Tia hi vọng

Văn thơ Công giáo

(Mã số 18-124)
Ánh trăng nhạt nhẽo in cái bóng của cành lá đung đưa lên mảng tường giống như bóng của một con quỷ đang thập thò. Đó là chút ánh sáng duy nhất của cả dãy phòng tối om, tối đến nỗi mà người ta cảm giác có thể sờ được bóng tối. Cần gì phải tiết kiệm đến thế. Cần lắm một ngọn đèn hay một bóng điện thì không gian sẽ bớt nghẹt thở hơn thế này. Tại sao lại không thêm ánh sáng ở nơi dành cho những người sống trong bóng tối? Nhủ thầm cho đỡ tức thôi, chứ biết là chẳng làm được gì. Vì mình là tù nhân, vì nơi đây là nhà tù.
Căn phòng chật ních chứa mười mấy người. Tiếng dế cứ vang từng chập, rồi lại im thin thít. Tiếng rên của thằng Giang cũng đều đều như thế. Hồi chiều nó bị tụi thằng Thiện đập cho nhừ cái thân chỉ vì cái tội không vâng lời. “Chú mày phải biết cái luật này: cá lớn thì nuốt cá bé, đừng có mà nghênh mặt với lũ này nhé!”. Tưởng bài học gì xa lạ lắm, ngoài đời người ta vẫn đối xử với nhau theo luật này. Ngoài đời thì tranh nhau tiền tài, danh vọng còn trong này choảng nhau cũng vì chút quyền lợi hơn thua, vì ít đồ mà người nhà ở bên ngoài gởi vào. Thằng Giang bị no đòn cũng vì cái tội giấu giếm mấy gói thuốc lá mà chị nó hồi chiều gởi vào. Chẳng biết kêu ai, trách ai. Đời là thế!
Hay là do đói quá, khổ quá nên mới sinh chuyện tranh giành nhau như thế. Ở một xã hội phát triển, dư đầy cơm gạo chắc chẳng gặp những chuyện lôi thôi này. Không biết người ta sao chứ tôi bị nhốt ở đây cũng vì nghèo đói mà ra cả. Sau năm 1975, nhà cửa, ruộng vườn của tôi đều được đưa vào của chung hết. Thời thế đến bất ngờ quá nên trong nhà chẳng còn trữ được gì đáng giá. Cả ngày hai vợ chồng cứ phơi thây ngoài đồng để mong có được vài điểm từ hợp tác xã. Thương mẹ già, xót xa vợ hiền nên tôi không đành chấp nhận số phận. Đêm đến, hai vợ chồng tôi mon men đến cái sân lúa to đùng mới gặt về chiều nay. Vào được 2 bao lúa, rồi cứ thế, tôi một bao lớn, vợ một bao nhỏ, hai cái bóng đen lao thăn thoắt trong màn đêm tĩnh mịch về nhà. Nhiều lần trót lọt, cho đến cái hôm, khi hai vợ chồng tôi chỉ vừa kịp đặt chân đến cái sân lúa, thì một bóng đen lù lù ở đâu nhào tới, sủa ác úa. Con becgiê lao tới tấn công tôi. Tôi chỉ kịp bảo vợ vứt bao lúa chạy đi, rồi lăn xả vật lộn với con vật hung dữ đó. Nghe tiếng chó sủa, ông thủ kho hợp tác xã cùng mấy người nữa ập đến. Nghèo rồi mà lại gặp cái eo! Chỉ là trộm vài bao lúa nhưng để cảnh cáo những ai có ý định lười biếng lao động, ăn cắp của chung, nên tôi bị nộp cho công an, đưa ra tòa án, rồi được gởi vào trại giam này nhằm cải tạo để trở thành một công dân tốt. Chỉ tội nghiệp cho mẹ và vợ phải tự nuôi thân.
