Cô sinh viên với niềm say mê nghiên cứu văn học Công giáo

Lan Mary

 

Ðó là Ðinh Phạm Phương Thảo, năm nay 21 tuổi, đang học năm thứ tư ngành Văn học, trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Thảo cũng là người con của giáo xứ Tân Mai (giáo phận Xuân Lộc). Niềm say mê văn học kết hợp với niềm tin tôn giáo đã mở ra cho cô bạn trẻ một lối đi riêng trên con đường học tập...

Trong một nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2020 - 2021, Ðinh Phạm Phương Thảo đã chọn “Tuồng Thương khó” của Ðức Giám mục GB. Nguyễn Bá Tòng (1868 - 1949) để tìm hiểu. Ðây được xem là một kịch bản viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên do người Việt Nam viết. Bài nghiên cứu này sau đó đã được rút ngắn để trở thành tham luận trong một cuộc hội thảo khoa học quốc tế, diễn ra vào cuối tháng 11.2021.
Xác định hướng đi và nhận được sự nâng đỡ
Ngay từ những buổi đầu tiên khi bước chân vào giảng đường đại học, Thảo đã ấp ủ mong muốn được học tập và nghiên cứu về văn chương Công giáo. Ðến năm học thứ ba, cô sinh viên lại càng nhìn nhận rõ hơn mong muốn và khả năng của mình để xác định hướng đi nghiên cứu về văn học Công giáo Việt Nam. Qua tìm hiểu, Thảo cảm nhận văn chương Công giáo như một “cánh đồng lúa chín” mênh mông mà còn thiếu “thợ gặt”. Có nhiều tác giả Công giáo, tác phẩm viết về tôn giáo chưa được nói đến, thậm chí là bị lãng quên. Ðặc biệt trong nền văn học Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ buổi đầu, các trí thức Công giáo góp công không ít và các tác phẩm Kitô giáo chiếm dung lượng đáng kể. Ðó cũng là lý do thôi thúc cô bạn trẻ muốn “trở về nguồn”, với khát khao được tìm tòi, khám phá những tác phẩm của tôn giáo mình.

Rồi từ nhu cầu của ngành học, Thảo muốn thực hiện một nghiên cứu khoa học. Khi đã xác định được hướng đi, một cột mốc mà cô sinh viên cho là quan trọng, cô đã trao đổi với giảng viên hướng dẫn chuyên môn là PGS.TS Võ Văn Nhơn. “Ban đầu em có suy nghĩ đến việc nghiên cứu “Gẫm 15 sự thương khó” như một loại hình diễn xướng của văn học dân gian. Song, với sự hiểu biết của mình, thầy Nhơn giới thiệu với em “Tuồng Thương khó”, một tác phẩm thầy thấy có nhắc tên trong một công trình nghiên cứu khác...” - Thảo kể. Nghe thầy gợi ý, cô sinh viên có chút bối rối về thể loại do chưa từng nghiên cứu về kịch bao giờ, sau đó lại đến sự lo lắng của cả thầy trò vì như lời PGS.TS Võ Văn Nhơn:“Liệu có tìm được kịch bản ‘Tuồng Thương khó’ không?”. Câu hỏi này vừa là động lực thôi thúc Thảo phải bắt tay vào việc tìm kiếm kịch bản liền, cũng vừa như một thách thức với cô sinh viên năm 3 lần đầu tập tành nghiên cứu khoa học và chọn một tác phẩm không có sẵn.

Bên cạnh những kiến thức chuyên môn có được thì việc là một Kitô hữu chính là thuận lợi lớn nhất của Thảo khi thực hiện đề tài nghiên cứu này. Ðược lớn lên trong một xứ đạo có bề dày lịch sử gần 70 năm, tình yêu và sự hiểu biết về tôn giáo được nuôi dưỡng là nền tảng để cô bạn trẻ có khả năng đọc hiểu các tác phẩm văn học Công giáo hơn so với các bạn khác niềm tin. Cùng với đó, theo như Thảo chia sẻ thì em đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và dẫn dắt. Một số linh mục ở Sài Gòn cũng như tại giáo xứ nhà ở Biên Hòa đã tạo mọi điều kiện để hỗ trợ Thảo trong quá trình tìm kiếm kịch bản “Tuồng Thương khó” tại các thư viện Công giáo, “đặc biệt là sự nâng đỡ của nhà nghiên cứu Lê Ðình Bảng và con trai, người sẵn lòng chỉ dẫn và cho em mượn kịch bản ‘Tuồng Thương khó’ được in lần đầu tiên, một tài liệu quý giá mà nếu không có, hẳn đề tài sẽ khó lòng thực hiện”. Và một người luôn đồng hành từ lúc khởi đầu cho đến khi cô sinh viên hoàn thành đề tài nghiên cứu, đó là PGS.TS Võ Văn Nhơn, tuy không phải là người Công giáo nhưng thầy cũng có những quan sát và kết nối nhất định với văn học Công giáo Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Tiếp cận “Tuồng Thương khó”

