Chiều xuống êm đềm

Văn thơ Công giáo
Mã số: 16-108
Đa Minh Nguyễn Ngọc Hoài Nam, 1976, tgp Saigon.
(Giải triển vọng, VVĐT 2016)
Từ bữa qua dạm ngõ bên nhà bạn gái thằng Sang tới nay, không khí gia đình ông Năm trở nên nặng nề, u ám. Ông vẫn chưa thôi cơn sốc mà thằng con trai duy nhất mang đến. Sốc, rồi ông buồn giận, lo lắng. Không sốc, không buồn giận sao được, khi ông đã vun vén hết sức cho hai đứa. Nhưng ông có hay biết gì đâu, bọn nó âm thầm giấu ông, bưng bít chuyện nhà bên ấy có đạo, tận đến phút cuối cùng trước lúc tính chuyện cưới hỏi cho chúng nó.
Vừa bước chân vào nhà gái, chưa kịp chào hỏi, đập vào mắt ông bàn thờ Chúa trên cao giữa gian phòng khách. Ông sửng sốt, quay phắt nhìn Sang. Như đoán được suy nghĩ của ba, Sang sợ sệt cúi gằm mặt. Cả hai cha con đứng yên, không để ý gì đến sự tiếp đón niềm nở của nhà Hạnh, để bà Năm tự xoay xở. Mãi lúc sau, ông mới lúng túng gật đầu đáp lễ, nhưng nỗi tức tối đã dâng đầy, ứ nghẹn trong lồng ngực. Đến nỗi, ông không nói được lời nào sau đó.
Chỉ đến khi bà Hạnh từ tốn xin phép vợ chồng ông cho Sang bắt đầu học giáo lý vào đạo, ông mới hít thở một hơi dài lấy chút bình tâm:
- Thú thật trước khi qua đây, vợ chồng tôi không biết bên nhà mình đạo Công giáo. Chúng tôi không có ý xấu gì cả, chỉ vì cả dòng họ có mỗi thằng Sang là con trai, sau này phải lo việc thờ cúng ông bà…
Nhấp một ngụm trà lấy giọng, ông ngập ngừng:
- Nên chuyện này… xin phép anh chị cho vợ chồng tôi suy nghĩ thêm một thời gian…
Bà Hạnh mỉm cười:
- Vâng, làm sao để cả hai nhà vui vẻ là được. Anh chị cứ thong thả.
Im lặng một chút, bà Hạnh tiếp lời:
- Chỉ xin phép giải thích thêm cho anh chị. Người Công giáo chúng tôi cũng rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, có thể hình thức khác, nhưng chắc chắn không thua kém đạo nào.
Ông Năm nghe vậy, ngờ ngợ nhìn về phía bàn thờ gia tiên của nhà Hạnh, trên nóc tủ gỗ thấp dưới bàn thờ Chúa, đơn sơ nhưng trang nghiêm, kính cẩn. Những hình người đã khuất cười hiền hậu, bát nhang sạch sẽ gọn gàng, bình hoa lay-ơn trắng muốt, và mâm trái cây cũng vừa được sửa soạn. Tất cả như đang bày biện trong ông một mối thiện cảm, yên lòng. Nhưng rồi chỉ có vậy. Ông chợt nghĩ về những bữa cơm cúng tiên thường, giỗ chạp. Ông băn khoăn về tiếng kinh tiếng mõ cầu siêu, hóa vàng giấy tiền giấy bạc. Nỗi ưu tư buồn giận lại ùa về, ứ nghẹn.
Mãi một lúc, ông mới cất tiếng:
- Vâng, tôi hiểu…
Bà Hạnh chạm nhẹ vào mâm trầu cau trước mặt:
- Trong thời gian chờ đợi anh chị suy nghĩ, cho phép gia đình tôi chưa dâng món lễ vật dạm ngõ này lên bàn thờ tổ tiên.
