Quên

Quang X Nguyen


Chiều hôm ấy, mấy năm rồi, tôi tỉ mỉ cắt xước mang rô cho mẹ. Cả tiếng đồng hồ sau, tôi lấy hết can đảm thủ thỉ:

– Mẹ ơi! Con lấy chồng.

Tôi chưa bao giờ thấy mẹ cười tươi đến thế:

– Hai mươi lăm tuổi đầu rồi, chứ còn bé bỏng gì? Thật lòng, mẹ mừng lắm. Mẹ chờ con nói câu ấy mấy năm nay rồi. Nhưng con lấy ai vậy? Sao không mời “người ta” đến nhà, ra mắt mẹ và ông nội?

– Mẹ có biết anh Ất con bác Giáp ngoài chợ không?

Mẹ mím môi, có vẻ suy nghĩ:

– Thằng Ất thì không, nhưng vợ chồng lão Giáp thì mẹ biết, giàu có, nhà cao, cửa rộng, nổi tiếng đại gia, chủ tiệm thuốc tây Từ Nhân ngoài chợ phải không?

Tôi gật đầu. Mẹ, mặt đỏ bừng, lắc đầu:

– Không được.

– Nhưng chúng con yêu nhau.

Cơn giận bốc lên ngùn ngụt, mẹ gào lên:

– Đã bảo không là không. Cha con mất sớm, trăm sự mẹ phải lo. Con lấy ai cũng được, bất cứ ai, miễn là không phải con cái nhà ấy. Mẹ nhắc lại, con có thể cưới bất cứ ai, dù cho đó là kẻ câm điếc đui què…


Từ nhà trong, có tiếng ghế đổ, ly vỡ gì đó. Ông nội chống nạng, khập khiễng bước ra. Ông nói với mẹ, không to tiếng, nhưng có một chút phiền muộn:

– Con muốn nói què quặt như bố cũng được chứ gì? Nhưng có gì thì cũng phải giải thích cho con nó biết chứ?

Mẹ có vẻ ngượng:

– Con xin lỗi bố. Con lỡ miệng. Vâng, bố biết rồi, chuyện như thế này.

* * *

Ông bác sĩ luống cuống:

– Thằng bé bị bệnh tả, thời kỳ toàn phát, bắt buộc phải khẩn trương bù nước điện giải sớm. Anh chị ra nhà thuốc Từ Nhân mua gấp hai chai nước và thuốc theo toa. Lẹ lên.

Anh đàn ông cắm đầu cắm cổ chạy đi. Anh trình toa thuốc, bà chủ tiệm thuốc mau mắn:

– Tétra, có. Natri cloride, có. 3 đồng 80 xu.

Anh đưa tờ giấy bạc mệnh giá 30 đồng. Bà chủ tiệm thuốc lắc đầu:

– Không có tiền thồi lại đâu. Chúng tôi chỉ nhận tiền nhỏ thôi… Cảm phiền, chú đi đổi tiền hoặc là đi chỗ khác mua vậy.

Lúc ấy, thuốc men ít ỏi. Cả nước mới đổi tiền xong, tiền đồng mệnh giá nhỏ, tiền xu cực kỳ khan hiếm. Nghe nói trên Long Xuyên, tờ tiền 10 đồng chỉ đổi được 7 hoặc 8 đồng bạc nhỏ thôi. Anh vội chạy đi. Hơn một tiếng đồng hồ, không đổi được tiền cũng không mua được thuốc, anh trở lại nhà thuốc Từ Nhân:

– Chị thương cho, con trai em bị dịch tả, cần cấp cứu, chị lấy cả 30 đồng cũng được.

Có tiếng chuông nhà thờ ban chiều vọng lại, chắc không xa lắm.

– Chú coi tôi là hạng người nào? 3 đồng 8, lấy 30 đồng, lỗi đức công bằng, trái phép đạo dậy. Chuông nhất rồi, cảm phiền chú đi cho, tôi đóng cửa ăn cơm tối, nhà còn phải đi lễ.

Cánh cửa sắt đóng sầm lại, đóng luôn cả cửa sống của con anh. Anh vội vã trở lại bệnh viện. Chỉ mới chưa đầy hai tiếng đồng hồ thôi, mắt thằng bé trũng sâu, lõm xuống, tay chân lạnh ngắt, đầu ngón tay nhăn nhúm teo tóp lại, nó thều thào, ú ớ nói không thành tiếng. Anh chỉ còn kịp nhìn nó co rúm người lại, vật vã, thở hổn hển, lịm đi, rồi chết.

Anh vừa dìu vợ đã lả người đi, vừa bồng xác đứa con xuống bến đò. Đi qua nhà thuốc Từ Nhân, anh nhổ toẹt một bãi nước bọt:

– Từ nhân gì? Ác nhân hay bất nhân thì có. Sát nhân mới đúng.

* * *

Mẹ lau nước mắt nhìn tôi:

– Con có một người anh trai, hơn con năm tuổi. Anh con đã chết như vậy đó.

Ông nội trầm ngâm:

– Thời buổi nó thế. Nhưng ở đời, có những điều không thể quên, có những điều nên quên, có những điều phải quên. Con có muốn nghe chuyện què chân của bố không?

* * *

Chị Nhiêu van vái:

– Lạy cụ Lý! Rước cụ lên giường ngồi, rồi con mới dám thân thưa ạ!

Cụ Lý mân mê hàng ria mép cá chốt, rồi lên chiếc chõng tre, ngồi chễm chệ:

– Được, xem chuyện gì nào.

