Cô bé "quan hai"

Lan Mary
Bây giờ tôi đã có đầy đủ, nhà cửa, sự nghiệp. Tôi đã sinh cho chồng tôi toàn con trai. Chúng nó đã thành công, đó là sự mơ ước của tôi. Nhưng có một sự mơ ước thầm kín nhất của tôi không bao giờ đạt được là một trong các con tôi thành linh mục như cha T.. NGUỒN:

CÔ BÉ "QUAN HAI"


(Viết thay cho một người bạn...)

Năm ấy tôi mới 16 tuổi học lớp đệ nhị trường trung học Gia Long... Tôi chưa biết yêu, nhưng được yêu. Chàng là người đàn ông với nét còn thư sinh, với đôi mắt biết cười tình, với song mủi thẳng tấp.

Tôi gọi chàng là Cha, vì chàng là linh mục.

Cha T mới được thuyên chuyển về Saigon và dạy học. Cha giúp ca đoàn, mà tôi cũng mới gia nhập vào ca đoàn lúc đó, vì thế tôi thường gặp chàng mỗi chiều thứ sáu tập hát. Thế là tôi quen cha từ đó. Cha T đàn dương cầm rất hay. Cha tập tôi đọc những nốt nhạc Latin. Những nốt nhạc ấy đối với tôi ban đầu còn xa lạ vì khác với nốt thường, những bài hát Latin làm tôi ngượng ngập.

Sau một thời gian luyện tập những bài hát Latin như Requiem, tôi đã thuộc lòng như bản tình ca. Những lúc ấy tôi say sưa nhìn chàng đàn, những ngón tay dài trên phím ngà làm tôi xao xuyến. Thỉnh thoảng cha bắt tôi đứng gần bên để lật từng trang khi cha đàn, lúc ấy tay chân tôi lúng túng.

Sau khi tan giờ tập hát, mỗi người lần lượt ra về, cha bảo tôi ở lại tập hát những khúc solo, tôi hát cha đàn, những nốt nhạc sầu thanh thoát và chìm. Tôi thích cha đàn dương cầm, những nhạc khúc của Chopin, Mozart, những nhạc khúc của Andrew L Weber huyền bí; rồi những nhạc khúc của Beethoven để tôi lao đao trong vùng sâu âm thanh, và hồn tôi lang thang trong thinh không, những lúc ấy tôi có cảm nghĩ, cha không có vẻ gì là tu sĩ cả, cha là một nghệ sĩ thì đúng hơn.

Vì tôi bị toán kém, ba mẹ tôi phải gởi tôi học thêm toán chung trường với em trai tôi để kịp với chúng bạn, do đó tôi gặp cha thường, vì cha dạy lớp của em trai tôi. Một hôm em tôi đưa một tấm giấy nhỏ...

Tôi đọc thầm mảnh giấy cha viết:

- Đến thư viện gặp cha gấp.

Câu viết ngắn ngủi như một cái lệnh, đầu óc tôi đầy những dấu hỏi ?

Tôi cầm mảnh giấy của cha, đến thư viện. Không thấy cha, tôi nghĩ cha đang giải tội ở nhà thờ. Tôi đi đến phòng cha kiếm cha.

Tôi ngó quanh phòng, những sách vở chồng chất trên bàn đầy bụi. Tôi loay hoay quỳ xuống dọn dẹp cho ngăn nắp, chợt thấy nhật ký của cha đang viết dở. Sự tò mò thúc đẩy, tôi muốn đọc hết những gì cha viết. Tôi dán mắt vào trang cuối cùng không bỏ sót:

- Những lần em đứng sau lưng tôi, hơi thở ngọt ngào của em khiến tôi run cả người, tôi yêu em mất rồi cô bé 17.. Chúa ơi! Con yếu đuối quá, tha tội cho con, con đang yếu lòng.

Tôi run cả tay chân, tim tôi đập mạnh, tôi bỏ chạy. Tôi thấy cha đi tới, tôi cúi đầu đi thật nhanh, vừa đi vừa nói trong hơi thở:

- Thưa cha, con phải vể, kẻo mạ trông.

Kể từ hôm đó, lúc nào gặp cha tôi cũng thấy xôn xao, mặt tôi đỏ hồng, tim tôi đập mạnh. Có phải tôi biết yêu rồi không?

Thời gian trôi qua, chuyện tình dù thầm kín đến đâu, cũng không giấu được con mắt người đời. Sự giao du thân mật giữa cô bé 17 với linh mục đã trở thành cái gai trước mắt mọi người, họ xầm xì mổi khi thấy tôi.