Ông Năm buồn rầu nhìn mọi người, như thấu hiểu và đành chấp nhận tình cảnh khó xử cho cả hai nhà. Chỉ có Sang chết lặng, không ngước nổi lên để thấy tất cả đã đổ vỡ trong chốc lát. Phía sau tấm rèm cửa ngăn với gian phòng khách, Hạnh cũng bụm miệng nén cơn bật khóc trực trào.
***
Sang và Hạnh yêu nhau đã mấy năm nay, trong sự thương mến tán thành của hai bên gia đình. Công việc ổn định, tuổi đời chín chắn, ngoan ngoãn hiền lành, quá đầy đủ để chuyện kết hôn tưởng không còn gì trở ngại. Nhưng tôn giáo khác biệt, khiến nỗi lo âu của hai người từ ngày đầu quen nhau luôn thường trực. Sang chia sẻ, ba anh vất vả cả đời dạy học, dành dụm xây được ngôi nhà thờ họ, sửa sang mồ mả ông bà trong khu đất vườn nhà, cho tổ tiên vui lòng. Lo toan đau đáu đến thế, làm sao ba anh có thể cho phép anh, đứa con trai duy nhất của cả dòng họ, từ bỏ một niềm tin đã bao đời ăn sâu ngõ ngách trong từng lời ăn tiếng nói, từng nét sinh hoạt hằng ngày, như đạo lý không thể đổi dời. Từ bỏ niềm tin của cả gia đình, dòng tộc, để khoác lấy một đức tin mới, mà với ba anh, hết sức xa lạ và khác biệt đến mức không thể dung hoà.
Nhưng Sang yêu thương Hạnh, không còn gì có ý nghĩa hơn. Lần đầu tiên nhìn thấy Hạnh, với Sang như một chấn động sâu thẳm của tâm hồn. Buổi sáng ấy, trên đường đi công tác, anh dừng chân uống ly café điểm tâm đầu ngày trong một quán cóc ven quốc lộ, đối diện ngôi nhà thờ nhỏ. Và khi tia nắng ban mai bắt đầu trải vàng trên những ngọn cây lá xanh non, tràn xuống mặt đường nhựa còn chút lãng đãng mù sương sớm, bóng Hạnh hiện ra từ bên kia, áo dài thướt tha từng bước khoan thai đến trường dạy học. Sang lơ đễnh nhìn theo, như nhìn một cô gái nào đó bất chợt ngang qua phố xá ngược xuôi, rồi biến mất, không chút sủi tăm. Bỗng nhiên, Hạnh dừng chân, quay mặt ngước nhìn ngọn thánh giá trên nóc cao nhà thờ, khoanh tay, cung kính cúi đầu chào như hướng về, như phó thác, trọn vẹn. Hình ảnh vừa khiêm cung vừa thánh thiện đó bỗng khơi gợi, bừng sáng trong Sang một niềm tinh khiết, an lành, thanh thản. Hình ảnh đó đã theo suốt Sang trong chuyến công tác, tận những ngày sau khi đã về thành phố, thôi thúc anh quay trở lại ngôi thánh đường, hỏi thăm, gặp gỡ, làm quen và ngỏ lời yêu với Hạnh.
Cảm giác an lành tinh khiết đó trong Sang càng rõ ràng, nảy nở hơn vào những dịp cùng Hạnh đi dự thánh lễ. Dù chưa hiểu hết mọi nghi thức, nhưng qua những điều răn ngắn gọn mà đầy đủ, qua các dụ ngôn giản dị mà sâu sắc, qua lời giảng giải chia sẻ chân tình của cha xứ, Sang cảm thấy như đang được cởi mở tâm hồn vốn bị giam kín bấy lâu nay. Rồi như một thói quen, những khi mệt mỏi nặng nề trong công việc, trong đời sống, Sang lại theo Hạnh bước vào cùng nhan thánh Chúa, thinh lặng, mở lòng và nghe một nỗi bình an thanh thản tràn về.
