bóng dáng cha, nó đã biến mất. Đây là lần đầu tiên cha nói chuyện được vài câu với nó. Cha đang định mời nó vô nhà nói chuyện thì nó bỏ trốn. Mà phải! Nó đang bị người ta lên án dữ quá, nên phải trốn kẻo bị họ bắt. Nó càng phải trốn kẻo bị cha bắt xưng tội. Nó sợ phải xưng tội! Đúng hơn, nó không còn tin tưởng vào bí tích Giao hòa nữa. Tội lỗi gì! Nếu thực sự có tội thì ba mẹ nó đã bị Chúa phạt rồi! Nó hận ba mẹ nó vô cùng. Nếu không phải là một Kitô hữu, nó đã giết chết ba mẹ và tự kết liễu đời mình. Đó là chút lương tâm còn lại trong nó. Chúa vẫn còn thương nó. Thế thì cha cũng phải thương nó chứ! Cha phải thương… Cha rất đau lòng khi thấy nhiều gia đình trong giáo xứ sống rối như nhà nó. Họ coi hôn nhân như chuyện chơi đùa, không còn sợ vạ như ngày trước nữa. Thích là họ bỏ nhau. Thật chẳng còn luân thường đạo lý gì nữa.

5. Về nhà, nó và thằng Linh gặp nhau để bàn chuyện diệt con Mực. Buổi sáng, khi đứng ngoài cổng nhà thờ, nó đã quan sát và nắm được địa hình địa thế. Nó tính sẽ cùng với thằng Linh tiến hành bắt con Mực ngay đêm nay. Cả hai canh tới nửa đêm sẽ hành động. Bây giờ, nó và thằng Linh phải nhậu một trận lấy sức. Thế là hai đứa lôi con gà bắt trộm nhà ông Ban Già ra xử. Chỉ cần ngần ấy với chai rượu đế là đủ tẩm bổ cho cả hai. Nó cười khoái chí.
- Được rồi! Mực… Ngày mai, chính tay ông sẽ xẻ thịt mầy! Nào, uống đi Cắt!
- Uống đi Cuỗm! Mầy với tao phải cuỗm tất cả để trả thù “cuộc đời này”! Mẹ cha những kẻ sinh thành!... Uống!... 
Hai đứa uống đến khi mặt trời đứng bóng thì lăn ra ngủ. Bây giờ, chung quanh chúng toàn là xương xẩu, nước bọt, đờm, nước mắm, rượu… vung vãi tứ tung. Bầy ruồi trâu đã tụ hội từ lâu, bay lên đáp xuống dày kín cả đất, đậu cả trên người, bò lên hai khuôn mặt gầy gò hốc hác và chui cả vào tai vào mũi của hai đứa. Thế nhưng cả hai chẳng biết gì. Có con chó hoang ở đâu chui vào chỗ hai đứa đang nằm. Nó chạy ngang chạy dọc, ăn hết những mẩu xương còn lại trên nền nhà. Mỗi lần nó di chuyển, đám ruồi lại bay lên loạn xạ như ong vỡ tổ. Ăn xong, nó nằm ngủ ngay bên cạnh, chẳng sợ hai tên say rượu đang nằm cong queo trên nền nhà.
Năm giờ chiều, có tiếng chuông nhà thờ đổ liên hồi. Nghe tiếng chuông, thằng Thiêng tỉnh giấc. Nó ngóng cổ lắng nghe âm thanh quen thuộc mà nó đã cố quên từ rất lâu. Tự nhiên, nước mắt ứa ra, nó nhớ lại một thời thơ ấu, từng theo ba mẹ đi nhà thờ. Ngày nào không đi được, nó đều nhắc và đòi ba mẹ dẫn đi cho bằng được. Đến nhà thờ, bị thu hút bởi hình ảnh của cha, nó ngồi ngay ngắn dự lễ như một vị thánh. Cái cảm giác ấy, nó vẫn còn nhớ như in. Tâm hồn trẻ thơ của nó đong đầy ước ao một ngày nào đó cũng được làm những việc như cha. Nó đem ước mơ đấy nói với ba mẹ và được ba mẹ ủng hộ hết sức. Ba nó còn nói: “Con mà làm ông cha… Ba sẽ làm giáo dân của con suốt đời!” Rồi ba ôm nó vào lòng tha thiết. Cái cảm giác ấy vẫn cứ gợn lên trong lòng nó mỗi khi chiều về trong tiếng chuông. Nhưng nó thường bịt tai, nhắm mắt, hoặc chạy đi thật xa để khỏi phải nghe tiếng chuông. Nó muốn trốn. Đúng hơn nó ghét tiếng chuông từ khi ba mẹ nó bỏ nhau.
