Khi tôi kể về cuộc đời - Tác giả: Cecilia Nguyễn Thùy Dung

Lan Mary
Tôi sẽ cùng Cò bước tiếp quãng đường còn lại. Hai anh em ngồi dựa vào nhau nhìn mặt trời lặn. Cây Thánh giá trên ngọn tháp nhà thờ vẫn giương cao, lời kinh cầu vẫn vang vọng giữa tiếng amen... NGUỒN:


Thu về phả vào hồn tôi những đợt gió heo may khô rát. Luỹ tre đầu làng cũng bắt đầu ngả bóng về đêm...

Làng tôi sau những năm 54 đã không còn như trước do một số đông giáo dân bỏ quê đi vào các tỉnh phía Nam lập nghiệp. Ngoài đồng cũng vơi dần tiếng con nít cười đùa. Trên các bậc thềm, mấy người già đầu điểm hoa râm ngồi bõm bẽm nhai trầu, ánh mắt nhìn xa xăm. Con cháu họ đã rời làng tới vùng đất mới để có một cuộc sống sung túc hơn. Họ ở lại đây, một phần vì tuổi đã xế chiều, phần khác vì cuộc sống mưu sinh đã không đủ sức lôi kéo họ rời khỏi mảnh đất mà cha ông đã dùng máu mình để giữ lấy. Gia đình tôi nằm trong số những người vẫn cố bám trụ ở làng. Cha tôi bảo: "Cả gia tài ông bà để lại còn miếng đất, bỏ đi thì lấy ai giữ lại của cải tổ tiên!".

Tôi có bốn đứa bạn thân, thằng Lợi theo bố mẹ Nam tiến, còn lại thằng Huy, con Sương và thằng Cò. Thằng Huy thích con Sương, điều đó tôi thấy được. Nhưng con Sương có mắt như mù, nó chẳng hiểu tình yêu là gì? Khi yêu con người ta hay rút hết ruột gan, thằng Huy cũng không ngoại lệ. Cái gì nó cũng để phần cho con Sương. Nhưng con Sương toàn bảo sao Huy không chia cho Hoàng với? Tôi cóc thèm ăn đồ thừa của bọn nó. Đôi lúc Huy thắc mắc: "Sao Sương cứ nghĩ đến thằng Hoàng thế?". Con Sương bảo: "Ờ... thì... Hoàng còn em Cò nữa mà".

Với thằng Cò, tôi là anh trai nó, nhưng với tôi, nó không hẳn là em. Mối quan hệ phức tạp này khiến tôi dở khóc dở cười. Trước khi có sự hiện diện của nó, gia đình tôi vốn rất bình yên. Chị Nhàn là chị gái tôi, hơn tôi mười tuổi. Năm tôi lên sáu, chị đã là một thiếu nữ xinh đẹp nổi tiếng trong làng. Mẹ tôi mất khi sinh tôi, nên chị phải thay mẹ gánh vác gia đình. Cha tôi làm thợ xây, nắng thì đi phụ hồ, mưa thì đi dí cá. Trên khuôn mặt gầy đen của ông lộ rõ vẻ khắc khổ, cam chịu. Cha tôi không thích thể hiện tình cảm, nhưng tôi biết ông rất thương hai chị em tôi. Ông nóng tính và nghiêm khắc đến nỗi chỉ cần thấy tôi đi lễ muộn là hôm đó xác định nằm ôm mông cả tối. Chị Nhàn luôn là người thoa dầu cho tôi sau mỗi trận đòn. Vừa xoa chị vừa hỏi: "Em đau lắm phải không? Hôm nay mải chơi quên giờ lễ à?". Quả thật những lúc đó, tôi lại nhớ mẹ biết bao...

Chị Nhàn xinh đẹp nổi tiếng nên cũng nhiều anh chàng theo đuổi. Nhưng hễ tới cổng, tia thấy cha tôi là các anh té hết. Mỗi lần anh nào đó muốn trao thư tay cho chị Nhàn, tôi lại được lãnh thưởng hậu hĩnh. Điều đó làm tôi thấy vai trò của mình thật quan trọng. Nhưng tôi chỉ làm bồ câu thôi, còn có đưa thư tận tay người nhận hay không còn tuỳ vào... cảm xúc của tôi lúc đó. Thằng Huy và con Sương hay được ăn ké, đôi bữa chúng nó có vẻ áy náy khi thấy tôi vứt lá thư trong góc bếp. Tôi giật phăng gói kẹo: "Không ăn thì nhịn!"