Rồi một buổi chiều đi học về, tôi thấy ba người đàn bà trong họ đạo đang ngồi nói chuyện với ba mẹ tôi. Tôi linh cảm có chuyện gì xảy ra rất nghiêm trọng. Họ nói chuyện thật nhỏ, nhưng tôi nghe xì xào tên tôi...

Khi ba người đàn bà ấy về, ba tôi lấy dây nịt đánh tôi và mắng tôi thậm tệ:

- Thiếu gì đàn ông, con trai mà mày "đi nhí nhảnh "với cha, với cụ?? Dẹp hát, dẹp hò đi.

Mẹ tôi bình tĩnh hơn, mếu máo, trọ trẹ bằng giọng Huế:

- Con có một bầy em gái, làm chi ốt dột rứa con? Cả nhà thờ chửi mạ, sống nhục ri, làm sao mà chường mặt với họ đạo, xóm giềng hả con?

Tôi òa khóc:
- Tại cha thương con, con chỉ kính phục cha thôi mạ à, mạ làm như con mang bầu với ông ấy.

Mẹ tôi quát:

- Nói như rứa là quá quắt rồi, còn chờ chi nửa, còn đòi mang bầu với cha à ?
Với kinh nghiệm, mẹ khuyên tôi:

- Từ chổ kính phục cho đến tình yêu không xa mấy đâu. Con nên chấm dứt ca đoàn, và không nên tiếp xúc với cha ngay từ bây giờ, cha là người của Chúa, xuống hỏa ngục cả đám con ạ "

Từ ngày bị trận đòn của ba tôi, tôi không được đi tập hát ở ca đoàn nữa. Những chiều tan học, ba tôi đi đón, làm tôi mất cả tự do, ngay cả những lúc đi nhà thờ. Có lần đi lễ ở nhà thờ cha T. Khi tan lễ ra về, một bà cụ đến trước mặt tôi, chỉ vào mặt, giọng lạnh như dao, nói như chém vào mặt tôi:

- Quỷ Satan! Quyến rũ cha cụ mà còn đi rước lễ à? Từ đó mẹ tôi bắt tôi đi lễ ở nhà thờ khác.

Nhờ em trai học lớp của cha dạy, ngày sinh nhật tôi, cha gởi cho tôi một thỏi kẹo chocolate: "Mừng sinh nhật cô bé "

Tôi mở ra để ăn những thỏi chocolate ngọt ngào nhưng đắng nhẹ trong miệng. Chợt một dòng chữ quen thuộc của cha hiện trên giấy bọc kẹo:

"Cho anh nghe lại tiếng hát ngọt ngào của em, cho anh thấy lại nụ cười của em. Nhớ em lắm em biết không? "

Tôi vò tờ giấy thật nhanh vì sợ ai nhìn thấy, tim tôi thổn thức.

Mùa thu mưa Saigon nặng hột, tan trường về lại bị mưa, chiếc xe volex cũ của tôi mỗi lần trời mưa lại chết máy, nặng trĩu, tôi dắt xe đến một chổ sửa xe quen thuộc, rồi lặng lẽ đi bộ về nhà, chợt có ai đó theo tôi gọi tên tôi, tôi quay lại nhận ra tiếng của cha, chiếc áo chùng đen đã thay vào sơ mi xanh nhạt, quần tây đậm màu, hôm nay tôi mới nhận ra rằng cha vẫn là một người đàn ông bình thường, như một sinh viên.

Tôi sợ hãi ôm cập táp chạy trong mưa, vì những lời mạ dặn dò:

- Con nên tránh gặp cha T vì cha là của Chúa, con sẽ mất linh hồn.

Tôi đi thật nhanh trong mưa để tránh gặp cha, cha vừa đi vừa gọi tên tôi:

- S dừng lại đi, cho anh gặp em một chút.

Cuối cùng cha cũng đã kéo tay tôi, xoay tôi lại, hai tay cha đặt hai vai tôi, mặt với mặt, cha nhìn sâu trong mắt tôi và nói:

- Anh muốn gặp em để từ biệt, tuần sau anh ra trận..

Tôi nghe chữ "ra trận "tôi thốt lên:

- Tại sao cha ra trận, khi cha mặc áo dòng?

Cha nhìn thẳng mắt tôi,

- Anh đã cố gắng kiềm chế lắm rồi, nhưng thật sự không làm được, anh không lựa chọn nào khác anh phải rời khỏi nơi này, vì ở đây trái tim anh luôn nghĩ đến em, cách duy nhất là rời chốn này để quên được em, em có biết rằng đôi khi anh đến trường chờ em tan học để nhìn thấy em, anh điên mất rồi.