Ông bà Năm xem Hạnh như cô con gái trong nhà, không chút e dè khoảng cách. Những dịp Hạnh về thăm, tuổi xế chiều của ông bà được sưởi ấm bởi sự chăm sóc chân thành của Hạnh từ chuyện nhỏ nhặt, đến ân cần quan tâm đúng mực đối với những việc lớn lao hệ trọng của gia đình. Ông cảm thấy yên lòng về đời sống tương lai của Sang, và hơn hết là trách nhiệm hương khói cho ngôi nhà thờ họ sau này. Có lần, ông Năm bộc bạch suy nghĩ đó với Sang và Hạnh, giọng nói và nụ cười mãn nguyện vô cùng.
Lúc ấy, hai đứa đã nơm nớp lo âu. Hạnh không muốn tình trạng này kéo dài mãi, nên vẫn bàn bạc thưa mọi chuyện cho ba má biết, có gì tính tiếp. Nhưng Sang hiểu ba mình, hiểu định kiến và tập tục gia đình bao đời nay, làm sao ông có thể chấp nhận cho con trai theo đạo Công giáo, và lập bàn thờ Chúa trong nhà. Chắc chắn khi đó chuyện dạm ngõ cưới xin của Sang và Hạnh sẽ không thể có được.
Nên suy đi nghĩ lại mãi, Hạnh cũng đành liều nghe lời Sang. Hạnh chỉ còn biết cầu nguyện và cầu nguyện, phó thác mọi sự cho Mẹ Maria.
***
Nặng nề căng thẳng đến hết mấy ngày sau, ông Năm mới hỏi chuyện con trai:
- Sao chuyện tày trời này mày lại gạt tao?
Sang cúi đầu ấp úng:
- Dạ con đâu dám…
- Không dám mà mày giấu tao suốt cả năm nay, đưa tao vào chuyện đã rồi. Chuyện người lớn mà mày không nghĩ tao ê mặt sao?
- Con xin lỗi ba… Con không cho ba hay trước, sợ ba không ưng con cưới Hạnh…
- Vậy giờ tao hay rồi tao ưng nó cho mày chắc?
- Con định khi ba qua thăm nhà Hạnh, thấy bên đó cũng ăn ở thờ cúng ông bà đàng hoàng, ba sẽ coi lại…
Ông Năm trầm ngâm, nghĩ Sang cũng vì bất đắc dĩ mà làm vậy, chuyện lại chưa đến nỗi nào.
- Tao đồng ý con Hạnh là đứa ngoan ngoãn, thời buổi giờ không dễ gặp đứa con gái như nó. Nhưng cả họ có mình mày, chuyện cúng kiếng sau này mày tính sao?
Sang nghe ba hỏi như mở đường, liền hớn hở:
- Dạ bên đó có khác gì mình đâu ba. Họ cũng trọng chuyện lo cho ông bà lắm ba…
- Sao lại không khác? Họ có cúng cơm không? Có gõ mõ tụng kinh cầu siêu cho tổ tiên không? Thờ phụng kiểu gì mà lạnh tanh vậy sao ông bà nào chứng?
- Dạ…
Ông Năm quay sang bà Năm:
- Ý bà tính sao?
Bữa bể chuyện bà Năm hốt hoảng vô cùng, vậy là thôi rồi, chết rồi, làm sao chúng nó cưới nhau được. Nhưng khi bình tĩnh lại, thương con trai, thương con dâu tương lai hiền lành nết na, bà cũng ráng nghĩ cho ra cách nào tốt nhất. Giờ nghe chồng hỏi, bà nói ngay:
- Tui thấy hai đứa nó quen nhau nghiêm túc đàng hoàng. Nhà bên đó ngoài chuyện đạo nghĩa khác mình, còn lại cũng không có gì chê trách. Tui tính vầy, cho tụi nó cưới nhau, nhưng đạo ai nấy giữ.
Ông Năm không trả lời vợ ngay, im lặng suy nghĩ. Nhưng Sang nghe má nói mà rầu thúi ruột. Ý đó Sang đã từng hỏi Hạnh nhiều lần, lần nào Hạnh cũng buồn bã lắc đầu. Đã là vợ chồng với nhau, sao lại có thể có đức tin và niềm trông cậy khác nhau được. Chưa kể chuyện này không dễ gì ba má Hạnh chấp nhận.
