Những bữa ăn chậm...

Quang X Nguyen

Những bữa ăn chậm...

ảnh minh họa

Con hỏi mẹ : Sao người ta lại rời bỏ nơi yêu thương để yêu thương những người xa la ?
Mẹ trả lời : Mỗi khi con nhận thực phẩm là con đã nhận được yêu thương dành cho những người xa lạ, mà con là một trong những người xa lạ đó...

Một tháng sau ngày con đi, mẹ nhận được bài viết của con.


Nhìn chung, kẻ tu hành không phải làm kinh tế (ngoại trừ một số ít dòng tu).

Nên họ có nhiều thời gian mà tập trung cho việc học hành, chiêm niệm, và cảm nhận cuộc sống. Và do đó, họ phải tu tâm tốt hơn, phải chiêm niệm được nhiều hơn, phải cảm nhận được nhiều hơn về những sự kỳ diệu của cuộc sống này; để còn cho những người xung quanh biết nữa.

Một người giáo dân hoặc phật tử bình thường thì làm gì có thời gian mà cảm với chẳng nhận, mà chiêm với chẳng niệm. Họ phải ăn thật nhanh, uống thật nhanh, tắm thật nhanh, làm gì cũng phải thật nhanh để có dư được thật nhiều thời gian đặng mà kiếm tiền nữa. Cho nên các giác quan của họ ít nhiều mất đi sự nhạy cảm tuyệt diệu mà Chúa trời đã ban. Lưu ý sự nhạy cảm ở đây không phải là độ nhạy. Mũi họ vẫn có thể nhạy đó, ngửi ngay một cái là biết mùi gì. Lưỡi họ có thể nhạy đó, nếm một cái là biết thiếu vị gì trong món ăn. Nhưng tôi đang nói đến một thứ nhạy cảm khác. Một thứ nhạy cảm mà chỉ có được khi chúng ta làm một thước phim chiếu chậm.



Trong cộng đoàn chúng tôi, người nấu ăn chính mỗi ngày sẽ có 200,000 VNĐ để đi chợ cho 3 bữa ăn, cho 16 miệng ăn. Nếu không có các vị ân nhân, chắc chắn số tiền đó là không đủ (200,000 chia cho 48 phần ăn (3x16) = 4,000/phần ăn. Toàn là thanh niên cao lớn, 4,000/phần ăn thì làm sao mà đủ no, đừng nói tới đủ dinh dưỡng.

Nhưng may mắn là chúng tôi có khá nhiều ân nhân. Có người cho thịt mỗi thứ hai, có người cho đậu hũ mỗi thứ ba, có người cho rau củ quả mỗi thứ năm. Lại có người cho gạo, muối, đường, nước mắm, giấy vệ sinh (à, lượng giấy vệ sinh hiện có đủ xài cho 10 năm). Ngoài ra cũng có một số ân nhân tặng đồ ăn không theo định kỳ, lâu lâu một lần. Nhờ vậy mà bữa ăn của chúng tôi tốt hơn, giàu dinh dưỡng hơn. Ngoài 3 món chính (canh, mặn, xào) chúng tôi còn có tráng miệng.

Nhưng không phải ân nhân nào cũng giàu có.
Nhiều người chỉ ở mức trung bình.

Khi gửi đồ ăn cho chúng tôi, họ bảo :"Các thầy gần Mẹ, gần Chúa thì cầu nguyện cho các cô chú với". Cho nên, khi tôi ăn ngồi vào bàn ăn để ăn 3 bữa chính, tôi tập trung tâm trí của mình vào những vật phẩm được bày biện trên bàn ăn mà phần lớn là được tặng. Cho nên, tôi đã làm một thước phim chiếu chậm: tôi ăn chậm lại, tôi ngậm đồ ăn trong miệng lâu hơn, để cảm nhận mùi vị của chúng.
Ở đây có nhiều loại mùi vị lắm, ngoài mùi vị của thực phẩm, nó còn có mùi vị của đất trời, và của tình người. Thật thú vị khi có thể làm chậm lại mọi thứ để cảm nhận sâu hơn, sâu hơn nhiều so với cái cảm nhận cơ bản là :"Ờ, ngon đó", hoặc "hơi mặn", hoặc "thiếu chút hành tỏi".