Mắt tôi cay, nước mắt tuôn trào xuống má quyện cùng nước mưa từ trên tóc chàng, chàng lấy tay chùi nước mắt cho tôi khẽ hỏi:

Sao em khóc? có phải vì em yêu anh phải không? trả lời anh đi S.

Tôi cuối mặt xuống không dám nhìn Cha vội vàng trả lời:

- Em không biết, em không biết...

Một cơn gió nhẹ làm tôi lạnh run, mới biết rằng người tôi đều ướt, những đường cong màu hồng da thịt dưới hàng lụa trắng hiện lên, chàng cởi áo mưa đang mặc choàng cho tôi và dắt tôi ra đường:

- Anh đón taxi đưa em về, coi chừng em bị cảm,

Cha đẩy tôi vào xe taxi, và đưa tiền cho bác tài xế cha nói khẽ:

- Tạm biệt em anh đi, nhớ cầu nguyện cho anh nhé.

Taxi bắt đầu chạy, bên lề đường chàng vẫn đứng trong mưa, giơ tay vẫy tôi, cho đến khi bóng chàng mờ dần nhỏ dần chỉ còn là chấm đen.

Tết Mậu Thân, 1968 CS chiếm Huế mạ tôi khóc hết nước mắt vì mất hai em trai,
tôi thấu hiểu hơn về chiến tranh VN và CS, khi nhà trường không bao giờ nhắc tới, không bao giờ cho chúng tôi thấy những cảnh giết chốc từ Cộng Sản để chúng tôi hiểu rõ.

Sau cuộc tấn công của CS năm đó, những club của các anh chị sinh viên nhảy đầm trước kia không còn nữa, không còn kêu gọi tôi và các bạn đến tham dự, một sự yên lặng, có thể đây cũng là bài học cho các anh chị sinh viên ..

Thỉnh thoảng khi tôi đi nhà thờ, có dịp ngang phòng cha T, tôi không còn nghe tiếng đàn của Cha vọng ra nữa. Một nỗi buồn vu vơ xâm chiếm hồn tôi, và tôi tự hỏi:

- Bây giờ cha ở đâu??

Thi rớt "Tú Toàn" tôi chọn đời binh nghiệp. Tôi gia nhập vào quân đội. Ba tôi cản kịch liệt vì ông quan niệm quân đội chỉ dành cho đàn ông. Nhưng tôi cũng khăn gói ra đi...

Khi tôi ra trường khóa sĩ quan Xã hội, tôi tình nguyện và chọn quân khu 1, có dịp đi công tác ở Quảng Trị. Dịp này tôi nhìn xung quanh từ vĩ tuyến 17, tôi mới nhận thấy rằng trong thời gian tôi là nữ sinh, được cắp sách đến trường, vui chơi với các bạn trong những buổi nhảy đầm, và cùng với anh chị sinh viên, cầm biểu ngữ chống chiến tranh, tôi thấy ân hận quá. Trong những năm đó, tôi đã được yên ấm như thế là nhờ công ơn người lính VNCH.

Nhờ đứa em trai còn liên lạc với cha, tôi được biết cha đã vào quân đội và là Tuyên Úy đang ở Ban Mê Thuột.

Năm 1974 có dịp tôi đi công tác vùng ấy. Tôi xin ông chỉ huy trưởng cho tôi đến thăm Cha T.

Xe jeep đưa tôi lên một nơi đầy bụi ngập đất đỏ. Tôi hình dung khi gặp nhau, liệu cha có còn nhân ra tôi không? cô bé 16 ngày xưa?? Tôi tưởng tượng màu áo olive được thay vào chiếc áo chùng thâm của cha. Rồi tôi tự hỏi, không biết cha có cầm súng như ngững người lính khác hay không?

Trên đường, những người đàn bà thiểu số đi chân không, đầu đội những cái thúng to. Mương rãy bị bỏ hoang, nhà cửa thưa thớt dần và sự chết như rình rập đâu đây. Tôi mệt mỏi nhắm mắt, nhưng những ổ gà to làm tôi giật mình, mở mắt.

Chiếc xe bỗng dừng lại, anh tài xế nói:

- Trung úy ơi mình phải đi đường khác, vì đường nầy họ đang rà mìn .

Tôi không trả lời nhưng gật đầu. Tôi nghĩ về cái chết của Phương, anh là một Đại Úy y sĩ của Trung đoàn, người mà cũng một lần nói tiếng yêu tôi, trong một chuyến công tác đã cán phải mìn của VC. Tôi thở dài và tự hỏi: Biết bao giờ thì đất nước này không còn chiến tranh, cái chết không còn rình rập? Đường xá quê hương tôi được phẳng lì, không còn những ổ gà và bị những ổ mìn gài bẫy??