Đang còn miên man về một thời tươi đẹp, nó bị thằng Linh đánh một cái thật mạnh vào lưng. Nó giật mình chửi tục liền mấy tiếng. Thằng Linh cũng phụ họa với nó. Đối với hai đứa nó, chửi tục giống như câu cửa miệng, không chửi không ăn nói nên hồn. Quen rồi! Hai đứa cười phá lên khi cùng nhau chửi cho đã miệng. Sau một hồi liến thoắng, Thiêng và Linh chuẩn bị đồ nghề để đi xử con Mực.

6. Đêm đến, Thiêng và Linh bịt kín mặt, mang đồ nghề áp sát nhà thờ. Canh đúng khuya, cả hai nhảy qua rào, tiến đến chỗ con Mực hay nằm. Vừa nhảy vào, con Mực đã biết. Nó chồm dậy chạy đến chỗ có tiếng động định sủa, liền bị Thiêng tròng dây thép vào cổ siết chặt. Nó giãy giụa thật mạnh, cố thoát thân nhưng không được. Thằng Linh ở sau đã kịp nhào tới dùng cây sắt đập nó nhưng không trúng. Vừa lúc ấy, chú Điền chạy ra hô hoán.
- Trộm! Trộm chó… Bà con ơi! Trộm chó... 
Tiếng chú hét thật to. Chú nhào đến rọi đèn pin vào mặt chúng và định cứu con Mực. Tuy nhiên, chưa kịp làm gì, chú đã bị thằng Linh ném mấy chai bia vào người. Chú bị trúng “đạn” rất đau, ngã xuống. Lại thêm, mấy chai bia vỡ tung téo, mẻ chai vung vãi khắp nơi. Thế nhưng chú đã kịp gượng dậy, lao thẳng tới chỗ chúng mặc cho chân bị mẻ chai cứa chảy máu. Thấy thế, thằng Linh vung cây sắt đánh chú một phát thật mạnh ngang lưng. Chú ngã khuỵu, bất tỉnh. Thấy chủ nằm im, con Mực dùng hết sức bứt đứt dây thép đang vướng ở cổ. Xổng ra, nó liền nhào vô tấn công hai kẻ trộm, cắn nát tay chân cho đến khi cả hai nằm im trên đất. Lát sau, cha xứ, cha phó và mọi người đến bắt cả hai giải lên xã. Còn chú Điền được mọi người đưa vào nhà thương cấp cứu.
Mấy hôm sau, khi chú Điền đã khỏe lại, cha xứ cùng chú và con Mực vào thăm hai kẻ trộm. Trong phòng tạm giam, hai kẻ trộm ngồi ủ rũ chẳng ra dáng con người. Nhìn cả hai đứa, cha đau lòng khôn xiết, muốn gỡ cho chúng một con đường để làm lại từ đầu nhưng vòng lao lý không cho phép. Cha đành đứng nhìn “con chiên” của mình bị dày vò bởi chính những sai lầm của những người cha người mẹ vô trách nhiệm. Chính họ đã trở nên người con hoang trong chính nhà mình. Để rồi, họ lại biến con của mình thành con hoang. Chúa đã cho họ quá nhiều cơ hội để hối cải nhưng họ chẳng chịu nhận ra. Thật tội nghiệp cho những mảnh đời non dại.