- Má mày có ý vậy, mày nghĩ sao Sang?
Sang lấy hết can đảm thưa:
- Dạ… Con thấy vợ chồng mà đạo ai nấy giữ không nên, ba à. Với lại nhà mình cũng đâu có theo đạo nào, chỉ thờ cúng hương khói cho ông bà thôi. Mà việc đó luôn là trách nhiệm và tình cảm của con, nên ba yên tâm…
Ông Năm cau mặt, nỗi tức tối lại ùa về, khiến ông lớn tiếng:
- Mày nói sao? Mày muốn theo đạo à?
- Dạ…
- Mày từ bỏ ông bà? Bỏ cha bỏ mẹ à?
Sang hoảng hốt:
- Không phải vậy đâu ba. Đạo Chúa đâu có dạy làm chuyện tầm bậy vậy ba. Con theo đạo, vì con muốn có một niềm tin, một chỗ dựa, chứ không chỉ để cưới vợ. Theo đạo, con càng kính nhớ ông bà nhiều hơn, càng hiếu thảo hơn, chứ không đời nào tệ hơn đâu ba…
Ông Năm ngắt lời, đứng phắt dậy, quát:
- Mày biết cái gì mà nói. Tao cho thời gian để mày suy nghĩ. Mày đồng ý đạo ai nấy giữ thì tao qua nhà bên đó nói chuyện với người ta. Còn không thì dẹp, mày muốn làm gì thì làm.
***
Mấy ngày sau, cơn nóng giận tức tối cũng nguôi ngoai phần nào, ông Năm cảm thấy hình như đã áp đặt con quá mà chưa nghe cho hết ngọn ngành. Là nhà giáo, ông dạy con nghiêm khắc nhưng cũng luôn tôn trọng suy nghĩ của con. Từ khi khôn lớn, Sang cũng chưa làm ông bà phiền lòng điều gì. Nghĩ vậy, ông đâm ra áy náy.
Nhưng dứt khoát ông không thể chiều ý Sang được. Từ nhỏ, nghe ông nội và cha mình kể chuyện, ông Năm đã ghim chặt trong đầu một suy nghĩ, người Công giáo không được thờ cúng ông bà. Không lập bàn thờ. Thắp nhang vái lạy tổ tiên cũng không. Ông không cho họ xấu, nhưng luôn ác cảm. Ở đời, đạo hiếu chẳng có thì còn theo đạo nào được nữa.
Sực nhớ bữa qua nhà Hạnh, ông thấy bàn thờ gia tiên trang nghiêm, nề nếp, chẳng khác gì ở nhà mình. Ông ngạc nhiên, chẳng lẽ từ xưa tới giờ ông đã hiểu sai.
“Người Công giáo chúng tôi cũng rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, có thể hình thức khác, nhưng chắc chắn không thua kém đạo nào”. Lời giải thích của ba Hạnh hôm dạm ngõ giờ mới khiến ông lưu tâm. Ông thấy tiếc vì lúc đó do quá sốc, nên đã không bình tĩnh hỏi rõ bên ấy thờ cúng ông bà ra sao, những lời đồn đại xưa nay về đạo Chúa có như ông từng nghe.
Hay tối nay ông hỏi thằng Sang xem sao? Ông nhủ thầm.
Nhưng không được, thằng Sang sẽ hiểu ông đang nhường nó, nó sẽ không nghe theo ông nữa.
Ông đứng dậy, bước ra vườn, tới phần mộ của cha ông. Ông muốn làm gì đó để cố gạt hết những cắn rứt khó chịu trong lòng.
Vừa cặm cụi nhổ mấy cọng cỏ đang lún phún mọc qua kẽ nứt ven chân mộ, ông vừa lẩm bẩm, kiểu gì thì kiểu, thằng Sang cũng không được theo đạo!
***
Gần tới ngày giỗ cha, ông Năm ốm nặng, phải vào bệnh viện.
Suốt một tuần lễ, Sang và Hạnh chạy đôn chạy đáo, vừa lo công việc cơ quan, coi ngó nhà cửa, vừa chăm sóc ông.