Xe ngừng lại ở cổng một trại lính. Người lính gác cổng giơ tay chào tôi. Anh tài xế trình giấy tờ cần thiết. Những người lính ở đây rất ngạc nhiên khi thấy tôi đến vùng nầy, một vùng đất bị lãng quên bởi những người thị thành, một vùng đất lạc, tên bay.

Xe jeep chạy dọc theo hàng rào kẽm gai, đất khô sằn sỏi đá. Nhìn quanh chỉ thấy những giao thông hào, những ụ súng im lìm, thủ thế, những họng súng đợi chờ, và ở đây, chỉ có đàn ông, những người lính chiến với những khuôn mặt sạm nắng.

Xe ngừng lại trước một căn nhà có cây thánh giá trước cửa và hàng chữ "CHA TUYÊN ÚY TMT."

Cha đi ra, khựng người khi trông thấy tôi, hai tay cha buông thỏng.

Tôi nghẹn ngào gọi:

- Cha!

Cha T nhìn tôi từ đầu đến chân và thốt lên:

- Chúa ơi! S đây mà, sao lớn quá. Trung úy rồi cơ? Cha phải gọi S là gì đây? Thôi thì "cô bé quan hai nhé.

Tôi cười nức nẻ và rất thích cái tên mới ấy.

Buổi trưa đó cha dâng thánh lễ cho những người lính Công Giáo. Bàn thánh rất đơn sơ, chỉ có hai cây nến và một cây thánh giá trần trụi, không hoa, không có tiếng đàn trầm của cha ngày nào. Tôi nhìn lên bàn thánh. Cha vẫn bình thản như xưa, vẫn còn giọng kinh đều đặn và tiếng hát trầm ấm.

Thánh lễ hoàn tất. Những người lính lặng lẽ trở về vị trí của họ. Cha đề nghị dắt tôi đi thăm làng của người Thượng. Làng của người Thượng rộng mênh mông, chung quanh là hàng rào kẽm gai, những bụi tre già, khô cằn sỏi đá.

Những căn nhà của người thiểu số rất đơn giản, đều lợp bằng cỏ tranh. Những đứa trẻ mình trần trùng trục, chạy theo chúng tôi, một vài đứa bám vào áo cha, những người Thượng già nua khi thấy cha thì chắp tay cúi đầu lễ phép. Những người đàn bà mặc váy, đi chân không, nhìn tôi với con mắt ngạc nhiên.

Cha chỉ cho tôi phòng y tế, trường học nhỏ mà thày giáo là những anh lính tình nguyện.

Bấy giờ tôi mới nhìn cha thật kỹ. Cha cũng mặc đồ lính với hai bông mai đen trên cổ áo. Tóc của cha cắt ngắn gọn, cha cũng đen, cũng khắc khổ như những người lính khác.

Tôi được cha đãi cơm lính. Cha khoe:

- Ở đây có ông hạ sĩ nấu ăn rất ngon. Cha gọi máy mời các ông Sĩ quan đến đây ăn cơm luôn, họ sẽ vui khi gặp S lắm.

Khi cha qua phòng bên để gọi điện thoai, môt ông Thiếu úy cười bảo tôi:

- Trung úy thấy cha ra sao? Cha sống bí mật lắm, trung úy biết tại sao cha tình nguyện lên đây không?.

Hai chữ tình nguyện làm tôi giật mình và đó cũng là câu trả lời về sự ra đi của cha. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Sao thiếu úy biết cha tình nguyện? Tôi nghe nói cha đang dạy học.

Bữa cơm qua mau. Các ông sĩ quan đã biến mất, họ trở về vị trí của họ. Mới bốn giờ chiều, mà chung quanh căn cứ đều yên lặng, chỉ nghe những tiếng súng đại bác từ xa vọng về. Tôi phải trở về trước khi trời tối để tránh nguy hiểm. Trước khi lên xe, tôi cố gắng gợi chuyện với cha.

Tôi hỏi:
- Con nghe ông thiếu uý bảo là cha tình nguyện lên đây? Cha có giận con không vậy?

Cha cười và trả lời:

- Cha không bao giờ giận S được, vả lại chỗ nầy cần người như cha. S thấy không, nhưng người lính trẻ này đã hi sinh đời sống riêng của họ, ít nhất cha cũng chia sẽ một chút gì với họ.

