Theo bước chân Đan sĩ Tráppít - Tác giả: Mai Đệ Liên

Lan Mary
Một đan sĩ Tráppít không bon bon một mình trên hành trình hướng về Chúa. Anh kéo theo mình, cột với mình, bằng những mối dây vô hình, muôn muôn người khác nữa. Chính Thiên Chúa là người đã buộc những sợi dây ấy. Trước hết là các Kitô hữu, những người luôn cần tiếp sức để bước theo Đức Kitô. Nhưng còn là những người mà cánh cửa hướng về Chúa chỉ mới hé mở, những ai đã khởi sự tìm kiếm nhưng chưa thỏa mãn trong ngoại giáo, Phật giáo, tìm kiếm nhưng chỉ thấy trống rỗng trong chủ nghĩa duy vật, những ai vẫn còn rối bời vì tim mình vẫn chưa thỏa khát khao... Và thậm chí những người dửng dưng, người mù tối, làm sao để đạt được ân sủng cho họ từ một chuyển động ban đầu hướng về Chúa, nếu không bởi cầu nguyện nhằm đốc thúc uy quyền thần thiêng diệu huyền? Đời sống tráppít quả thật mang đậm tính truyền giáo!* NGUỒN:

"Tráppít" (Trappiste) là cái tên còn tương đối mới mẻ đối với người Công giáo ở Việt Nam. Ngay cả khi chúng tôi giới thiệu Tráppít với danh xưng đầy đủ "Dòng Xitô Nhặt Phép" (Order of Cistercians of the Strict Observance, O.C.S.O.), nhiều người vẫn lắc đầu không biết. Đó đây trên thế giới, người ta nhìn tu sĩ Dòng Tráp (Trappe) như những thợ thủ công bậc thầy chuyên sản xuất phômai, bia, rượu, sôcôla, thực phẩm ăn kiêng... "Về mặt xã hội, chúng tôi là những người lao động nhỏ bé như bao người. Về mặt giáo hội, và đây mới là điều quan trọng, chúng tôi là những đan sĩ chiêm niệm – những người dâng mình cho Chúa trong đời sống cầu nguyện để phụng sự Người, và phục vụ Giáo Hội của Người."[1]*


Mặt tiền nhà thờ Đan viện Sept-Fons.

CHÂN DUNG ĐAN SĨ TRÁPPÍT

Đời sống đan tu = Đời sống cầu nguyện


"Chúa Giêsu vẫn sống; Người hằng ở giữa chúng tôi; Người hiện diện trong Thánh Thể. Chính vì thế mà Thánh Thể là nền tảng, là trung tâm, mái ấm của tôn giáo này. Từ đó lan tỏa tất cả sự sống. Không nơi nào khác! [...] Lẽ nào Vua các vua chẳng có trung thần cho Người? Lẽ nào chẳng có ai hầu cận Người với lòng tôn kính trổi vượt, từ đó mà làm nên ơn gọi của họ? Đấy là vai trò của đan sĩ, vai trò của chúng tôi. Giữa sự dửng dưng của những tâm hồn đã lãng quên Chúa của họ, chúng tôi, mang tư cách cá nhân cũng như nhân danh anh em đồng loại, đến tỏ lòng tôn thờ Đức Kitô, Đấng sống và hiện diện, cũng là Đấng đã bị ruồng bỏ [...] Và chúng tôi biết Người ở đó, Người lắng nghe, Người yêu mến chúng tôi."

Dom Jean-Baptiste Chautard,

Đan sĩ Tráppít, anh là ai?


Nếu như một thập niên trở lại đây, chủ nghĩa sống tối giản (minimalism) mới bắt đầu được ưa chuộng khắp thế giới, thì trong Dòng Tráp, cách riêng ở Đan viện Đức Mẹ Sept-Fons, các đan sĩ đã duy trì nếp sống đơn sơ đó gần chín thế kỷ qua tại miền Trung nước Pháp. Đan sĩ Tráppít từ bỏ mọi sự không cần thiết để chỉ chuyên tâm tìm kiếm Thiên Chúa. Kiến trúc đan viện tối giản, vừa đủ trang trọng, không có quá nhiều chi tiết để dẫn tới chia trí. Các đan sĩ mang trên mình tu phục là áo thụng trắng với áo tà vai đen, cộng thêm áo chùng trắng khi tham dự phụng vụ. Tất cả có mái đầu húi cua đặc trưng. Đời sống trong đan viện được tổ chức sao cho mọi hoạt động trong ngày đều hướng về cầu nguyện.

Nếu nói rằng đời sống đan tu chính là đời sống cầu nguyện, thì các đan sĩ chính là chuyên gia về cầu nguyện! Khi cầu nguyện, cụ thể khi hát Kinh Thần Vụ, môi miệng người đan sĩ ngợi khen Thiên Chúa. Khi lao động, thân xác anh tôn vinh Chúa và trái tim vẫn tìm phương cách để cầu nguyện liên lỉ, bằng những lời nguyện tắt chẳng hạn. Nếu như bảy lần trong ngày, đan sĩ tập trung tại nhà thờ để thực hiện bổn phận quan trọng nhất của anh: dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện bằng Thánh vịnh thay cho toàn thể Hội Thánh; thì đời sống cầu nguyện còn được tiếp tục trong những giờ nguyện ngắm cá nhân, trong mọi sinh hoạt của đan viện khi đan sĩ không ngừng đặt mình dưới cái nhìn của Chúa.


Lễ khấn trọn đời một đan sĩ Việt Nam.

Vì suốt ngày tập trung vào cầu nguyện theo một nghĩa rộng nhất – sống sự hiện diện với Chúa – và từng ngày làm nên cuộc đời cầu nguyện, nên thật chí lý khi có lời cách ngôn của một đan phụ trong sa mạc: "Nếu một đan sĩ chỉ cầu nguyện khi đứng, đan sĩ đó chẳng cầu nguyện gì cả." Quả thật tưởng rằng kết thúc giờ Kinh Thần Vụ, rời khỏi nhà thờ ("cầu nguyện khi đứng"), thì đan sĩ không cầu nguyện hay không cần cầu nguyện nữa, đấy là điều sai lầm!

Các phép tuân thủ

Đan sĩ Tráppít lấy Tu luật Thánh Biển Đức làm kim chỉ nam cho đời sống của mình, như cách các vị sáng lập Xitô đã sống. Lối sống của họ được diễn tả cụ thể qua các phép tuân thủ, bao gồm: cầu nguyện, lectio divina (đọc sách hướng thần), lao động tay chân như một phương kế sinh nhai trong một cuộc sống huynh đệ nhiều đòi hỏi, vừa mang tính cộng đoàn lại vừa trong bầu khí thinh lặng, một cuộc sống toàn bộ diễn ra trong nội vi đan viện – nghĩa là tách biệt hoàn toàn với thế giới, ngõ hầu duy trì sự hiện diện thường trực trước Nhan Chúa.


Giờ kinh Canh Thức.

Chúa thánh hiến ai thì Chúa tách riêng người đó cho Người, đấy là lý do nền tảng của việc tách biệt với thế giới. Đan sĩ Tráppít thừa hiểu và cần tìm những phương thế để sống hiệu quả sự tách biệt để thuộc trọn về Chúa, cách riêng trong thời đại bùng nổ phương tiện đa truyền thông như ngày nay.

Thường bị gán nhãn là "khổ tu", nhưng trái lại các đan sĩ Tráppít không có tham vọng trở thành những nhà vô địch về khổ chế. Sự khắc khổ, nhiệm nhặt không bao giờ nên là thước đo cho sự thánh thiện trong đời tu, dẫu rằng những thánh nhân nổi tiếng thánh thiện cũng là những bậc thầy về khổ hạnh và hãm mình. Đúng vậy, khổ chế là một trong những phương tiện, Thiên Chúa mới là cùng đích mà đan sĩ hướng tới.


Giờ lao động.

Truyền thống kể rằng, trên núi Cassinô đã từng có một ẩn sĩ tên Martinô, ông tự xích chân mình vào tảng đá lớn, để dẫu mưa nắng hay tuyết sa, không bao giờ ông rời khỏi hang của mình. Cha Thánh Biển Đức khi nghe nói về Martinô, đã sai người gửi tới ông một lời nhắn: "Nếu ngài thật là một tôi tớ của Thiên Chúa, thì đừng buộc mình bằng dây xích sắt, song bằng dây bác ái của Đức Kitô." Nghe được lời ấy, Martinô kinh ngạc và bừng tỉnh, sợi xích không phải là bằng chứng về sự thánh thiện của ông đối với thế gian, ông đơn sơ nói: "Xin hãy giúp tôi làm như lời ngài dặn", và họ đã dùng những viên đá nhọn, đập vỡ cái xích sắt để giải phóng nhà ẩn tu. Từ đó, Martinô trung thành với ơn thiên triệu của mình chỉ với lòng yêu mến Thiên Chúa. [2]

