Truyện ngắn: Thơm thảo mùa Cô Vy (*)

Quang X Nguyen

THƠM THẢO MÙA CÔ VY

ảnh minh họa

1/ Đùng một cái, chú Bão, em trai anh Gió, cũng tân tòng, trở lại đạo để hợp thức hóa hôn nhân, từ mãi bên Meo - bơn, Úc - đại - lợi điện thoại về. Chưa kịp thăm nom hỏi han chuyện gia đình vợ chồng con cái, chú ấy đã bô bô:

-Miền Tây nắng nóng, khô hạn lắm phải không? Nghe nói nước mặn ngoài biển chảy ngược vô, nhiễm mặn nhiều nơi, đâu cũng mất mùa. Quê mình, nước mặn từ Rạch Sỏi vô sông Cái Sắn tới Tân Hiệp rồi phải không? Đói là cái chắc. Lại vướng nạn dịch bệnh Cô Vy. Người nghèo sẽ khốn đốn thôi… Vợ em mới sanh con trai, mẹ tròn con vuông. Mừng quá, chúng em muốn gởi tiền về, xin với đời một thánh lễ tạ ơn. Nhờ anh chị mua cho vài tấn gạo, loại ngon ấy, và một ít nhu yếu phẩm để tặng người nghèo, lúc nào thấy cần cho thì cho. Coi như của thơm thảo mùa Cô Vy ấy mà.


2/ Sợ ẩm mốc, chuột bọ, chúng tôi quét dọn nhà cửa sạch sẽ, trải bạt, để mấy chục bao gạo lên, mua vải ni - lon đậy lại. Vậy mà không biết tại sao, mấy ngày sau, ông trưởng ấp tới, hỏi:

-Có người trình báo, đang lúc dịch bệnh, đâu đâu cũng khó khăn, anh chị đầu cơ tích trữ gạo, chờ giá lên… Coi chừng anh chị xâm phạm an ninh lương thực đó nhé.

Anh Gió, chồng tôi có sao nói thật vậy không giấu giếm gì:

-Người em bên Úc gởi tiền về để làm từ thiện thôi.

Ông vua con, vua một ấp cau mặt:

- Làm từ thiện ư? Sao không gởi cho Mặt trận tổ quốc? Lần này tôi tha, lần sau phạt đó.

Rồi ông cười rất tươi, ra tới cổng còn ngoái lại:

-Chừng nào phát, chừa cho tôi mấy phần đó ngheng?

3/ “Thật vậy, người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12, 8), nên chẳng cần chờ lâu lắc gì, chỉ nửa tháng sau, chúng tôi quyết định giải phóng kho bãi. Học đòi nếp sống văn minh ở đâu không biết, anh Gió treo tấm đề - can ngay cửa:

* Nếu gặp khó khăn, xin quý anh chị em nhận một phần quà gồm: 10 kg gạo, 1 thùng mì tôm, 1 chai dầu ăn, 1 chai nước mắm, 1 kg đường.

* Nếu ổn định được xin nhường cho người túng thiếu hơn.

4/ Con Ngọng mới lãnh một phần quà xong, nửa giờ sau, nó đi bộ trở lại. Tôi hỏi:

-Cháu mới nhận mà. Phần của cháu đâu rồi?

Nó lấy tay áo chùi mắt, ngọng nghịu:

-Đi… goa nhà bà Na tạp góa… bả lấy trừ nợ tiềng… gựu ba mua thiếu… gồi. (Đi qua nhà bà Nga tạp hóa, bà ấy lấy, trừ nợ tiền rượu ba mua thiếu rồi).

Tôi tức ứa nước mắt chưa biết nói gì, thì anh Gió đã đưa bọc quà mới, mau mắn:

-Của cháu đây, lên xe chú chở về…

5/ Hai người, chắc là hai vợ chồng, ăn mặc sang trọng, đeo khẩu trang, mặt kín như bưng, ngồi trên chiếc xe tay ga mới cáu ghé vào. Tôi đọc bảng số: 59 – Y1 *****, lẩm bẩm:

-59, Sài Gòn; Y1, yêu nhất, bảng số Hốc Môn đây…

Họ chẳng nói chẳng rằng, chẳng chào chẳng hỏi. Anh chồng xuống xe, vào lấy hai bọc quà rồi đi, không một lời.

