Sóng đời - Tác giả Jikasun

Lan Mary
Bờ đá như không chắn nổi những con sóng đang vờn lên tung bọt trắng xóa. Nó hối hả xô bờ rồi lại vội vàng tan biến giữa màn đêm. Bến cảng một đêm cuối đông chật ních những người chen nhau lên tàu. Một nhóm người lố nhố đứng hóng mắt lên chờ hiệu lệnh. Chỉ cần một dấu hiệu được đưa ra họ ngay lập tức sẽ gom đồ chạy thật lẹ. NGUỒN:

Bờ đá như không chắn nổi những con sóng đang vờn lên tung bọt trắng xóa. Nó hối hả xô bờ rồi lại vội vàng tan biến giữa màn đêm. Bến cảng một đêm cuối đông chật ních những người chen nhau lên tàu. Một nhóm người lố nhố đứng hóng mắt lên chờ hiệu lệnh. Chỉ cần một dấu hiệu được đưa ra họ ngay lập tức sẽ gom đồ chạy thật lẹ.

Họ vượt biên.

Kế hoạch được định như thế nhưng biến cố thì lúc nào cũng đến khi con người ta chưa kịp chuẩn bị. Trên boong tàu vang lên tiếng hét thất thanh của người đàn ông:

- Lên tàu mau. Ta bị lộ rồi. Lính đang kéo tới bắt, đi tù khổ sai cả đám tới nơi bây giờ. Lẹ lên, lẹ lên.

Dứt lời người đàn ông bổ nhào xuống phụ khuân những túi hành lý chạy phăng phăng. Nghe lệnh phát ra bất ngờ, đám người như điện xẹt chen nhau chạy nhanh nhất có thể để thoát lên tàu. Tiếng tàu bắt đầu khởi động như sấm gầm giữa trời quang. Tiếng người ta gọi nhau ầm ĩ, ồn ào một góc bến cảng. Trong khung cảnh náo loạn, một người đàn bà tay xách hai túi đồ to, lưng cõng theo thằng nhóc con độ hai tuổi. Chạy bước sấp bước ngửa mong sao cho kịp. Nếu không thể lên chuyến tàu này, chẳng khác gì cầm chắc cái chết cho số phận đen tối của mình. Thằng con nhỏ quá, nó tuột khỏi lưng mẹ té cắm đầu xuống mặt cát, da trẻ thơ non nớt bị cát cắt hằn lên những vệt máu hồng trên má. Nó hét lên vì đau, người đàn bà quay lại chẳng kịp lau cho con vội bế thốc lên chạy cho kịp.

- Chị, chị đưa thằng nhỏ em ẵm phụ cho, chị ôm đồ chạy cho mau, em cũng lên chuyến tàu ấy. Lính đang sát phía sau rồi, nhanh lên chị ơi.

Người phụ nữ trẻ chạy song song với bà dang tay đón lấy đứa nhỏ. Quay đầu lại đã thấy nòng súng đen ngòm chĩa thẳng về hướng con tàu. Họ bắn chỉ thiên làm tất cả kinh hồn bạt vía. Người đàn bà cùng những người khác chen nhau lối lên tàu. Con tàu rú lên một hồi rồi bắt đầu nhổ neo rời mảnh đất cằn khô quanh năm khắc nghiệt. Người tốt thì ít mà giả dối hung tợn thì nhiều. Người nghèo ở đây cũng chẳng khác gì nô lệ.

Giữa dòng người len chật kín boong tàu, người đàn bà mặt mày xanh tái hớt hải chen ngược, chui xuôi miệng không ngừng gọi tên một đứa trẻ.

- Hiếu ơi... Hiếu... Hiếu ơi...

Tiếng gọi khản đặc của bà vang lên dọc ngang khắp nơi. Bà nhìn thấy người phụ nữ trẻ đã ẵm con bà đang co rúm lại ở cuối tàu. Nhác thấy, bà lao tới nắm lấy tay mà hỏi dồn.

- Con chị đâu rồi em, nó đâu rồi.

