(Mã số 18-137)
Ông trùm Tam hốt hoảng chạy vào nhà xứ gọi cha cố già:
- Thưa cha, anh Ba vừa bị thằng Quân Tủn xóm dưới đâm. Xin cha đến ngay kẻo không kịp.
- Ôi! Chúa ơi!
Cha già vội lấy hộp dầu thánh, leo lên chiếc Honđa của ông trùm rồi cả hai phóng thật nhanh qua mấy con hẻm. Chưa kịp bước vào sân, cha già đã nghe tiếng khóc thét đau đớn của nhiều người nên cũng hiểu tình hình. Tiếng khóc than hãi hùng đó là của vợ con anh Ba và bà con lối xóm. Cha cố bước vào căn nhà với nỗi xót xa bao trùm. Ngài ngấn lệ tiếc thương. Thương cho anh Ba và gia quyến, cha cũng thương cho kẻ gây nên chuyện động trời ấy. Trong vai trò là một linh mục, cha cố mời gọi mọi người dâng lên Chúa lời kinh cầu nguyện cho linh hồn mới qua đời. Xin Người thương ban cho Giuse phần thưởng nước thiên đàng.
Anh Ba không đáng chết. Anh ấy chết oan do cuộc ẩu đả giữa thằng Quân Tủn và Thành Mun. Số là nhà hai tên này ở cạnh nhau. Trước đây hai gia đình gắn kết, thân thiết. Thế nhưng, khi hai ông cụ thân sinh qua đời, hai cậu con trai chẳng màng đến tình làng nghĩa xóm. Lối sống hưởng thụ mỗi ngày tăng cao. Ai cũng chỉ biết của mình, mình giữ. Giữa hai nhà là một lối đi chung và phần đất ấy được chia đôi. Thành Mun muốn xây lại ngôi nhà cho khang trang, nhưng hắn lại cố ý lấn sang đất nhà Quân Tủn, dẫn đến nhiều cuộc đàm phán không mấy vui vẻ. Cái mẫu thuẫn ứ đọng dần dần. Rồi một ngày kia, ứ đọng bắt đầu bùng nổ. Khi cả hai đã thấm mùi men rượu, lời ra tiếng vào, thốt ra những lời tục tằn. Chưa dừng lại ở những lời rủa xả khó nghe, họ còn đi xa hơn nữa. Thành Mun xuống bếp cầm con dao lên hăm dọa. Bà con chạy ra coi đông lắm. Nhưng chẳng ai dám can thiệp. Người vô cảm, người dửng dưng, kẻ sợ phiền toái. Duy chỉ một mình anh Ba, người hàng xóm nhà đối diện, con người tốt bụng như sứ giả của hoà bình, đã vội chạy lại lên tiếng can ngăn và mong muốn dàn xếp, giải hòa.
Quân Tủn và Thành Mun không vì thế mà xuống nước. Ngược lại còn nổi sung hơn. Trong lúc hai tên hung hãn giằng co con dao, anh Ba cố gắng lấy nó ra khỏi những bàn tay hận thù. Quân Tủn dồn hết sức giằng lấy hung khí, vặn tay Thành Mun thật mạnh, nhưng vô tình đâm trúng bụng anh Ba một nhát chí tử. Và cái kết thật đáng thương đã xảy đến cho anh Ba. Dường như vết thương rất sâu và dẫn đến xuất huyết phổi. Màu đỏ của những giọt máu tươi lai láng khắp sân nhà. Ai nấy đều hốt hoảng. Sự đời là thế. Đao kiếm vô tình, nào biết suy nghĩ? Thằng Quân Tủn sợ hãi, lùi bước định bỏ trốn nhưng đã bị người ta bắt lại. Bà con lối xóm ai cũng xốn xang. Kẻ đi tìm cha sở, người kiếm xe chở anh Ba đi nhà thương. Nhưng không kịp nữa rồi. Anh Ba ôm bụng và chỉ kịp thét lên "Giêsu!" rồi tắt thở trong vòng xoáy xô bồ.
Cha cố già tự hỏi điều gì đang xảy đến với đoàn chiên của cha. Từ bao giờ mà những chuyện vô nhân tính lại xuất hiện nơi vùng đất thanh bình này. Cha cố đã gắn bó với nơi này hơn ba mươi năm. Khoảng thời gian ấy đã đủ dài để ngài yêu thương và dìu dắt đàn chiên của mình. Ngày trước, đây là vùng đất nghèo. Đa phần người dân sống bằng mấy con cá dưới ao, mấy thứ cây trong vườn, tạm gọi là sống qua ngày. Một số khác sống bằng mấy sào ruộng, ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Vất vả là thế mà của ăn nào có được bao? Nhưng bù lại, con người ở đây hiền lành, chất phác. Anh em, xóm giềng sống với nhau bằng cả chữ “tình”.