Cha hỏi tôi về gia đình. Cha thú thật rằng, Cha vẫn theo dõi cuộc sống của tôi.
Cha nói về tình yêu và trách nhiệm. Cha tâm sự:

- Cha là một người đàn ông, không phải là thánh. Người ta muốn linh mục như cha là thánh giữa cuộc đời, nhưng cha là con người như mọi người, cũng có phút yếu lòng, cha cũng biết yêu. Nhưng cuộc đời của cha đã gắn liền với Chúa, vì cha đã khấn trọn đời là cha thuộc về Chúa, S hiểu không?

Tôi gật đầu không nói. Tôi ra xe, cha hôn nhẹ lên tóc tôi, ghé tai tôi nói khẽ:

- Cô bé mặc quân phục trông oai lắm, cô bé lên đây làm cha và các binh sĩ rất phấn khởi .

Rồi cha đặt tay lên đầu tôi, làm phép lành cho tôi như một sự che chở, như một yêu thương ngậm ngùi.

Cha dặn dò với ông tài xế:

- Nầy đừng cho cô lái nhá.

Rồi xoay lại tôi dặn dò.

- S đi đường bình an nghe, cha hằng cầu nguyện cho S nhiều hạnh phúc.

Xe jeep chở tôi từ từ khỏi cổng, cuốn theo những bụi đỏ. Cha đứng lại giữa vùng bụi đỏ mù trời, bên hàng rào kẽm gai dơ tay vẫy tôi, tôi ngoảnh đầu ra sau, giơ tay vẫy chào. Bóng cha mờ dần, nhỏ dần, lòng tôi ngậm ngùi như mất mát một cái gì...

Trên đường về bộ Chỉ Huy, tôi nhớ lại những gì cha T nói và nghĩ về những vị linh mục. Tôi cũng nghĩ về tình yêu của cha đối với tôi. Lời khấn hứa của cha trong ngày chịu chức linh mục, lời khấn hứa như một dấu ấn ăn sâu vào linh hồn, vào cuộc đời cha. Chức vụ linh mục đã gắn chặt vào cha mãi mãi..

Năm 1975 chiến trận càng nóng bỏng. Miền Trung đã mất. Rồi một buổi sáng, tôi và chồng tôi lặng lẽ ra đi, nghĩ rằng về Cần Thơ tấn thủ. Nhưng khi đến Cần Thơ pháo kích tràn lan phi trường Cần Thơ, chồng tôi và 14 phi hành đoàn trực thăng đành ra biển.

Chúng tôi và 14 phi hành đoàn do chồng tôi chỉ huy, xuống hạm đọi và đến Guam an toàn.

Khi định cư trên đất Mỹ, tôi cũng như người Việt ở Mỹ, cũng vất vả, làm việc hai job. Những bức thư của quê nhà bay qua tới tấp, luôn luôn cần sự giúp đỡ. Đến năm 1987, một lá thư của em gái tôi từ VN gởi sang, kèm theo là của tôi chụp lúc 16 tuổi. Trong thư, em tôi báo cho tôi biết là cha T đã qua đời vì bệnh viêm gan. Kết quả của tám năm tù cải tạo.

Trước đó một tháng cha T đến thăm gia đình ba mẹ tôi. Cha bây giờ khác hẳn, rất tiều tụy, cả nhà không nhận ra. Cha hỏi thăm tin tức về tôi, ba mẹ tôi khoe và lấy hình chụp khi tôi tốt nghiệp đại học. Cha lấy làm cảm động và hãnh diện.
Khi cha về, cha trao lại cho ba mẹ tôi bức ảnh của tôi lúc 16 tuổi mà tôi đã tặng cho cha vào Giáng Sinh năm nào. Nhìn hình cũ ngày xưa, cô bé nhe răng cười với đôi mắt tô chì bị lem vì lần đầu tiên vụng về, thế mà cha đã giữ hình ấy bao nhiêu năm.

Tôi ép hình mình vào ngực, như tìm thấy mùi hương từ trong bàn tay của cha thoang thoảng đâu đây. Tôi nhắm mắt lại rồi chớp mắt, hình như có hai dòng lệ âm thầm chảy trên má tôi.

Bây giờ tôi đã có đầy đủ, nhà cửa, sự nghiệp. Tôi đã sinh cho chồng tôi toàn con trai. Chúng nó đã thành công, đó là sự mơ ước của tôi. Nhưng có một sự mơ ước thầm kín nhất của tôi không bao giờ đạt được là một trong các con tôi thành linh mục như cha T..

Tưởng nhớ cha Tuyên úy TMT..