Người phụ nữ trẻ sụp xuống.

- Chị ơi. Xin chị đừng tha thứ cho em. Em hoảng quá, người đông quá em tuột tay nó hồi nào không hay. Chị hãy dùng cả quãng đời còn lại mà oán trách em đi. Chị ơi. Em xin chị...
Giây phút ấy người đàn bà như hóa điên. Hai chân khụy xuống sàn, tiếng khóc nức nở cứ vậy mà vang lên.

- Làm ơn đi. Làm ơn quay lại cho tôi tìm con. Trời ơi...con tôi đâu, con tôi đâu.

Nước mắt tràn ướt đẫm khuôn mặt khắc khổ gầy trơ hai gò má của người đàn bà.

Tiếng còi tàu rền vang giữa trời khuya như xé toạc trái tim đớn đau của người mẹ vừa lạc mất đứa con bé bỏng của mình. Bà đổ ra sàn ngất đi, người ta xúm xụm lại mà lo lắng, mà thương xót cho hoàn cảnh bi thương trước mắt mình.

Màn đêm đen tối đáng sợ biết bao nhiêu...? Ngoài khơi kia sóng ào lên như những con quái vật chực chờ chồm tới bắt đi đứa trẻ chỉ có một mình.

Ai có thể đong hết được sự sợ hãi của một đứa trẻ chưa tròn ba tuổi, khi bỗng chốc chỉ còn lại một mình bơ vơ ở nơi hoàn toàn lạ lẫm. Đến tiếng gọi mẹ còn ngọng nghịu chưa tròn vành.

Nó gào khóc trong đêm, nó sợ hãi vì không còn thấy mẹ ở đâu. Nó trốn vào dưới một cái thuyền thúng dân chài úp đó chờ ngày ra khơi. Nước mắt chảy vào vết thương trên má đau đớn biết bao nhiêu. Nó mệt lả mà thiếp đi trong nỗi khiếp sợ, miệng vẫn không ngừng nấc lên từng hồi.

- Mẹ ơi...

Khi hừng đông phía chân trời vừa ánh lên những vệt sáng đầu tiên. Người dân làng chài hoang mang khi nhìn thấy một đứa trẻ mặt mày sưng húp nằm co ro tím tái dưới cái thuyền thúng nhà ông Mười He.

- Ông Mười, ông lại đây coi này. Con cái nhà ai mà nằm ở đây. Không biết nó còn sống không.

Tiếng chân huỳnh huỵch của nhiều người, tiếng gọi nhau ồn ã làm nó tỉnh dậy. Hai mắt đã sưng húp lên vì khóc suốt đêm qua. Nó lơ mơ huơ huơ bàn tay níu vạt áo ông Mười, miệng gọi mẹ rồi lả đi trong vòng tay ông.

Ông ẵm nó một mạch chạy đến trạm y tế, khám xét xong xuôi ông ôm nó về nhà. Chăm sóc từng miếng ăn, từng giấc ngủ. Có lẽ ông trời cũng phải rủ lòng xót thương nên nó mới gặp được một gia đình tử tế như vậy. Từ đó nó thành con ông Mười He. Từ ngày có thêm nó vợ chồng ông quyết không sinh thêm đứa con nào nữa, chỉ có nó và một chị gái.

Nó còn bé quá, làm sao nhớ nổi cái ký ức kinh hoàng đêm hôm đó. Thời gian dần trôi đi, nó không còn bất kỳ ý niệm gì về người mẹ năm nào. Trong tiềm thức, gia đình ông Mười mới chính là ruột thịt của nó.

Nó càng lớn càng bảnh trai, bộc lộ bản tính thông minh từ khi còn tấm bé. Nhớ năm học lớp một, nó cầm tờ phiếu liên lạc xếp thứ hạng trong tay. Chạy về nhà mắt đã bọng nước, vừa thấy mẹ nó ngay lập tức gào lên. Nó bảo con học dốt mẹ ơi. Con được xếp thứ 1, bạn Việt Dũng xếp thứ 34 cơ. Mẹ và chị nó nghe xong thì cười phá lên trong khi nó đứng đấy mặt méo xệch đi. Nó còn chưa hiểu được nó mới chính là người giỏi nhất trong lớp. Nó làm sao biết nó đang đứng ở vị trí làm cho ba mẹ tự hào biết chừng nào.