TRÁPPÍT VÀ ƠN GỌI TẠI VIỆT NAM

Bắc một nhịp cầu

Trong hơn 100 đan viện nam và 70 đan viện nữ của đại gia đình Dòng Xitô Nhặt Phép trên toàn thế giới, Đan viện Đức mẹ Sept-Fons là một trong những đan viện quan trọng của Dòng với số lượng đan sĩ gần như hùng hậu nhất. Đan viện này bao gồm các đan sĩ đến từ 14 quốc gia khác nhau từ bốn châu lục, đa phần đều rất trẻ, thuộc thành phần trí thức của xã hội.


Đan viện Sept-Fons là một cộng đoàn quốc tế.

Những con người ấy vốn có thể có được cuộc sống thành đạt nơi thế gian, nhưng lại từ bỏ sự nghiệp để tới đan viện chăn nuôi bò sữa, canh tác nông nghiệp, làm việc trong xưởng mộc... Một sư huynh chia sẻ: "Tôi đã làm bác sĩ, nhưng luôn cảm thấy không đủ." Vì thế, năm 27 tuổi, vị bác sĩ ấy trở thành đan sĩ Tráppít, sống trọn đời gần bên Thiên Chúa và làm những việc không mấy liên quan tới chuyên môn. Lạ thay, như thế anh lại phục vụ thế giới hiệu quả hơn.

Vì chỉ hiện diện không thường trực tại Giáo phận Sài Gòn, cứ định kỳ ba đến bốn tháng Đan viện Sept-Fons lại gửi các sư huynh đến để đồng hành với các bạn trẻ có ý hướng theo đuổi ơn gọi. Những ngày cuối tháng Tám 2023, trong khuôn khổ "Ngày đan tu dành cho giới trẻ" (JMJ) do Đan viện này tổ chức tại Nhà Tĩnh tâm Dòng Thánh Phaolô thành Chartres Sài Gòn, chúng tôi có cơ hội được gặp mặt những đan sĩ Tráppít ngoài đời thực.

Thật là một vinh dự lớn lao khi trong những ngày JMJ này có mặt cả Dom Marie Guillaume, bề trên đương nhiệm của Sept-Fons. Ngài đã chú giải Tu luật Thánh Biển Đức cho chúng tôi bằng thứ ngôn ngữ giản dị đến từ kinh nghiệm, thay vì những lý luận triết học xa vời. Ngài giống như một người thầy, một người cha, một người bạn, rất gần gũi và thân thiết. Kiên nhẫn, từ tốn, Ngài dẫn chúng tôi đi sâu vào nội tâm để nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa và không quên nhấn mạnh: "Thiên Chúa có thể sử dụng mọi phương tiện để đánh động các con: Một biến cố trong đời, thậm chí là tội lỗi và sự yếu đuối của các con, lời nói bất chợt của ai đó, một cuốn sách hay một bài hát... Tuy nhiên, cảm xúc dạo đầu là nhất thời và không đủ. Cảm xúc sẽ thay đổi theo thời gian. Không phải cứ yêu là cưới, mà cần nhận ra điều gì đang thật sự diễn ra."

Dấu chỉ đầu tiên của ơn gọi: ước muốn sâu xa

"Có một thời khi tìm hiểu về ơn gọi đan tu, ơn gọi chiêm niệm của mình, tôi đã mày mò tìm cho ra những lý do, những bề sâu thiêng liêng của ơn gọi ấy... Rồi thời ấy đã qua, khi mà mọi ánh sáng dẫn đường như thế chợt tan biến. Ơn gọi của tôi đã đánh mất ý nghĩa khả tri của nó...
Một mầu nhiệm khôn dò
đã bao bọc tôi..."


Cha Jérôme


Điều thật sự đang diễn ra ấy, được Cha Marie Thomas, đặc trách ơn gọi của Đan viện, diễn tả bằng cụm từ "ước muốn sâu xa". Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta một cách cá vị, Người cũng mời gọi chúng ta đi vào tương quan với Người trên một hành trình cá vị. Vì thế, Người có một kế hoạch dành riêng cho từng người chúng ta. Vấn đề là làm sao khám phá ra kế hoạch đó.


Một ơn gọi Việt Nam tại Sept-Fons.

Ơn gọi trước tiên là tiếng gọi, dù rất khẽ của Chúa Giêsu, ngỏ với con tim tôi: chính Người đặt vào tim tôi một "ước muốn sâu xa" dâng mình cho Người và Người chờ đợi tôi tự do đáp lại. Sẽ là lệch lạc khi ta nhìn một thực tại siêu nhiên như ơn thiên triệu dưới nhãn quan của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng: "Với khả năng và sở trường của tôi, tôi sẽ làm gì cho Chúa?", thay vào đó nên tự hỏi: "Chúa muốn gì cho tôi? Liệu Người có gọi tôi phụng sự Người?" Vậy để khám phá kế hoạch đó, trước hết hãy nhìn vào sâu thẳm trong tim mình mà trả lời với Chúa câu hỏi trọng tâm của ơn gọi nêu trên.

Vượt qua định kiến

Vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều người có cái nhìn chưa thật đúng đắn về ơn gọi nói chung, cách riêng ơn gọi đan tu; đồng thời cũng đặt ra những tiêu chuẩn cấp bậc trong ơn gọi. Chỉ có một khởi điểm của ơn gọi: Chúa gọi tôi như "những kẻ Người muốn" (x. Mc 3, 13). Chỉ có một tiêu chuẩn: tôi mang trong mình ước muốn ấy của Chúa, nói khác đi, tôi muốn và tôi chọn điều Chúa muốn cho tôi. Chỉ có một cấp bậc làm nên hiệu năng tông đồ cho mọi dạng ơn gọi, dù tu triều hay tu dòng, hoạt động hay chiêm niệm: đức ái!

Có lẽ hình ảnh đan sĩ đối với nhiều người Công giáo Việt Nam nói chung chỉ là những người có khả năng lao động tay chân tốt, không cần trình độ học hành. Tu sĩ chiêm niệm như thể những người chậm chạp, giao tiếp kém, không có khả năng hoạt động xã hội, quanh năm buồn bã trong bốn bức tường nội vi, thậm chí là người cáu kỉnh và trốn đời. Một người trẻ có tư chất và học vấn tốt, chắc hẳn sẽ theo đuổi ơn gọi triều hoặc những dòng hoạt động nổi tiếng để rạng danh gia đình cũng như tìm kiếm tương lai tu học rộng mở hơn.


Sư huynh Guerric, tiến sĩ thần học của Sept-Fons, đang làm thảm hoa mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ gõ cửa Dòng Tráp, cách riêng Đan viện Sept-Fons lại tìm kiếm một điều khác. Họ thật sự khao khát đời sống đan tu nghiêm túc, một đời sống cho phép họ toàn tâm phụng sự Thiên Chúa, và họ hiểu được rằng, một sự dâng mình vì tình yêu Chúa không thể tách rời những sự từ bỏ thuộc đòi hỏi của ơn gọi và lối sống đan tu. Đúng vậy, thông thường để đến với Thiên Chúa, chúng ta phải ra khỏi chính mình, mà trường hợp của Abraham có thể xem là mẫu hình của ơn gọi, cách riêng ơn gọi đan tu: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi" (St 12, 1). Thánh Basiliô Cả đã dứt khoát khẳng định: "Những ai yêu mến Chúa, thì từ bỏ tất cả và chỉ lo bước theo Chúa mà thôi." Quả thật, "kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó" (Mt 6, 21).

Và Thiên Chúa lại tiếp tục khơi gợi để nhiều bạn trẻ Việt Nam nhận ra kho tàng đích thực của lòng mình, có lẽ sẽ được tìm thấy trên mảnh ruộng là Đan viện Sept-Fons. 10 năm đồng hành với ơn gọi Việt Nam. 10 đan sĩ Việt Nam tại Sept-Fons như hoa quả đầu mùa để dâng lên Thiên Chúa trong khi chờ đến mùa gặt mới tại chính mảnh đất quê nhà. Nhiều bạn trẻ Việt Nam, nam cũng như nữ, khao khát ơn gọi cầu nguyện, đang tiếp bước hành trình...

Ơn gọi như một sự kế thừa và chuyển giao

Theo Hiến chương, Dòng Tráp là một "dòng đan tu hoàn toàn hướng về việc chiêm niệm". Để sống được điều đó, đòi hỏi phải dựa vào một truyền thống đan tu sống động được trung tín chuyển giao từ thế hệ này cho thế hệ khác. Một trong những đặc nét của huấn luyện đan tu tại Sept-Fons vốn diễn tả sự chuyển giao này đó là phương pháp đồng hành 1-1. Linh phụ như một người dẫn đường giàu kinh nghiệm sẽ chỉ ra cho người thụ huấn lối đi an toàn. Ngài biết đường đi và cách đi thế nào để đến đích. Linh phụ không dạy gì khác ngoài truyền thống đan tu, kho tàng mà ông đã lãnh nhận và có trách nhiệm trao truyền lại.


Đan viện Sept-Fons có một bề dày truyền thống từ năm 1132.

Trong một "Giờ Lặp Lại" (một hình thức để chuyển giao truyền thống), cha Marie Thomas chia sẻ: "Các phép tuân thủ đan tu rất quan trọng. Đan viện không phải là một doanh trại quân đội. Nhưng, "nhặt phép" diễn tả sự gắn bó đặc thù với các phép tuân thủ truyền thống đã được chứng thực qua hàng thế kỷ. Ta cần đến chúng. Các phép tuân thủ giúp chúng ta sống đời cầu nguyện". Đó là dòng chảy về nguồn bất tận trong trái tim những đan sĩ ý thức những giới hạn của mình mà cần đến những khuôn khổ cụ thể để duy trì căn tính ơn gọi. "Con hãy giữ Luật rồi Luật sẽ giữ con", câu này vẫn thường được gán cho Thánh Biển Đức tổ phụ đời sống đan tu Tây phương. Như thế mà các đan sĩ Tráppít lại tiếp bước Tổ phụ của mình, đúng như Thiên Chúa đã tỏ bày cho Cha Thánh trong một thị kiến nửa đêm: "Mãi mãi trong thiên hạ, sẽ còn người tiếp tục sống theo quy luật của con!"[3]

TÍNH TÔNG ĐỒ CỦA ƠN GỌI ĐAN TU

"Giáo hội cần các con"


Hãy là những ngọn hải đăng cho những ai gần gũi các con, và nhất là những người ở xa các con. Hãy là những ngọn đuốc sáng hướng dẫn những người nam và nữ trong hành trình đi qua đêm tối của họ trong thời đại này. Hãy là những người lính gác ban mai (x. Is 21,11-12), sứ giả lúc rạng đông (x. Lc 1,78). Nhờ vào đời sống được biến đổi, với Lời Chúa được suy đi nghĩ lại trong thinh lặng, các con hãy cho mọi người thấy Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống (x. Ga 14,6), chỉ mình Người mới có thể mang lại cho chúng ta một sự hoàn thiện và một đời sống phong phú.

Đức Thánh Cha Phanxicô,
Vultum Dei quaerere, s.6


Trong Tông hiến Vultum Dei quaerere [Tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa], Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lòng cảm mến với hoa trái tông đồ kín ẩn của các dòng tu chiêm niệm: "Thế gian hay ít nhất là phần lớn những ai thuộc về nó, những người để cho não trạng quyền lực, giàu có và chủ nghĩa tiêu thụ làm chủ mình, không dễ dàng hiểu ơn gọi đặc biệt cũng như sứ mạng thầm kín của các con. Thế nhưng thế giới ấy lại cần chúng con biết bao. Giáo hội cần các con như một người thủy thủ nơi biển xa cần một ngọn hải đăng để hướng dẫn anh ta về bến an toàn."


Những người lính gác.

Trong khi kết quả hoạt động được nhìn nhận dễ dàng bằng mắt thường, kẻ đói được cho ăn, người bệnh được chăm sóc, trẻ em được giáo dục... Kết quả của cầu nguyện thường chỉ thấy được bằng con mắt đức tin.

