Ngày Nhà Giáo: Tri ân & cầu nguyện- Tác giả: Maria Trần Thị Nhan

Lan Mary

 


TGPSG -- Theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày rằm tháng chạp, trường Đại Học Y Dược có tổ chức một buổi lễ với tên gọi “MACCHABÉE” để sinh viên Y Dược tri ân những người đã hiến xác cho khoa học, tức “Người Thầy thầm lặng” của các em.

Ngày 20-11 là ngày Nhà Giáo Việt Nam, ở trong tháng 11, là tháng mà Giáo hội Công giáo dành trọn để cầu nguyện cho người đã khuất. Tôi đặc biệt tưởng nhớ đến các thầy cô và bạn bè đã mất, nhất là những người đã ra đi vì covid. Trong số đó có cả các y-bác sĩ và những người thầy mà các em sinh viên Y-Dược gọi là “Người Thầy thầm lặng”.

Theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày rằm tháng chạp, trường Đại Học Y Dược có tổ chức một buổi lễ với tên gọi “MACCHABÉE” để sinh viên Y Dược tri ân những người đã hiến xác cho khoa học, tức “Người Thầy thầm lặng” của các em. Lần đầu tiên tôi được mời tham dự lễ Macchabée với tư cách là người thân của một “Người Thầy thầm lặng”, một sư cô. Năm nay vì covid nên lễ tri ân tổ chức gọn nhẹ, không mời thân nhân tham dự. Ký ức trong tôi về ngày ấy… lại ùa về.
Chiều ngày rằm tháng chạp năm ấy (15-1-2014), tôi đến sớm hơn giờ khai mạc 30 phút. Một vài sinh viên trong ban lễ tân dẫn tôi đi một vòng để xem các bảng trang trí dọc hành lang trước khi vào hội trường. Một vài em còn đang ghi vội cảm nghĩ của mình trên những chiếc lá bằng giấy, và tỉ mỉ gắn lên cành trên bảng trang trí.



Các em khác xếp thành hai hàng dọc các hành lang, cầu thang, sân trường để đón tiếp thân nhân của người hiến xác tới dự lễ tri ân. Mỗi vị khách mời đều được gắn bông hồng đỏ trên ngực áo.

Nghi lễ được tổ chức trang nghiêm tại đại giảng đường, sau đó làm lễ rước hương đến phòng thực tập giải phẫu. Các bộ thi hài được phủ bạt trắng, xếp hoa sen trong lễ tri ân. Từng sinh viên cúi đầu lạy trước bàn thờ, bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc đến những người đã hiến thân cho khoa học. Rất nhiều thân nhân của người hiến xác bật khóc khi “gặp” lại người nhà của mình.




Tôi đưa thư mời cho một sinh viên tìm dùm người thân. Cô bé dẫn tôi đến thi hài một sư cô lớn tuổi. Đây là lần đầu tiên tôi gặp sư cô và không hiểu duyên cớ nào Ban tổ chức lại ghép tôi là người thân của sư cô này. Nghe cô sinh viên giải thích, tôi chợt hiểu và thầm cảm tạ ơn trên đã “se duyên” cho tôi và sư cô trong nghề giáo. Chắc hẳn trước đây sư cô cũng đã từng dạy học, từng thuyết pháp cho phật tử, từng giúp nhiều người tu tập theo con đường của Đức Phật. Còn tôi, một cô giáo dạy ngoại ngữ, đạo Công giáo, luôn ý thức mình phải sám hối nếu muốn sống đúng điều Chúa dạy. Tôi không có duyên gặp lúc sư cô còn sống, nhưng lại có duyên gặp sư cô sau khi sư cô đã hoàn tất nhiệm vụ của một “Người Thầy thầm lặng”. Gặp được nhau trong cõi đời này là một cái duyên, duyên kỳ ngộ, cho dù âm dương hai ngả!

