Còn nhiều thứ để cho

Văn thơ Công giáo
Gioakim Nguyễn vũ Hồng kha
-Trích tập “Người gieo hạt”-
Dãy phòng trọ vắng tanh. Chút ánh sáng lờ mờ hắt vào hành lang âm u. Mọi người ở đây đã về nghỉ Tết. Chợt tiếng công tắc đèn bật nảy lên, vẫn còn người ở lại. Tết này Nhật không về, và đó là lý do tại sao tôi có mặt ở đây lúc này, đêm 29 Tết.
Tôi gõ cửa, anh ra mở cửa, trên tay vẫn còn cầm đôi đũa nấu ăn:
- Cậu tới rồi à! Chờ tôi chút!
Mời khách vào nhà xong anh lại lúi húi chuẩn bị đồ nhấm.  Xiên thịt nướng nhỏ nước xuống bếp than hồng kêu xèo xèo, bay mùi thơm phức. Bụng tôi đói cồn cào, vừa tan ca trực thì anh gọi, có kịp ăn uống gì đâu. Tôi nhìn qua phía khác để đánh lạc hướng cái dạ dày đang réo ùng ục. Chợt tôi thấy trên tường có một cây Thánh Giá, bên dưới là câu Lời Chúa:“Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv, 20, 35). Thấy lạ, tôi đứng lên xem thì phát hiện ra dưới câu Lời Chúa còn có một dòng chữ nghệch ngoạc, chắc là chữ của anh: “Lạy Chúa, con có gì để cho?”. Tò mò, tôi buột miệng hỏi:
- Anh theo đạo Công giáo à?

- Ừ! Từ nhỏ.
- Anh vẫn hay bố thí người nghèo sao lại không có gì để cho?
Anh bỏ xiên thịt ra đĩa, quay sang phía tôi, thấy tôi đang đọc câu lời Chúa, anh cười chua chát:
- Tiền bạc không phải là thứ để cho…
Tôi không hiểu nhưng thôi, có hiểu cũng chẳng làm gì, không khéo thành kẻ nhiều chuyện. Đồ nhậu anh đã chuẩn bị xong, anh dọn ra mâm, một đĩa nem chua, ba xiên thịt nướng, vài con mực khô, vậy là thịnh soạn rồi. Anh khui bia, mời tôi:
- Lâu rồi mới nhậu với cậu, lâu nay sao rồi?
- Tôi vẫn như vậy, người ta đau ốm không chừa ngày, công việc của tôi không lúc nào được nghỉ!
- Thế Tết này cậu có trực bệnh viện không, qua lai rai với tôi vài lon?
Tôi đưa lon bia lên miệng, đánh ực một hơi, mùi men sộc lên mũi rần rần:
- Chắc hẹn anh khi khác, Tết nay tôi trực rồi… Mà sao nay anh về muộn vậy?
- Tôi chờ lão ăn mày!- Anh vừa nhai vừa đáp.
- Lão ăn mày nào?
- Lão ăn mày trước cổng nhà thờ.
Tôi lục lại bộ nhớ, hình như trong đó chả có lão ăn mày nào cả. Tôi hỏi anh:
- Tôi có biết lão không?
- Thôi bỏ đi, hôm nay tôi đang vui, đừng nhắc mấy chuyện đó… Uống đi…Uống mừng vì không thấy lão ăn mày!
Hai lon bia chạm nhau, đánh cốp. Anh trước giờ vẫn vậy, nhiều việc anh làm chỉ anh mới hiểu. Ví như việc ba năm nay anh chưa một lần về Tết. Có lần đi nhậu tôi hỏi anh:
- Sao Tết anh không về?
- Tôi không dám về. Tôi sợ…- Anh chậm rãi trả lời.
- Trộm cắp lúc nào cũng có, anh giữ đồ cẩn thận hơn là được, sợ gì…
- Không phải. Tôi là thằng hèn. Thằng hèn khốn nạn! - Anh nói như chửi vào mặt mình.
- Anh nói sao tôi không hiểu? Anh ăn ngay ở thẳng, ai dám nói anh hèn?
Trong hơi men ngà ngà, anh ngậm ngùi kể:
Cách đây ba năm anh yêu một cô gái, hai người quyết định đến với nhau nhưng cha mẹ hai bên không đồng ý. Gia đình cô là cán bộ, họ không muốn con mình theo đạo, còn ba mẹ anh là người nghiêm khắc, không chấp nhận một đứa con dâu ngoại đạo. Khi anh ngỏ ý muốn xin được làm phép chuẩn cho đạo ai nấy giữ, ba anh tức giận quát:
- Nếu mày lấy nó thì cút cho khuất mắt tao!
Anh rơi vào tình huống khó xử, anh không muốn mất cô nhưng anh cũng không muốn trái ý cha mẹ. Trong khi anh còn phân vân chưa biết phải làm gì thì cô đã ra đi mãi mãi…trong một tai nạn bất ngờ. Anh đau đớn tột cùng, dường như mất hết lí trí anh đã bỏ nhà đi, trước lúc đi anh còn tuyên bố rằng: Khi nào tha thứ cho cha mẹ anh sẽ về.
Là một bác sĩ, tôi hiểu tâm trạng lúc đó của anh. Khi một người bị tước đoạt đi thứ mình yêu quý nhất, họ sẽ không còn đủ lý trí để suy xét đúng sai và đương nhiên họ sẽ hành động sai lầm.
