Hoài niệm về miền tuổi thơ - Tác giả: Vân Du

Lan Mary
Trở lại với câu chuyện đi nhà thờ vào các buổi chiều, có lẽ vì hay lui tới nhà thờ nhiều mà chúng tôi dần khám phá ra mình cũng yêu mến ơn gọi tu trì. Cả một nhóm con nít đó cùng rủ nhau đi tu, đứa đi trước hướng dẫn đứa đi sau. Có đời nào ai nghĩ đến thằng Tuấn lại đi tu, tính khí cũng ngang bướng, thích gì làm đó, nói gì, làm gì mất lòng nó thì nó dẫy nẩy lên như đỉa phải vôi, rồi thằng Thành thì trầm tính hơn, thằng Nhật, thằng Minh đam mê âm nhạc, thằng Thế học giỏi nhất,...cả một nhóm rủ nhau đi tu, tính cả mấy đứa con gái giúp lễ cùng thời thì đông lắm. Nhớ ngày nào mới là thiếu nhi và đi giúp lễ với nhau, bây giờ người thì là Ma Sơ, người thì làm thầy học thần 3, người đang giúp năm, thằng Thế thì còn qua tận Inđô tu dòng Phan Sinh nhánh khổ tu. Mới đó mà đã gần 20 năm trôi qua, giờ nhìn lại thấy ai cũng trưởng thành. NGUỒN:

Quyền, Tuấn, Thành, Thế... ơi đi nhà thờ! Đó là tiếng í ới của lũ trẻ chúng tôi gọi nhau vào mỗi buổi chiều để đến nhà thờ đọc kinh tối.

Được sinh ra và lớn lên ở vùng quê, khi mà máy móc điện tử, Smarphone, Internet với chúng tôi vẫn là một khái niệm xa lạ, thì nhà thờ là một nơi lý tưởng để chúng tôi có thể quy tụ nhau vào mỗi buổi chiều tối. Tôi nhớ ngày đó cả xóm chỉ có một hai nhà có điện thoại bàn, thường đó là những gia đình khá giả, rồi khi có người thân ở thành phố gọi về thì người nhà có điện thoại bàn lại đi gọi gia đình đó đến nghe máy. Mỗi khi nghĩ về thời gian đó, tuy thiếu thốn đủ mọi thứ, nhưng đó là một ký ức đẹp trong tâm trí tôi. Hình ảnh thôn quê cứ hiện lên trong đầu, những dãy hàng rào bằng cây hoa râm bụt, cây chành dành nối từ nhà này sang nhà khác thành một đường thẳng tắp, với con đường nho nhỏ trải đá núi đã được nghiền nhỏ, nhưng nếu chân không đi dép thì cũng đau nhói bàn chân, những chiếc cầu ao được đóng bằng cây tre và con kênh nho nhỏ ở giữa hai bên nhà. Tôi thích nhất những ngày cúp điện, và có ánh trăng. Lũ con nít của xóm tụ lại chơi trốn tìm, mặc dù được nghe kể khi cúp điện mà chơi trốn tìm thế nào trong nhóm cũng có đứa bị ma dấu, nghe thấy rùng mình, nhưng kệ, thích thì cứ chơi thôi. Và như thế, chúng tôi làm rộn ràng cả một xóm.

