Mùa hoa tuyết - Tác giả: Maria Trịnh Thị Kiều Oanh

Lan Mary
Khu nhà ở của bọn nhập cư trái phép, tụi Mỹ nói thế, lại trở thành nhà thờ. Anh ghé nhà thờ vào mỗi cuối tuần, cùng người Việt dọn dẹp sân vườn, xúc vữa, cắt cỏ, chơi với tụi con nít học nội trú trường dòng. Tụi nhỏ cuối tháng về nhà một lần, và vì như thế, mỗi lần về tụi nó quấn quýt lấy anh, lấy khoảng không gian truyền giáo của anh. Vậy mà anh vui. NGUỒN:


Giải Nhất cuộc thi “ Tê rê sa điều phi thường nhỏ bé” 2024

PHẦN I.

St. Ann's Catholic Church | Great Falls, Montana
ngày cuối tháng 09 năm 2014

Sứ mạng mới của anh.

Câu nói bâng quơ năm ấy lại trở thành hiện thực: anh truyền giáo ở Mỹ.

Khu nhà ở của bọn nhập cư trái phép, tụi Mỹ nói thế, lại trở thành nhà thờ. Anh ghé nhà thờ vào mỗi cuối tuần, cùng người Việt dọn dẹp sân vườn, xúc vữa, cắt cỏ, chơi với tụi con nít học nội trú trường dòng. Tụi nhỏ cuối tháng về nhà một lần, và vì như thế, mỗi lần về tụi nó quấn quýt lấy anh, lấy khoảng không gian truyền giáo của anh.
Vậy mà anh vui.

——
Tôi sang Mỹ nhờ cơ duyên làm nghiên cứu sinh, đồng nghiên cứu đề tài khủng hoảng bản sắc ở trẻ nhập cư Mỹ. Đề tài này được Mỹ đầu tư, với kỳ vọng, nước bạn (không chỉ riêng Việt Nam) có thể có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn nạn vượt biên. Về mặt lý trí và tính toán hẳn hoi, tôi không mất tiền để đi Mỹ, không khổ sở để vượt biên, không khốn cùng trong vùng tị nạn. Nhưng về con tim, về cõi lòng, tôi thật tình không thể khác họ được, thứ mùi-quê đã bám vào nhân tính tôi. Thứ mùi Việt, mùi Đất Mẹ.

Khác với tôi, anh trai tôi vượt biên sang Mỹ khi tôi còn leo lắt bám trụ lại Hà Thành. Anh đi tìm giấc mơ Mỹ "cũng là làm thuê nhưng làm thuê cho tụi Mỹ mình thoát nghèo nhanh hơn", anh nói với tôi như thế. Anh còn dặn tôi: "Ráng học, như lời mày hứa với mẹ. Mẹ rút ruột cho mày, cho tao, và cho ông già cả đời rồi. Mày tuyệt nhiên không được theo cách hành xử của bà ấy. Tao đi Mỹ được, cho mày học tiếp, đổi đời con đời cháu sau này. Hứa với tao, bám trụ lại thành phố, có khổ quá cũng ráng đừng về..."
Hồi đó anh Hai phải đi rừng vượt biển hơn 3 tháng trời. Đoạn trường gian khổ nào hắn cũng đều kinh qua hết. Suýt mất mạng vì đi qua nhiều hồ lớn không có phao, nhiễm nước rồi cảm lạnh dọc đường. Hắn đi rừng suốt cả tháng trời, mì tôm và lươmg khô là bạn song hành, mưa rừng thành nước tắm, nước uống. Bẩn thỉu hay bệnh tật chỉ là 'số trời', miễn còn thở thì còn phải nương mình theo đoàn mà đi, mà bước. Có lần qua Brazil, hắn được đưa vào trại, được người ta cho ăn uống đầy đủ, mỗi tội không có chỗ nằm vì quá chật, chỉ đủ trở mình theo một phía rồi ráng co người mà ngủ cho đến sáng. Hắn bệnh nền thoát vị đĩa đệm. Đêm đầu tiên ở trại, hắn đau không chịu được, kèm sốt cao. Hắn đành 'cắn răng' 'buộc bụng' nhờ tụi Cò thuê phòng có giường 1 đêm, ngay bên trong trại. Hắn ngậm đắng nuốt cay ở phòng 'víp' chữa lưng cho đỡ để còn đi tiếp. Lưng hết đau thì đầu hắn đau. Làm sao chữa cho khỏi cái đầu đang hạnh hoẹ, nếu cái thứ suy nghĩ kia không chịu dứt, thứ suy nghĩ của những con số, của việc tụi vay lãi có khi đang ghì cổ ông bà già siết nợ ở nhà.

Nên với Hắn, sang được Mỹ là đổi được đời, đổi cả số phận gia đình hắn.

...

Kể từ khi tôi sang Mỹ, vào dịp nghỉ hè hoặc cuối tháng có ngày nghỉ phép dài, tôi thường đến thăm anh Hai. Anh ở trong vùng tị nạn của người Việt, thuộc bang Montana do cha Piter coi sóc.
Cha Piter đồng hành thiêng liêng cho tôi từ những ngày đầu tôi làm nghiên cứu ở Mỹ.

——
Hôm tôi đến nhà thờ St. Ann (Great Falls, Montana).

Tôi đứng từ phía xa, trước khi bước vào nhà nguyện, dáng hình của người đàn ông chạc U35 chiếm lấy sự chú ý của tôi. Quen rồi lạ, ngỡ gặp ở đâu đó rồi, lại không thể chắc chắn về hình dung của mình. Tôi biện hộ đó là một người giúp xứ mới, hoặc chỉ đơn thuần là bóng dáng của người Việt mình. Tôi khựng lại, rồi cũng lướt qua. Bước vào nhà nguyện.

