[Sách] Văn học Công giáo Việt Nam - những chặng đường (tâp 1)

Quang X Nguyen


VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM - NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG
Tác giả: Lê Đình Bảng
Lĩnh vực: Văn hóa - Xã hội
Năm xuất bản: 2010
Đơn vị xuất bản: NXB Từ điển Bách khoa
Số trang: 600

Chủ trương đổi mới đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống văn học nghệ thuật ở nước ta những năm gần đây. Nó vượt qua mọi định kiến, đem lại những sáng tạo tinh khôi, những khám phá mới mẻ và trả lời được những câu hỏi mà một thời chưa xa không thể hoặc không dám trả lời. Báo Văn nghệ in truyện ngắn trước 1975, thừa nhận có một nền văn học vùng tạm bị chiếm, nhà xuất bản Đại Nam in 2 tập “20 năm văn học Việt Nam hải ngoại” của 158 tác giả với tiêu chí Việt kiều là một bộ phận của đất nước Việt Nam và tiếng Việt là điểm cư trú cuối cùng… Cuốn “Văn học công giáo Việt Nam - những chặng đường” của linh mục - nhà thơ Lê Đình Bảng cũng “chào đời” trong bối cảnh ấy.



Đầu tiên là phần “Vào đề” như là lời giới thiệu do Micae Hoàng Đức Oanh chắp bút. Tác giả đặt vấn đề: “Hạt giống đức tin gieo vãi tới đâu thì trổ sinh hương sắc mùa màng văn học nghệ thuật đến đấy. Lặng thầm, nhưng trĩu ngọt, dù hoa hay nụ, dù non tơ hay ngậm sữa đầu cành. Có chân chất, nôm na của người nhà quê dân dã. Cũng có giọng điệu nho nhã, kinh văn của bậc hàn lâm thông tuệ. Vừa Hán Nôm vừa quốc ngữ. Vừa truyền thống và hiện đại…” Tiếp đó là mục “kí ức và dòng đời” in chân dung các chức sắc kiêm nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ (khoảng 130 người). Phần cuối sách là phụ lục bìa của 130 tác phẩm và rải rác trong ruột sách nữa.

Nội dung chính của sách gồm 6 chương, trong đó 3 chương đầu trực tiếp đề cập tới lịch sử văn học công giáo gần 400 năm (1634-2009). Tác giả phân kì lịch sử văn học theo tiêu chí thời gian: thế kỉ XVI-XVII, thế kỉ XVIII-XXI, thế kỉ XX với các tác giả và tác phẩm tiêu biểu như Alexan dre Rhods, Gioan Thanh Minh, Raphael Đắc Lộ, Thầy cả Lữ Y Đoan, Phạm Văn Minh, Trần Lục, Nguyễn Trường Tộ, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Hồ Zếnh, Hàn Mặc Tử, Bàng Bá Lân… (Ở điểm này chúng tôi có vài băn khoăn: thứ nhất, có qui luật là sự phát triển của văn học nghệ thuật không phải bao giờ cũng trùng khít với lịch sử; thứ đến, lịch sử văn học cần có một độ lùi thời gian cần thiết, ít ra là vài chục năm, trong sách này tác giả trình bày lịch sử văn học tới ngay ngày hôm qua 2009?) Các chương I, II, III đã đề cập tới hầu hết các vấn đề của lịch sử văn học, ngoài tác giả, tác phẩm, nội dung phản ánh… còn là vấn đề thể loại (văn học dân gian-văn học viết; thơ-văn xuôi-kịch bản văn học), văn tự (Hán, Nôm, quốc ngữ) Chương V: Gặp gỡ những dòng sông (tác giả, tác phẩm) chương VI: Một chút tâm tình cỏ hoa (về mối quan hệ văn học và văn hóa, phương Tây và Việt Nam…) Chương phụ lục: Gửi giới văn nghệ sĩ. Ở đây tác giả đề cập tới các vấn đề: thực trạng văn hóa trong thế giới ngày nay, nguyên tắc hướng dẫn phát triển văn hóa, bổn phận của Ki tô hữu với văn hóa…)

LƯU Ý KHI ĐỌC

Được biết Lê Đình Bảng là tác giả của 6 tập sách (thơ, tiểu luận, nghiên cứu) xuất bản từ năm 1967 đến 2010. Đặc biệt là bộ “Ở thượng nguồn thi ca công giáo Việt Nam” (6 cuốn) đã được NXB Tôn giáo và NXB Phương Đông phát hành năm 2009. Ông quả là tấm gương về lao động khoa học và nghệ thuật.

Chử Anh Đào
Nguồn: http://www.sachhay.org/sach/ChiTiet/5877/van-hoc-cong-giao-viet-nam-nhung-chang-duong

Tải ebook