Thời gian trôi qua, càng lớn nó càng ý thức được nhà mình nghèo. Nên lúc nào cũng cố gắng học thật giỏi, sau này sẽ chăm sóc được ba mẹ. Ngôi làng nghèo ven biển không có trường trung học phổ thông. Học hết những năm cấp hai nó được ba gửi ra huyện ở nhờ nhà chú em của ba để đi học. Những tủi hờn đầu tiên trong đời nó đã được nếm trải ở đây, cảm tưởng như chẳng có gì khổ hơn vào thời điểm ấy.

Nó những tưởng đây rồi cũng sẽ như gia đình của mình. Nào ngờ sau khi ba nó quay lưng ra về, nét mặt người thím thay đổi 180 độ. Chẳng còn vẻ cười nói như trước mặt ba, thay vào đó là một câu nói xỉa xói.

- Nhà nghèo chẳng có cơm mà ăn, bày đặt đu đeo học hành. Nhà tao còn chưa đủ khổ đấy. Không vì ông chồng tao nhất mực nhận mày thì còn lâu mà có cửa ở đây nha con. Họ với chả hàng, không được cái tích gì. Ở đây lo mà làm mới có mà ăn nghe chưa.

Dứt lời bà nguẩy bước đi vào nhà trong, nó đứng ngơ ngác như trời trồng, nó chết điếng vì những lời vừa được tuôn ra từ khuôn miệng của người nó vừa gọi bằng thím.

Nhà chú nó khinh doanh một cửa hàng văn phòng phẩm, bán báo và cho thuê truyện. Ở huyện lúc bấy giờ như vậy đã là quá ổn rồi.

Tờ mờ sáng thím đã lôi nó dậy để nấu cơm sáng cho cả nhà. Cái bếp bằng mạt cưa lần đầu tiên trong đời nó nhìn thấy, thím nó thị phạm một lần rồi bắt nó tự làm vào những lần sau. Mạt cưa bụi tung mịt mù, nó lấy hết sức mà nhồi mà ấn, nhưng lâu lâu đang nấu giữa chừng vì không được nén chặt bếp sụp xuống tắt ngấm một màu đen thui. Tay nó chẳng biết đã có bao nhiêu vết sẹo bỏng vì cái bếp ấy. Vào những ngày trời lạnh, mưa phùn cái bếp dở chứng vì mạt cưa không được khô, khói bốc lên ngùn ngụt cay xè hai mắt. Khói bốc lên khắp các gian nhà và nó lại được nghe những lời nhiếc mắng.

Trong lúc chờ cơm chín, và chờ các con của thím thức dậy. Nó phải giặt đồ cho cả nhà chú. Trước mắt nó là một thau đồ...lót phụ nữ. Cảm giác rờn rợn chạy khắp dọc cánh tay khi nó phải cầm lên và giặt từng cái đồ lót của thím và các con gái cô. Ngày ở nhà nó chẳng bao giờ phải đụng tới việc ấy, nó cứ thấy ghê ghê xấu hổ kiểu gì, đến nhìn còn chẳng dám. Mỗi lần trời đổ mưa bất chợt, nó lấy cái đòn gánh khèo từng cái một, chứ chẳng dám đụng tay. Mà giờ đây, nó đang phải làm gì thế này...Chẳng biết là nước mắt đang rơi vì nó khóc, hay vì khói bếp lúc nãy còn cay làm nhòe mắt nó.

Mỗi ngày nó sẽ phải kéo nước đổ đầy những chum sau nhà để sinh hoạt hằng ngày. Nước nào có được mở vòi ra là chảy, nó phải gồng lên kéo từng gàu từ cái giếng sâu không thấy đáy. Hai tay mỏi nhừ như ai vừa lấy gậy mà vụt vào.

Trước khi đi học, nó phụ chú xếp lại sách báo để mở cửa hàng. Sáng phải làm quá nhiều việc nên chẳng khi nào nó được thảnh thơi mà đi từ từ. Lúc nào cũng phải chạy thục mạng mới kịp giờ vào lớp.

Chiều tan học nó sẽ ở đây để trông hàng và đóng bìa sách cho chú.

Nhà chú có năm người con, vì nó học giỏi nên mỗi tối sẽ phải kèm cho các em học. Mỗi đứa một lớp. Đứa sáng dạ thì dễ, phải đứa dạ tối đen như mực nói rát cổ họng nó vẫn trơ trơ. Xong xuôi đâu đấy ngày nào cũng đã là 11 giờ khuya. Không dám bật điện, nó lại thắp nến lên, cắm cúi học cho xong bài tập của mình. Có những hôm lúi húi cuối xuống làm bài lửa từ cây đèn bén cháy cả tóc khét lẹt...

Khổ sở là thế, tủi hờn là thế mà nó nào dám kêu than một lời. Mỗi khi ba mẹ trở lên thăm xem nó sống có tốt không, có học hành giỏi giang không. Nó đều vui vẻ hồ hởi không một chút gì tỏ ra buồn khổ. Tất cả nó giấu riêng một mình, nó biết nó là sự kỳ vọng của ba mẹ. Nuôi nó lớn chừng này đã vất vả lắm rồi, làm sao nó để mẹ phải buồn lòng lo lắng thêm nữa.
Trong tâm khảm nó tự hứa rằng sẽ phải thay đổi được số phận của chính mình. Cố gắng lên nào.

Ba năm ở nhà chú để theo học cũng chính là những tháng ngày khổ sở nhất đời nó. Ngày tốt nghiệp, cầm tờ giấy báo trúng tuyển trên tay nó vui mừng lắm. Nó có thể rời khỏi đây rồi, từ nay nó có thể bay nhảy với ước mơ rồi.

Trở về, trên tay cầm tờ giấy báo nhập học nó lại chạy ào vào nhà như ngày học lớp một năm nào, nhưng lần này nó không khóc gào nữa, mà nó ôm mẹ nhảy cẫng lên vì sung sướng.

Nó trúng tuyển vào trường Đại Học Kinh Tế Đà Nẵng. Đang dang dở năm hai thì biến cố xảy ra, một lần nữa làm thay đổi cuộc đời nó.

Ba nó bấy giờ đang làm tiểu thương buôn trái Thơm từ huyện về. Ông đi từ khuya rồi trở về khi trời chỉ tờ mờ sáng. Đoạn đường ấy đã quen thuộc đến nhường nào, chẳng hiểu xui rủi ở đâu giáng xuống, ông bị một chiếc xe tải húc văng xuống hố dưới mé đường. Hai cần xé thơm trên xe đè nặng khiến ông không tài nào nhúc nhích. Bô xe nóng như nung chín từng thớ thịt trên chân. Ông nằm đó hàng giờ đến khi trời sáng hẳn mới có người tới cứu.

Người ta tức tốc đưa ba nó vào viện. Nó nhận được tin báo cũng vội vàng lao về. Tim nó như có ai đang bóp chặt khiến lồng ngực muốn nổ tung.

Ba nó nằm đó, máu me đỏ cả người. Mẹ và chị gái mặt mày hoảng loạn, khóc vang cả khu cấp cứu. Ngồi chờ trước phòng mổ chẳng khác nào người ta đang bỏ lòng dạ nó vào chảo mà rang lên. Nóng hổi. Bỏng rát.

Cánh cửa phòng mổ trượt qua, bác sĩ bảo ngân hàng máu hiện không đủ để truyền đáp ứng cho ca phẫu thuật. Ai là người nhà có thể hiến máu truyền gấp. Nó đứng bật dậy vội vàng theo chân bác sĩ đi làm xét nghiệm. Kết quả khiến nó kinh hoàng.