Gặp cha Sở, ngài hỏi chuyện nghiên cứu của tôi, ngỏ ý tôi cộng tác chương trình giáo dục cho giới trẻ xứ này; ngài cũng hy vọng, đề tài tôi đang làm sẽ có một tia sáng nào đó cho tụi nhỏ - những đứa trẻ nhập cư từ trong trứng nước.

Tôi đồng ý.

Kể từ đó, mỗi tháng một lần, tôi ghé nhà thờ bàn hỏi với cha Sở về dự án, thăm bà con người Việt ở đây, tiện ở lại chơi với ông anh Hai ít ngày.

Dự án đơn sơ lắm, sức người nhiều hơn sức của. Các bố các chú góp ngày công, các mẹ các chị góp gạo rau thịt cá, tụi con nít góp tiếng cười, nhà thờ thổi cơm. Tôi không rõ đó có phải là nét văn hoá của người Việt mình đang tiếp tục len lỏi trên đất Mỹ hay không, chỉ nghe thấy tiếng vọng từ tâm trí "lá lách đùm lá rách", "bán bà con xa, mua láng giềng gần" văng vẳng bên tai. Đời sống của người Việt ở Mỹ không khổ, chỉ là không tự do về cảm nhận. Một cảm nhận len lỏi: họ và tôi đang ở trên đất 'lạ', khát mong đổi đời để sau cùng có cơ hội trở về Đất Mẹ, chết trên Đất Việt. Họ vẫn thương yêu, vẫn muốn chia sẻ, vẫn muốn 'đùm bọc' anh chị em mình, dù đói nghèo hãy còn vơi...

Hoá ra, sau cùng, một đời người cho đáng cũng chỉ vỏn vẹn khát mong về lại nơi 'chôn rau cắt rốn', thăm bà con lối xóm, cốc nước chè cục kẹo lạc đã là vui, là toại nguyện, là thoả lòng được sống trong cảm thức 'thuộc về'. Lí lẽ ấy ai cũng hiểu. Chỉ là, vẫn phải tiếp tục sống, sống trong cái hiểu hiển nhiên đó. Dẫu biết thừa, ngày nào đó sẽ buông hết mọi thứ để nếm hưởng kinh nghiệm cuối cùng, cát bụi phận người, thì cũng không thể không vun vén đời mình, không thể không dặm vào thân nhiều phương tiện sống và tương quan.

Đúng là, mùi đời...

***
Cũng như lần trước, lần này tôi gặp lại hình ảnh người đàn ông đang cưa gỗ, tôi đoán nhà thờ đang xây thêm mái che cho giáo dân có chỗ nguyện ngắm, sẵn cho tụi nhỏ có không gian sinh hoạt. Tôi lướt qua bóng hình chẳng rõ mặt ấy, tìm gặp cha Sở. Bàn việc xong xuôi cũng đã gần giờ cơm. Cha Sở mời tôi ở lại, dùng cơm với cha và anh em, tiện chiều qua thăm vài hộ gia đình rồi hẵng về lại California, cách 2000km. Tôi đồng ý, hí hứng nèo bằng được cơ hội trổ tài nấu món tủ - thịt kho măng. Cha cười "Cha sẽ lần thêm một chuỗi cho cơm nay khỏi khê, canh chẳng cạn nước, thịt chẳng thành mắm nhen."
Tôi phì cười. Hào hứng vào bếp.

Bếp nhỏ, nằm lọt thỏm phía sau nhà thờ. Tôi đoán, mỗi khi dọn cơm, mấy thầy phải xin phép rẽ lối qua nhà nguyện. Nghĩ thế, tôi thầm cười, "mấy thầy phải khoe với Anh Cả về những đắng-cay-ngọt-bùi của từng ngày sống, chí ít ngày 3 bữa, như vầy mới có sức mà tu học chứ." Nghĩ thế rồi, trong đầu tôi thoáng nhớ đến Biu - người tôi rất mực thương yêu những năm đại học. Một thoáng suy nghĩ vụt qua, tôi tự hỏi "không biết hắn làm cha chưa, cha của cộng đoàn hay cha của những đứa trẻ. 10 năm rồi..."
Một thoáng suy nghĩ khác lại thắng thế, tôi miên man thừa nhận, như hình từ khi làm nghiên cứu bên này, số lần nấu cơm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có khi như cha Sở nói, phải lần thêm chuỗi cho bữa cơm này thì may ra...

"Bọ ơi, rau về đây rồi, cha Sở nói với con nay có khách, con nấu với Bọ."

Giọng nói lớn, khoẻ khoắn, dứt khoát. Tôi đưa mắt nhìn... Hắn nhìn tôi.
...

Khoảng thinh lặng hiển nhiên nảy lên. Tôi và hắn nhìn nhau. Túi rau như có bệ đỡ, im lìm trên tay hắn. Tôi nghe thấy tiếng gió rất nhẹ và đằm.

Tôi muốn ôm hắn, một mong đợi thật bản năng. Tôi cố giữ mình, nghiêm chỉnh và đúng đắn của một nghiên cứu sinh: "Là Biu à... đã lâu không... gặp"

Chưa dứt lời, Biu ôm chầm lấy tôi: "Kể từ ngày Sa 'biệt vô âm tín', mình không biết làm sao liên lạc được với Sa, dù đã tìm rất nhiều cách, hỏi rất nhiều người..." Rồi vội buông, như sực nhớ ra điều gì đó.
"Sa có nghe tin thầy vào nhà tập. Chừng ấy thời gian, kéo theo nhiều thứ thay đổi nên không thể liên lạc cũng không khó hiểu... chỉ là không ngờ chúng mình gặp nhau ở đây."

Tôi chìa tay: "Rất vui được gặp lại thầy. Cô Bọ vừa về, phần còn lại, cứ để Sa lo."

"À.. ừm, hoá ra Sa là khách của cha Sở. Để.. để mình phụ Sa nấu." "đây, rau muống, cà chua, dưa muối,... còn có cả măng khô."
...

Tôi nhìn Biu, không biết nói gì thêm. Nỗi dậy sóng đang ùa về trong tôi, nhưng có lẽ không phải lúc. Tôi phải ăn cơm đã chứ!

"Cảm ơn thầy, vậy cơm trưa sẽ nhanh chóng hơn."

***

"Mùi vị này quen quá, hẳn phải món Việt quê mình. Đặm vị và hao cơm." Cha Sở khen món thịt kho măng tôi nấu. "hihi. Cha và mọi người ăn thêm, vì món này cần rất nhiều chuỗi mân côi của cha."

Cả bàn cười lớn: "Lần chuỗi hiệu nghiệm ngay tức thời vì lẽ đó. Cơm lành canh ngọt đã là vui."
Cha nhìn tôi, ngân giọng đầy hào hứng: "À, giới thiệu với con, đây là thầy Biu, vừa được nhà dòng gửi qua. Thầy sẽ đồng hành với anh chị em giáo dân người Việt ở đây, trước khi lãnh nhận Thiên chức Linh mục."

"Mà thời gian này thầy Biu đồng hành với giáo dân thì ít, nhưng đồng hành với cưa gỗ, lợp mái, trồng cây thì nhiều; đếm không xuể ngày công thầy ấy phụ giúp xứ này. Nhờ thế, ông cha già có thêm giờ lần chuỗi."

Cả bàn khúc khích cười, mấy thầy hiểu ý liền gật gật, người đáp trước đáp sau: "Bữa cơm này, được ơn phải biết cha ạ."

"Phải phải, được ơn phải biết đó cha."

"Mai cha lần thêm chuỗi cho thầy Tuấn quên công thức nấu cá bóng đêm nữa cha nhé. haha"
Tôi nhìn cha, nhìn từng người ngồi quanh mâm cơm: "Con là Sa, nghiên cứu sinh năm hai, đang thực hiện đề tài nghiên cứu về trẻ vị thành niên ở Montana. Con được cha Sở đồng hành trong kỳ tĩnh tâm của giáo xứ, sau đó, được hiểu hơn về bối cảnh người Việt ở Mỹ, vừa hay con đang thực hiện đề tài về trẻ nhập cư, nên cha tiếp tục tạo điều kiện để con có thể kết nối với các em xứ này, hiểu thêm một chút về đời sống của bố mẹ các em, về cơ hội giáo dục của các em."

Biu nối lời: "Cảm ơn cha đã giới thiệu con. Con sang chưa được lâu, nên mọi thứ vẫn phải học hỏi, nhờ cậy cha và anh em nhiều. Về phần Sa, con muốn khoe với cha và anh em, thời sinh viên, con và Sa cùng sinh hoạt ở Cộng đoàn Vinh-Hà Tĩnh tại Hà Nội."

"Àha, duyên này lớn quá đỗi. Chúa thật tài tình để gửi gắm tình quê, tình cộng đoàn ở chốn này."

"Vậy tốt rồi. Sắp tới, cha nhờ thầy Biu và Sa hỗ trợ giới trẻ xứ này. Hy vọng đầu năm sau, các em có chỗ học, chỗ chơi. Nơi này đang cần lắm, khao khát lắm sự hiệp nhất. Dẫu bé mọn thì Chúa vẫn cưu mang, nên cha con mình cứ vậy mà bước."
...
***
Bên chiếc bàn gỗ cùng ánh đèn hiu hiu, tượng Thánh giá khấn dòng vẫn treo lửng thửng trên bậu cửa sổ, đối diện nơi Biu ngồi. Biu viết:

| "Chúa ơi. Con gặp lại Sa. Sa khoẻ và vui hơn nhiều. Thời gian đã đưa con đến nơi này, thời gian cũng đưa Sa đến nơi này. Có một điều gì đó đang dậy sóng trong con. Một kí ức. Một bóng hình. Hay một chút tình-nhớ của 10 năm về trước. Chúa ơi, Ngài muốn nói gì với con?" |

Trong một khung cảnh khác, ở nhà anh Hai, vào giờ kinh tối, Sa thì thầm:

| "Chúa ơi, con gặp lại Biu. Biu vẫn khoẻ. Hoá ra bóng hình cưa gỗ đó là kí ức quen thuộc của con, như thế nó đòi buộc một sự hiện diện đã được vùi vào kí ức quá lâu. 10 năm. Người cưu gỗ là Biu, nhưng cũng có thể không phải Biu trong kí ức của con. Con tìm gặp thấy đôi mắt ấy... vẫn như ngày xưa, vẫn đầy những điều muốn nói.
Chúa ơi, Ngài muốn nói gì với con? |

***
"Em gặp lại Biu." "Biu là ai?"
"Nói sao nhỉ, em không biết nữa. Một người bạn. Không hẳn, phải hơn thế chứ!"

"Em và Biu gặp nhau khi em đang là sinh viên. Em và cậu ấy đi cùng nhau 4 năm. Sau đó em rời HN, cậu vào nhà tập. Kể từ đó tụi em không liên lạc."
"Hắn vẫn tu chứ?"

"Vẫn tu. Đang giúp cha Sở. Em gặp lại Biu khi qua tìm cha Sở bàn về dự án của tụi nhỏ, về nghiên cứu của em."
"Cậu ta tu ở đây luôn cơ đấy! Xem ra không phải vừa nhỉ."

"Sứ mạng của nhà dòng. Em cũng tin Biu đủ khả năng để đi xa hơn nữa. Năm đó, em nói với Biu, em muốn học lên, muốn đi nước ngoài. Cậu ủng hộ em, khuyến khích em cứ đi, cứ khám phá, cứ chọn tương lai..."
"Em trêu cậu, sau này nếu Chúa mời gọi Biu đi tu, Biu nhớ sang truyền giáo chỗ em học. Thời điểm đó, cứ ngỡ là chuyện phiếm của hai kẻ mộng mơ, của chút tình si làm cho mờ mắt, còn giờ thì đúng rồi, Biu đang ở đây."
"Thôi đừng nghĩ nữa, qua rồi. 10 năm rồi, đừng để bị ảnh hưởng quá sức nhé. Mày đang quen Minh Anh đấy. Không dễ để tìm được thằng tốt như Minh Anh đâu."
"Em chỉ muốn kể anh nghe thôi."

"Thôi thôi, được rồi, đi ngủ đi. Ngày mai về lại thành phố, nhớ cầm theo ít đồ, anh mày gửi cho Minh Anh."
"Em nhớ rồi..."

***
[Nhà Minh Anh, Los Angeles]

"Anh Hai gửi cho anh chút quà, có cả sâm vườn, làng vừa thu hoạch sáng hôm qua, dặn em nhắn anh 'ngâm rượu uống sẽ tốt cho mùa đông, nếu em không cho anh uống rượu thì nấu canh uống cho bõ tức'."
"Haha vẫn là ông anh hài hước của tụi mình. Mà em cho anh ngâm đấy chứ?!"

"Anh đoán xem. Em tin anh biết điều gì tốt cho sức khoẻ của anh. Đừng uống nhiều hơn cơ thể anh cần là được."
"Phải, phải. Để còn lo cho tương lai của tụi mình."

Tôi nhìn Minh Anh, mỉm cười: "Tương lai sẽ có tụi mình mà phải không?"

"Chắc chắn rồi. Em muốn vậy mà phải không?!" Minh Anh tiến đến, vòng tay ôm tôi:
"Nay em sao thế, nghiên cứu gặp vấn đề hay ở nhà xứ có chuyện gì?", "Em ổn chứ?"

Tôi mỉm cười, bày tỏ lời cảm ơn về cái ôm của anh. Tôi bước vào bếp, chuyển sự chú ý của cuộc trò chuyện sang túi rau củ đang nằm lăn lóc trên bàn, vừa đi vừa đáp: "Ổn mà. Anh hỏi bâng quơ thế em khó trả lời. Anh nghỉ ngơi đi. Em bỏ chút đồ vào tủ lạnh rồi về chuẩn bị bài, mai em qua Viện sớm. Anh nhớ ăn uống đầy đủ, ngủ đủ đấy nhé!"

"Em về tới nhớ nhắn cho anh một tin. Cuối tháng anh qua chở em đi thăm anh Hai, tiện nói về việc ngâm sâm."

"Đấy, kiếm cớ chở em đi, chứ anh và anh Hai có mục đích cả rồi. Giận ghê."

"haha. Phải đợi đến lúc có vợ, thì may ra anh mới bớt mục đích với anh Hai của em."

Mưa lớn tạt vào xe, mọi thứ trắng xóa, chỉ còn ánh đèn loang sau tấm kính mờ.
Sa khóc, khóc nức lên. Cảm giác đau xâu xé lòng cô. Cô không hiểu nỗi mình, không hiểu nỗi ý trời đang nói gì với cô, với Biu, với Minh Anh.

"Nực cười quá Sa ơi. 'Tương lai của tụi mình', vì sao mày không biết. Trời ơi..."

"10 năm thì đã sao. Tại sao lại là lúc này, sao không sớm hơn, sao không muộn hơn..."
Vừa về đến nhà, cô đã thấy tin nhắn của Minh Anh hiện lên từ lâu: "Em về tới nhà an toàn rồi chứ? Ngủ ngon nhé. Yêu em nhiều."

Cô khóc, nhoài mình giữa phòng khách và uống. Thứ bia chẳng bõ bèn gì đang thấm vào da thịt cô. Cô ngủ thiếp đi trong tiếng nấc, tỉ tê gọi "Chúa ơi, tại sao, tại sao... Chúa ơi..."

PHẦN II.
St. Ann's Catholic Church | Great Falls, Montana
11.2014

"Từ từ... chậm lại... giữ chặt phần mái che đằng trước nhé.. Rồi kéo đi... kéo đi... chút nữa... lùi lại, cố định bằng đinh đi...đưa dây thừng đây..."
"Aaaa. bộp... bộp..."

"Cha ơi, thầy Biu... nhanh lên..."

Cha Sở, Minh Anh và tôi vội chạy ra. Biu nằm chõng chệ trên ván, ngất lịm. Vết thương nơi chân sưng liền sau đó, đỏ tẩy. Minh Anh vội gọi xe cứu thương, mấy người khác vội sơ cứu trong khi chờ xe cứu thương đến.

Hai tiếng trong phòng cấp cứu, Biu vẫn chưa tỉnh. Bác sĩ chẩn đoán Biu bị chấn thương phía sau đầu, bị gãy cổ chân, trầy xước ở bả vai.

Đang khi chờ Biu tỉnh, Minh Anh chở cha Sở về nhà xứ vì có việc gấp. Tôi ở lại.

Tôi đợi Minh Anh ở bệnh viện, nhìn vào bên trong khung cửa sổ, nơi Biu đang nằm. Tôi thấy mình xót xa cho điều gì đó. Có lẽ, tôi cũng đang đau. Tôi tự ý thức rõ, không thể nào là tình yêu, cùng lúc đó, lại chẳng thể phủ nhận điều mà con tim đang nói với tôi. Tôi nhìn Biu. Tôi biết hắn đau, nhưng dù hôn mê hay tỉnh táo, hắn vẫn sẽ không than một lời, như năm xưa hắn đá bóng cho cộng đoàn, hắn gặp chấn thương, nhưng hắn cố cầm cự cho bàn thắng cuối cùng. Còi chuông kết thúc trận vang lên, hắn ngất lịm. Sau đó hắn được chẩn đoán: kiệt sức, đứt dây chằng chéo.

Kí ức cứ thế ùa về theo cách vô trật tự. Chẳng ai đòi hỏi mà nó cứ cho đầy. Chẳng mong đợi mà cứ vấn vương trước cửa ngõ tâm trí.

Thật lạ...
...

Đoạn Biu co giật.. Mặt mày tím tái.

"Bác sĩ, bác sĩ... bệnh nhân co giật... làm ơn nhanh lên... bác sĩ, bác sĩ." Tôi thất thanh la lớn.
Bác sĩ chạy vào, khẩn trương đo huyết áp, kiểm tra con ngươi, tiêm cho Biu một mũi thuốc.
Tôi tím tái, cảm giác sợ bủa vây lấy tôi, tôi thấy mình như đang sắp mất đi điều gì đó, dù tôi không chắc mình còn có gì để mất trong bối cảnh này. Tôi nhìn Biu, nhìn người ta áp máy lên ngực cậu, hô lớn "1...2...3 sốc điện... 1...2...3 sốc điện..." Người Biu bị đẩy lên không trung một khoảng, rồi hạ xuống, cứ thế liên tục.

Tôi không được phép vào. Tôi muốn được vào. Chí ít tôi muốn ở đó với Biu "Đừng bỏ cuộc, xin cậu đấy Biu. Đừng bỏ cuộc, hứa với em, anh không được bỏ cuộc. Sẽ ổn mà phải không, Chúa ơi..."

Nửa tiếng sau, bác sĩ dặn "tình trạng của bệnh nhân tạm thời ổn định, cần phải theo dõi thêm, người nhà cần trực 24/7. Bệnh viện sẽ hướng dẫn người nhà sử dụng quần áo bảo hộ trong phòng chăm sóc đặc biệt."

Tôi đi theo y tá lấy đồ.

Tôi bước vào, nhìn Biu với mớ băng ở trên đầu, với vết bầm tụ máu. Chắc là Biu đau lắm!

Tôi ngồi gần Biu nhất có thể.. thật sự rất gần.

"Bác sĩ nói với em 'người nhà cần chăm sóc bệnh nhân 24/7', thế là em được người ta phát cho bộ đồng phục này, vào đây chỉ để nhìn một kẻ đang ngủ say thôi đấy. Mau khoẻ rồi còn về đấy nhé... Em tin Chúa vẫn ở đây, đang ở đây với anh và em. Chúa sẽ giúp em 'xức thuốc' cho anh, Chúa sẽ giúp em chăm sóc anh 24/7, Chúa là suối nguồn an ủi của anh..." |

Nghĩ vẩn vơ như thể tôi khao khát được nói với Biu thật nhiều. Tôi muốn tuôn hết những điều ẩn kín trong lòng. Tôi muốn ôm Biu ngay lúc này!
...
Đoạn Biu tỉnh dậy, nhìn quanh nơi Biu đang nằm. Biu thấy tôi, mỉm cười..

"Thầy thấy trong người sao rồi. Nếu mệt phải cho Sa biết đấy nhé, đừng im im rồi đổ bệnh ra. Cha Sở về có chút việc nhà xứ phải lo, thầy ráng nghỉ ngơi, xíu thầy Tuấn sẽ vào ở với thầy."
Biu gật gật, mỉm cười.

——
Chiều tối, Minh Anh và thầy Tuấn đến:

"Thầy thấy thế nào rồi. Bác sĩ dặn thầy ở phòng này thêm 1 tuần để tiện theo dõi, vì vết thương phía sau đầu còn tụ máu."
Biu gật gật đáp lời thầy Tuấn, rồi nhìn Minh Anh "Cậu là..."

Minh Anh vòng qua ôm khuỷu tay tôi: "À, con là Minh Anh, bạn trai của Sa. Nay con dẫn Sa qua gặp cha Sở có chút việc, thì hay tin thầy bị ngã khi làm công trình."

Biu mỉm cười nhìn tôi, gật đầu.

"Thầy nghỉ ngơi thêm, con và Sa xin phép về lại thành phố." Minh Anh tiếp lời.

"Về cẩn thận."

Tôi nhìn Biu... mỉm cười rồi rời đi.

***
Đêm tối trên giường bệnh:

"Chúa ơi, thể lý con đau hay cõi lòng con đau. Con thật sự không hiểu nổi mình. Đêm đen đang bủa vây lấy con. Một nơi xa lạ, thiếu bóng người thân yêu. Chỉ mình con trong căn phòng này, hiu quạnh và cô đơn. Giấc mơ Mỹ đối với tu sĩ thì có nghĩa lý gì, ngoài sứ mạng truyền giáo, ngoài cắt cỏ, lớp mái, chơi với tụi nhỏ... Nhưng trái tim con, bỗng thắt lại...

Con gặp lại Sa... gặp lại chính-con của ngày xưa... gặp lại con tim đã từng thổn thức... Con thấy mình đầy yếu đuối và bất tuân, dẫu con tin tưởng Chúa là hy vọng của đời con, con kinh nghiệm được Chúa thương yêu và mời gọi.

"Thời gian trôi qua, điều khả hữu vẫn còn đó, Abraham vẫn tin; thời gian trôi qua, nó trở nên phi lý, Abraham vẫn tin. Có một kẻ trên thế giới này, cũng có một kỳ vọng. Thời gian trôi qua, ngày nối tiếp đêm, hắn vẫn không đủ ti tiện để mà quên đi kỳ vọng của mình, vậy nên hắn cũng sẽ không bị lãng quên. Rồi hắn sầu muộn và nỗi sầu muộn không làm hắn thất vọng như cuộc sống đã làm, nó làm cho hắn hết thảy mọi thứ có thể; trong sự ngọt ngào của nỗi sầu hắn có cái kỳ vọng đáng thất vọng của mình. Chính con người là kẻ sầu muộn, chính con người sầu muộn với nỗi sầu của mình, nhưng kẻ nào có đức tin thì kẻ đó vĩ đại hơn, kẻ nào nhìn thấy người có đức tin thì kẻ đó sẽ được ân sủng nhiều hơn." (Soren Kierkegaard, Kính sợ và run rẩy.)" |

***

[Phòng hồi sức, sau 1 tuần chăm sóc đặc biệt...]