Bà Năm chặc lưỡi:
- Con Hạnh lo cho ông mà thấy thương. Cơm bưng nước rót. Thức đêm thức hôm. Tất bật suốt.
Ông Năm thở dài:
- Chỉ khổ cái vụ đạo nghĩa…
- Hay đợt này ông khoẻ rồi mình coi kỹ lại xem, biết đâu không như xưa nay mình nghĩ.
Ông lặng im, nửa như đồng tình, nửa còn ngần ngại, rồi lảng qua chuyện khác:
- Mấy hôm nữa giỗ ba rồi. Mai tui xin về. Nằm đây sốt ruột quá.
Bà Năm cau mày:
- Con nó nói ông cứ yên tâm dưỡng bệnh đi, chuyện ông bà để tụi nó lo.
Nhưng sao ông yên tâm được. Chiều hôm sau ông về, chẳng ai cản nổi.
Vừa bước vào nhà, ông thấy ngay bàn thờ gia tiên đã được bài trí đầy đủ. Mâm trái cây tươi tắn, bình hoa trắng ngát thơm. Ông nhìn Hạnh đang lui cui thu xếp đồ đạc với ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn hài lòng.
Nghỉ ngơi một lát, ông ra vườn thăm mộ. Mấy hàng mộ chí ông bà đã được dọn dẹp sạch sẽ, tinh tươm. Ông giật mình thấy trên mỗi ngôi mộ đều có hai ngọn nến ly đang cháy lung linh trong bầu trời chiều. Ngày mốt mới tới giỗ ông nội thằng Sang, sao hôm nay trang hoàng thế này. Mà không chỉ riêng mộ ba ông, tất cả các ngôi mộ đều vậy.
Ông quay lại nhìn hai đứa, như hỏi lý do. Hạnh khẽ giải thích:
- Dạ… ngày giỗ ông trùng với tháng linh hồn, nên tụi con dọn dẹp để kính nhớ tổ tiên luôn…
Ông Năm nhíu mày:
- Tháng linh hồn? Là sao?
- Dạ… Bên đạo con, tháng mười một là tháng linh hồn, cầu nguyện cho tổ tiên ông bà đã mất…
Sang tiếp lời:
- Hôm nay bên Hạnh đi lễ đọc kinh ngoài nghĩa trang đó ba. Tụi con thấy ông bà mình nằm đây lạnh lẽo, nên tụi con thắp nến cho ông bà vui.
Ông Năm thắc mắc hơn:
- Vậy còn ngày giỗ chạp cuối năm thì sao?
- Dạ, bên con cũng như mọi người Việt mình thôi bác. Con cháu về thăm viếng tảo mộ ông bà, cùng đọc kinh cầu nguyện cho ông bà được hưởng phúc trên nước Trời.
- Thế còn mấy ngày Tết?
- Mấy ngày Tết bày biện bàn thờ kính nhớ ông bà. Đặc biệt mùng hai dành để cầu nguyện cho tổ tiên, cả giáo xứ ra nghĩa trang làm lễ đó bác.
Ông Năm hiểu ra. Bao lời đồn đại xưa nay khiến ông hiểu sai. Giờ ông mới thông suốt sáng tỏ mọi chuyện, như vừa được mở tấm khăn đen bịt mắt suốt hàng chục năm nay, như thoát khỏi màn sương mù mụ mị trong suy nghĩ. Từ sau buổi dạm ngõ đổ vỡ bên nhà Hạnh, nay ông mới tìm lại được cảm giác yên lòng về tương lai của hai con, và hơn hết là trách nhiệm hương khói tổ tiên, cho ngôi nhà thờ họ sau này. Yên lòng thực sự.
Ông thinh lặng ngắm nhìn những hàng nến thắp lung linh đang dìu dặt toả ánh sáng vàng ấm áp một lúc lâu nữa, mỉm cười mãn nguyện, rồi nhẹ chân bước vào nhà.
Sau lưng ông, bóng chiều đang dần xuống, êm đềm…