– Không giấu gì cụ, thằng Tũn nhà con đã mười ba tuổi đầu, được nhờ rồi, nhưng vợ chồng con mới sinh thêm con Hĩm, xét mình không nuôi nổi nữa. Cúi xin cụ rủ lòng thương.

Cụ Lý đang cần một thằng ở để chăn trâu, điếu đóm. Nhưng cụ giả vờ:

– Lại thêm một miệng ăn, giữa lúc khó khăn…

– Con cắn cỏ lạy cụ…

– Thôi, cũng được, tao nhận cho. Nhưng tao nói trước, không được thì thôi ngay. Cái ăn thì con ăn kẻ ở ăn thế nào, nó ăn thế ấy. Cái mặc thì mỗi năm hai bộ quần áo vải dường bâu. Cấm mắt trước mắt sau, táy máy ăn cắp ăn trộm. Cấm nghỉ giữa chừng. Công việc thì nhẹ thôi: ngày, chăn trâu; tối, có việc gì lặt vặt thì làm…

Chị Nhiêu quỳ sụp xuống đất:

– Đội ơn cụ cho thằng bé nhà con được ăn mày miếng cơm manh áo nhà cụ. Đội ơn cụ cải tử hoàn sinh cho cháu, vợ chồng con xin kết cỏ ngậm vành…

Thế là thằng Tũn được đi ở, chăn trâu cho cụ Lý. Ông nhạc sĩ Phạm Duy viết bài Em Bé Quê: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…” là ông viết tào lao, “ấm ớ hội Tề”, là lừa dối “giai cấp mục đồng” và lừa dối chính ông, là không biết gì về sự cực khổ, nhục nhằn của trẻ chăn trâu. Suốt ngày phơi người giữa trời bất kể nắng mưa. Chỉ vài vết chân trâu trong ruộng lúa của người, của nhà đến tai cụ Lý, đều được một trận đòn. Chưa kể những trận đánh nhau chí chóe, giành bãi cỏ với đám chăn trâu thôn khác. Tối về, chỉ cần hai lõm bên hai bạng con trâu không căng, cũng một trận đòn. Ấy là “thương cho roi cho vọt” đấy, còn không thương thì không biết thế nào.

Một buổi chiều đông rét căm căm, thằng Tũn dắt trâu vào chuồng, đóng cửa cài then lại. Nó vội vội vàng vàng đem bữa ăn của nó gồm nửa vắt cơm nắm, chút muối vừng, về cái ổ rơm trong chuồng trấu. Tấm thân gầy guộc của nó vừa làm ấm cái ổ rơm thì cụ Lý xuống tới, tỏ ra rất mực xót thương:

– Trời rét lắm phải không? Đi xay thóc đi, chỉ một cối thôi là người ấm ngay.

Trời lạnh cắt da, thế mà xay xong cối thóc, người thằng Tũn đổ mồ hôi hột. Nửa vắt cơm nắm chỉ cho nó đủ sức xay cối thóc kia thôi. Nó cảm thấy đói cồn cào. Chị Mẹo, người ở của cụ Lý đem mẻ thóc vừa xay đi sàng. Thằng Tũn quét quáy cối xay được dễ thường có đến một bụm thóc lửng. Không chống lại được cơn cám dỗ, nó bỏ vào cái mảnh nồi đất vỡ rang lên. Nó đang mường tượng sẽ được cắn chắt những hạt thóc rang thơm tho kia thì cụ Lý lù lù hiện ra:

– Biết ngay mà, mùi thóc rang xông lên đến nhà trên. Tũn! Mày đang làm gì vậy?

Nó lắp bắp:

– Con… Con… có làm gì đâu?

– Không làm gì à? Ăn trộm thóc, rang lên, sáng mai mang về nhà cho thằng bố mày đang ốm chứ gì?

Cụ hắt mấy hạt thóc rang còn nóng vào mặt thằng Tũn:

– Bay đâu. Trói thằng ăn cắp vào cót thóc cho tao.

Đêm ấy, thằng Tũn bị một trận đòn chí tử bằng đòn gánh. Nó bị đánh gãy chân. Sáng hôm sau, chị Nhiêu được gọi tới, cõng con về. Thằng Tũn bị lột hết quần áo, trần truồng, da thịt tím bầm, quặt quẹo trên lưng mẹ. Nó khóc, mẹ nó cũng khóc.

* * *

Ông nội buồn hiu hắt, nói với mẹ:

– Bố đã rắp tâm “Sống để bụng, chết đem đi”, nhưng đã đến nước này… Con biết thằng Tũn là ai không? Là bố đó. Còn cụ Lý là ông nội của con đó. Vì một nắm thóc lửng, ông nội con đánh bố què chân, tàn tật suốt đời. Rồi sau đó, cải cách ruộng đất, rồi di cư 1954, vật đổi sao dời, con là con dâu của bố, con thấy có khi nào bố có chút gì oán hận, đối xử không nên không phải với con không?

Rồi ông cười buồn:

– Chịu ơn thì không thể quên, làm ơn thì nên quên, oán thù thì phải quên. Bố nói vậy, con nghe có lọt tai không?

Mẹ im bặt một lúc lâu, nước mắt chảy dài trên hai gò má. Mẹ ôm tôi vào lòng:

– Mẹ cho phép đó. Con mời anh Ất ngày mai đến chơi, ăn cơm trưa với nhà mình.

Tôi mừng quýnh, mừng đến rơi nước mắt. Có phải mẹ đã quên điều phải quên không?