"Thầy đỡ hơn chưa, Bọ nhờ cô mang cháo tới, dặn thầy ăn, chiều cha Sở dẫn anh em đến thăm thầy."

"Cảm ơn Sa. Phiền Sa rồi." "Không có gì, cũng tiện đường về ." "Ừm..."

"Đây, thầy ăn khi còn nóng sẽ ngon hơn." "Sa cứ để trên bàn, xíu mình sẽ ăn sau."

"Ngại à. Chẳng phải ngày xưa ở cộng đoàn, thầy thích ăn bằng bát tô."

"À à, vẫn còn nhớ đấy à. Thì sinh viên nghèo, mau đói. Ở cộng đoàn sướng phải biết!"

"hà hà, trêu thầy thôi. Cộng đoàn vẫn-luôn-là-nhà nên chẳng cần câu nệ điều chi." "Ăn nhiều cũng bởi thời đấy cộng đoàn có cô Sa nấu ăn ngon."

"Thế mà hôm bữa, cha Sở còn phải lần thêm chuỗi cho món thịt kho măng đấy."

"Cha Sở sẽ không biết, nhưng mình thì nhớ. Thịt kho măng vẫn như ngày xưa. Nếu khác hơn thì có lẽ đậm vị cay hơn một chút. Chợt nhớ ngày xưa ở cộng đoàn, ban ẩm thực luôn phải kèm thêm chén mắm siêu cay để thỏa lòng mấy anh chú ăn cay nhất hội."

"Nhắc mới nhớ, đợt đó thầy ăn nguyên chùm ớt hiểm vì ngỡ nhằm nhò gì với tình-đời để rồi sưng tấy cái miệng suốt một tuần. Khờ thật!"

"ha ha ha... khờ nhỉ, mình hồi đó muốn được thể hiện lắm. Thích xông pha ra trận, dù chỉ là trận game, ma sói, trà chanh chém gió, hay cạn chén tiêu sầu tới sáng với anh em, ngủ vật vờ ở nhà thành viên, chở hoa Hồ Thị Kỷ hai ba giờ sáng, trốn học đi picnic..."

"Giờ ở cương vị mới, chắc phải đằm hơn."

"Có một chút, nhưng vẫn luôn là người tập sự thôi đấy." "Đấy, khiêm tốn đấy."

"Mà mọi thứ vẫn ổn chứ?" "Về điều gì mới được?"

"Công việc, học tập, tình cảm..."

"Cảm ơn thầy, nghiên cứu vẫn trong giai đoạn bình duyệt, học tập không còn quá nặng bài vở như hồi mới qua, chỉ ráng học thêm cho sau này một chút."

"Cậu bạn kia tốt với Sa chứ?"

"À... ừm.. Minh Anh rất tốt. Thương Sa." "Vậy vui rồi. Mừng cho Sa."

"Cảm ơn thầy nhiều."

"Câu nói bâng quơ năm đó thành sự thật rồi, mình đang truyền giáo nơi Sa học." "Đúng ha. Thành sự thật rồi!"

"Lúc mới gặp Sa, mình không thể tin vào mắt mình. Sa khác đi nhiều, theo nghĩa tốt lên... Mình muốn nói nhiều điều, hỏi thăm Sa, nhưng không biết bắt đầu từ đâu..."
...

"Người nhà bệnh nhân Biu, đến phòng B06 lấy kết quả xét nghiệm để làm thủ tục xuất viện." Y tá vọng dặn từ cửa phòng.

"Sa cũng vậy... 10 năm sẽ có nhiều câu hỏi, điều này dễ hiểu. Thầy ăn thêm đi, để Sa đi làm thủ tục giúp cha Sở nhé, chắc ngài bận việc nên không qua kịp."

"Cảm ơn Sa."

***

[Viện nghiên cứu California]

"Em và thầy Biu là gì của nhau?" Trên đường về, Minh Anh hỏi tôi.

"Là bạn. Anh đang nghĩ gì vậy?"

"Cha Sở nói với anh, em và thầy Biu biết nhau khi em là sinh viên thuộc cộng đoàn nào đó ở HN, nên anh hỏi thăm."

"Vậy nên lúc ở bệnh viện, anh ôm khuỷu tay em để xác nhận à? Thầy Biu là tu sĩ đấy!"

"Thì có sao? Anh chỉ muốn giới thiệu anh là bạn trai của em thôi."

"Không sao trong bối cảnh bình thường, nhưng với nhà xứ, với tu sĩ thì... và với bệnh viện..."

Chưa dứt lời, Minh Anh đã viện cớ thay tôi: "Em sợ cậu ta buồn khi vừa qua cơn nguy kịch chứ gì!"

"Anh đang làm mọi thứ quá lên rồi đấy!"

"Anh thấy em đang giấu anh, kể từ lần em đi thăm anh Hai về. Anh hỏi em về tương lai của tụi mình, em cố lờ đi. Em đến bệnh viện cũng không cho anh biết một tiếng."

"Em qua thăm anh Hai, qua nhà xứ thăm cha, thăm dự án, tiện đường về em giúp Bọ đưa cơm trưa cho thầy Biu. Họ là tu sĩ. Mười năm rồi đấy. Có phải con nít đâu. Em là cái quái gì mà làm họ lung lay."

"Vậy em nói anh nghe, anh là gì của em.. anh là cái quái gì để rồi em để anh chờ em cả buổi chiều, chỉ để nhận lời xin lỗi em bận. Bận ở bệnh viện."