Hôm đó đi học về, tôi thấy cha ngồi trầm tư, khói thuốc bay ngào ngạt, lâu lâu lại thở hắt một tiếng nặng trịch. Tôi vào bếp hỏi chị Nhàn, chị cũng im lặng không nói gì. Hoá ra chị xin cha lên thành phố học may ở nhà dì Bảy. Nhưng với tính cách của cha tôi, ông không dễ dàng chấp nhận điều đó. Một đứa con gái chân ướt chân ráo lên thành phố học việc, người làm cha ở quê làm sao yên lòng được. Nhưng nếu cứ chôn chân chị ở cái làng quê nghèo khó này cũng là một thiệt thòi cho người con gái vốn đã chịu nhiều khổ cực như chị. Tối hôm đó ngồi ăn cơm, không ai nói câu nào. Chỉ có ánh trăng trên cao chiếu xuống ba cái đầu ngồi trên bậc thềm cặm cụi ăn cho xong bữa. Bỗng cha tôi bảo:

- Thằng Hoàng ngày mai đi chợ phiên mua ít đồ với chị. Xem chị mày có cần chuẩn bị gì trước khi lên thành phố không?

Câu nói đó làm chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi thấy chị Nhàn vui đến phát khóc. Chị còn cho tôi rủ thêm hai đứa bạn thân đi cùng. Thế là bốn chúng tôi cưỡi trên hai con xe mini đời cũ lượn khắp phiên chợ. Con Sương cười nói như thể đây là lần đầu tiên nó được đi xa vậy. Buổi chiều hôm đó, lần đầu tiên tôi biết để ý tới đứa con gái khác ngoài chị tôi. Hoá ra con Sương cũng dễ thương chứ bộ! Trong ánh hoàng hôn của phiên chợ chiều, tôi như đang chìm đắm trong bức tranh đẹp đẽ của tuổi thơ, vô lo vô nghĩ, đơn sơ mà quý giá biết bao...

Năm giờ sáng, cha chở hai chị em tôi lên đường quốc lộ bắt xe. Nhìn bóng chị Nhàn theo chuyến xe đò khuất dần rồi mất hút, tôi khóc như một đứa trẻ phải xa mẹ. Cha tôi không khóc, nhưng ông buồn trong lòng. Từ lúc tôi sinh ra, niềm vui chưa trọn vẹn thì mẹ tôi qua đời. Từ đó ông thành gà trống nuôi con, bây giờ một đứa đủ lông đủ cánh bước ra đời, ông lại thêm trăn trở. Chị Nhàn hay viết thư tay, thời gian đầu đều đều mỗi tuần một lần. Càng về sau, chị bận bịu công việc, nỗi buồn xa gia đình cũng nguôi ngoai, những lá thư cũng thưa dần. Tết năm đó chị về quê, trông chị sành điệu hơn trước. Chị cắt đi mái tóc dài đen nhánh trước đây. Chị cũng cởi mở hơn, lém lỉnh và cá tính hơn. Tôi cảm giác chị không còn là cô gái thôn quê dịu dàng như trước nữa. Chị mang về bao nhiêu là bánh kẹo ngon mà trước giờ tôi chưa bao giờ thấy. Thằng Huy và con Sương cũng được dịp ăn ké nên chúng nó quý chị Nhàn lắm. Chị còn hứa có dịp sẽ cho tôi lên thành phố chơi công viên. Viễn cảnh về một đô thị khang trang, xe cộ tấp nập hiện lên trước mắt tôi như một giấc mộng đẹp.

Kể từ Tết năm đó, đã lâu chị không về quê. Các dịp lễ Giáng Sinh, lễ quan thầy chị cũng bảo bận không về được. Cha tôi gặng hỏi nhưng chị chỉ chối quanh. Ông xin được số điện thoại dì Bảy, liền đèo tôi ra thị trấn gọi điện. Sau cuộc nói chuyện hôm đó, tôi thấy ông như người bị kiệt sức. Cha tôi không buồn ăn, ngao ngán nhìn mâm cơm trước mặt rồi thở dài đứng dậy. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra với gia đình tôi, nhưng linh tính cho thấy đây hẳn là một chuyện hệ trọng lắm.