- Máu cậu không tương thích với bệnh nhân. Hai người không cùng chung một nhóm máu.
Chuyện gì vậy. Nó vừa nghe cái gì vậy. Nó là con của ba nó cơ mà. Tại sao lại bảo không lấy máu nó được. Ba nó sắp chết tới nơi mà người ta nói cái gì thế.

Trong cơn thất thần, nó lao ra ngoài tìm mẹ.

- Mẹ ơi, người ta vừa nói với con cái gì lạ lắm. Sao người ta lại bảo máu con không tương thích với ba. Sao con với ba không có gì liên quan vậy mẹ.

Chưa kịp nghe trả lời, bác sĩ lại bắt đầu hối hả hỏi người nhà có ai khác để lấy máu không. Chị gái nó lại hoàn toàn tương thích.

Nó hoang mang tột độ. Nhà cửa đang giữa lúc rối ren, nó không dám truy hỏi.

Ba nó vượt qua cửa tử nhưng người có thể cho máu ba lại không phải là nó. Nó là ai...nó tại sao lại như thế...?

Ba nó nằm hôn mê mười hai ngày. Ngồi bên giường bệnh của ba, những kỉ niệm từ ngày nhỏ như thước phim quay chậm từ từ lần lượt hiện lên trong ký ức. Nó đúng là con ba mà, từ nhỏ nó đã lớn lên trong căn nhà ấy. Ông đã một tay nuôi nấng nó cơ mà. Tại sao...tại sao...

Nó sống trong hoang mang suốt những ngày ba nằm viện. Sau khi ông khỏe lại được về nhà. Tự ông đã nói ra một sự thật khiến nó bàng hoàng.
Nó không phải con ruột.

Vậy nó là ai. Nó từ đâu tới. Nó xuất hiện ở đây bằng cách nào. Ba mẹ nó là ai... Hàng trăm câu hỏi náo loạn trong đầu. Nó lao ra biển, trầm mình xuống làn nước lạnh buốt. Đây lại là gì vậy. Trời ơi...

Ba mẹ cũng không biết nó từ đâu tới, và dân làng chài này cũng thế. Nó được kể lại rằng, ba đã nhặt nó ngoài bờ biển vào rạng sáng một ngày cuối đông lạnh buốt. Có lẽ nó bị tuột lại trong cuộc náo loạn mười mấy năm trước ở bến tàu này. Từ đó gia đình ông Mười He đã nhận nuôi nấng nó tới tận bây giờ. Đấy là tất cả những gì người ta biết về nó. Còn nó từ đâu tới chắc có lẽ là một người giờ đây chẳng biết đã đi về đâu trên chuyến tàu loạn lạc năm ấy.

Nó nhìn ba mẹ mà nước mắt không ngừng rơi. Nó phải vui hay buồn đây. Gia đình này mới chính là nơi đã yêu thương nó, đã cứu nó từ vực thẳm của cuộc đời này. Nó cũng yêu thương bằng tất cả tấm lòng mình. Tự sâu trong lòng nó khép lại bí mật về thân thế vĩnh viễn. Nó chỉ có một gia đình duy nhất này thôi. Nó sẽ dùng cả cuộc đời này để đền đáp công ơn của ba mẹ.

Chiều chiều nó rông ra bờ biển, mắt hướng về một nơi xa xăm tự hỏi lòng ba mẹ ruột nó giờ thế nào...đã bao giờ thử đi tìm nó một lần hay chưa. Nếu có thể ước nguyện trong đời, thì xin hãy một lần cho nó được gặp người mà nó tin rằng đã sinh nó ra bằng tất cả yêu thương.

Phải chi đừng có chiến tranh, phải chi đừng có chia lìa. Thì người mẹ năm đó đã chẳng mất đi đứa con rứt ruột của mình. Nó đã chẳng phải rời xa vòng tay ấm áp và trái tim đầy yêu thương của người mẹ.

Có lẽ...số phận nó phải là như thế.

Cảm ơn cuộc đời đã mang đến cho nó một gia đình khác cũng đã yêu nó bằng cả trái tim rộng mở bao dung.

Jikasun