Khi vừa chịu chức, cha đã được sai đến truyền giáo ở chốn này, giáo xứ sâu xa nhất của giáo phận. Đồng thời, cha cũng phụ giúp người dân xây dựng, phát triển nơi đây. Khi ấy, vùng đất rộng lớn này còn hoang sơ, yên tĩnh, nhưng lại thiếu thốn trăm bề. Lác đác mới có một vài gia đình có đạo. Nhà thờ là một mái nhà tranh vách đất thô sơ. Nó đã xuống cấp trầm trọng và gây nhiều bất lợi: nóng bức, chật hẹp, nguy hiểm khi gió bão... Là một linh mục trẻ và nhiệt thành, chính cha là người đã giúp người dân nơi đây cải thiện cuộc sống và gầy dựng tất cả, bắt đầu từ con số không.
Ngay những ngày đầu về đây, cha đã khởi đi bằng những cuộc viếng thăm mục vụ, lương cũng như đạo. Cha trao cho họ những cái bắt tay thân thiện, những nụ cười trìu mến, những sẻ chia của người mục tử. Ngài cũng rất trăn trở cho tương lai các em thiếu nhi, là mầm sống của giáo xứ và của Giáo Hội. Trẻ con ở đây thất học khá nhiều. Đứa vừa nhận được mặt chữ đã phải thôi học ở nhà phụ giúp cha mẹ, vài đứa khá lắm cũng chỉ học đến cấp hai rồi nghỉ. Đích thân cha vừa quy tụ, vừa là thầy giáo chủ nhiệm. Thậm chí đến từng nhà xin phép phụ huynh cho con em họ đi học vài giờ mỗi ngày với cha. Người vui lòng, kẻ khước từ. Buổi đầu lớp học của cha chỉ được vài em, nhưng sau một thời gian ngắn đã thu hút được sự ủng hộ của nhiều gia đình, kể cả các gia đình lương dân.
Công việc truyền giáo của cha rất tích cực. Buổi sáng cha cùng người dân lao động. Buổi chiều cha dạy chữ, dạy giáo lý cho các em nhỏ. Chiều tối, khi mọi người tạm ổn công việc, cha cùng họ đạo dâng thánh lễ tạ ơn Chúa trong một ngày.
- Thưa cha, con rất muốn đi học. Nhưng tía má con không cho vì con phải trông em. Con năn nỉ mãi nên tía con nói nếu vừa học vừa coi em được thì cứ đi.- Một em gái khoảng bảy, tám tuổi mếu máo đến nói với cha.
- Như thế thì tốt quá! Được thôi con gái. Con cứ ẵm em đến lớp. Cha cho hai chị em học chung luôn. Em buồn ngủ thì cha mắc võng. Em khóc thì cha và các bạn sẽ giúp con dỗ em. Ngày mai con đến ngay nhé!- Cha cười.
Cứ thế, cha tiếp tục kiện toàn giáo xứ. Cha đã cho thành lập các giới, các đoàn thể như Giới Gia trưởng, Giới Bà mẹ, Ca đoàn, Huynh đoàn Giáo dân Đaminh... Cha quan tâm đặc biệt đến việc đào luyện các em thiếu nhi, giáo lý viên và giới trẻ.
Ngoài lo việc mục vụ của một giáo xứ đang ở những giai đoạn đầu phát triển, cha cũng giúp người dân sửa sang lại đường sá để việc đi lại dễ dàng hơn. Nhằm tránh xảy ra những trường hợp đau lòng như chuyện của ông Sáu xóm dưới. Trời mưa, mà đã chiều tối, ông mới từ đồng về. Chân bị hẫng, lại gặp ngay cái ổ gà to quá, ngã xuống mương, chết trong đêm. Sáng hôm sau người ta phát hiện ra thì mặt mũi đã tím ngắt.