Chiều hôm đó, đang đi mua chai rượu cho cha, thấy con Sương và thằng Huy lẽo đẽo bám theo sau. Tôi ngứa mắt, hỏi:

- Theo tao làm gì?

Thằng Huy bảo:

- Mày nghe gì chưa?

- Không nói thì biến!

Con Sương ấp úng:

- Sương nghe mẹ bảo mấy người trong làng đồn chị Nhàn có bầu. Hoàng đã biết chưa?
Thú thật, tôi còn quá nhỏ để hiểu mức độ nghiêm trọng của việc này. Nhưng có lần tôi thấy sau thánh lễ Chúa nhật, người nhà của những ai có bầu trước hôn nhân phải đứng trước cộng đoàn xin lỗi. Nhìn thái độ của cha, tôi đoán chắc chuyện đó hoàn toàn có thật. Tôi nghe người ta to nhỏ với nhau: "Tưởng nó lên thành phố kiếm việc, hoá ra kiếm luôn được một đứa con". Chị Nhàn không dám về làng, phần vì xấu hổ, phần vì thương cha. Người đàn ông một mình nuôi con, cô đơn suốt hơn nửa quãng đời còn lại bây giờ phải chịu sự chì chiết của người đời. Tôi không trách chị Nhàn, tôi chỉ muốn ôm chị như lúc chị ôm tôi sau những trận đòn. Cha tôi giận chị Nhàn lắm, ông bảo với dì Bảy: "Đứa con gái như nó chỉ có vứt. Nó bôi tro trát trấu lên cái gia đình này". Nhưng tôi biết, người mà cha thương nhất là chị. Chị Nhàn giống mẹ tôi y đúc, cha tôi bảo thế! Trong ánh mắt tủi hổ của ông ngấn những giọt nước mắt vừa tủi nhục, vừa xót con. Ông xót cho cuộc đời tươi đẹp của một cô gái tương lai rộng mở, thương cho số phận chị tôi từ nay sẽ chịu sự dè bỉu, soi mói khi trở thành "người phụ nữ chưa chồng mà chửa". Ông có gặng hỏi chị về chuyện cha đứa bé, nhưng chị bảo chị tự lo được và không muốn dính líu tới người đó. Từ lúc chuyện chị Nhàn đồn ra khắp xứ, ra đường tôi chỉ biết cúi đầu mà đi, tôi sợ người ta chỉ trỏ gia đình mình.

Vài tháng sau, tiếng bấc tiếng chì lặng dần, người ta không còn nặng nhẹ chuyện chị Nhàn nữa. Đó cũng là lúc chị sắp tới ngày sinh nở. Cha tôi không lên phố đón chị về. Chị cũng nhất quyết sinh ở đó. Chị hứa với tôi khi nào mọi chuyện ổn định, chị sẽ về. Nhưng chị lại một lần nữa thất hứa. Chiều hôm đó sau giờ tan học, thằng Huy rủ đi hái nhãn, nhưng tôi từ chối. Tôi phi thẳng một mạch về nhà. Đi đến đầu ngõ, nhác thấy mọi người đứng chật kín bậc thềm, tôi linh cảm có chuyện gì đó chẳng lành. Cha tôi đón xe lên phố đón chị Nhàn từ sáng, tôi không hay tin vì lúc đó đang ngồi trong lớp.

- "Về rồi, về rồi".