Nghĩ lại thấy mình cũng chưa phải là bất hạnh nhất ở đây. Ít ra là vẫn còn hơn thằng Giang hay bị đánh đập và cũng hơn cái người đang ở xà lim cuối dãy hành lang đằng kia. Nghe nói hắn ta đã phạm một tội gì nặng lắm, đang bị biệt giam chờ ngày xét xử. Tôi thì cố gắng sống qua ngày, chỉ vài tháng nữa thôi là được trả tự do, được về với mẹ già và vợ hiền. Nghĩ đến đó, tôi thấy một tia sáng hy vọng lóe lên trong cái phòng u uất này.

Phải chờ cho mặt trời nhô cao hơn cái bức tường rào cao chót vót phủ đầy vòng thép gai thì chúng tôi mới được ra khỏi phòng. Tiếng reng rẻng từ chùm chìa khóa của người cai ngục cùng tiếng quát tháo của anh ta vang cả dãy nhà. Anh cai ngục hôm nay đi tới cuối hành lang và dừng lại ở cái xà lim đó. Hôm nay hắn được thả ra à? Tôi nhủ thầm. Một ân huệ cho hắn chăng? Chứ mấy tuần rồi, từ lúc hắn chuyển đến cái xà lim đó thì chẳng ai thấy cánh cửa phòng đó mở ra. Tôi chỉ hình dung hắn là một tên đồ tể nào đó qua những lời quát tháo của cai ngục: “Đồ quân gian ác, phản động. Mầy tưởng mầy là ai chớ. Tới ăn nè, đồ chó!”. Có hôm người cai ngục là nữ, cũng đến trước phòng hắn chửi bới: “Sao mầy dơ dáy và hôi hám vậy, mẹ mầy không dạy mầy đi vệ sinh thế nào à!”.
Tôi cố gắng nán lại ở cửa để xem hắn trông thế nào. Một dáng người cao gầy từ xà lim bước ra. Râu tóc dài thượt, nhưng không rối bời, phủ xuống che một bên khuôn mặt, tôi rợn da gà khi bắt gặp ánh mắt sáng quắt đó cũng đang nhìn tôi.
Bầu không khí trong lành, đầy nắng làm cho con người thật dễ chịu. Nhưng mà cứ ngồi mãi thế này thì rõ chán. Sống phải có mục đích, có hy vọng, có chuyện này chuyện kia thì mới tiếp tục sống được. Bởi thế, đám người ở đây cứ sinh chuyện suốt ngày: Nói xấu nhau, mách lẻo với cai ngục, đánh nhau, cai ngục can thiệp, hứa trở nên người lương thiện, rồi lại đi nói xấu nhau. Cái điệp khúc này cứ quay đi quay lại miết rồi cũng thấy chán. Cuộc đời như thằng Trí ngồi ở góc tường kia có khi lại hay hơn. Suốt ngày nó cứ nhăn răng cười cười nói nói với mình nó, chẳng bao giờ thấy nó buồn cả. Tôi tạt qua chỗ thằng Giang đang ngồi. Con mắt và một bên má của nó vẫn còn in vết bầm của trận đánh hôm qua. Tôi an ủi nó vài câu:
- Sao rồi, anh Giang, đỡ đau hơn chưa?
Tay nó xoa xoa con mắt bị bầm, nói:
- Đỡ cái con khỉ gì! Đau suốt đêm hôm qua, không ngủ được.
Tôi nhẹ giọng:
- Thôi anh, cố gắng bảo vệ bản thân mình là chính. Hơi đâu mà ganh đua với tụi nó.
Nó đập mạnh cái tay xuống bàn một cái, rồi nhăn mặt hít hà vì đụng phải vết thương ở tay, nó nói:
- Phải dạy cho tụi nó một bài học, tức quá mà, làm gì có kiểu ức hiếp người quá đáng.
Đàn em của thằng Thiện đứng gần đó nghe tọt được thì xía vào:
- Ái chà chà, nó muốn dạy tụi mình một bài học nè anh em ơi…
Cả đám kéo đến, rồi nhường lối cho cái thằng mình mẩy đầy dấu xăm rồng xăm rắn. Đó là thằng Thiện.