Cha hăng say dấn thân không biết mệt mỏi. Cha lo cho từng người, từng gia đình. Khi đời sống người giáo dân tạm ổn, cha mới nghĩ đến việc xây nhà thờ. Gánh nặng tiếp tục đè trên vai người mục tử. Nhưng với lòng nhiệt huyết thương đoàn chiên, cha không quản ngại sớm hôm, vào nam ra bắc, lên rừng xuống biển để tìm nguồn kinh phí để giáo xứ sớm có ngôi nhà thờ đủ khang trang và kiên cố, nhằm phục vụ cho nhu cầu tâm linh của bà con. Ròng rã suốt mấy năm trời, nhờ ơn Chúa và sự cộng tác nhiệt thành của bà con mà cha đã hoàn thiện được ngôi nhà chung của giáo xứ.
Thời gian cứ thế dần trôi. Trải qua cái ngày lam lũ để được ăn no mặc ấm, rồi lại mong ăn ngon mặc đẹp. Khi cuộc sống hầu như ổn định, con người ta lại muốn ăn sang mặc sướng.
Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Thời thế thay đổi. Mảnh đất phì nhiêu này đã lọt vào tầm ngắm của các chủ doanh nghiệp. Họ nhìn được sự màu mỡ và phát triển ở chốn quê này. Chiến lược họ đặt ra là thu vén vùng đất này và biến nó thành khu công nghiệp với nhiều nhà máy.
Nhiều doanh nghiệp chẳng ngại bung tiền mua đất, mua nhà của bà con với cái giá trên trời. Cơn sốt đất đã làm cho nhiều người mê man. Cứ vài ngày cha già lại hay tin ông này, bà kia bán đất, bán nhà. Nói trắng ra cũng không trách được người dân. Lỗi không hoàn toàn do họ. Những ông chủ lớn muốn thâu gì là tóm được đó. Người ta hay nói, thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Cũng có những người khát tiền, nói một tiếng là gật đầu ngay. Bên cạnh đó cũng không ít gia đình muốn giữ lại mảnh đất của tổ tiên. Nhưng biết làm gì khi hay tin miếng đất của họ nằm trong vùng quy hoạch, giải tỏa. Sớm muộn cũng bị tịch thu và được hưởng cái giá bồi thường bèo bọt. Nghe thế ai lại không hoảng. Chi bằng bán quách cho mấy ông lớn. Mấy ổng đang cần đất xây nhà máy. Thương tình, mấy ổng trả cho cái giá cao hơn gấp mấy lần số tiền bồi thường.
Với cơ hội nghề nghiệp rất lớn nên đã thu hút nhiều người ở những vùng miền khác đến nhập cư. Nhiều gia đình may mắn không bị “rờ đất”, không lọt vào tầm ngắm thì cũng chặt cây, phá vườn để xây hàng tá nhà trọ cho thuê mướn. Ngồi bắt chân chữ ngũ, không cần làm lụng mà hàng tháng cũng có tiền từ trên trời rơi xuống.
Đất đai, nhà cửa gây nên một cơn bão lớn. Cơn bão kinh hoàng đó đã biến đổi hoàn toàn nhiều gia đình. Nhiều người cả đời cực nhọc, phơi nắng dầm sương mà trong phút chốc được khoác lên mình chiếc áo tỉ phú. Cầm số tiền khủng trong tay mà họ không biết làm gì và sử dụng ra sao. Tất cả đến quá đột ngột, chưa hề có sự chuẩn bị. Nhiều sự phiền toái bắt đầu nảy sinh.
Có tiền đồng nghĩa với mất đất, mất nhà, mất vườn tược. Bán đất và nhận núi tiền thì quá đơn giản. Nhưng chẳng dễ dàng để mua một căn nhà khác ngay giữa vùng sốt đất. Chỉ có hai cách, hoặc sẽ dọn ra những căn phòng trọ chật chội, hoặc phải rời xa nơi mình sinh trưởng để đi đến một miền đất khác định cư. Tuy nhiên, chỉ vì sĩ diện hão nên chả mấy ai đi ở nhà thuê. Hầu hết bỏ lại nơi chôn rau cắt rốn của mình, đi tha phương cầu thực ở chốn xa lạ. Cũng không ít người đốt tiền vào những trò bài bạc, đá gà, cá độ lên đến hàng tỉ. Trong một đêm đã mất trắng. Nhà chẳng còn mà tiền cũng mọc cánh bay xa. Xấu hổ, vợ chồng, con cái ôm mặt bỏ đi trong đêm, không dám từ biệt ai cả. Có nhiều người trước đây hiền lành, siêng năng. Sau khi có tiền, đã sa vào lưới chè chén say sưa, không lao động, hành hạ vợ con, phá làng phá xóm. Nhiều gia đình lục đục, lý tán.
