Họp mặt Cộng tác viên tuyển tập Mục Đồng (20/7/2019)

Quang X Nguyen

HỌP MẶT CỘNG TÁC VIÊN TUYỂN TẬP MỤC ĐỒNG


Ngày 20/07/2019, tại Tiểu Chủng viện Qui Nhơn, ban Văn hóa giáo phận đã tổ chức buổi họp mặt các cộng tác viên của tuyển tập Mục Đồng. Buổi họp mặt này đã quy tụ gần ba mươi tác giả cộng tác viên tuyển tập Mục Đồng, trong và ngoài Công giáo, đang sống trên ba tỉnh thuộc địa bàn Giáo phận Qui Nhơn. Ngoài ra còn có gần mười bạn trẻ Câu lạc bộ Văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn từ Sài Gòn và các tỉnh xa về tham dự.

Đặc biệt Đức Cha Matthêô, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đã khai mạc buổi họp mặt với những lời chúc mừng và chia sẻ về ý nghĩa của tuyển tập Mục Đồng. Mục Đồng tiếp nối truyền thống văn hóa của Giáo phận Qui Nhơn, là hoa quả của một thời gian lâu dài chuẩn bị mừng 400 năm Giáo phận Qui Nhơn đón nhận Tin mừng, là nơi để truyền đạt những tư tưởng tích cực cho mọi người nhất là thế hệ trẻ..Đức cha cầu chúc các cộng tác viên làm cho tuyển tập Mục đồng ngày càng hay và ý nghĩa hơn.



Trong buổi họp mặt, các tác giả cùng nhìn lại chặng đường hơn 2 năm đã qua của tuyển tập Mục Đồng, với 11 số, được xuất bản đều đặn theo từng quý trong năm. Đây cũng là dịp các tác giả được làm quen với nhau, cùng nhau trau dồi thêm những kiến thức về “Cội nguồn chữ Quốc ngữ”qua phần trình bày của các chuyên viên.

Ông Nguyễn Thanh Quang là một chuyên viên nghiên cứu về chữ Quốc ngữ. Qua đề tài “Bình Định với chữ Quốc ngữ”, ông đã làm nổi bật vai trò đặc biệt của 3 địa điểm đối với chữ Quốc ngữ: Nước Mặn – nơi phôi thai chữ Quốc ngữ; nhà in Làng Sông – một trong ba trung tâm truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX; Bình Định – nơi có phong trào dạy và học chữ Quốc ngữ ngoài công lập mạnh nhất Đông Đàng Trong vào những năm đầu thế kỷ XX.
Tác giả Lê Nhật Ký, giảng viên của Đại học Quy Nhơn đã chia sẻ đề tài "Văn học thiếu nhi ở nhà in Làng Sông". Tác giả cho thấy văn học thiếu nhi đã hình thành rất sớm quan những ấn bản tại nhà in Làng Sông, trong đó tiêu biểu là tác phẩm "Hai chị em lưu lạc" (1927) của Linh mục Phêrô Lục. Thầy Ký đã làm cho mọi người xúc động trước thao thức tìm kiếm những tác phẩm viết cho thiếu nhi tại nhà in Làng Sông để góp phần khẳng định vai trò của văn học Công giáo đối với nền văn học Việt Nam.

Tiếp theo đó, nhà báo Nguyễn Thanh Xuân và nhà thơ Mạc Tường, thành viên trong ban Biên soạn tuyển tập Mục Đồng, đã giới thiệu hướng đi của tuyển tập Mục đồng là tiếp nối những nỗ lực của người xưa trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn học. Mục đồng tuyển chọn các tác phẩm thơ văn và chuyên mục khác từ các nơi gởi về và ấn hành ba tháng 1 tập, mong được gửi đến mọi người, nhất là các bạn trẻ, những ơn gọi trẻ của Giáo hội Việt Nam một phương tiện trau dồi tiếng mẹ đẻ. Tuyển tập in offset màu, trang nhã, mỹ thuật...

Một số tác giả đã chia sẻ tâm tình của mình về những niềm vui, sự đánh động được thắp lên thao thức phát triển tiếng Việt và văn học khi nghe thuyết trình và được gặp gỡ trao đổi với nhau; về việc được đóng góp cho tuyển tập Mục Đồng trong thời gian qua. Nhất là được động viên trong công việc cầm bút viết cho tuổi thơ, cho các bạn trẻ, cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống con người hôm nay.


Sau giờ ăn trưa, mọi người cùng tham quan phòng truyền thống của giáo phận Qui Nhơn tại Tòa Giám Mục, được nghe linh mục Võ Đình Đệ thuyết trình về những kỷ vật trong phòng truyền thống. Sau đó, các tác giả cùng ghé thăm văn phòng Tuyển tập Mục Đồng và Tủ sách Nước Mặn.



Buổi chiều, các tác giả được hướng dẫn đi thăm di tích Nước Mặn và nhà in Làng Sông là hai địa điểm quan trọng đối với việc hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ.
Buổi họp mặt kết thúc bằng những cái bắt tay thân tình, bằng những lời chào chúc đầy yêu thương, nhắn gởi, động viên nhau vững tay bút vì sứ mạng góp phần tô điểm, phát triển chữ Quốc ngữ, qua đó xây dựng nhân cách, góp phần xây dựng Giáo hội và xã hội.




FA. Lê Quang Thạch