Bà Quản Đô- Tác giả: Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

Lan Mary

 

Sáng nay, khoảng gần 7h00 ngày 10/03/2021, tôi nhận được điện thoại báo tin bà vừa trút hơi thở cuối cùng vào 6h12’. Thế là trái tim người phụ nữ ấy đã ngừng đập sau 89 năm hành trình dương thế. Mấy hôm trước, tôi còn nghe các bác sĩ bảo bà có một quả tim rất khoẻ. Vì thế mà ngay cả trong lúc hôn mê thì con tim của bà vẫn rất ổn. Dẫu cho cái chết của bà đã được tiên đoán từ trước, nhưng khi được tin bà ra đi, tôi vẫn thấy bàng hoàng và xúc động.

Những kỷ niệm tự nhiên ùa về trong tôi. Có quá nhiều điều để nói và viết về bà. Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Tôi với bà có một sự gắn bó đặc biệt nếu như không muốn nói là độc nhất vô nhị.

Thông thường khi một em bé sinh ra thì sẽ được các linh mục rửa tội. Tôi sinh ra trong thời kỳ mà cha xứ đã già và đau bệnh. Công việc rửa tội cho các trẻ em được giao phó cho các ông bà quản trong các xóm. Vì thế mà tôi đã được bà rửa tội. Điều đặc biệt hơn nữa là người đỡ đầu cho tôi lại là người chồng của bà. Bố tôi bảo thông thường các con trai thì toàn ông nội tôi đỡ đầu. Hôm đó, ông nội tôi đi vắng nên ông Đô, chồng bà mới được chọn thay thế. Từ đó, hai ông bà trở thành cha mẹ thiêng liêng của tôi. Hai ông bà không có con nên tôi trở thành một người con gần như thực sự của ông bà.

Bà là người cất kinh ở nhà thờ. Bà có một giọng cất kinh tuyệt vời. Sau này lớn lên, tôi đã đi nhiều nơi, nghe nhiều giọng cất kinh khác nhau, nhưng có lẽ không một ai có khả năng cất kinh hay như bà. Bà thuộc làu hết các kinh chứ không cần phải dùng đến sách. Bà đã làm công việc quản giáo và cất kinh từ thời cha già Phêrô Maria Đỗ Diệu Kỳ và mấy chục năm của cha Phanxicô Xaviê Kiều Ngọc Viên rồi cả thời cha cố Vicente Nguyễn Đăng Xuyên và cha cố Giuse Trần Ngọc Cương. Mãi đến những năm gần đây vì lý do sức khoẻ bà mới nghỉ việc. Có thể nói bà đã phục vụ làm quản giáo và cất kinh gần như suốt cuộc đời.

Có một điểm mà ai cũng phải thừa nhận là bà không bao giờ ca thán điều gì. Nét mặt lúc nào cũng vui tươi. Bà có một khuôn mặt rất phúc hậu. Khi tôi gọi điện thoại cho cha cố Viên, chính ngài đã nhận xét như vậy. Và cả cha Tuyến giảng trong thánh lễ an táng của bà cũng nhấn mạnh điều đó.

Bà có một khả năng sư phạm tuyệt vời. Lớp thiếu nhi trong xóm chúng tôi thời đó chiều nào cũng đến nhà bà để học. Nhà bà làm nghề đan cót. Bà vừa làm việc, vừa đập nhịp cho chúng tôi hỏi thưa các câu kinh bổn. Sau đó bà cắt nghĩa cho chúng tôi hiểu thêm về giáo lý. Những đứa trẻ nói chuyện hay nghịch ngợm bà cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không cần phải dùng đến roi vọt. Nhưng kết quả là tất cả chúng tôi đều lớn lên và trưởng thành.

Ngoài việc làm quản giáo và cất kinh ở nhà thờ, bà còn làm hội trưởng hội mân côi. Bà động viên cả các em nhỏ cũng tham gia vào hội mân côi của giáo xứ. Mỗi hội viên khi tham gia sẽ lần hạt một chục. Hội mân côi xứ Phú Đa ngày đó đã quy tụ được hơn một ngàn thành viên. Sau này khi có Legio Mariae, bà cũng tham gia và trở thành thành viên của Đạo Binh Đức Mẹ.

Tháng mân côi bà đọc sách tháng mân côi. Tháng thánh Giuse thì đọc sách tháng thánh Giuse. Bà không cần mic nhưng tất cả nhà thờ ai cũng nghe rõ giọng đọc của bà. Bà còn đi đọc sách giúp kẻ liệt để người đó được chết lành. Những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi một sự kiên nhẫn vô cùng. Cất kinh hay đọc sách thì luôn phải đúng giờ. Sau các thánh lễ, bà và một số các bà trong hội cầu nguyện thường ở lại cầu nguyện thêm 15 phút nữa rồi mới ra về. Tôi không biết thế hệ của bà qua đi, thế hệ kế tiếp có còn duy trì được những thói quen tuyệt vời này hay không?

Khi còn đi học hay sau này khi đã làm linh mục, mỗi lần về thăm bà, tôi vẫn thường được bà nhắc nhở về đời sống cầu nguyện. Lúc nào tôi cũng nhìn thấy bà đọc sách và cầu nguyện. Có thể nói bà là người có đời sống nội tâm sâu sắc. Có lần bà kể cho tôi việc bà nhắc nhở người cháu rể, một tân tòng. Bà bảo với cháu rằng theo Chúa là phải từ bỏ mình vác thập giá mà theo. Vì thế mà cháu phải luôn kiên trì cầu nguyện xin ơn của Chúa. Chúa ban ơn cho thì mới đủ sức theo Ngài được. Những lời chia sẻ của bà cho thấy bà là một người có hiểu biết sâu sắc về giáo lý dù bà chẳng đi theo trường lớp nào.

Tới với giáo xứ Phú Đa, chỉ cần hỏi thăm bà quản Đô thì ai ai cũng đều biết. Nhưng bà không phải là người gốc Phú Đa. Bà tên thật là Maria Madalena Vũ Thị Kim Ngâu, sinh ngày 05/08/1934, thuộc họ Vũ Xá, xứ Vũ Điện. Bà kết hôn với ông Antôn Nguyễn Văn Đô vào năm 1954. Hai ông bà không sinh được người con nào nhưng cuộc hôn nhân của họ vẫn đong đầy hạnh phúc. Có người này người kia cứ trêu chọc ông bà vì không có con nhưng bà tuyệt nhiên không bao giờ tức giận.

Tôi vẫn còn nhớ như in thời điểm tháng 7 năm 1994. Khi đó, ông Antôn lâm bệnh. Tôi được nghỉ hè nên có điều kiện thăm hỏi ông thường xuyên. Tôi mua cho ông một hộp bánh. Ông đã ăn đến chiếc bánh cuối cùng thì qua đời. Vài ngày trước khi ông trút hơi thở cuối cùng, ông gọi bà đến bên giường và bảo rằng: “Tôi với bà được Chúa thương cho kết bạn cùng nhau. Mặc dù Chúa không cho chúng ta người con nào nhưng tôi vẫn luôn chung thuỷ với bà suốt 40 năm qua. Tôi không có tình ngang ý trái gì”. Những lời này khi tôi nghe bà kể lại và ngay cả khi đang viết lại những dòng này, tôi vẫn thấy nổi da gà. Người ta bảo con chim lúc sắp chết cất tiếng hót bi ai còn con người sắp chết nói những lời lành. Những lời của ông như một chứng tá tuyệt vời về đời sống hôn nhân gia đình và cũng là bài học sâu sắc cho các gia đình trẻ.

Nói về ông Antôn thì cũng có rất nhiều điều đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi cũng có gần một năm đi buôn cót với ông. Điểm nổi bật nhất ở ông là sự chân thật. Nơi ông không có gì gian dối. Ông thường mua cót ở Vũ Xá và đem vào chợ bầu đổ cót cho bà Việt. Ông mua bao nhiêu thì nói giá bấy nhiêu và ăn chênh lệch là 2 giá như đã thoả thuận với bà chủ. Tôi đi với ông gần một năm nhưng cũng thấy thật khó để duy trì việc buôn bán như thế bởi vì mình sẽ không được lãi nhiều. Nhưng chính nhờ sự chân thật ấy mà ông được mọi người yêu quý và tiếng thơm còn để lại đến mãi mãi.

Ông đã ra đi được 28 năm. Hôm nay, bà theo ông về bên Chúa. Tôi luôn tin rằng ông bà sẽ thực sự gặp nhau trên Thiên Quốc bởi vì hai ông bà đã trung tín với nhau đến hơi thở cuối cùng. Maria Madalena đã một đời yêu Chúa, bà cũng đã sống tình yêu ấy với Chúa trọn cuộc đời như thánh quan thầy. Vì dịch bệnh nên bà được hoả táng. Tro cốt được đưa vào chiếc quan tài bé nhỏ. Tôi cứ ngỡ như lễ an táng cho một trẻ thơ. Mà thực sự bà đã sống đơn sơ như một trẻ nhỏ nên Nước Trời sẽ thuộc về bà. Bà ra đi giữa mùa Chay nên càng nhắc nhở tôi và bạn về thân phận bụi tro. Chớ gì mỗi chúng ta cũng hãy sống trọn vẹn tình yêu với Chúa và tha nhân để một ngày kia, chúng ta sẽ cùng nhau được hạnh phúc vĩnh hằng bên Chúa.

Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa
Nguồn:tonggiaophanhanoi.org