Vấn đề đất đai gây ra nhiều bất ổn, điều đó không ngoại trừ người Công giáo. Con cái cha cố bây giờ cũng tranh nhau từng hạt đất, hạt cát. Nó làm cho cái tình, cái nghĩa giữa anh em ruột thịt, giữa bà con lối xóm bị đứt rạn. Đây cũng là điều dễ hiểu. Người ta chẳng hay gọi là “tiền bạc” đó sao? Vì khi có tiền thì tình trở nên bạc bẽo, bèo bọt. Anh em trong nhà từ nhau, không thèm nhìn mặt nhau nữa. Xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau mà giờ trở nên lạnh lùng, trở mặt, thù hằn nhau.
Một tiếng báo động khẩn rung lên. Chính đàn chiên mà cha ra sức dạy bảo, uốn nắn mà giờ lại đẩy cha vào tình huống khó xử. Đọc đoạn Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 12, 14), cha cố bắt gặp hình ảnh của mình khi thấy Chúa Giêsu cũng đang đau lòng trả lời một người thanh niên rằng: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?". Chẳng biết từ bao giờ, những con chiên nghĩa thiết đã biến cha trở thành quan tòa bất đắc dĩ cho những cuộc tranh chấp, kiện tụng không đáng có của họ. Từ đó, không thiếu những vụ tranh chấp đất đai mà phải dắt nhau lên tòa án huyện, tòa án thành phố.
Hôm ấy trời nắng gắt. Lòng hai anh em Tư Phan và Năm Tùng càng như đổ lửa. Họ đưa nhau vào “toà án” giáo xứ, bắt cha chia lại nhà cho chúng nó. Lại còn chuyện hai thằng con trai nhà ông Học. Ông là người có đất có vườn. Không may, ông Học đột quỵ rồi qua đời, không kịp để lại di chúc. Hai chàng quý tử tranh giành nhau. Thằng anh không nhường thằng em, thằng em cũng hơn thua cho bằng thằng anh. Anh em chúng nó bắt cha làm thẩm phán, chia đất, chia nhà thay cho cha chúng nó. Còn biết bao vụ kiện tụng mà cha cố chỉ biết lắc đầu, nhìn lên thánh giá. Cha cố chưa hề nghĩ rằng giáo xứ mà cha dành cả nửa đời người để phục vụ và xây dựng lại trở nên suy hóa quá độ. Ngài đã cố gắng và dày công vun xới mảnh đất này với tất cả tâm huyết hầu mong được đáp lại bằng những câu chuyện đau lòng này hay sao?
Càng nhiều tiền, càng xuất hiện nhiều tệ nạn. Ngay trong giáo xứ, nhiều nhà trở thành những ổ bạc khét tiếng. Mấy chuyện trộm cắp, lừa đảo xảy ra nhan nhản. Sơ hở chút xíu là mất đồ như chơi. Vì thế, hầu hết mọi người sinh ra tính hay đa nghi. Những tệ nạn xã hội như buôn lậu, ma túy, đĩ điếm... trước đây chỉ là một khái niệm mơ hồ, giờ thì trở nên quen thuộc với con người nơi đây.
Cảnh vật yên bình của vùng quê ngày càng thay đổi đến chóng mặt. Bây giờ, khó mà tìm được cái “mùi quê” như thuở nào. Nếu so sánh hai bức tranh trước và sau ba mươi năm thì nó khác nhau quá. Không khí của ngày nào êm ả, thanh bình bao nhiêu thì giờ càng trở nên ô nhiễm, nặng nề bấy nhiêu. Tất cả đang bị công nghiệp hóa, cả môi trường, cảnh vật lẫn con người. Điều đáng nói hơn là nhà thờ mỗi ngày một thưa thớt. Vấn đề đạo đức và nhân bản đang dần tụt dốc. Đời sống người giáo dân ngày càng bị tục hóa. Chẳng phải cuộc sống của người tín hữu được cải thiện thì việc thờ phượng mỗi ngày được sốt sắng hơn hay sao? Hình như không phải như vậy.
Quỳ bên Thánh Thể, cha cố già thao thức về đoàn chiên của mình. Ngài hồi tưởng và thương cho vùng quê thanh bình. Ngoài kia, tiếng nhà máy, tiếng xe cộ, tiếng con người ta vẫn ồn ào. Trong thinh lặng, cha cố một mình cầu nguyện.