Ba ngày liền như thế, vẫn hai vợ chồng ăn mặc sang trọng, đeo khẩu trang, mặt kín như bưng, vẫn chiếc xe tay ga mới cáu, vẫn bảng số: 59 – Y1 *****,

Tôi tức lắm, rắp tâm chờ lần thứ tư, sẽ cho một trận cái thứ nhà giàu mà tham lam!... Nhưng rồi họ một đi không trở lại…, tôi càng tức, muốn lộn ruột luôn, mà không làm gì được

6/ Chị Thắm, người mẹ đơn thân, ba đứa con ba ông bố khác nhau mà không ai biết, bản thân chị cũng không biết. Nhìn chị ăn mặc diêm dúa, trang điểm lòe loẹt, mắt thâm đen, môi mỏ đỏ choét là thấy mất cảm tình rồi. Chị nói như ở chốn không người:

-Có dịch bệnh Cô Vi, Cô Vít gì đó, mừng thấy bà cố luôn. Mấy đứa nhỏ được nghỉ học, khỏi phải đóng đủ thứ tiền: học phí, xây dựng, đồng phục, bảo hiểm, sách vở tùm lum… Cô Mây ơi! Cho tui một phần nha! Bốn mẹ con tui bữa cơm bữa cháo cả tuần lễ rồi… Tiền nhà khất tháng sau được, nhưng còn không có trăm mấy tiền điện, họ cúp điện cả nửa tháng rồi… Khổ lắm cô ơi!

Trong lòng tôi đang phân vân, nhưng miệng thì nói:

-Chị lấy đi.

Nhận một phần quà xong, chị Thắm vừa leo lên chiếc xe đạp cà tàng thì anh Gió gọi giật lại:

-Chị cầm hai trăm về đóng tiền điện nhé!

Chị vái chúng tôi như vái hai vị thần:

-Tạ ơn trời phật, cám ơn cô dượng. Tạ ơn trời phật, cám ơn cô dượng.

Chúng tôi giật mình. Tôi thật lòng:

-Chúng em phải cám ơn chị đã nhận cho ấy chứ!

7/ Trời mới sáng, thằng Tài, học trò cũ của tôi, làm nghề chạy xe ôm, năn nỉ;

-Cô còn nhớ bà Năm Trầu, bà Ba Chuối Chiên, ông Tư Cu không? Cả ba nhà đều ở bên sông, không con không cháu, hay có con cháu cũng như không, bây giờ không đi lại được, nghèo kinh khủng luôn. Cô cho con ba phần con mang tới nhà cho họ ngheng?

Trước đây, tôi có biết những người này. Lâu rồi, giờ mới nghe tin lại là tin không vui. Tôi đồng ý ngay. Tôi đưa cho nó 50000 đồng:

-Con cầm tiền mua xăng, nhớ cho cô gởi lời thăm.

Chưa trưa, nó quay trở lại:

-Báo cáo cô, xong công tác. Cả ba người mừng quá trời quá đất luôn… Cô cho con một phần nữa được không?

Tôi rất ư vô duyên:

-Con xin cho con hả? Được luôn.

Nó cười khoe mấy cái răng vàng khè, chỉ tay lên tấm đề - can:

-“Nếu ổn định được xin nhường cho người túng thiếu hơn”. Đội ơn ông bà tổ tiên thương cho con còn khỏe, chạy xe ôm còn ngon. Cách ly xã hội do dịch Cô Vy, người ta ít đi lại, nhưng mỗi ngày con còn kiếm được trên trăm ngàn, còn… ổn định được.

-Vậy con lấy cho ai?

Nó hỏi ngược:

-Cô nhớ bà trùm Hạnh trên kênh không? Nhà bà cách nhà thờ mấy căn. Ba thằng con trai đều vợ con đùm đề, ra riêng, nhà cao cửa rộng, có máy cày máy gặt, có xe du lịch, xe tải… Chúng tị nạnh nhau sao đó, để bà mẹ già đói rách tả tơi. Đói ăn đã vậy, còn đói người, đói con đói cháu, đói tình yêu thương…

Tôi lưỡng lự:

-Nên không? Cho, ai cũng cho, giúp đỡ bà, đám con sẽ ỷ lại: “Dù bỏ mặc, mẹ mình cũng chẳng sao…”.

Vừa đúng lúc anh Gió cau mặt:

-Lấy đi, lấy đi Tài. Không cần biết nguyên do thế nào, cũng tại hoàn cảnh sao đó thôi, chỉ cần biết “Thương người như thể thương thân, rách thường cho mặc đói thường cho ăn” là đủ.

Rồi anh lên lớp tôi:

-Nhưng đói phải xếp vào loại ưu tiên một. Như kinh Thương người có mừời bốn mối, thương xác bảy mối. Thứ nhất (thứ nhất ngheng): Cho kẻ đói ăn…

Tạ ơn Chúa. Chẳng biết đúng sai thế nào, nhưng một tân tòng mà nghĩ được như thế thì tốt chán, phải không? Kính thưa quý vị.

Năm Mây
(tác giả gửi về VTCG)
---

Chú thích:
(*) mùa Cô Vy: là cách nói vui của nhiều người về dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19, bắt đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019. Dịch bệnh đã gây ra sự xáo trộn lớn đến đời sống của nhân loại: cách li, phong tỏa... các hoạt động vui chơi, giải trí hay các hoạt động công cộng thường ngày "biến mất". Một biến cố lớn của con người thời hiện đại, văn minh.