- Sao, chú mầy muốn dạy anh đây một bài học hả?
Vừa nói, thằng Thiện vừa nắm đầu tóc của thằng Giang, vả vào mồm bốp bốp. Tôi lao vào định can ngăn thì bị đẩy ra.
- Mầy không muốn no đòn thì cút xéo!
Chẳng có cai ngục nào ở xung quanh đây cả. Thằng Giang lại bị no đòn một lần nữa. Tiếng nó kêu la cũng chẳng ai để ý. Người trong trại thì quá quen với những cảnh này rồi. Bỗng nhiên, một đứa trong nhóm đàn em của thằng Thiện đang đứng la lên, rồi ôm bụng sụp xuống, rồi tiếp một thằng nữa. Thấy sự tình lạ, đám đông tản ra. Thằng Thiện nhìn thấy một dáng người cao gầy đang lăm le những hòn đá trên tay.
- Đại ca, nó là cái thằng ở xà lim đó...  Đại ca cẩn thận nha.
Thằng Thiện quát lớn:
- Từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tao chẳng ngán thằng nào, có giỏi thì nhào vô.
Giọng nói nghe hùng hồn vậy thôi, chớ nó cũng nghe nhiều lời đồn thổi về thằng này nên cũng sợ. Bình thường thì nó sẽ nhào thẳng vào đối thủ chứ chẳng có lịch sự mời đối thủ nhào vô. Tôi nhìn hắn, trông khác hẳn, râu tóc của hắn được cắt gọn gàng và vận một đồng phục mới toanh. Trông hắn rất có uy, không phải theo kiểu khiếp đảm của người giang hồ. Đàn em thằng Thiện đứng xa xa mà xỉa xó vậy thôi chớ chẳng thằng nào dám liều mạng nhào vô, một phần vì vị nể đại ca của nó vẫn còn đứng như trời trồng. Mấy cai ngục lúc này mới ập tới, tay cầm gậy đập mấy phát vào đàn em thằng Thiện và cũng đập một phát thật mạnh ở bụng hắn, làm hắn gục xuống.
- Mày lại sinh sự nữa phải không? Muốn làm đại ca hả?
Rồi chỉ gậy về phía đám đông đang đứng.
- Tao cấm thằng nào lại gần tên này. Nó là một tên cực kỳ nguy hiểm.
Hai cai ngục lôi ngược hắn về xà lim, đám đông rã ra, lúc này tôi mới nghe tiếng rên rỉ của thằng Giang. Tôi đỡ nó dậy, lắc đầu:
- Rõ khổ mà... 
Nó đớp ngay:
- Tại tụi nó... 
Tôi ra hiệu im lặng:
- Anh ăn đòn chưa đủ phải không?
Tôi dìu Giang ngồi lên ghế đá gần đó, rồi nhỏ nhẹ với nó:
- Anh có biết cái gã lúc nãy không?
Thằng Giang rên rên mấy tiếng rồi nói:
- Thằng hồi nãy cứu mình hả? Đố mà biết nó là ai. Ở đây nhiều người kể về tiếng tăm của hắn, về tội giết người, tổ chức phản động, vượt ngục... Nghe nói hắn còn biết bùa chú nữa. Còn chính xác hắn là người thế nào, tên gì thì đố ai mà biết được. Ở đây hay gọi hắn là đại ca xà lim.
Nhân vật bí ẩn này làm tôi cứ trằn trọc mãi, ngủ chẳng được. Tôi có một cảm giác rất thân thiện với người này, nhất là cặp mắt sáng quắc của hắn. Tôi chòm dậy, tựa mặt sát vào cửa sắt, nhìn về xà lim cuối hành lang tối om. Tôi nghe vọng lại mấy từ mà chẳng hiểu gì: “Sàn vê rê chí na...  ma té mi se ri có đi ê... ” (*). Chắc là hắn biết bùa chú thật. Nhưng mà giọng của hắn nghe thật ấm áp lòng người. Tiếng hát vang vọng trong màn đêm thanh vắng, nâng hồn người đến vầng trăng, nghe thật rõ nếu ai đó vẫn còn thức như tôi.
