Đừng đòi hỏi sòng phẳng với Thiên Chúa - Tác giả: Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Lan Mary
Rất nhiều người nghĩ rằng tôi làm cái gì cho Chúa thì Chúa phải trả công cho tôi; hoặc tôi hy sinh, ăn chay, bố thí... thì Chúa phải ban cho tôi ơn này ơn kia... Nói chung là chúng ta thường xem Chúa như một phàm nhân, một ai đó để rồi cũng sống tương quan có qua có lại như chúng ta; hoặc nếu không thì lại biến Chúa thành một "Thiên Chúa theo suy nghĩ của mình", nghĩa là Thiên Chúa ấy tồn tại chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của tôi. NGUỒN:

Người thường có câu "có qua có lại mới toại lòng nhau" hay "hòn đá ném đi hòn chì ném lại.", nhiều người dựa vào điều đó để giữ gìn mối tương quan. Văn hoá sống "có qua có lại" đã vô tình khiến chúng ta cũng sống với Chúa bằng chính tương quan ấy. Một tương quan sòng phẳng với Thiên Chúa.

Rất nhiều người nghĩ rằng tôi làm cái gì cho Chúa thì Chúa phải trả công cho tôi; hoặc tôi hy sinh, ăn chay, bố thí... thì Chúa phải ban cho tôi ơn này ơn kia... Nói chung là chúng ta thường xem Chúa như một phàm nhân, một ai đó để rồi cũng sống tương quan có qua có lại như chúng ta; hoặc nếu không thì lại biến Chúa thành một "Thiên Chúa theo suy nghĩ của mình", nghĩa là Thiên Chúa ấy tồn tại chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của tôi.

Đang khi đó, tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là tương quan của Đấng Sáng Tạo với thụ tạo. Việc con người sinh ra đời, được ban ơn này ơn kia tuỳ thuộc vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, chứ chúng ta không có quyền đòi hỏi Chúa phải công bằng theo cách nghĩ của chúng ta. Làm sao một chiếc bình gốm có thể đòi hỏi người thợ gốm: "tại sao ông tạo ra tôi thế này, tại sao ông cho tôi cái quai mà cái bình kia không có..." bởi với Thiên Chúa "đất sét ở trong tay người thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong ta như vậy" (Gr 18,6)

Không dừng lại ở đó, Kinh Thánh còn cho chúng ta thấy, Thiên Chúa tương quan với chúng ta như Cha với con. Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha đó sao! Thử hỏi có ai trong chúng ta bắt buộc bố mẹ, con làm cái này cho bố mẹ thì bố mẹ phải cho con cái kia. Nếu bố mẹ có làm thì cũng chỉ là khích lệ để các trẻ nhỏ siêng năng học hành, hay làm một việc tốt gì đó. Chẳng bao giờ bố mẹ tính toán với chúng ta điều gì đó. Nếu có, là vì các ngài chưa thấy điều đó phù hợp, hoặc làm hại cho con cái nên chưa cho. Trong tương quan với Chúa cũng thế. Chúa đã cho chúng ta hết, ngay cả Con của Ngài mà Chúa cũng không tiếc huống hồ những thứ khác. Sỡ dĩ nhiều người cầu xin mà Chúa chưa cho là vì Người có lý do của Người mà chỉ có Chúa mới hiểu. Bởi "trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của ta cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu."

Về phía mình, chúng ta không có quyền đòi hỏi Chúa phải ban ơn. Trước mặt Chúa, mặc dù chúng ta là con nhưng thật sự chúng ta còn chưa đáng được là tôi tớ, bởi vì chúng ta quá tội lỗi và bất toàn. Tôi tớ còn không được quyền đòi hỏi Chủ bất cứ thứ gì thì chúng ta lấy thế giá nào mà đòi hỏi Chúa. Nhưng nếu chúng ta biết chu toàn nhiệm vụ của một tôi tớ, luôn tỉnh thức chờ chủ về thì chắc chắn "ông chủ sẽ thắt lưng lại, đưa họ vào bàn ăn và đến tận bên mà tiếp đãi."

Như vậy, chúng ta cần ý thức lại tương quan với Chúa. Chúng ta chỉ là thụ tạo nên không có quyền đòi hỏi Chúa bất cứ điều gì. Tuy nhiên, chính nhờ Đức Giêsu chúng ta được nâng lên, không còn là nô lệ nữa mà là con, mà đã là con thì được thừa hưởng tất cả những gì của Cha. Điều quan trọng là chúng ta biết sống với Chúa trong tâm tình con thảo. Có như vậy mới đẹp lòng Thiên Chúa. Mà lẽ dĩ nhiên, những ai sống đẹp lòng Thiên Chúa thì chắc chăn Người sẽ chẳng tiếc ban cho ta bất cứ thứ gì.

Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS