Tưởng niệm thi sĩ Công Giáo Hàn Mạc Tử

Nữ Vương Hòa Bình
Ngược dòng thời gian trở về với gia tài Văn Chương Việt Nam, người ta thấy vào thập niên 1930, một phong trào Thơ Mới đã xuất hiện trên thi đàn và đã mở ra một kỷ nguyên thơ tiến bộ phóng khoáng thay thế cho những vần thơ Đường Luật cổ kính với những niêm luật khắt khe gò bó.
Do ảnh hưởng của trào lưu thơ mới trong văn chương Pháp, những vần thơ mới đầy sáng tạo, chất chứa hồn thơ, phong phú đa dạng này đã thúc đẩy cả một phong trào sáng tác thơ mới trong dân gian. Trong đó xuất hiện nhiều nhà thơ tên tuổi như Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử... Những tài năng thơ mới danh tiếng này đã thúc đẩy nền thi ca của dân tộc Việt bước vào những chặng đường mới đầy hoa thơm cỏ lạ... Từ trước đến nay trên thi đàn nước Việt, có lẽ không có nhà thơ Việt Nam nào, sau khi mất đã để lại cho hậu thế bao nhớ thương ngậm ngùi bằng nhà thơ Hàn Mạc Tử, vì qua cuộc sống quá ngắn ngủi của mình, nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh này đã chỉ có một giấc mộng duy nhất là làm thơ diễn tả và chia sẻ tình thương cho mọi người. Bằng chứng là gần đây nhà xuất bản Đồng Nai tại Việt Nam đã viết: “Không ai nghi ngờ Hàn Mạc Tử là một hiện tượng nổi bật trong Văn học Việt Nam giữa thời kỳ thơ mới xuất hiện. Cho đến nay không ai đếm xuể những con người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ, đã nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Hàn Mạc Tử. Người ta cũng không đong được những dòng lệ mà người đời đã nhỏ xuống khóc thương người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh này!!”

Hàn Mạc Tử là một nhà thơ Công giáo đầu tiên đã tiên phong đi tìm nguồn cảm hứng sáng tác trong nguồn mạc khải Thánh kinh. Là một thi sĩ Công giáo tài ba ông đã cảm nhận được những nét đẹp của tâm hồn, nhờ đó mới diễn tả hết được hồn thơ trong sáng qua các vần thơ siêu thoát vươn tới Chân Thiện Mỹ. [...]
Để tránh những ngộ nhận, chúng tôi xin thưa đây không phải là một bài viết phê bình thơ Hàn Mạc Tử, nhưng chỉ là một vài nét đan thanh về cuộc đời nhà thơ tài hoa cùng với những suy tư cá nhân, xin được coi như một nén hương kính viếng một thi sĩ không chỉ nổi danh về sự nghiệp thi ca mà còn được nhắc đến qua những mối tình dang dở. [...]
Tưởng niệm nhà thơ Công giáo Hàn Mạc Tử
 
Trong tác phẩm Danh Nhân Tự Điển (nhà xuất bản Xuân Thu Sài Gòn 1966), Giáo sư Trịnh Vân Thanh sau khi trình bày tiểu sử và thi văn nhà thơ Hàn Mạc Tử đã nhận định: “Nhiều người thường cho Hàn Mạc Tử là một nhà thơ lãng mạn trữ tình. Nhưng đích thực ông là một thiên tài hiếm có trong Phong Trào Thơ Mới Việt Nam... Từ một hiện tại lành mạnh, một người trai giang hồ đi ngao du Nam Bắc tới một hiện tại đau ốm, một bệnh nhân phong, một phế nhân nằm yên một chỗ chờ chết, Hàn Mạc Tử đã tìm cho đời mình một hướng đi, một con đường đi vào Vĩnh Cửu.. Lời thơ của Hàn Mạc Tử không phải chỉ là tiếng nói của một con người văn nghệ thời đại, nhưng trên bình diện con người, ông chính là một thi sĩ mà các thế hệ bây giờ cũng như sau này không thể nào quên được”.
Đề cập đến thơ mới Việt Nam, bất cứ một nhà văn học sử nào cũng không thể không nhắc đến Hàn Mạc Tử, vì ông chính là một tài hoa sáng chói trong thi ca Việt Nam. Cuộc sống của ông chỉ kéo dài 28 xuân xanh nhưng ông đã bắt đầu làm thơ từ năm 14 tuổi. Và sau khi mất đã để lại cho hậu thế những thi phẩm nổi tiếng với những cảm hứng dạt dào tình thương pha lẫn khắc khoải, máu và nước mắt.
Trong hoàn cảnh đất nước nghèo như Việt Nam, rất hiếm có trường hợp chỉ 2 năm sau khi nhà thơ mất, khi nhà phê bình Trần Thanh Mại ra mắt tác phẩm: Hàn Mạc Tử - Thân Thế và Thi Văn (Nxb Rạng Đông Hà Nội 1942 - Nxb Tân Việt Sài Gòn tái bản 1957) là bắt đầu cả một phong trào tìm đọc thơ của Hàn Mạc Tử, nhất là đối với giớí trẻ thời đó. Từ đó đến nay, Hàn Mạc Tử vẫn là đề tài được rất nhiều văn sĩ, thi sĩ, nhà phê bình đề cập đến như một chủ đề bất tận! Thời gian qua, biết bao tác phẩm, đặc san, bài báo đã viết về ông, đặc biệt từ năm 1998 đến nay, sau khi cuốn Đi Tìm Chân Dung Hàn Mạc Tử, một công trình sưu khảo công phu giá trị do ông Phạm Xuân Tuyển phát hành. [...]
Những ngày cuối đời của Hàn Mạc Tử
 
Không một người nào biết rất rõ những gì xảy ra trong 52 ngày cuối đời của nhà thơ Hàn Mạc Tử bằng ông Rôcô Nguyễn Văn Xê. Với nhà thơ, ông là một người đồng bệnh, đồng đạo, một người bạn tri kỷ đã tận tình giúp đỡ hết mình. Sau khi nhà thơ mất, ông được di chuyển vào Nam và mất ngày 8-3-1995 tại trại phong Bến Sắn, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trong một cuộc phỏng vấn trước khi mất, ông Nguyễn Văn Xê đã kể cho nhà sưu khảo Phạm Xuân Tuyển những chi tiết trong những ngày cuối đời nhà thơ như sau:
“Ngày 20 tháng 9, 1940, Trí nhập trại phong Quy Hòa, thời Mẹ Maria Juetta. Sau ba tuần, nhờ sự chăm sóc tận tụy của các nữ tu dòng Phan Sinh (Franciscaine), bệnh tình Trí thuyên giảm.. Từ tuần lễ thứ tư, sinh hoạt của Trí đều đều như kinh Nhật Tụng: 5 giờ sáng dậy đi nhà nguyện đọc kinh, sốt sắng dâng lễ, rước lễ - 7 giờ cùng anh em bệnh nhân dùng điểm tâm cháo trắng với đường tán đen - 8 giờ được băng bó, uống thuốc hoặc chuyện vãn với anh em đồng bệnh - 11 giờ cơm trưa rồi nghỉ ngơi - 14 giờ 30 lên nhà nguyện đọc kinh lần hạt đến 17 giờ dùng cơm chiều”. (Trích Đi Tìm Chân Dung Hàn Mạc Tử, trg 35).
Có lần Trí còn tâm sự: “Tôi đến Quy Hòa này là nơi có bãi biển, rừng dừa xanh, núi non hùng vĩ, cù lao xanh huyền ảo, đặc biệt là tình người nên tôi được hưởng sự bình an của nội tâm, cái thanh tao của nguồn vui tưởng như đã chết trong tôi khi sống ở Xóm Tấn đầy đau khổ, nghèo nàn, cô đơn, không một ai đến an ủi săn sóc dù là người thân quyến”... “Trí là một người rất sùng kính Đức Mẹ Maria, lúc nào cũng cầu xin Đức Mẹ và thứ bảy nào cũng xưng tội”... “Trưa ngày 30-10-1940, khi đọc kinh tại nhà nguyện về, Trí hỏi tôi: Anh Xê có đến La Vang đi kiệu Đức Mẹ lần nào chưa? Trí lộ vẻ mặt buồn buồn nói: Từ ngày có bệnh tôi ao ước có một lần trong đời kính viếng Đức Mẹ La Vang... Lúc này tôi lại càng vô cùng ao ước được quỳ gối dưới chân Mẹ La Vang xin Người tha thứ tội lỗi”... “Suốt hơn một tuần, từ 30-10-1940 đến 7-11-1940, Trí bị bệnh kiết lỵ nặng nên mất sức! Đêm ngày 8-11-1940 Trí lấy hai tập giấy pelure, dùng bút chì cùn trong áo veston sáng tác bài thơ cuối cùng La Pureté de l'Âme (Tâm Hồn Thanh Khiết) để ca tụng Đức Maria cùng các bà mẹ dưới đất là thân mẫu và các nữ tu Phan Sinh đã săn sóc Trí. Đây là bút tích cuối đời của Trí”.
“Chiều 9 tháng 11, 1940, Trí xưng tội lúc 16 giờ 30. Sáng ngày 10 tháng 11, 1940, lúc 6giờ 45 Cha Tuyên Úy cho Trí chịu phép Xức Dầu bệnh nhân và rước lễ lần cuối.. Đêm đó tôi (ông Xê) trực canh chừng Trí. Mẹ Nhất Juetta và sơ Julienne đến thăm Trí ba lần trong đêm. Lúc ba giờ sáng, sơ Julienne cho biết Trí khó lòng qua khỏi! Thời gian của đêm nay đối với tôi như chùng hẳn xuống. Tôi nhìn Trí, ngoài những lúc đau bệnh, Trí khi quỳ, lúc ngồi, khi nằm, trên tay lúc nào cũng cầm chuỗi hạt đọc kinh cho đến lúc 5 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 11, 1940 thì Trí nhẹ nhàng tắt thở một cách êm ái” (Trích Đi Tìm Chân Dung Hàn Mạc Tử, trg 36 - 38).
[....]
Những tác phẩm của Hàn Mạc Tử
 
Hàn Mạc Tử bắt đầu làm thơ Đường Luật năm 14 tuổi (1926) xướng họa thi ca với anh cả Nguyễn Bá Nhân. Năm 18 tuổi (1930) tham dự bình thơ, thi thơ với nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhưng thực sự mãi tới năm 22 tuổi (1934) khi bước vào làng báo Sài Gòn, phụ trách các nhật báo Sài Gòn, Tân Thời, chủ trương tờ Công Luận Văn Chương, tài năng và hồn thơ của chàng mới phát triển dồi dào và tạo uy tín trong làng thơ làng báo. Hiện nay, người ta ghi nhận Hàn Mạc Tử đã đóng góp cho Văn Học Việt Nam những tác phẩm dưới đây:
Ÿ Lệ Thanh Thi Tập: Thơ Đường Luật đăng rải rác trên các báo.
Ÿ Gái quê: Tập thơ mới đầu tay phát hành năm 1936, nhà thơ Phạm Văn Ký viết tựa.
Ÿ Đau thương (Thơ điên): phát hành 1937, gồm 50 bài hoàn thành trên giường bệnh.
Ÿ Tập Thơ Mới Xuân như ý.
Ÿ Tập Thơ Mới Thượng thanh khí.
Ÿ Kịch Thơ: Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộQuần tiên hội (đang viết dở dang).
Ÿ Chơi Giữa Mùa Trăng (Thơ và Văn Xuôi). 

Bút tích cuối đời là bài văn viết bằng tiếng Pháp với cây bút chì cùn nhan đề: La Pureté de l'Âme (Tâm Hồn Thanh Khiết) để ca tụng Đức Mẹ Maria và các bà mẹ dưới trần. - Trong cuốn Đi Tìm Chân Dung Hàn Mạc Tử, nhà sưu khảo Phạm Xuân Tuyển cho biết: “Khi ông Nguyễn Văn Xê đưa Mẹ Nhất Maria Juetta, người Pháp, đọc bài viết này, Mẹ Juetta nói: Giỏi quá, uổng quá, Hàn Mạc Tử là một thiên tài hiếm có! Nhưng Mẹ xin phép tác giả đổi chữ “nénuphars” (hoa súng) thay cho chữ “lotus” (hoa sen) vì cuộc đời tu sĩ của chúng tôi tại đây với các bệnh nhân phong, chính là những bông hoa súng lên xuống theo con nước và bập bềnh trôi nổi như mọi vật trong hồ, chứ không dám tự nhận mình như những bông hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Xin ghi lại đây một bài thơ tiêu biểu “Đây Thôn Vỹ Dạ” 
của Hàn Mạc Tử và mời quý độc giả thưởng thức: 

(trích Đau Thương, 1939)


Nét Công giáo trong thơ Hàn Mạc Tử
Năm 1942, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, trong bộ Nhà Văn Hiện Đại, tập III, khi nhận định về nhà thơ Hàn Mạc Tử đã viết: “Hàn Mạc Tử có lẽ là người Việt Nam đầu tiên làm thơ ca ngợi Thánh Nữ Đồng Trinh Maria và Chúa Giêsu. Ông ca tụng đạo Công giáo với một giọng rất chân thành. Đây là lần đầu tiên thi ca Việt Nam thấy được một nguồn cảm hứng mới. Tôi dám chắc rồi đây sẽ còn nhiều thi sĩ Việt Nam đi tìm nguồn cảm hứng trong đạo giáo và đưa thi ca Việt Nam vào con đường triết học”.
Nhà nghiên cứu Võ Long Tê, hiện sống tại Canada, trong đoạn kết bài Thi Hào Công giáo Hàn Mạc Tử cũng viết: “Nghiên cứu Hàn Mạc Tử đã dẫn ông đến một kết luận thú vị bất ngờ. Trong Hàn Mạc Tử, không phải chỉ có một tác giả được thừa nhận như một thi hào mà còn có một con người sống với Niềm Tin Công giáo nhiệt thành. Đối với Hàn Mạc Tử, làm thơ là làm người nghĩa là sống đạo”.
Quả thật, với bất cứ ai đọc thơ Hàn Mạc Tử, người ta thấy Đạo đối với ông chính là cứu cánh, là con đường, là Chân Thiện Mỹ tuyệt đối có giá trị vĩnh hằng mà nhân loại mãi mãi tìm kiếm, mãi mãi khắc khoải trong cuộc hành trình vào đời. Với Hàn Mạc Tử, thơ là một nét nghệ thuật cao đi vào chủ nghĩa siêu linh, là cõi xuất thế, là bến trăng sao an toàn cho con người ẩn náu khi sống trong tuyệt vọng khổ đau, trong cô đơn của nhân tình thế thái. Không ai có thể phủ nhận nét Công giáo trong thơ Hàn Mạc Tử, vì chính ông đã mở rộng biên giới thi ca Việt Nam nhờ những sáng tạo độc đáo, mà nền giáo dục Công giáo từ cha mẹ, gia đình, trường Pellerin và gương sống các nữ tu Phan Sinh đã hun đúc hồn thơ của ông. Trong những ngày cuối đời, Hàn Mạc Tử đã sống như một nhà tu thực sự, cuộc sống chìm lặng trong câu kinh, lời nguyện pha lẫn với những đớn đau do bệnh phong hành hạ. Chính nhà thơ đã thổ lộ: “Trong những ngày cuối đời, tôi chỉ biết ngâm thơ và cầu nguyện là nhiều hơn cả”.
Hàn Mạc Tử đã sống với thế giới siêu linh một cách tự nhiên đến mức “hư thực làm sao phân biệt nổi”. Nhờ đó thi nhân đã nghe được điều chúng ta không nghe, đã thấy được cái mà mắt trần chúng ta không thấy. Thi nhân đã lặng chìm vào trăng sao, đắm đuối trong êm ả của sông Ngân, tan biến trong Tình Yêu bao la huyền nhiệm của Thượng Đế. Trong trường ca Đà Lạt trăng mờ, phải chăng nhạc sĩ Phạm Duy đã nắm bắt được hồn thơ Hàn Mạc Tử. Trong thi phẩm Đà Lạt trăng mờ được ông phổ nhạc thành trường ca bất hủ, Phạm Duy đã để cho hát ba lần dòng nhạc: “Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu “với những âm thanh vời vợi mông lung huyền nhiệm. Linh thiêng làm sao một đêm Đà Lạt trăng mờ huyền ảo:

Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói chẳng rằng
Không một tiếng gì nghe đụng chạm
Dầu là tiếng vỡ của sao băng.


Cứ thế, tiếp tục đọc những vần thơ cao sang thanh khiết của Hàn Mạc Tử trong các thi phẩm: Ra đời, Điềm lạ, Nguồn thơm, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện, Ngoài vũ trụ, Vầng trăng... trong tinh thần tôn giáo, tâm hồn con người sẽ được cất cánh bay cao lên với trăng sao, ngào ngạt hương hoa, mặc dầu thân xác bệnh hoạn, đau thương dồn dập giữa những thăng trầm của cuộc sống.
Thật là một thiếu sót lớn lao, nếu muốn tìm hiểu nét Công giáo trong thơ Hàn Mạc Tử, mà chúng ta quên không đề cập đến thi phẩm bất hủ Ave Maria (Kính Chào Maria). Nhà thơ khai bút bằng lời chào mừng trang trọng cung kính Mẹ Maria, Người Nữ Tuyệt Vời lung linh thánh thiện. Trong kho tàng Nghệ Thuật Công giáo thế giới, biết bao nghệ sĩ, họa sĩ, thi sĩ đã sáng tác muôn vàn tác phẩm với những nét nghệ thuật độc đáo như Michel Ange, Raphael, Fra Angelico, từ thời Phục Hưng đến thời Cận Đại. Người Việt Nam chúng ta tự hào vì với một Hàn Mạc Tử, chúng ta không thua kém với các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới trong lãnh vực tôn giáo này.
Kỷ niệm một lần gặp nạn trên bờ biển Quy Nhơn, những lời kinh với chuỗi tràng hạt luôn có bên mình, ngay cả niềm đau se buốt khi những ngón tay nhà thơ co rút lại vì bệnh phong, tất cả đã đưa anh đến trạng thái xuất thần khi sáng tác thi phẩm Ave Maria đưa hồn anh đi rất xa trong cõi mênh mông với các sứ thần thiên quốc. Những chữ viết về nhà thơ Công giáo Hàn Mạc Tử của tác giả bài viết này để tưởng niệm anh sẽ trở thành vô nghĩa, nếu không kính mời quý độc giả đi vào chính thi phẩm bất hủ Ave Maria:


Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
Và Tổng Lãnh Thiên Thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa.
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.


Hàn Mạc Tử, một thi nhân, một nhà thơ Công giáo, một tâm hồn thấm nhuần Niềm Tin Công giáo sâu sắc, được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện, bằng đời sống nội tâm phong phú thánh thiện, đã khám phá được những chiều kích mới lạ vượt qua những niềm đau bất hạnh mà thi nhân đã trải qua. Càng đọc thi phẩm bất hủ Ave Maria càng đưa chúng ta tới bến bờ huyền nhiệm trong thế giới vô hình. Phải chăng qua đó, nhà thơ đã đi tiên phong trong sứ mệnh trình bày một nền Thần học Á Châu dựa trên những suy tư và văn hóa lâu đời của Á Châu. Đem tôn giáo vào thơ, lấy nguồn cảm hứng thơ trong tôn giáo phải chăng Hàn Mạc Tử đã đi đúng con đường mà sau này Tông Huấn Giáo hội Á Châu đã trình bày. Đây chính là một vinh dự cho Giáo hội Công giáo Việt Nam, vì có một người con đã đóng góp và khai phá một con đường mới trong Văn Học Việt Nam.
Với tác giả bài viết này, từ khi còn theo học ban văn chương tại nhà trường vẫn đặc biệt ngưỡng mộ quý mến nhà thơ Hàn Mạc Tử. Nhưng có một kỷ niệm không bao giờ quên, mặc dầu đã 26 năm nay! Đó là nhân Mùa Đại Lễ Giáng Sinh năm 1974, Phòng Thông Tin Hoa Kỳ Sài Gòn tổ chức một buổi trình diễn đặc biệt Thánh Ca Giáng Sinh tại thính đường Hội Việt Mỹ. Chúng tôi vẫn nhớ mãi khi cố Nhạc sĩ Hải Linh điều khiển Ca đoàn Hồn Nước, với trên 60 ca viên, trình diễn hai trường ca – hai thi phẩm bất hủ của nhà thơ Hàn Mạc Tử: Ave Maria do Hải Linh phổ nhạc và Đà Lạt trăng mờ của Phạm Duy. Hôm đó cả hội trường đông đảo thính giả ngoại quốc và Việt Nam đã hoàn toàn nín lặng, khi những dòng nhạc hòa lẫn hồn thơ với những âm thanh vời vợi mông lung... đưa lòng người vào một không gian huyền ảo thánh thiện tuyệt diệu... Nhân mùa tưởng niệm 60 năm ngày nhà thơ mất, xin thành kính gửi một nén hương về bên kia thế giới cho nhà thơ tài hoa bac mệnh của chúng ta.

Lm TRẦN QUÝ THIỆN

[1] Linh mục Trần Quý Thiện (1928-2012) đã viết bài này nhân kỷ niệm 60 năm Hàn Mạc Tử qua đời, năm 2000.