Tôi cảm nhận thật sâu vị ngọt của củ cải trắng, vị thanh của đậu cô-ve, mùi thơm của bơ. Và tôi nhớ đến gương mặt của những ân nhân của mình qua mỗi cái gắp thức ăn.

Thật tuyệt vời khi chúng ta có cơ hội, có điều kiện để làm cái việc cảm nhận đó.

Nó cho chúng ta cảm giác, một cảm giác rất rõ ràng là chúng ta đang sống như một con người chứ không phải như một cái máy.

Trí tuệ nhân tạo hiện nay đã phát triển không tưởng. Những thứ chúng ta được xem trong phim khoa học viễn tưởng vài mươi năm trước, giờ đây đã gần như thành hiện thực. Máy móc hiểu được tiếng nói của con người, giờ đây máy móc có khả năng gọi điện thoại đến một nhân viên lễ tân ở một nhà hàng để đặt một bàn ăn cho 6 người vào tối thứ 6 tuần tới. Trong đoạn hội thoại mà Google biểu diễn, cuộc nói chuyện có những chỗ trục trặc kiểu ông nói gà bà nói vịt, không hiểu ý nhau, nhưng máy móc đã xử lý được và đã đặt bàn thành công.

Chắc cũng sớm thôi họ sẽ sớm chế tạo được một con robot để làm bạn với loài người, khi chúng nghe ta kể chuyện, nếu là một câu chuyện cảm động thì bộ xử lý trung tâm sẽ ra lệnh cho tuyến nước mắt tiết ra nước giống như con robot đang khóc vậy. Nhưng cái khóc đó không đến từ cảm nhận, việc đó quá rõ ràng.

Vậy nên, khi chúng ta có thể cảm nhận, và khi chúng ta ý thức được rằng chúng ta đang cảm nhận sâu, thì khi đó chúng ta sẽ có cảm giác chúng ta là một con người, không còn là một cái máy nữa.

Nếu toàn bộ thực phẩm là do chúng tôi bỏ tiền ra mua, có lẽ tôi đã không có cơ hội để chậm lại như thế. Có lẽ tôi vẫn sẽ giữ thói quen cũ: ăn nhanh, và trong khi ăn thì tập trung vào những thứ khác (vd như những câu chuyện đùa bên lề của anh em, hoặc những sự việc tiêu cực mà tôi gặp phải trong ngày hôm đó hoặc những ngày trước đó).

Ân nhân đã tạo điều kiện cho tôi biết chậm lại, biết thực hành lòng biết ơn, biết cảm nhận. Và kết quả của việc thực hành biết ơn, thực hành cảm nhận là tôi đã để lại những sự tiêu cực bên ngoài tâm mình, để giữ cho tâm luôn bình thản, bình an. Điều này quan trọng lắm, bởi mỗi khi kết thúc giờ kinh phụng vụ buổi chiều, tôi luôn được nghe câu chúc này từ Cha Đức: "Chúc anh em một giấc ngủ bình an, và vào giờ sau hết, được ơn chết lành."

Còn về phần các vị ân nhân, thì Chúa Giêsu có nói: "Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu".

Hoặc như kinh sách Phật giáo cũng có nói, người nào cúng dường cho tăng đoàn để họ có điều kiện mà thành đạo, thì công đức của người đó là lớn lắm.

Xin cầu cho anh em chúng tôi giữ vững bản lĩnh và cái tâm của một kẻ tu hành. Để không phụ lòng của những vị ân nhân.

Nguyễn Trương Nhật Quang