Trở lại với câu chuyện đi nhà thờ vào các buổi chiều, có lẽ vì hay lui tới nhà thờ nhiều mà chúng tôi dần khám phá ra mình cũng yêu mến ơn gọi tu trì. Cả một nhóm con nít đó cùng rủ nhau đi tu, đứa đi trước hướng dẫn đứa đi sau. Có đời nào ai nghĩ đến thằng Tuấn lại đi tu, tính khí cũng ngang bướng, thích gì làm đó, nói gì, làm gì mất lòng nó thì nó dẫy nẩy lên như đỉa phải vôi, rồi thằng Thành thì trầm tính hơn, thằng Nhật, thằng Minh đam mê âm nhạc, thằng Thế học giỏi nhất,...cả một nhóm rủ nhau đi tu, tính cả mấy đứa con gái giúp lễ cùng thời thì đông lắm. Nhớ ngày nào mới là thiếu nhi và đi giúp lễ với nhau, bây giờ người thì là Ma Sơ, người thì làm thầy học thần 3, người đang giúp năm, thằng Thế thì còn qua tận Inđô tu dòng Phan Sinh nhánh khổ tu. Mới đó mà đã gần 20 năm trôi qua, giờ nhìn lại thấy ai cũng trưởng thành.

Tôi thấy ơn gọi là một điều gì đó huyền nhiệm. Các thầy lớn vẫn nói chuyện vui với nhau, những gì vượt quá tầm hiểu biết của mình thì cứ gán cái tên huyền nhiệm vào để khỏi phải giải thích, nói xong mấy ông phá lên cười ha hả. Điều gì thì không chắc, nhưng với ơn gọi sống của mỗi người mà gọi là huyền nhiệm thì chuẩn không cần chỉnh. Có ai biết trước được mình sẽ đi tu thành cha nhà thờ, thành sơ, hoặc có ai biết chắc chắn mình sẽ lập gia đình hay sống độc thân. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy ơn gọi của tôi thật huyền nhiệm. Huyền nhiệm vì đôi khi trong tôi vẫn có thắc mắc, không biết bản thân mình có ơn gọi tu trì thật sự không, huyền nhiệm vì bản thân bước đi trong sự tín thác hoàn toàn vì chẳng biết ngày mai của ơn gọi sẽ ra sao, huyền nhiệm vì những thách đố phía trước thực sự rất nhiều mà vẫn lao mình bước theo ơn gọi. Tôi nghĩ, sao mình không trở về với cuộc sống bình thường như bao người ngoài kia, sẽ đỡ áp lực về trí óc rất nhiều, vì tôi cũng có những khả năng nhất định, mà biết là khi về với cuộc sống thế gian tôi vẫn sống và làm việc rất tốt. Nhiều và rất nhiều câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu, nhưng nó vẫn không thắng được với lý tưởng cao đẹp, và ước mơ của tôi. Nghe mẹ tôi kể lại, ngày còn bé, nói chuyện thì ngọng, nhưng hở ra là "con ti tu" nghĩa là con đi tu. Chẳng biết là ai đã gieo vào lòng tôi tư tưởng đi tu từ ngày thơ ấu như thế, tôi cho đó là ơn Chúa ban. Một điều rất vui nữa là tôi có lòng mến mộ Đức Mẹ từ khi còn bé, được mẹ kể lại, từ lúc 5 tuổi, mỗi khi đi đọc kinh tối là dẫn tôi theo, kinh Cầu Đức Bà dài như thế mà tôi đã gần thuộc hết. Tôi còn nhớ như in những ngày đó, khi quỳ ở ghế, đầu tôi chưa chạm tới bàn dựa, nghĩa là khi quỳ và nhìn lên bàn thờ, tôi nhìn qua các khe ở phần lưng ghế. Nhớ cả những tháng 5, tháng hoa kính Đức Mẹ, tôi luôn là đứa thiếu nhi đi đầu tiên của đoàn rước, những điều tôi kêu xin cùng Đức Mẹ, tôi cảm nhận được Đức Mẹ chuyển ơn cho mình. Tôi càng trông cậy và yêu mến Đức Mẹ nhiều hơn.