Mầu nhiệm của lời chuyển cầu

Và đây là một trong những chân lý đức tin: Thiên Chúa hoàn toàn có thể ban ơn cho con người mà không cần chúng ta can thiệp, Người cũng thừa biết những gì chúng ta cầu xin và nhu cầu của tha nhân, nhưng chính Chúa lại muốn ban ơn cho con người nhờ lời chuyển cầu của chúng ta. Điều này diễn tả Thiên Chúa là Cha Tình Thương: phẩm giá của con người được làm con Chúa chính là cộng tác với Thiên Chúa, nhất là khi đích nhắm của lời chuyển cầu là ơn cứu độ cho tha nhân. Sự cộng tác này diễn tả tình yêu cao cả của Chúa, Đấng không chỉ muốn cho con người được cứu độ nhưng còn được cộng tác vào ơn cứu độ của chính mình và người khác, nhờ kết hiệp với Đức Kitô.


Trong giờ nguyện ngắm.

Cha Thomas trong một Giờ Lặp Lại đã giải thích điều này với hình ảnh một đứa bé nhấp nhổm muốn lên cầu thang. Đôi chân của bé quá nhỏ để leo lên dù chỉ một bậc cầu thang. Cũng vậy, ơn cứu độ là điều nằm ngoài khả năng của ta. Vậy có hai phương án mà cha hiền của bé có thể làm: hoặc sẽ nhấc bổng em mang lên đầu cầu thang, hoặc nắm tay em và đưa lên từng bước một như thể em đang tự đi. "Đặt mình là cha đứa bé, chúng con sẽ chọn cách nào?" – Thừa biết câu trả lời, Cha Thomas hỏi chúng tôi và kết luận: "Lựa chọn đầu tiên rất dễ dàng và thuận tiện cho ông. Với lựa chọn thứ hai, em bé cộng tác với sự trợ giúp của cha và em rất hài lòng, em mừng rỡ và khoe với cha khi lên tới nơi. Như vậy là con người dự phần vào công trình cứu độ. Thiên Chúa trở thành chính con người, để Con Người có thể cứu độ con người. Chúng ta phải có Chúa Giêsu trong việc cùng cứu độ người khác. Đây cũng là khoa sư phạm của Chúa dành cho chúng ta liên quan đến việc chuyển cầu: Ta không thể thi ân cho người khác, nhưng Thiên Chúa cần lời cầu nguyện của chúng ta như thể chính chúng ta là đồng tác giả."

Đan sĩ = kẻ vô tích sự?

Chính vì khó mà thấy được hoa trái nhãn tiền của đời sống cầu nguyện, đã có một thời tại châu Âu, người ta coi các đan sĩ là những kẻ vô tích sự, một thứ gánh nặng cho xã hội. Và chính quyền đã ra lệnh trục xuất các đan viện khỏi đất nước hoặc buộc phải chuyển dạng "tu kín" (chiêm niệm) sang "tu hở" (hoạt động) hoặc "nửa kín nửa hở" trước nhu cầu của xã hội.

Điều này không chỉ diễn ra trong thế giới tục hóa, nhưng còn nơi một số gia đình Công giáo có con cái muốn dâng mình cho Chúa trong một dòng kín như Dòng Tráp chẳng hạn. Một bạn trẻ đến với JMJ đã ấm ức thổ lộ: "Ba tôi cấm đi tu dòng kín, ông nói: Đi tu thì phải làm gì giúp ích cho đời chứ?" Tệ hơn nữa, cũng bạn ấy cho biết phản ứng của cha xứ: "Con làm gì cứ suốt ngày vào nhà thờ cầu nguyện. Cầu nguyện nhiều được ích gì?"

"Trong con tim của Giáo hội, tôi sẽ là Tình Yêu"

Đừng quên rằng bên cạnh một Phanxicô Xaviê, vị truyền giáo lỗi lạc của Dòng Tên đã ngang dọc châu Á đưa biết bao linh hồn về với Chúa, Giáo hội cũng đặt ngang hàng với ngài làm thánh quan thầy các xứ truyền giáo Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu Cát Minh chỉ suốt đời ở trong bốn bức tường của đan viện. Chị Thánh từng mơ ước đến thành lập nhà dòng ở Việt Nam đã nắm được bí quyết tông đồ của đời sống chiêm niệm như sau: "Trong con tim của Giáo Hội, tôi sẽ là Tình Yêu. Tình Yêu bao gồm mọi ơn gọi. Tình Yêu là tất cả. Tình Yêu là vĩnh cửu!"


Cầu nguyện có chức năng như mặt trời.