Nhớ lại hành trình tìm kiếm tài liệu về tác giả và tác phẩm, cô sinh viên cho đó như một chặng dài. Bởi khởi đầu chưa có gì là chắc chắn, chỉ có thể nói là “hy vọng”. Học đại học ở TPHCM, Thảo vẫn đi xe buýt về nhà trong ngày, nên lúc đi tìm tài liệu cũng rong ruổi khắp các thư viện lớn nhỏ với khoảng cách địa lý khá xa (từ Biên Hòa lên Sài Gòn) và phương tiện di chuyển cũng là xe buýt. Cho đến khi cầm trên tay kịch bản “Tuồng Thương khó” nhận được từ ông Lê Ðình Quốc Chính (con trai nhà nghiên cứu Lê Ðình Bảng), Thảo thật sự xúc động. Chỉ mới trước đó thôi thì mọi hy vọng tìm được bản in đầu tiên dường như bị dập tắt hoàn toàn bởi hầu như các thư viện Công giáo lớn đều không thấy, cuối cùng lại gặp được nó trong một thư viện gia đình.

“Tuồng Thương khó”, bản in đầu tiên năm 1912

Trong quá trình đọc kịch bản, nghiên cứu và viết bài, điều Thảo tâm đắc nhất không nằm ở riêng một chi tiết nào, mà trọn vẹn tác phẩm. Ðiều gợi lên trong cô bạn trẻ nhiều suy tư chính là những gì mà tác giả - Giám mục GB. Nguyễn Bá Tòng - đã làm được trong hơn 100 trang kịch bản. Ðó là việc ngài ứng dụng lối viết kịch hiện đại theo kiểu phương Tây, một vở kịch nói viết bằng văn xuôi vào giữa buổi người ta còn đang quen với kiểu tuồng kịch hát bội bằng văn vần. Ðó là việc ngài sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ, ngôn ngữ của đời sống trong tác phẩm của mình. Ðọc hết tác phẩm, Thảo thấy được sự sáng tạo, tài năng của tác giả trong việc tiếp thu các thành tựu của văn học phương Tây kết hợp với những giá trị truyền thống dân tộc; tâm huyết của một vị linh mục trong việc đưa tôn giáo đến gần hơn với đời sống, để người xem kịch, người đọc kịch bản sẽ thấy tôn giáo không phải là chuyện của các vị thánh trên trời mà là những câu chuyện diễn ra trong đời sống, người ta sẽ không thấy Giêsu như một người đàn ông Do Thái xa lạ mà cũng có thể là một người Nam bộ gần gũi... Cô sinh viên cũng nhận ra vở tuồng vẫn còn những điều chưa hoàn thiện, nhưng với cô: “Trong tư cách là một người nghiên cứu và là một Kitô hữu, em trân trọng tài năng và những đóng góp của tác giả Nguyễn Bá Tòng với văn học và với Giáo hội”.

Từ đề tài nghiên cứu khoa học 50 trang, PGS.TS Võ Văn Nhơn đã ngỏ ý rút gọn lại để tham dự một hội thảo quốc tế và thầy cũng là đồng tác giả của tham luận này. “Văn học, điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa” là chủ đề của hội thảo, do khoa Văn học trường Ðại học KHXH&NV TPHCM tổ chức, với sự tài trợ của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation). Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên sự kiện diễn ra bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng Google Meet, với sự tham gia của các giáo sư, học giả tại các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

                 Hội thảo diễn ra bằng hình thức trực tuyến (Phương Thảo bên trái màn hình)

Tại đây, tham luận “Tuồng Thương khó - kịch bản sân khấu hiện đại đầu tiên do người Việt Nam viết” đã được đánh giá như một sự khám phá có tính chất mới mẻ, đặt ra một cột mốc mới cho lĩnh vực văn học và sân khấu hiện đại. Sự xuất hiện của đề tài như một yêu cầu cần phải nhìn nhận lại vấn đề, đưa ra một ghi nhận mới cho cột mốc đầu tiên của kịch nói hiện đại Việt Nam và văn học hiện đại Việt Nam với kịch bản viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên do người Việt sáng tác. Phần trình bày của Phương Thảo được mọi người lắng nghe và có những phản hồi tích cực. Thảo cho biết mình rất vui vì từ đây, đã học hỏi thêm được một số điều hay và lại nhận thêm được sự chia sẻ về nguồn tìm kiếm tài liệu, những tư liệu có liên quan đến tác giả, tác phẩm từ các thầy cô có nghiên cứu giai đoạn văn học này.

Hiện ở năm cuối đại học, cô sinh viên đang nỗ lực hết mình cho việc học tập và nghiên cứu theo niềm say mê của mình. Tại xứ Tân Mai, Thảo vẫn tham gia các sinh hoạt nhà đạo và là một giáo lý viên tích cực.

LIÊN GIANG