Bà con trong xứ chạy ùa ra đầu làng đón cha tôi. Tôi run rẩy như sắp lăn ra đất khi nhìn thấy cha tôi đưa chị Nhàn về. Dì Bảy ôm một đứa bé còn đỏ hỏn trên tay. Đó là con chị Nhàn! Chị mất ngay trên bàn sinh, để lại đứa con chưa một ngày được nhận hơi ấm từ mẹ. Lần đầu tiên tôi thấy cha khóc. Mắt ông đỏ hoe, hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt xám đen, gầy gộc. Mẹ tôi ra đi, để lại cho gia đình một khoảng trống khó lấp đầy. Nỗi đau ấy vẫn còn dai dẳng chưa dứt thì một vết cắt xé lòng như khơi lại sự mất mát năm xưa. Người đàn ông cương nghị, cứng cỏi nhất bây giờ đã gục ngã trước trò đùa của số phận. Chị Nhàn được đặt nằm cạnh mộ phần của mẹ tôi. Hai người phụ nữ xinh đẹp kia khiến người đời xót xa khi nhìn những người ở lại. Cha tôi hốc hác, ánh mắt lộ rõ vẻ u sầu. Căn nhà nhỏ của chúng tôi phủ đầy màu tang. Nhưng giữa đống tro tàn của số phận, chị Nhàn để lại cho đời một mầm sống. Hằng ngày, chúng tôi chạy khắp xóm để xin sữa cho thằng nhỏ. Có những đêm cha tôi thức trắng để ru nó ngủ. Mệt mỏi, túng quẫn, đau khổ, ông ôm đứa nhỏ vào lòng khóc rưng rức. Tôi nằm bên mép giường cũng oà khóc nức nở. Theo năm tháng, nỗi đau cũng nguôi ngoai, thằng bé ngày một lớn dần. Nó suốt ngày bám theo tôi. Nó tưởng tôi là anh nó nên hễ tôi đi đâu nó đều lẽo đẽo phía sau: "Anh Hoàng cho Cò theo với!"

Thằng Cò cứ nghĩ cha tôi là cha nó. Tất nhiên chẳng ai muốn thay đổi chuyện đó. Với một đứa trẻ ngây thơ vô tội, không một người lớn nào muốn đào bới quá khứ để làm tổn thương trái tim bé bỏng của nó cả. Cha tôi cũng xem nó là con trai, mà đã là con thì đứa nào cũng bị đánh đòn như nhau! Cha tôi uống rượu nhiều hơn trước. Có lẽ với người lớn, chỉ khi làm bạn với rượu, họ mới quay trở về con người thật: yếu đuối và dễ tổn thương. Mỗi lần hơi men thấm vào cơ thể, ông lại không kiểm soát được mà la mắng hai đứa. Nên thay vì lảng vảng trước mặt để bị chửi, chúng tôi lủi ra sau vườn bắt dế. Tôi dẫn Cò ra thăm mộ chị Nhàn và bà ngoại nó, tức là mẹ tôi. Nhìn bóng lưng nhỏ tí xíu, lon ton nhảy chân sáo phía trước, mắt tôi lại nhoè đi. Cuộc đời nó thiếu thốn sự hiện diện của cả cha lẫn mẹ. Bất cứ đứa trẻ nào rời xa vòng tay yêu thương của mẹ từ tấm bé đều vô cùng đáng thương. Chẳng ai mong muốn điều ấy, nhưng một khi Thiên Chúa đã an bài thì có lẽ việc chưa thể hiểu được nỗi đau của sự mất mát cũng là điều may mắn cho nó...

Nhóm ba đứa tôi có thêm thành viên là thằng Cò. Nó rất thích chơi với tụi con Sương. Có hôm thằng Cò nói với tôi: "Chị Sương bảo thích một người là thấy khuôn mặt người đó sáng bừng lên, em cũng thích anh nhưng sao da anh chẳng sáng tí nào!" Tôi cười mếu máo. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ có khi nào da tôi trắng nổi đâu. Chả nhẽ vì thế tôi sống cô đơn cả đời? Chúng tôi quấn quýt lấy nhau cả ngày, tối nào cũng rủ nhau đi lễ thật sớm để được đánh chuông. Bốn chúng tôi cứ thế lớn lên cùng nhau...

Năm ấy tôi lên cấp ba, đó cũng là lúc tôi hiểu được sâu sắc thế nào là sự chia ly. Con Sương phải rời đi vào Nam cùng bố mẹ. Thằng Cò quý con Sương lắm, nó khóc thét, ôm chặt không cho con Sương đi. Chúng tôi đưa nó ra đường quốc lộ bắt xe, con Sương dí vào tay tôi một tờ giấy và dặn về nhà hẵng mở. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo chuyến xe đang chở đi một phần tuổi thơ đẹp đẽ của tôi. Chúng tôi chia tay nhau và không biết tới lúc nào mới có thể gặp lại...

Con Sương rời đi, tôi buồn nhiều hơn tôi tưởng. Đang nằm trên võng, bỗng nhiên sực nhớ ra tờ giấy hôm đó, tôi vội lục túi quần. Tôi như hoá đá, dán mắt đọc từng chữ: "Sương thích Hoàng lâu rồi nhưng Hoàng chẳng đáp lại. Hoàng ở lại mạnh giỏi nhé". Hoá ra con Sương không ngốc, chỉ là tôi quá khờ. Tôi chẳng bao giờ để ý tình cảm của nó. Tôi ở lại trong niềm tiếc nuối với hàng ngàn câu "giá như" luẩn quẩn trong đầu. Hoá ra, tình yêu là khi ta mất nó mới thấy mọi kỉ niệm thật đẹp. Tạm biệt nhé, mối tình đầu của tôi!

Rồi đến một ngày chúng tôi cũng đủ lông đủ cánh để bước ra đời. Học xong cấp ba, tôi quyết định đi học Đại học. Thằng Huy thì bỏ học đi phụ hồ cho cha nó. Làng tôi cũng phát triển hơn trước, có điện thoại bàn, có vô tuyến nhưng những người đi học xa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thằng Cò đã lớn, tự lo cho bản thân và đã biết phụ giúp gia đình. Cha tôi cũng không trăn trở nhiều nữa, có lẽ ông nghĩ chỉ khi thoát khỏi cái làng này, tương lai chúng tôi mới phát triển. Ông không muốn tôi là bản sao của chính ông. Hôm đó thằng Cò ngồi ăn cơm chan nước mắt. Nó không muốn rời xa tôi chút nào. Tôi hiểu cảm giác đó, nó giống như lúc tôi biết sắp phải chia tay chị Nhàn. Tôi cố an ủi Cò bằng sức hút từ những món đồ chơi mà chỉ có ở thành phố. Đêm đó, nó ôm chặt tôi bảo: "Anh Hoàng đi nhớ về thăm em nhiều nhiều nha. Giá như em cũng chuyển trường lên đó học cùng anh...". Âm thanh đáng yêu đó cứ nhỏ dần, nhỏ dần, rồi chìm sâu vào giấc ngủ. Nhìn thằng bé ngủ ngon, tay nắm chặt vạt áo của tôi, tôi tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng bù đắp những thiếu thốn mà từ nhỏ nó đã không có. Tôi không tài nào ngủ được. Cảnh vật bình yên đến mức tôi có thể nghe được tiếng thở của đất trời, từng cơn gió thổi nhẹ qua khung cửa sổ mát rượi. Bầu trời trải thảm lấp lánh những vì sao, lòng tôi cũng bồi hồi những tia hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn...

Cuộc sống sinh viên khó khăn nhưng cũng nhiều hoài bão. Tôi tự mình trang trải mọi thứ, đôi lúc nhớ nhà, tủi thân chỉ biết ngồi khóc. Nhưng cứ nghĩ đến dáng vẻ lầm lũi của cha, ánh mắt hồn nhiên của thằng Cò, tôi lại dặn lòng phải cố gắng. Hè năm thứ ba tôi về quê chơi. Hôm đó sau thánh lễ Chúa nhật, cha xứ rao hôn phối: "Rao cho mọi người được biết có anh Phaolo Nguyễn Văn Lợi, có ý kết hôn với chị Teresa Trần Thị Sương...". Tôi giật bắn người, ánh mắt tôi lia trúng thằng Huy ngồi phía trước. Cũng giống như tôi, thằng Huy còn tỏ ra bất ngờ hơn thế nữa. Ra về nó khều tay tôi: "Con Sương không chọn tao là sự tiếc nuối cho cuộc đời nó". Tôi phì cười. Thật may nó chưa biết chuyện con Sương thích tôi, và tôi cũng không có dự định thông báo chuyện đó cho nó. Với bản tính thằng này, nó sẽ cho tôi ăn hành ngay. Hè nào tôi cũng về chơi với Cò. Đó là khoảng thời gian bình yên và hạnh phúc nhất của chúng tôi. Cha tôi dạo này hay bị choáng đầu. Có hôm ông chở thằng Cò đi lễ, không hiểu sao mất tay lái mà lao thẳng xuống ruộng. Thằng Cò gãy chân nằm một chỗ cả tháng trời nhưng nó vẫn vui vẻ: "Cha cứ yên tâm đi làm, con ở nhà trông nhà được mà". Nó là đứa trẻ hiểu chuyện đến đáng thương!