- Vậy tới nay anh vẫn chưa tha thứ cho gia đình sao?
- Nhiều đêm không ngủ, tôi đã suy nghĩ lại, dù gì họ cũng là cha mẹ tôi, hơn nữa họ làm như vậy là đúng. Chỉ có Thiên Chúa là trêu chọc tôi…- Anh thở dài, mùi bia phả ra sau nụ cười méo mó.
- Vậy sao anh chưa về?
- Tôi chưa tha thứ cho mình…
- Tha thứ? Tha thứ cái gì?- Tôi ngớ người không hiểu.
- Bỏ nhà đi là bất hiếu, hơn nữa ba năm nay tôi chưa làm  nên
trò trống gì, tôi không còn mặt mũi để về!
- Cha mẹ nào cũng thương con, họ không trách anh đâu, anh về đi…
- Cậu là người thành đạt, cậu không hiểu đâu, tôi phải thành đạt, nhất định phải thành đạt để lấy lại sĩ diện và sau này còn gặp lại cô ấy nữa…
Lại là sĩ diện, tại sao người ta cứ bất chấp mọi thứ để giữ lấy cái sĩ diện hão ấy, trong khi vì nó mà ba năm nay anh chưa một lần về thăm gia đình, liệu có đáng hay không? Nhưng thôi, tôi không dám cản anh vì tôi biết tính anh cố chấp, cái gì đã quyết thì sẽ làm tới cùng, bất chấp mọi chuyện xảy ra.
Đêm 30 Tết, anh lại gọi tôi qua. Vẫn là nem chua, vẫn thịt nướng và mực khô. Anh bóc nem, chấm vào chén tương ớt sền sệt, rồi đưa vào miệng cắn sực:
- Ăn đi, đặc sản Bình Định đó.
- Sao nay anh vui vậy?
- Vẫn không thấy lão ăn mày.- Anh cười nham nhở.
- Anh hay quan tâm đến lão nhỉ? Lão là người quen anh à?
- Không quen nhưng rất quen!
Thấy tôi ngơ ngác, anh cụng lon bia đánh cốp, ngửa cổ uống một hơi, rồi từ từ nói:
- Ngày đầu tiên vào đây tôi đã thấy lão, lão gầy gò như ba tôi nhưng đôi mắt lão lại giống mẹ tôi, đôi mắt buồn bã đợi chờ điều gì đó. Mỗi khi nhắm mắt lại, tôi lại thấy lão…
- Chắc anh bị ám ảnh rồi…
- Ừ! Có lẽ vậy. Cứ thấy lão lòng tôi lại ray rứt. Lúc nào lão cũng đội cái mũ lụp xụp, miệng thì luôn lảm nhảm, vừa giống như cảm ơn những người đã bố thí cho lão, vừa như chửi rủa ai đó...
- Mấy người đó kể cũng tội, già như vậy mà không người chăm sóc, không biết con cái lão ở đâu?- Tôi thở dài đồng cảm.
- Chắc lũ con lão cũng là kẻ khốn nạn như tôi! - Anh cười mỉa, nốc cạn lon bia.
- Hình như sự mất tích của lão khiến anh vui thì phải?
- Ừ! Tôi thấy như trút được gánhnặng, bớt ray rứt hơn nhưng…
- Bất an, lo lắng phải không?- Tôi tiếp lời.
- Sao cậu biết?
- Ai cũng vậy thôi, khi thiếu đi những gì quen thuộc, sẽ cảm thấy trống trải vô cùng.
Anh khui lon nữa, khuôn mặt chuyển từ nham nhở sang nghĩ ngợi:
- Ừ, cậu nói đúng. Không biết bây giờ lão ở đâu?
- Có khi lão chết rồi, mấy hôm trước tôi thấy có đám tang gần đó.
- Chết… Chết rồi… Lão chết rồi?- Anh lắp bắp.
- Già thì chết, ai mà chẳng vậy.
- Già thì chết? Chết… Chết…- Anh giật mình như tỉnh cơn mộng du. - Từ nay tôi sẽ không thấy lão nữa sao?- Anh bật dậy.
- Anh Nhật… Anh bị sao thế? Anh say rồi à, hay anh bị trúng gió?
- Tôi muốn về nhà, tôi phải về thăm ba má tôi. Tôi không muốn ba má tôi chết.- Anh nói như mếu. Khuôn mặt anh dãn ra, hình như anh đang trẻ lại như đứa trẻ vừa nhận được quà.
Nhìn anh, tôi nhận ra anh khồng hề say, mà ngược lại lúc này anh tỉnh hơn bao giờ hết, tỉnh lại sau bao nhiêu năm say. Anh bảo tôi:
- Tôi biết Chúa muốn tôi làm gì rồi.- Mắt anh sáng lên. - Chúa muốn tôi cho đi sự cố chấp và cái sĩ diện hão của mình. Chỉ khi nào vứt bỏ hết những điều đó tôi mới thực sự bình an và dám nhìn mặt cha mẹ mình…
Nói được những điều đó chắc anh đã bình an lắm rồi. Có lẽ anh đã tha thứ cho chính mình. Vậy là Tết nay anh sẽ về nhà, anh đã tìm được một món quà ý nghĩa. Còn tôi, tôi sẽ cho đi thứ gì?