Tôi đứng nhìn sư cô thật lâu, nhìn những mũi chỉ khâu thật khéo trên khuôn mặt sư cô, chỗ nào cũng có. Tôi không đủ can đảm mở tấm khăn đắp để nhìn tiếp các bộ phận khác của thi thể, nhưng cũng đoán biết toàn thân đã được sinh viên học tập hết rồi, và chắn chắc các mũi kim khâu cũng khéo không kém! Sư cô đã làm xong nhiệm vụ cuối cùng, đã hóa thân trở về cát bụi, và chắc chắn đang phiêu du miền cực lạc. Còn tôi, nếu mai này tôi được làm nhiệm vụ của một “Người Thầy thầm lặng” như sư cô, thì lúc đó tôi mới dứt hết được “cái nghiệp nhà giáo” của mình, phải không sư cô?


Đang trầm ngâm trò chuyện với sư cô, bỗng nhiên có một bàn tay vỗ nhẹ vào vai. Tôi quay lại nhìn. Thì ra một người quen thường gặp ở nhà thờ! Xì xào với nhau một chút, chúng tôi bắt đầu làm dấu, đọc vừa đủ nghe kinh cầu cho các linh hồn đã qua đời. Một vài người có đạo quay lại phía chúng tôi, cùng góp lời kinh cầu cho linh hồn những “Người Thầy thầm lặng” sớm được nghỉ yên. Bầu khí trầm mặc, khiến tôi cảm thấy bầu khí nơi đây bỗng trở nên “linh thiêng” cách kỳ lạ! “Người chết nối linh thiêng vào đời” như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết chăng?



Khi tiếng Amen cuối cùng của buổi cầu kinh ngắn gọn chấm dứt, ai đó nói khẽ bên tai tôi: “Mình đi qua góc bên kia, đọc kinh cho người khác nha chị!” Vâng, âm dương cách trở, lời kinh như chút kính trọng và yêu thương xin trao gửi cho những “Người Thầy thầm lặng”!



“Người Thầy thầm lặng” hiến xác để đào tạo các bác sĩ tương lai cứu mạng con người. Một quyết định tuyệt vời nhưng đượm chút bi thương sau cái chết! Vì thế, có một số trường hợp người muốn hiến thân cho khoa học làm đơn tự nguyện đăng ký, nhưng đến khi qua đời người thân trong gia đình lại không đồng tình! Những thi thể hiến cho khoa học được tập thể sinh viên, thầy thuốc, cán bộ giảng dạy kính trọng yêu mến như một báu vật vô giá, vì đã dạy cho biết bao sinh viên nắm vững giải phẫu để trở thành thầy thuốc có kiến thức, vững tay nghề, và còn giúp cho các thầy thuốc thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị để phục vụ cho con người.

Tôi ra về trong niềm vui khi đọc được những dòng chữ các em sinh viên ghi trên chiêc lá:

“Xin gửi lời biết ơn chân thành của chúng cháu tới những người thầy đã hiến thân cho khoa học. Xin cám ơn Thầy! Người Thầy thầm lặng!”




Trở về với hiện tại, tôi đọc thông báo: 20g30 tối 19.11.2021, tất cả các nhà thờ trong Tổng Giáo Phận Saigòn sẽ đổ chuông trong 5 phút để tưởng niệm những người đã ra đi vì covid. Hòa cùng tiếng chuông, tôi sẽ dâng lời cầu nguyện cho linh hồn hai cô giáo bạn tôi, bác sĩ Lương Lễ Hoàng cùng tất cả các y bác sĩ và mọi người đã nằm xuống trong tháng các linh hồn. Chắc chắn sư cô và “Những người Thầy thầm lặng” của sinh viên Y-Dược, cũng sẽ hiện diện giờ tưởng niệm của mọi người. Xin kính dâng một bông hồng trắng và một đóa sen trắng tri ân.

Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã từng nói: “Cuối giờ bạn chết, không còn là chết, nhưng là sự sống vĩnh hằng.” Vâng, lời của Đức Cố Hồng Y như đang văng vẳng bên tai tôi.