"Em mệt rồi. Chuyện này nói sau đi, khi tụi mình đủ bình tĩnh hơn. Chở em về, em muốn nghỉ ngơi."
Tôi nghe thấy tiếng thở dài, tiếng thở dài đầu tiên và cũng là duy nhất. Từ sau phút đó, Minh Anh im bặt suốt chặng đường về.

Về đến nhà... Mệt nhoài với mớ công việc ở Viện, dự án của tụi nhỏ có khi phải tạm hoãn một thời gian - vì vừa trục trặc giấy tờ vừa cần góp nhặt thêm kinh phí xây dựng trường, còn Minh Anh và tôi - một mớ bòng bong đang xoắn chúng tôi vào tròng. Nằm nhoài xuống sofa, tôi gọi cho cha Sở.

Cha nghe máy, tôi không còn sức để nói thêm, đôi mắt chẳng cần xin phép chủ nhân của nó, cứ tùy tiện trực trào. Tôi xin phép cha cho tôi được khóc cho đã...

"Đợi cuối tuần, sau khi giúp tĩnh tâm ở nhà thờ Santa Ana, cha sẽ ghé thăm con!"

***
[Khuôn viên nhà thờ Đức Mẹ La Vang – Santa Ana, California]

"Cảm ơn cha đã ghé thăm con. Con đã làm cha lo lắng rồi."

"Việc nên làm. Đồng hành thiêng liêng cần những chất liệu như thế! Nếu Chúa muốn Cha đi cùng người Việt tị nạn ở Montana, nếu Chúa muốn cha đồng hành với con, hay với thầy Biu trên hành trình Đức Tin, thì Chúa sẽ ban ơn, dẫn dắt cha con mình."

"Cha. Cha hiểu bối cảnh của con và Minh Anh, cha hiểu con và hiểu cả thầy Biu. Con không biết phải làm sao. Con xin lỗi, nhưng con chẳng thể hiểu Thánh Ý Chúa trong việc này. Con bối rối khi gặp lại Biu. Con có lỗi khi để Minh Anh thêm lo cho con. Con có lỗi khi dự án đang vận hành, thì con lại xin cha cho con ngưng cộng tác..."

"Con thương thầy Biu. Cha cảm nhận từ bữa cơm trưa con nấu, nhất là khi thầy ấy xảy ra chuyện. Hôm đó, Cha để quên túi đồ, cha và Minh Anh thấy con khóc bên ngoài phòng cấp cứu... Cha xin lỗi vì đã giấu con. Có lẽ, Minh Anh đã hiểu ra điều gì đó, từ hôm ấy..."

Sa thẫn thờ như người mất hồn, có lẽ vì mới oằn mình sau trận ốm dài:

"Tối hôm đó con sốt cao. Minh Anh đã ở đó với con, thức trắng đêm để chăm con, đắp khăn nóng cho con. Minh Anh nói với con, con khóc rất nhiều và nói điều gì đó mà Minh Anh không hiểu. Minh Anh vẫn im lặng, không một lời trách móc con. Và càng như thế, con càng thấy có lỗi."

"Con đã mơ thấy một người nam. Con ôm lấy hắn, cầm bàn tay thô ráp của hắn, và hắn hứa, hắn sẽ về với con. Con thấy mình chờ mong, vỡ oà khi gặp được hắn. Con thấy hắn cũng chờ mong như cách con mong chờ hắn. Con thấy hắn cũng khao khát như lời hắn hứa: Anh về với em, anh không đi nữa.
Con tim của con đã cùng-nhịp với con tim hắn. Con đã đứng ở đó rất lâu. Nhưng Cha ơi,
con muốn bước qua cảm nhận này, con thấy hắn thay đổi...
con thấy hắn lạ lẫm...
con thấy hắn không-là hắn mà con từng cảm thấy, từng hiểu lấy. Hắn xa lạ với con. Con khao khát cuộc đời con đầy ân sủng Chúa."

"Cha ơi, con không dối gạt Minh Anh. Chỉ là con thấy mình bị mắc kẹt. 10 năm ùa về chỉ vỏn vẹn trong tích tắc. Con..."

"Con cứ cho phép mọi thứ được bày tỏ, chí ít đó là điều Chúa mời gọi con 'trở về': Tình yêu thuở thiếu thời, tình thương dành cho bạn hữu đang đau khổ, tình huynh đệ nơi Cộng đoàn Xứ St. Ann này, hay bất kì điều gì khác. Miễn con có lòng tin, rằng sau tất cả, Chúa vẫn luôn yêu thương con, vẫn hiện diện trong yếu đuối của từng người, vẫn liên lỉ mời gọi con, mời gọi thầy Biu, mời gọi cả cha và Minh Anh nữa." Cha Sở vỗ vai, trấn an chiên con yếu đuối và đầy mong manh. Có lẽ, Sa là con chiên thứ 100 đang đi lạc...
"Cha nghĩ, 10 năm là khoảng thời gian con người cố gắng đong đếm, để đo lường mức độ dài ngắn của tương quan. Còn tình thương của Chúa, luôn luôn vượt không-thời gian con à. Cha tin "Tất Cả Là Hồng Ân". Cha tin, 10 năm ấy là Dấu Ấn

Tình Yêu - Chúa đặt để trong lòng con, trong lòng Biu... để rồi, chính từng người liên lỉ phó thác, phó mình trong dòng chảy tình yêu rộng lớn hơn. Đôi khi gặp-gỡ chỉ đơn giản là cho nhau cơ hội 'gỡ' nút thắt trong lòng, để từng người có cơ hội gặp thấy chính mình, gặp thấy tha nhân, và gặp nhau trong Chúa."
"Cha ơi, xin Cha tiếp tục cầu nguyện cho con."

***

St. Ann's Catholic Church | Great Falls, Montana
Giáng sinh 2014_nhà nguyện

"Em còn nhớ lần đầu tiên tụi mình gặp nhau?" "Trưa thứ 6, ở nhà thờ Thái Hà."