Mấy ngày sau, tôi cố gắng bắt chuyện với các tù nhân khác xem thử có ai biết về hắn chăng. Ở đây nhiều người là dân trộm cắp, giang hồ hành tẩu khắp nơi nên nắm thông tin cũng nhiều lắm. Cuối cùng tôi cũng gặp được một người biết chuyện về hắn. Người đó trước kia cũng cùng trại giam với hắn. Theo lời người đó thuật lại thì ngày hắn mới vào tù, trông hắn đạo mạo, nho nhã lắm. Nhiều người ra vào thăm hắn và gởi quà cho hắn. Hắn phải hầu tòa thường xuyên nhưng vẫn chưa nhận một bản án nào. Lạ một điều là cai ngục cứ dăm ba tuần thì lại phải đổi người vì nghi ngờ hắn đút lót cho cai ngục. Còn những người bạn tù của hắn thì nghe lời hắn lắm. Nhiều người hay quỳ trước mặt hắn để xin tha tội gì đó, rồi hắn cho họ ăn một mẩu bánh nhỏ xíu mà họ biết ơn lắm, đón nhận cả hai tay. Hắn bị chuyển đến trại giam này cũng vì cái tội tụ tập đám đông, gây rối trật tự... 
- Hắn là một linh mục!
Tôi tin chắc như thế. Mà một linh mục tại sao lại bị nhốt vào nơi tối tăm này? Hắn tham gia chính trị, tổ chức phản động à? Tôi tự đặt ra biết bao câu hỏi trong đầu và muốn gặp hắn.
Sáng nay tôi được một anh công an gọi vào phòng riêng. Anh ta có vẻ hơi ngập ngùng khi nói rằng cho phép tôi được về nhà một ngày. Được về nhà là cái từ tôi đã ao ước được nghe bây lâu nay, nhưng tôi ngờ ngợ có chuyện chẳng lành. Lời nói của anh ta như bầy ong vò vẽ đu bám đầu tôi mãi: “Hôm qua, một chiếc đò chở đoàn người qua sông đã bị chìm, nhiều người đã chết đuối, trong đó có mẹ và vợ anh”. Tôi chẳng còn nhớ mình đã quỵ xuống ghế hay nền nhà nữa. Anh công an dìu tôi đứng dậy:
- Anh về nhà đi, để kịp đám tang chiều nay!
Mắt tôi nhòe đi, nghẹn cả cuống họng, chẳng nói được câu nào nữa. Trên chuyến xe áp tải tôi về, hình ảnh người mẹ một đời lam lũ nuôi con cứ hiện về. Tôi vẫn còn nhớ tiếng mẹ cười, tiếng mẹ nói, tiếng mẹ khóc than trong ngày đưa tiễn tôi vào tù. Rồi cái bóng dáng người vợ lại hiện về trong tâm trí. Cưới được người vợ hiền tưởng rằng mình là người hạnh phúc nhất trên thế gian này, nghĩ rằng mình có khả năng lo cho vợ một cuộc sống hạnh phúc mà nhiều người phụ nữ khác hằng mong. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì thời cuộc đã lấy đi tất cả. Nhìn bàn chân vợ lấm lem bùn đen từ đồng về khiến cho lòng tôi phải xót xa. Chưa chăm sóc được cho vợ bao nhiêu thì tôi lại phải chôn thân ở chốn này. Ngày tôi vào tù, nàng đã nói rất chân thành “em sẽ chờ anh”. Sự chân thành đó làm tôi nhớ lại lời nàng đã thề hứa lúc cử hành bí tích hôn phối trong nhà thờ. Tôi đã làm được gì cho mẹ và vợ tôi?
- Mẹ ơi, con được về nhà rồi nè! Em ơi, anh về với em rồi nè...  Tỉnh dậy đi em ơi!
Những người thân đã cố níu kéo tôi lại khi những chiếc quan tài đang dần dần được được đưa xuống huyệt.