Cầu nguyện có chức năng như mặt trời, nó soi sáng những thực tại mà mắt không thấy, không nhận biết được. Đan sĩ được Thiên Chúa tách khỏi thế gian để sống riêng với Người và trở nên một với Người. Đó là sự biến đổi căn bản mà Thánh Bernađô Viện phụ, người con ưu tú nhất của Dòng Xitô, gọi là "được thần hóa", được liên kết chặt chẽ vào sự gắn bó với Chúa Kitô và được Người chiếm đoạt. "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2, 20). Bằng Tình Yêu, đời sống cầu nguyện ôm trọn tất cả các chức năng của đời sống hoạt động. Và đó là cách mà ân sủng của Thiên Chúa hoạt động xuyên qua tác vụ của con người.

Cầu thay nguyện giúp

Một đan sĩ Tráppít không bon bon một mình trên hành trình hướng về Chúa. Anh kéo theo mình, cột với mình, bằng những mối dây vô hình, muôn muôn người khác nữa. Chính Thiên Chúa là người đã buộc những sợi dây ấy. Trước hết là các Kitô hữu, những người luôn cần tiếp sức để bước theo Đức Kitô. Nhưng còn là những người mà cánh cửa hướng về Chúa chỉ mới hé mở, những ai đã khởi sự tìm kiếm nhưng chưa thỏa mãn trong ngoại giáo, Phật giáo, tìm kiếm nhưng chỉ thấy trống rỗng trong chủ nghĩa duy vật, những ai vẫn còn rối bời vì tim mình vẫn chưa thỏa khát khao... Và thậm chí những người dửng dưng, người mù tối, làm sao để đạt được ân sủng cho họ từ một chuyển động ban đầu hướng về Chúa, nếu không bởi cầu nguyện nhằm đốc thúc uy quyền thần thiêng diệu huyền? Đời sống tráppít quả thật mang đậm tính truyền giáo!*


Đan sĩ Tráppít không bon bon một mình trên hành trình hướng về Chúa.

"Nếu như cầu bầu cho ai đó là cầu xin Chúa ban cho người ấy một hồng ân, một điều tốt lành. Cầu thay nguyện giúp cho ai đó không những là xin ơn cho người ấy, mà còn xin chu toàn thay cho người ấy những bổn phận tôn giáo mà người ấy bỏ bê. Như vậy, cầu bầu chỉ là xin, còn cầu thay nguyện giúp liên quan đến cả việc thờ phượng và chúc tụng."[4] Ở khía cạnh này, Cha Jérôme trong cuốn sách đúc kết kinh nghiệm 50 năm đời cầu nguyện của ngài đã ví von:

Trên chuyến tàu lên thiên đàng, có những toa xe không phải trả tiền, và có những toa xe đặc biệt phải trả tiền vé. Thật thú vị, toa xe dành cho những người bạn của Chúa thì phải trả tiền, và giá vé rất đắt, gấp mười, hai mươi lần bình thường. Cứ một lúc, Ông Chủ lại tới và đòi tiền vé... cho tới lần thứ hai mươi. Các bạn của Chúa hiểu rằng, họ phải trả cho những người khác nữa, cho những người đi xe không vé trong toa xe miễn phí kia. Đó là một sự đòi buộc, nhưng cũng là một đặc ân dành cho các bạn của Chúa. "Lạy Chúa, con đặt vào tay Ngài tất cả những người con yêu thương: hãy xem Ngài là gì đối với con! Và con sẽ tìm thêm những người khác, vì thời gian sẽ cho con biết và yêu thương những kẻ khác nữa. Con sẽ đặt tất cả họ trong tay Ngài. Và chúng ta sẽ chỉ có một tình yêu, tình yêu của Chúa, Cha chúng ta".[5]


[1] Các trích dẫn * lấy từ www.trappitvn.com.

[2] Thánh Biển Đức, anh hùng của núi đồi, Tủ sách Nữ Biển Đức, Nxb. Tôn Giáo, 2018, chương 11.

[3] Thánh Biển Đức, anh hùng của núi đồi, Tủ sách Nữ Biển Đức, Nxb. Tôn Giáo, 2018, chương 11.

[4] Cha Jérôme, Chọn lựa của con tim làm nên khác biệt, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr. 90.

[5] Cha Jérôme, Những khả thể và giai điệu, Nxb. Đồng Nai, 2018, tr. 65.