Bắt đầu bước vào năm học cuối, tôi mang trong mình bao nhiêu kỳ vọng. Càng về sau, tôi càng bận, ít về quê hơn. Thằng Cò đã có lúc giận tôi vì Giáng Sinh năm đó tôi không về thăm nó được. Ngày hôm đó mưa tầm tã, tôi ăn vội chiếc bánh mì bên đường rồi đạp xe tới chỗ làm thêm. Bỗng tiếng chuông từ chiếc Nokia cũ tôi mua được ở tiệm cầm đồ reo lên. Ở đầu dây bên kia, tôi nghe có tiếng trẻ con vừa khóc vừa nói không nên lời: "Anh Hoàng ơi, cha bị ngã nặng lắm, anh về ngay đi!". Trong một phút tôi như ngừng thở, trái tim như bị ai đó bóp nghẹt. Tôi lia miếng bánh mì cắn dở trên tay vào góc đường rồi phi thẳng một mạch về nhà dọn đồ để ra bến xe. Những giọt mưa hôm nay mặn đắng, hay do nước mắt tôi đã hòa lẫn vào mưa? Bất giác nhớ lại lúc cha tôi dí vào tay tôi 50 nghìn để lên thành phố nhập học, tôi khóc như một đứa trẻ sắp mất đi thứ đồ chơi nó quý giá nhất.

Về tới đầu làng, khung cảnh quen thuộc hiện ra trước mắt. Tôi lao thẳng vào nhà, mọi người đã ở đó chật kín, cha xứ đang xức dầu cho cha tôi. Thằng Cò ngồi góc giường sụt sịt, nhác thấy tôi về, nó òa khóc nức nở. Cha tôi bị ngã từ trên giàn giáo, gãy xương đùi và xương cột sống. Ông yếu ớt nắm tay tôi, miệng nở nụ cười thỏa mãn nhìn thằng con từ xa trở về. Ông không nói nhưng ánh mắt đang muốn thốt lên rằng: "Cha yêu các con nhiều lắm!". Trong khoảnh khắc đó tôi nhận ra, điều mà tôi tiếc nuối nhất là từ bé, tôi chưa bao giờ nói thương cha một lần. Cho đến lúc nhìn cha yếu ớt nằm bất động trước mặt, tôi chỉ biết nói yêu cha bằng lời cầu nguyện. Rạng sáng hôm sau, ông trút hơi thở cuối cùng. Nhìn chiếc áo còn bám hồ trắng phớ vắt đầu giường, lòng tôi dậy lên những tiếc nuối. Tôi cố gắng làm việc để tặng cho cha những chiếc áo mới, nhưng đến hôm nay, tôi chỉ có thể tiễn ông bằng chiếc áo xô gai. Cả cuộc đời ông lam lũ vì con, lúc ra đi cũng vật vã đau đớn. Tôi không biết phải bắt đầu lại cuộc sống như thế nào khi vắng bóng cha. Mái nhà che chắn mưa gió cho hai anh em tôi cũng không còn, liệu chúng tôi có đủ sức vượt qua những nắng mưa của cuộc đời? Tôi bỏ lại sau lưng những ước mơ còn dang dở. Bây giờ, mơ ước lớn nhất của tôi chính là Cò. Tôi gửi lại cho nó những hoài bão để sau này nó sẽ tiếp nối thay tôi. Có lẽ, lần quay về này, tôi sẽ không rời đi nữa. Suy nghĩ đó đã ánh lên trong đầu tôi khi nghe thằng Cò thủ thỉ: "Anh là cả thế giới của em, anh đừng bỏ em lại một mình nha anh". Tôi nhìn xa xăm phía chân trời, mấy vệt sáng còn vương lại trên bầu trời như đang tiếc nuối chưa muốn tắt. Nhưng tôi biết rằng, sau đêm nay, bình minh sẽ ló rạng, cuộc sống mới lại bắt đầu trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi tôi kể lại cuộc đời mình, dường như tôi không còn là nhân vật chính nữa. Trong bản giao hưởng cất lên từ những đau thương, tôi chỉ là một nốt trầm làm nền cho thằng Cò tỏa sáng. Tôi sẽ cùng Cò bước tiếp quãng đường còn lại. Hai anh em ngồi dựa vào nhau nhìn mặt trời lặn. Cây Thánh giá trên ngọn tháp nhà thờ vẫn giương cao, lời kinh cầu vẫn vang vọng giữa tiếng amen...