- Chúa ơi... Ngài ở đâu? Ngài có mắt không vậy? Tại sao lại đối xử với con như thế này? Tại sao?...
Tôi chẳng ngại gì khi la hét lên như thế. Có cả cha xứ và đông đảo bà con giáo dân ở đó. Ai cũng nghe tôi nói, nhưng chẳng ai trả lời cho tôi.
* * *
Tôi vẫn thất thần ngồi im lặng ở một góc tường. Tôi nhớ là mình có cười, có nói gì đó. Mà chẳng nhớ là nói cười với ai. Có khi là nói với chính mình. Tôi chẳng còn sợ trời, sợ Chúa gì nữa...  Đấng đó chắc là đang hưởng hạnh phúc thiên đàng ở nơi xa tít nào đó, có liên hệ gì đến tôi. Tôi ngửa mặt lên trời, cười khinh khỉnh:
- Hứ, tao bất cần... 
Đàn em của thằng Thiện thấy hành động của tôi vừa rồi tưởng là coi khinh tụi nó, với lại mấy ngày nay tụi nó chẳng được đánh đấm gì nên mới sẵn dịp:
- Ái chà, thằng này láo! Nó chẳng xem tụi này ra gì nữa nè. Đập nó đi... 
Có gì mà phải sợ tụi nó chứ. Tôi lên mặt:
- Tụi bay là cái thá gì, tao đây, trời không sợ, Chúa tao cũng không sợ thì sợ chi đám cỏn con tụi mày... 
Tôi còn đang nói thì bị một tát thật mạnh vào mặt, đau điếng, ngã lăn ra. Tụi nó cứ vậy mà nhào vô đấm đá túi bụi. Thằng Giang ở gần đó liền nhảy bổ vào. Đỡ được vài chiêu rồi thì nó cũng bị dính đòn te tua. Biết là chống cự không lại bọn chúng nên nó chạy đi, kêu la cai ngục inh ỏi. Tôi nhìn nó tôi cười, tự nhiên thấy sặc ở cuống họng, hộc ra một đờm máu. Một bóng người lao tới đỡ đòn cho tôi. Tôi nhận ra dáng người cao gầy đó, con mắt sáng quắt đó. Chính là hắn. Hắn lấy thân đè lên người tôi để hứng chịu trận đòn đang bủa xuống nườm nượp. Những tiếng hò hét của chúng còn vang trong tai tôi trước khi ngất lịm:
- Đánh thằng đại ca xà lim đi, đánh thằng đại ca dởm này đi!
Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở trên giường của khu điều trị trong trại giam. Mình mẩy băng bó khắp nơi. Tôi thấy thằng Giang đang đứng ở ngoài nói gì gì đó với mấy anh công an. Hắn đang nằm ở giường bên cạnh. Hắn chợt động đậy, rồi mở mắt ra nhìn tôi. Ánh mắt như đã chạm tới sâu thẳm trong lòng tôi. Hắn hỏi:
- Anh đang khóc à?
- Đâu có...  Tôi lúc nào cũng cười mà... 
Vừa nói xong tôi cười thật to...  rồi nhăn mặt vì biết rằng cái hàm mình đang bị sưng tấy. Tôi vờ như chưa biết hắn là linh mục nên vẫn chưa đổi cách xưng hô.
- Anh cứu tôi để làm chi? Đằng nào cũng thế, chẳng thay đổi được gì cả…
- Chúa buồn lắm nếu nghe thấy những lời đó.
Tôi vờ như đang suy nghĩ, chưa hiểu hắn nói gì.
- Chúa chẳng quên ai cả. Chúa biết hết tất cả. Và Chúa yêu hết tất cả mọi người.
Tôi đưa mắt nhìn lên trần nhà.
- Anh đang giảng đạo cho tôi à?
Hắn tiếp lời:
- Thấy anh như thế này, mẹ anh buồn lắm đó. Còn vợ anh nữa...  Anh nghĩ vợ anh sẽ vui khi thấy bộ dạng anh thế này sao?