"Ừm đúng. Anh gặp cô bé thích ngồi viết một mình vào ban trưa, trên bàn quỳ, lọt thỏm dưới góc nhà thờ."

"Thật ra chỉ có giờ đó là không ai thấy, nên em viết cũng đỡ ngại."

"Hôm đó anh biết mình thi trượt cuối kỳ, phải đóng tiền học lại. Vừa giận mình vừa giận Chúa, xin mãi hoài mà Chúa không kịp ban ơn cho anh qua môn. Đến Thái Hà vào buổi trưa cho có thêm giờ trách móc."

"Khờ thật chứ! Trốn học đi picnic mà cứ trách Chúa hoài." "Nên giờ chuộc lỗi với Ngài bằng cả cuộc đời em ạ."

"Đúng nhỉ. Em mừng cho anh, khi anh vẫn đong đầy khao khát thuộc trọn về Chúa."

...

Biu ngước nhìn lên Thánh giá, lặng im thật dài, như thể để hai người có thêm thì giờ sắp xếp mớ ngổn
ngang trong lòng... và khẩn thiết Người nâng đỡ phút chia xa gần kề...
"Cảm ơn em thời gian qua đã hiện diện với tụi nhỏ, với giáo xứ, và với anh. Chặng đường mới vẫn giữ nhiệt huyết bừng cháy nhé! Hãy Thắp Sáng Lên!"

Tôi cười khờ, nhấn mạnh: "Phải rồi, anh cũng vậy. Hãy Thắp Sáng Lên!"

"Nếu năm đó em không vội biệt tăm. Anh không biết tụi mình sẽ thế nào nhỉ? Anh không nghĩ được." Biu mở lời:

"Anh nhớ cộng đoàn, nhớ Sa của 10 năm về trước, anh từng rất yêu, yêu rất nhiều. Năm đó anh tìm em suốt nhiều tháng trời, biệt tăm không nghe một tin nào từ bất kỳ ai. Em ngắt mọi kết nối với cộng đoàn. Anh tìm về quê của em, họ nói gia đình em đi Mỹ cả rồi. Họ nói em qua Mỹ cưới chồng, chồng Mỹ rất giàu."

"Anh không tin. Chỉ là càng lúc... những im tiếng mà anh nhận được... cho anh biết rằng, mình mất em."
...

"Chợt nhớ cộng đoàn quá đỗi! Ở đây mùa này làm cho nỗi nhớ thêm se sắt..."

"Em tiếc cho chuyện tình của tụi mình. Từng rất tiếc mới phải. Năm đó, nhà em bị siết nợ, người ta cuỗm nhà, cuỗm đi mọi thứ. Bố trốn nợ, sau đó biệt tăm không rõ phương nào. Người ta đồn đoán bố mất trên đường chạy loạn sang Âu Châu. Em không tin, dẫu cho mười mấy năm nay, em không có thêm bất kì tung tích nào của bố. Năm đó, Mẹ vì đau buồn mà đổ bệnh, tìm cách gạt nợ cho hai anh em trước khi mẹ về với Chúa. Trước khi mẹ mất, mẹ bắt hai anh em hứa với mẹ, không được trở về, phải sống và sống thật tốt, em phải đi học, phải có giáo dục..."

"Vốn dĩ hình dung của em về người nam luôn bị lỗi. Em không tin có một người nam sẽ cho em cảm giác an toàn, cho em tin tưởng, cho em tình yêu. Anh đã đến, hằn chính-mình lên kinh nghiệm đau thương của em về gia đình, và thương yêu em thật lòng. Em đã từng rất muốn ở lại, muốn đi cùng anh thật lâu... Chỉ là, khi em có cơ hội trở về, em đi tìm anh, thì nghe tin anh đã là tu sĩ. Em mừng cho anh."

"Sa à..."

"Xin lỗi anh, vì năm đó em không thể chia tay anh cách tử tế hơn, chí ít là cho ra dáng kẻ có học thức. Sau 10 năm gặp lại, em tin Chúa đang chuẩn bị cho anh, dàn xếp cho anh lãnh nhận Thiên chức Linh mục cách tinh tuyền hơn. Và em cũng tin, sau 10 năm gặp lại, Chúa đang chuẩn bị cho em, mời gọi em bước tiếp trong ơn gọi đầy sợ hãi của mình, về lời mời gọi nơi Thiên chức làm mẹ, làm vợ. Em không biết, đi qua đau thương ấy cần bao nhiêu thời gian, nhưng em tin, nếu Chúa mời gọi em, Chúa sẽ nâng sức cho em, cho em bớt run sợ, cho em biết phó mình..."

Ngồi với nhau trong nhà nguyện, trước sự hiện diện của Chúa, của hai ngã rẽ song song, chúng tôi nhìn
nhau... lắng nghe hơi thở ôm lấy bầu khí đặc quánh nỗi niềm. Phút ấy, giọt nước mắt của hai kẻ khờ bỗng rơi, êm đềm và lặng lẽ trong khung cảnh thiêng liêng, tĩnh mịch...

Phải chăng, giọt nước mắt sẽ hóa thành giọt ngọc [châu sa], bởi chính từ nơi đáy mắt, chúng là nhân chứng sống động của trái tim hiến tế?

***

Đêm...
Bên trong khung cửa sổ, chữ của hai kẻ khờ cuộn mình trên trang giấy, rất nhẹ và đằm:
Biu à.. em luôn cầu nguyện với Chúa, Sa à... anh luôn cầu nguyện với Chúa,
lời nguyện cầu năm xưa anh gửi cho em vào Thánh lễ Vọng Giáng Sinh, khi anh không về kịp:

"Lạy Chúa thương con
Người yêu dấu không mòn tấc lòng Thì dẫu xa nhau
Nhưng niềm tin Chúa càng thâm sâu."

(Mùa Hoa Tuyết | Xuân Điềm)