Lớn thêm vài tuổi, tôi vẫn trung thành với giờ kinh chiều tối, tôi hay đi cùng với các bà cụ đến nhà thờ, vẫn là một nhóm con nít đó. Có một bà cụ chân đi không vững, và vừa đi vừa chống gậy, hễ có đứa nào đi ngang là bà khua tay ra chộp lấy tay để dẫn bà đi. Mấy đứa con nít chúng tôi cứ cười và nói với nhau, đứa nào xui thì bị bà vồ phải. Đứa nào cũng lấy đà và chạy thật nhanh để vụt qua bà mà đi trước. Tôi lại khác, tôi cố tình đi ngang bà thật chậm để cho bà víu vào tay mình và dẫn bà đi, khi về cũng vậy. Lúc đó, tôi nghĩ, mình có phải là đang le te không, đứa nào cũng né, tội gì mình phải vào dẫn bà. Nhưng rồi tôi lại thấy mình đang làm việc tốt mà, thôi cứ phát huy, bản thân tôi thấy vui từ những điều nhỏ bé như vậy, nghĩ đến ngày đó, tâm hồn cứ đơn sơ làm sao.

Năm tháng cứ trôi qua một cách êm ả như giấc ngủ trưa, cứ nhẹ nhàng lướt qua, để khi tỉnh giấc mới phát giác mình đã 30 tuổi ngoài. Hình bóng lũ con nít ngày xưa rủ nhau đi nhà thờ vào mỗi buổi chiều cũng không còn nữa, chúng nó lớn hết rồi. Nhiều ông, bà cụ cũng đã về bên Chúa. Ba má mình cũng già đi trông thấy, những anh chị ngày xưa giờ đã có con cái lớn rồi. Nghĩ đến đó, tôi thấy có chút nghẹn ngào, đôi mắt như rung rung, và nhìn vảo khoảng không một lúc lâu. Tôi luôn cầu mong ông bà, ba má, những người thân bằng quyến thuộc luôn mạnh khỏe và một đời bình an.

Trẻ con thời nay nhìn có vẻ thông minh và nhạy bén hơn chúng tôi ngày xưa, phần lớn là sinh ra trong thời buổi hiện đại và phát triển, nhà nào cũng chỉ sinh hai con. Chính vì thế, các em được chăm sóc một cách chu đáo. Phần nữa, các em được tiếp cận với các ứng dụng công nghệ thông tin, được tiếp cận các thiết bị hiện đại, Smarphone,...đó cũng là điều kiện để các em phát triển về trí óc nhiều hơn. Tuy nhiên, điều gì cũng có tính hai mặt, nếu không bản lĩnh, khi tiếp cận vào các ứng dụng tân tiến của thời đại, các em sẽ dễ bị thu hút bởi các trò chơi, game, mà ở tuổi các em thì đứa nào không mê điện thoại, chơi game hằng giờ chẳng chán...làm các em sao nhãng những việc chính yếu như học hành, sống đạo,...như vậy, việc quan tâm từ gia đình đối với các em là rất cần thiết, chính gia đình là nhà trường đầu tiên với các em trong việc giáo dục nhân bản và cả đời sống Đức Tin cho con cái mình.

Cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn đang dấn thân trong ơn gọi tu trì, vẫn theo đuổi lý tưởng cao đẹp, dù đường đi nhiều gập gềnh sỏi đá, có khi còn là những ổ voi lớn, đời sống trong ơn gọi tu trì không chỉ màu hồng như mọi người vẫn thấy, không chỉ thảnh thơi, hay xúng xính áo dòng đến nhà thờ. Ơn gọi nào cũng có những khó khăn đặc trưng. Chúng ta cứ bước đi theo Chúa như ông Apraham, cha của những người có lòng tin, phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa và tin tưởng rằng làm việc cho Chúa sẽ được Chúa trợ giúp. Dù có gặp nhiều khó khăn trong đời tu, nhưng mong rằng đêm về, khi nhìn lại một ngày sống, ta vẫn thấy vui và có động lực để tiếp tục bước đi trên đường tu trì.

Mượn lời thánh vịnh 104 để nói lên thao thức của tôi: "Suốt cuộc đời, tôi xin hát mừng Chúa, sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi".

Vân Du