Nước mắt giàn giụa, chảy ướt cả gối. Nhưng tôi vẫn cười:
- Mẹ tôi ở đâu...  vợ tôi ở đâu...? Chúa ở đâu khi chiếc đò bị chìm...  Chúa ở khắp mọi nơi, sao ông ta lại không có mặt ở đó…
Hắn chồm người ngồi dậy.
- Chúa đang ở đây...  Chúa đang ở trong tim anh đó, anh có nghe nhịp đập của Chúa không? Lúc chiếc đò chở mẹ và vợ anh bắt đầu chìm, Chúa đã ở đó...  Cũng như một chiều kia Chúa đã ở trên đỉnh đồi Canvê, tan nát cõi lòng khi nhìn Con yêu dấu của mình đang thoi thóp trên cây thập tự. Chúa cũng đau đớn khi nhìn thấy anh đang chết dần chết mòn thế này.
Tôi òa lên khóc nức nở, nghẹn đắng:
- Tại sao? Tại sao cha có thể chịu đựng được?
Hắn ngạc nhiên khi tôi đổi cách xưng hô.
- Chỉ là đỡ vài cú đấm thôi mà.
- Không...  Ý của con là tại sao cha có thể chịu đựng được tất cả những hành hạ, lăng mạ mà người ta đã đối xử với cha? Họ còn chẳng xem cha như một con người... 
Hắn trầm ngâm giây lát rồi nhìn tôi:
- Niềm hy vọng. Tôi đặt niềm hy vọng vào một nơi, vào một Đấng mà chẳng thể bị mất, chẳng thể bị lấy đi. Niềm hy vọng đó giúp tôi vác thập giá mỗi ngày, chịu đựng mỗi ngày và đón nhận mỗi ngày. Anh có niềm hy vọng không? Niềm hy vọng của anh đặt ở đâu?
Tôi chồm dậy, kéo tuột cả mũi kiêm đang truyền dịch, sụp quỳ trước giường của hắn, gào khóc:
- Có, thưa cha...  Niềm hy vọng của con là ở nơi Chúa. Xin Chúa tha tội cho con...  Cha ơi, xin cha tha tội cho con.
Hắn cũng choàng dậy, ôm vai tôi.
- Chúa tha hết tất cả...  Chúa chỉ cần anh sám hối, trở về cùng Người thôi. Chúng ta đều có niềm hy vọng, mẹ anh và vợ anh cũng có niềm hy vọng. Anh cũng vậy, anh cũng có niềm hy vọng là ở nơi Chúa. Anh có hy vọng mẹ và vợ anh được ở cùng Chúa trên thiên đàng không?
- Dạ có… có, thưa cha! Xin cha cầu nguyện cho mẹ và vợ con.
Chiều hôm đó tôi đã lãnh nhận bí tích hòa giải, tôi xưng thú hết những lời nói xúc phạm đến Chúa, cả những tội tôi đã phạm từ lúc tôi bị giam ở đây cho đến bây giờ. Tôi có cảm giác như mình vừa được tái sinh. Giờ đây, Chúa là người thân thiết nhất của tôi và là niềm hy vọng của tôi trong những tháng ngày còn lại trong đời mình. Hắn hồi phục thương tích nhanh hơn tôi, nên được trả về trại giam sớm. Khi tôi trở về phòng giam thì không còn thấy hắn ở xà lim đó nữa. Thằng Giang kể lại việc thằng Thiện cùng lũ đàn em của nó đổ hết lỗi về vụ đánh nhau đó cho hắn và hắn đã được chuyển đến trại giam khác trong một đêm tối.
Xà lim của hắn vẫn để trống cho tới bây giờ. Trước phòng hắn, người ta đã gắn một bóng điện tròn. Nhờ đó, hành lang của dãy nhà này luôn được sáng, kể cả những đêm không có ánh trăng…
-----------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Salve Regina Mater misericordiae: Kính chào Đức Nữ vương, Bà là Mẹ xót thương.